Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Tài liệu Giản Định Đế doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (91.03 KB, 3 trang )

Giản Định Đế
Giản Định Đế (mất năm 1409), tên thật Trần Ngỗi là vua nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam, người quê
làng Tức Mặc, huyện Mi Lộc, tỉnh Nam Định, Việt Nam. Có tài liệu phiên âm tên ông là Quỹ.
Tái lập nhà Trần
Trần Ngỗi là con thứ của vua Trần Nghệ Tông, có hiệu là Giản Định vương. Nhà Hồ đổi phong ông là Nhật
Nam quận vương. Năm 1407, quân Minh đánh bại nhà Hồ, Trương Phụ treo bảng tìm con cháu nhà Trần để
giúp nhưng thực ra là để giết hại nên không ai dám ra.
Trần Ngỗi lẩn trốn về Mô Đô (Ninh Bình), gặp Trần Triệu Cơ đang tụ tập lực lượng chống Minh nên lập
làm chủ. Tháng 11 năm 1407, Trần Ngỗi xưng làm hoàng đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh, tức là Giản
Định đế.
Ngày đầu gian truân
Quân Hậu Trần mới họp, bị quân Minh đánh bại phải chạy vào Nghệ An. Các hào kiệt nghe tin vua Trần
tới Nghệ An liền tới theo khá đông. Đặng Tất ở Hoá châu giết quan lại nhà Minh mang quân ra theo,
Nguyễn Cảnh Chân cũng là tướng nhà Hồ và nhiều tướng thuộc lực lượng của Trần Nguyệt Hồ, người vừa
bị quân Minh đánh bại ở Đông Triều cũng mang quân đến họp, Thế quân Hậu Trần mạnh lên. Trần Giản
Định đế phong Đặng Tất làm quốc công, Nguyễn Cảnh Chân làm Đồng Tri khu mật tham mưu quân sự.
Trần Ngỗi lấy con gái Đặng Tất làm vợ.
Đầu năm 1408, theo kiến nghị của Đặng Tất, Giản Định đế điều quân đánh Nghệ An và Diễn Châu, tiêu
diệt lực lượng của hai quý tộc nhà Trần cũ là Trần Thúc Dao và Trần Nhật Chiêu theo hàng quân Minh trấn
giữ.
Trương Phụ cùng tướng người Việt là Mạc Thuý (tổ 4 đời của Mạc Đăng Dung) mang quân vào đánh Diễn
châu. Quân Hậu Trần ít không chống nổi, rút vào Hoá châu. Khi Trương Phụ đuổi đến cửa sông Gianh,
Phạm Thế Căng ra hàng, được Phụ cho làm Tri phủ Tân Bình. Coi như đã dẹp xong Giao Chỉ, Phụ rút về
Đông Quan (Hà Nội) rồi mang đại quân về nước.
Bắc tiến thắng lợi
Tháng 5 năm 1408, Giản Định đế từ Hoá châu ra đánh chiếm lại Nghệ An. Tân Bình vẫn do Phạm Thế
Căng chiếm giữ. Thế Căng cậy quyền hống hách, tự xưng là Duệ Vũ đại vương. Tháng 7 năm 1408, Giản
Định đế sai Đặng Tất mang quân vào đánh Tân Bình, phá tan quân Thế Căng ở cửa Nhật Lệ, bắt giết Căng
và cháu là Đống Cao. Quân Hậu Trần làm chủ từ Nghệ An tới Thuận Hoá.
Giản Định đế lệnh cho Đặng Tất tiến quân ra bắc. Đặng Tất huy động quân 5 lộ từ Thanh Hoá đến Thuận
Hoá, tiến ra đến Trường Yên (Nam Định) thì hào kiệt và quan lại đi theo rất đông. Quân Hậu Trần chia


đường đánh đồn Bình Than, cửa Hàm Tử, chặn đường qua lại ở Tam Giang và đánh phá ngoại vi Đông
Quan.
Minh Thành Tổ sai Mộc Thạnh, Lưu Tuấn mang 4 vạn quân sang tiếp viện. Thạnh họp với Lữ Nghị ở
Đông Quan, tập trung ở bến Bô Cô (Nam Định). Nhân lúc nước thuỷ triều lên cao, gió lớn, quân Hậu Trần
đóng cọc ở sông và đắp luỹ hai bên bờ chống cự với hai cánh quân thuỷ bộ của địch. Ngày 30 tháng 12
năm 1408, Giản Định đế đích thân gõ trống động viên quân sĩ và giao quyền chỉ huy cho Đặng Tất. Quân
Hậu Trần đánh với quân Minh một trận oanh liệt, giết chết thượng thư bộ binh Lưu Tuấn, đô đốc Lữ Nghị,
tham chính ty bố Giao Chỉ là Lưu Dục, đô chỉ huy sứ Liễu Tông và phá 10 vạn quân Minh. Mộc Thạnh dẫn
tàn quân chạy vào thành Cổ Lộng.
Tự cắt chân tay
Giản Định đế muốn thừa cơ đánh ngay vào lấy Đông Quan, nhưng Đặng Tất lại chủ trương đánh xong số
quân địch còn sót lại rồi mới tiến. Vua tôi bàn mãi chưa quyết định được, viện binh quân Minh ở Đông
Quan đã tiếp ứng cho Mộc Thạnh chạy về cố thủ Đông Quan. Đặng Tất chia quân vây các thành và gửi
hịch đi các lộ kêu gọi hưởng ứng đánh quân Minh.
Do bất đồng về sách lược, Giản Định đế không bằng lòng với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Nghe theo
lời gièm pha, Giản Định đế sợ uy tín của hai người quá cao, lại nghi ngờ hai tướng “có ý khác” vì hai người
từng làm quan cho nhà Hồ và từng hàng quân Minh.
Tháng 3 năm 1409, Giản Định đế đóng quân bên bờ sông Hoàng Giang, sai triệu hai tướng đến rồi sai võ sĩ
bóp cổ giết chết Đặng Tất. Nguyễn Cảnh Chân sợ hãi bỏ chạy lên bờ cũng bị đuổi theo chém chết.
Thái thượng hoàng bất đắc dĩ
Hai người con hai tướng là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bất bình vì cha bị giết oan, bỏ đi lập Trần Quý
Khoáng làm vua, tức là Trùng Quang Đế. Giản Định đế đang giữ thành Ngự Thiên (Thái Bình) chống quân
Minh thì tướng của Trùng Quang đế là Nguyễn Suý đánh úp bắt ông mang về.
Ngày 4 tháng 7 âm lịch năm 1409, mẹ ông cùng các tướng Lê Tiệt, Lê Nguyên Đỉnh ngầm khởi binh ở
sông Hát để đánh úp Trùng Quang đế, giành lại quyền hành cho ông nhưng bị Nguyễn Trạo tiết lộ. Trùng
Quang đế bèn bắt giết Tiệt và Đỉnh. Ngày 20 tháng 4, Nguyễn Suý rước ông về với Trùng Quang đế. Trùng
Quang đế tôn ông lên ngôi thái thượng hoàng.
Tháng 7 năm 1409, thượng hoàng và vua Trùng Quang chia quân hai đường đánh quân Minh. Thượng
hoàng Trần Ngỗi đóng ở Hạ Hồng (Ninh Giang), Trùng Quang đế đóng ở Bình Than. Quân Minh cố thủ
không dám ra đánh.

Trương Phụ mang quân tới tiếp viện. Trần Ngỗi bỏ thuyền lên bờ, chạy về trấn Thiên Quan. Trùng Quang
đế ngờ thượng hoàng có ý tách lực lượng riêng nên sai Nguyễn Suý đuổi theo nhưng không kịp. Trương
Phụ mang quân đuổi theo bắt được Trần Ngỗi và thái bảo Trần Hy Cát, sai giải về Kim Lăng (Trung Quốc)
và sát hại.
Giản Định đế làm vua được hơn 1 năm (1407 – 1409), làm thái thượng hoàng được 4 tháng thì bị
giết, không rõ bao nhiêu tuổi.
Nhận định
Đại Việt Sử ký Toàn thư nhận định về Trần Ngỗi như sau: Vua không có tài dẹp loạn, lại giết bỏ người giúp
mình, tự chuốc lấy diệt vong, chẳng phải vì không may.
Đời sau còn bàn luận nhiều về việc bất đồng chiến thuật giữa vua Giản Định và Đặng Tất, một trong những
nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của nhà Hậu Trần. Trần Ngỗi muốn đánh thần tốc trong khi Đặng Tất chủ
trương đánh từng bước. (xem thêm bài Đặng Tất)
Đông Quan là đô thành cũ của nhà Lý, nhà Trần, nơi gợi lại quá khứ chống phương bắc hiển hách. Đánh
được nơi đó có thể kêu gọi dân trong nước đồng loạt hưởng ứng để tăng uy thế. Thực tế từ khởi nghĩa Lam
Sơn sau này đã chứng minh điều ngược lại: không nhất thiết phải chiếm cho được Đông Quan vẫn có thể
giành thắng lợi sau cùng. Tuy nhiên, tuỳ hoàn cảnh và thời cơ, việc quân sự có thể vận dụng khác nhau.
Hoàn cảnh của Trần Ngỗi và Lê Lợi sau này không giống nhau. Lê Lợi khởi binh trong hoàn cảnh khó khăn
hơn Trần Ngỗi nhiều, khi bộ máy cai trị của nhà Minh đã "vào guồng" trong thời gian nhất định. Tư tưởng
"chống đối" của người Việt mới bị lắng xuống sau khi nhiều lực lượng chống Minh của nhà Hậu Trần và
các nơi khác bất thành. Do đó quân Lam Sơn bị khốn đốn trong thời gian đầu và mất khá nhiều năm để phát
triển lực lượng đủ lớn mạnh có thể đương đầu được với quân Minh.
Nhà Hậu Trần thành lập ở thời điểm nhà Hồ vừa mất, có thể tận dụng, thừa hưởng "thế nước" và "nhân
tâm" của nhà Hồ và thậm chí chính nhà Trần trước đây để lại. Trần Ngỗi lên ngôi chỉ vài tháng sau khi cha
con họ Hồ bị bắt. Người nắm danh hiệu "cầm trịch" trong nước nói chung không bị gián đoạn, khi đó nhà
Minh chưa thể đặt bộ máy cai trị thành hệ thống như Hoàng Phúc, Trương Phụ đã làm sau khi dẹp xong
nhà Hậu Trần. Do đó Trần Ngỗi có cơ sở để tin vào sự phục hồi nhanh chóng của "một nước chưa mất
hẳn", vì từ khi quân Minh tiến vào xâm lược lần đầu (cuối năm 1406) đến trận Bô Cô chỉ có 2 năm.
Đời sau có thể bàn luận vua Giản Định có lý hay Đặng Tất có lý nhưng tựu chung, cơ nghiệp của Trần
Ngỗi chưa đến mức suy bại nhanh đến thế nếu ông không sát hại Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân làm chia
rẽ lực lượng. Còn một điều chắc chắn nữa là dù quân Hậu Trần có chiếm được Đông Quan hay không thì sẽ

vẫn phải đối phó với nhiều đạo viện binh khác của nhà Minh, trải qua nhiều trận chiến gian khổ nữa trong
nhiều năm tiếp theo như quân Lam Sơn sau này (từ khi Lê Lợi đánh ra Bắc bộ phải đối phó 4 đạo viện
binh) mới có thể có thắng lợi cuối cùng.
Xét riêng về mặt chính trị, hành động vội vã sát hại hai tướng tài Đặng, Nguyễn lúc chiến sự còn đang gay
go cho thấy Trần Ngỗi không có “tài cầm tướng” như Lưu Bang và Lê Lợi và do đó không thể coi ông là
một vị vua giỏi về quyền thuật.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

×