Consumer Reports, “người vay tiền cẩn thận với lệ
phí”. Trần Phương Minh
Ai cũng hiểu là không nhà kinh doanh nào làm “không công” cái
gì cho người khác mà tồn tại được ngày này sang ngày khác. Bất
cứ loại dịch vụ nào cũng vậy, người ta dựa vào các khoản lệ phí,
tiền công để tiếp tục phục vụ mọi người. Nhất là trong lĩnh vực
tài chính, nó chồng đống lên nhau nhiều thứ lệ phí bất cứ người
nộp đơn vay tiền nào cũng cảm thấy “chóng mặt”.
Tại Mỹ, Anh và một số nước châu Âu khác, đại đa số những
người vay tiền để mua nhà hoặc tái tài trợ lại món nợ trên căn
nhà đều không hiểu rõ lắm về các khoản lệ phí ghi trên bản ước
lượng phí tổn của vụ vay nợ. Hầu hết đều “nghe giải thích làm
sao biết làm vậy” chứ thật tình các loại lệ phí đó có chính đáng
không thì hoàn toàn mù tịt.
Ðối với một cá nhân, chi phí cho một lần vay nợ mua nhà trên
dưới 3.000 USD nếu có “bị móc túi” thêm do người đại diện nhà
tài trợ “hơi tham lam” thì cũng chỉ từ vài chục tới một hai trăm
ngay khi xong thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên, theo một bản phúc
trình của tạp chí Consumer Reports (CR) mới đây, các công ty
và các doanh nhân cả nước Mỹ đã chi ra đến 216 tỷ USD để trả
các loại lệ phí cho tất cả các loại dịch vụ tài chính, thì đây lại là
con số khổng lồ cần phải lưu ý.
Một điều làm cho giới tiêu thụ “không biết thế nào mà lần” và
“nhà tài trợ hay ngân hàng nào lương thiện hơn?” Vì đọc trên các
quảng cáo báo chí hoặc truyền thanh truyền hình, người ta thấy
thật hấp dẫn. Chẳng hạn: Tất cả mọi thứ lệ phí chỉ tối đa là 395
USD. Hoặc là: Không tính tiền lấy bản tiểu sử tín dụng (credit
report), không tốn tiền giám định trị giá nhà (appraisal report)
v.v...
Không có ai “làm chùa” cái gì cho ai cả, nhất là trong lĩnh vực
dịch vụ tài chính. Chuyên viên giám định trị giá bất động sản
phải được trả công, đây là điều chắc chắn. Công ty cung cấp bản
tiểu sử tín dụng phải được trả tiền, đây cũng là điều chắc chắn.
Và nhiều thứ lệ phí khác cũng phải trả tiền mới có người làm hầu
hoàn tất mọi thủ tục cho một hồ sơ vay nợ.
Tuy nhiên, nên nhớ điều này. Trong lãnh vực dịch vụ địa ốc và
tài trợ địa ốc, theo luật, bất cứ lệ phí của dịch vụ nào cũng “điều
đình” được (negotiable). Bởi vậy, lệ phí của các công ty tài trợ
và ngân hàng tài trợ cũng có thể nhiều ít khác nhau, tùy theo sự
hiểu biết và điều đình của khách hàng.
Theo tìm hiểu của tạp chí CR, một trong những thứ đẩy số tiền
chi phí vay nợ lên cao là “Yield Spread Premiums” (YSPs). Ðây
là số tiền hoa hồng (ngoài tiền points, mà các doanh nhân hay
quen tới cụm từ “chấm” thí dụ “một chấm” hay “hai chấm” tức
là lệ phí 1% hay 2% phải trả cho công ty tài trợ trên số tiền xin
vay, chưa kể các loại lệ phí khác) phụ trội bên ngoài “points” mà
công ty tài trợ trả cho các công ty môi giới tài trợ (mortgage
broker). Số tiền này, một văn phòng môi giới tài trợ chỉ có được
khi con nợ được cho vay với lãi suất cao hơn mức thấp nhất ở
trong ngày “khóa” lãi suất. Cũng có thể, công ty tài trợ vẫn
thưởng cho văn phòng mội giới tài trợ một tỉ lệ nhỏ dù con nợ
được vay với lãi suất trong ngày, không nhất thiết phải ép được
với lãi suất cao hơn bình thường.
Số tiền này, thí dụ 0,25% hoặc 0,5% trên số tiền cho vay, nhà tài
trợ trả ngay cho văn phòng môi giới khi mọi thủ tục vay nợ hoàn
tất. Nhưng số tiền đó lại là số tiền mà nhà tài trợ lấy lại từ con nợ
cả vốn lẫn lời chia đều ra trong suốt thời kỳ trả nợ (15 năm hay
30 năm).
Đúng ra, cái khoản YSPs người ta không nhìn thấy nó trên các tờ
ước tính phí tổn cho tới khi con nợ được đọc các tờ giấy cuối
cùng một hai ngày trước khi nhìn thấy hợp đồng vay nợ và chuẩn
bị ký tên.
“Loại phí tổn đó đã không được thông báo rõ ràng đến giới tiêu
thụ, nên đã có nhiều vụ kiện xảy ra. Nhiều cuộc điều trần ở Quốc
hội cũng đã cho thấy các ngân hàng hay công ty tài trợ đã trả tiền
cho các văn phòng môi giới tài trợ để những người này cho vay
với lãi suất cao hơn. Lãi suất càng cao hơn bình thường, văn
phòng môi giới tài trợ được thưởng công (rebate) nhiều hơn”.
CR cũng cho biết thêm văn phòng môi giới tài trợ, ngân hàng
hoặc các công ty tài trợ lấy tiền từ khách hàng để trả cho các
công ty cung cấp dịch vụ liên hệ, thí dụ công ty cung cấp bản
tiểu sử tín dụng, công ty giám định trị giá bất động sản, công ty
giám định hiện trạng căn nhà (home inspection) v.v... Nhưng rất
nhiều trường hợp, số tiền đó thường bị “đội” lên thêm một nấc
để văn phòng môi giới hay nhà tài trợ kiếm ăn thêm. Thí dụ, tiền
cung cấp bản tiểu sử tín dụng khách hàng phải trả là 50 USD
nhưng công ty cung cấp bản tiểu sử tín dụng chỉ được hưởng trên
dưới 30 USD. Cũng vậy, một bản báo cáo giám định trị giá nhà
(appraisal report) khách hàng phải trả 300 USD nhưng công ty
làm việc này chỉ nhận được $250, thí dụ như vậy.
Ðây là một số chi phí làm cho tốn phí vay nợ đội lên cao hơn là
tốn phí thật của nó.
Tạp chí CR than phiền rằng bản “Good Faith Estimate” (Bản ước
tính phí tổn vay nợ trung thực - tạm dịch) mà giới tiêu thụ được
trao cho khi điền đơn xin vay tiền, không cho người ta biết rõ
ràng về các khoản lệ phí vay nợ. Bởi vì khi cộng cái khoản YSPs
vào các loại chi phí khác vào ngày ký giấy nợ hoặc chỉ một hai
ngày trước đó con nợ mới được cho biết thì vừa không công
bằng vừa đẩy phí tổn vay nợ lên thêm mấy nghìn USD nữa.
Theo tạp chí CR, trong phần lớn các trường hợp, người ta có thể
đòi hỏi chứng minh cho các loại lệ phí trên tờ tổng kết mọi
khoản tiền trong vụ vay nợ (Closing Statement). Người ta có thể
điều đình để loại bỏ các loại phí tổn thấy phi lý và không được
biết từ trước. Nếu người xin vay nợ có thể đòi hỏi để nhìn thấy tờ
“Closing Statement” nhiều ngày trước khi ký giấy nợ thì càng có
lợi hơn vì có cơ hội tìm hiểu và nghe giải thích.
Người ta có quyền không ký hồ sơ vay nợ nếu thấy có những
loại lệ phí vô lý trên đó. Tuy nhiên, hành động này hợp lý về
phương diện vay tiền, nhưng lại có các hệ quả đối với bản hợp
đồng mua nhà và các rắc rối dẫn đến kiện tụng.
(Tổng hợp theo Business2.0)