Nhất vui là Hội Chùa Thầy
Không tổ chức hội linh đình, quy mô như những năm
trước, nhưng đến với hội chùa Thầy năm nay, dường như
mỗi người đều có thêm những cảm nhận rất mới và lạ.
Cảm nhận đó, có lẽ bắt đầu từ một không gian di tích
thoáng đãng, sạch sẽ và văn minh đem lại; cũng có thể từ
sự đồng điệu trong ý thức cộng đồng bảo tồn, phát huy
giá trị di tích danh thắng của mỗi người dân Sài Sơn đã
khiến cho du khách có sự nhìn nhận như vậy. Chùa vẫn
linh thiêng, núi vẫn huyền diệu, nhưng hôm nay vẻ đẹp
của non nước chùa Thầy còn lung linh hơn, làm vui lòng khách đến hội chùa.
Không phải đến bây giờ, “ngấp nghé” vào hội rồi thì xã Sài Sơn mới tập trung vào những
công việc chăm lo cho Hội. Ngay từ tháng 10/2004, sau chuyến đi kiểm tra của Cục Di
sản văn hóa - Bộ VHTT ở chùa Thầy, Huyện ủy, UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo
Phòng VHTT huyện, xã Sài Sơn phối hợp với nhà chùa, có phương án cụ thể chuẩn bị
cho hội chùa năm 2005. Tuy không mở hội lớn, nhưng nghi lễ vẫn được tiến hành trang
nghiêm theo phong tục cổ truyền như lễ tắm tượng, lễ cúng Phật và chạy đàn, rước kiệu,
có chương trình biểu diễn rối nước truyền thống, các hoạt động văn nghệ, giao lưu...Vì
vậy, BCĐ lễ hội chùa Thầy của huyện Quốc Oai và xã Sài Sơn đã sớm được kiện toàn và
triển khai kế hoạch từ cuối tháng hai.
Chưa năm nào, xã Sài Sơn lại tập trung chăm lo nhiều tới công tác vệ sinh môi trường,
chỉnh trang khu di tích thắng cảnh, quy hoạch hàng quán, có phương án bảo vệ an ninh
trật tự cho lễ hội và bên cạnh đó còn tiến hành tu bổ, hoàn thiện một số hạng mục công
trình có giá trị. Các sư trụ trì trong chùa và đông đảo phật tử ở Sài Sơn và các nơi cùng lo
lắng cho mùa hội được chu đáo. Xung quanh chùa được dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng,
đường đi lối lại trong sân chùa và trên núi phong quang hơn. Đó là kết quả của Ngày chủ
nhật tình nguyện tham gia tổng vệ sinh môi trường do Đoàn TN và Trường THCS xã Sài
Sơn vừa tổ chức. Hơn 300 học sinh đảm nhận làm vệ sinh môi trường khu vực trung tâm
chùa; gần trăm đoàn viên thanh niên đảm nhận khu vực trên núi. Tại khu vực trong chùa
và dọc đường lên núi, các thùng đựng rác đã được bổ sung thêm nhiều. Nếu như hội năm
2004, người ta còn thấy trong sân chùa có các quầy hàng bày bán đủ thứ, từ đồ lưu niệm
đến mực khô... thì nay, việc quy hoạch hàng quán được sắp xếp gọn gàng, văn minh từ
sân chùa đến cổng chùa. Hơn bốn mươi quầy hàng lưu niệm đã được dịch chuyển ra bên
ngoài sân từ cuối năm 2004, trả lại cho chùa Thầy không gian thoáng đạt và môi trường
trong lành. Được đầu tư 700 triệu đồng và thêm 700 triệu đồng vốn đối ứng của nhà chùa,
hai hành lang biên ở chùa Cả- nơi thờ 24 vị La Hán đã được tu bổ, đến nay gần xong; một
số chỗ hư hại cũng đã được sửa chữa.
Thủy đình chùa Thầy
Giờ đây, đến với chùa Thầy, du khách hoàn toàn yên tâm chiêm ngưỡng phong cảnh non
nước hữu tình, thưởng thức các màn rối nước đặc sắc- một môn nghệ thuật truyền thống
mà Tổ sư của nghề không ai khác chính là Từ Đạo Hạnh truyền lại. Hội chùa Thầy diễn
ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch, nhưng cũng giống như chùa Hương, du khách
đến chùa Thầy lai rai hết xuân và vãn cảnh quanh năm. Ngày hội quan trọng nhất là ngày
mồng 7, tương truyền đó là ngày Pháp sư Từ Đạo Hạnh hóa Phật và hội chùa Thầy được
mở ra chính là để tưởng niệm sư Từ Đạo Hạnh. Thiền sư Từ Đạo Hạnh khi đã học được
pháp thuật, trở về núi Sài dựng gậy tích, ngày đêm tụng tập rồi đi khắp nơi tham thiền
vấn đạo, sau trở về núi Sài dạy học, hái thuốc cứu dân, dạy dân nhiều trò vui, trong đó có
múa rối nước. Nhân dân đã tôn thiền sư làm thầy, vì vậy chùa ngài tu là chùa Thầy, núi
ngài hóa là núi Thầy, làng ngài sống là làng Thầy.
Ngoài những sinh hoạt lễ hội hấp dẫn, đến hội chùa Thầy, du khách còn được thưởng
ngoạn danh thắng nổi tiếng: “Có động, có hồ, có chợ Trời/ Núi sông tiểu biểu giải kỳ
quan”. Kiến trúc ban đầu của chùa Thầy chỉ là một thảo am nhỏ, xây dựng vào thời Lý
Nhân Tông (1072-1127) là nơi Thiền sư tu tập; sau mới xây thành quy mô lớn, gồm hệ
thống chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ, chùa Cả. Quy mô, kiến trúc nghệ thuật chùa
Thầy đặc sắc, có hệ thống tượng thờ quý giá. Qua cầu Nguyệt Tiên Kiều, là đường lên
núi, trên đường lên núi có chùa Cao với hang Thánh Hóa (tương truyền là nơi Thiền sư
Từ Đạo Hạnh trút xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông); có hang Các Cớ (tương tuyền
là nơi nghĩa quân họ Lã tuẫn tiết). Trên núi có chợ Trời. Từ hang Cắc Cớ lên là đến đền
Thượng, đi tiếp sẽ đến chùa Bối Am (chùa Một Mái), cạnh chùa có đền kỷ niệm Phan
Huy Chú, có Nhà lưu niệm Bác Hồ...
Như vậy, chùa Thầy không chỉ là công trình kiến trúc cổ có giá trị, thỏa mãn các hoạt
động tín ngưỡng mà còn thỏa mãn những hoạt động du lịch thắng cảnh hấp dẫn đối với
du khách. Hội chùa Thầy hàng năm diễn ra là sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian, Phật
giáo và Đạo giáo. Nhận thức được ý nghĩa và giá trị của di tích danh thắng và để phát huy
giá trị đó, hàng năm xã Sài Sơn luôn dành kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ, tôn tạo,
làm đẹp thêm phong cảnh chùa Thầy. Riêng mùa lễ hội năm nay, xã đã dành kinh phí hơn
30 triệu đồng để thực hiện công việc cho mùa hội. Tâm nguyện của người Sài Sơn là đem
đến cho du khách sự ngưỡng mộ để luôn luôn mang trong lòng niềm vui sau mỗi lần đến
với hội chùa, như câu ca truyền tụng “Nhất vui là hội chùa Thầy”...
Nguồn tin: Báo Hà Tây