Kính áp tròng và dị ứng ở mắt
Vài năm nay, kính áp tròng (contact lens) được nhiều người dùng thay cho
những chiếc kính đeo mắt cồng kềnh. Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt. Bên cạnh lợi
ích, kính áp tròng cũng có những điều bất lợi, nổi bật là dị ứng ở mắt.
Vai trò của màng nước mắt
Màng nước mắt là một cấu trúc động, có nhiều chức năng để duy trì sự khỏe
mạnh của bề mặt nhãn cầu, bảo vệ nhãn cầu tránh khỏi những ảnh hưởng độc hại, sửa
chữa tổn thương và tạo bề mặt khúc xạ trước nhãn cầu được trong suốt, ổn định, nhờ
đó mắt nhìn được rõ ràng. Về cấu trúc, màng nước mắt là một màng không bền giữa
những lần chớp mắt, gồm ba phần chính: lớp dầu ở ngoài cùng, lớp nước ở giữa và lớp
nhầy ở trong cùng. Lớp nhầy trải thành màng bám vào bề mặt nhãn cầu, giúp ổn định
màng nước mắt, tương tác với lớp dầu ngoài cùng để làm sạch bề mặt nhãn cầu khỏi
các mảnh vụn của tế bào tróc ra hoặc của vi khuẩn. Lớp dầu được sản xuất bởi các
tuyến nằm trong mí mắt giúp làm chậm việc mất nước mắt và với các chất nhầy, chúng
bôi trơn vùng giữa mí mắt và bề mặt nhãn cầu. Thành phần dịch của nước mắt được
sản xuất chủ yếu bởi tuyến lệ chứa tất cả các chất hòa tan trong nước của nước mắt,
bao gồm các chất điện giải và hàng trăm loại protein, peptide (vì thế nước mắt mới có
vị mằn mặn). Trong nước mắt cũng có một số chất hiếm gặp hoặc chỉ xuất hiện khi có
bất thường ở mắt, chẳng hạn khi mắt bị dị ứng thì trong nước mắt có thể có kháng thể
globulin miễn dịch IgE.
Ảnh hưởng của kính áp tròng trên màng nước mắt và trên bề mặt nhãn
cầu
Kính áp tròng khi được đặt vào môi trường nước mắt trước nhãn cầu sẽ gây một
số ảnh hưởng trên bề mặt nhãn cầu và màng nước mắt. Các ảnh hưởng có thể kể ra là:
giảm oxy nuôi dưỡng mắt, tăng nhẹ nhiệt độ giác mạc, vi chấn thương giác mạc, giảm
tốc độ chuyển hóa của giác mạc, giảm tốc độ phân bào của biểu mô, tăng sự phá vỡ
biểu mô. Mặc dù có các thay đổi này, đa phần bệnh nhân có bề mặt nhãn cầu và màng
nước mắt bình thường dễ dàng thích nghi với sự hiện diện của kính áp tròng.
Kính áp tròng có ảnh hưởng chuyên biệt trên màng nước mắt. Nó phá hủy màng
nước mắt, làm mỏng và làm tăng sự mất nước mắt qua sự bay hơi. Kính áp tròng mềm
cho phép mất nước qua bay hơi từ giác mạc, thậm chí còn kéo nước ra khỏi nó. Ở bệnh
nhân có đủ lượng nước mắt thì khi kính áp tròng đè nén trên màng nước mắt vẫn
không có vấn đề lớn, nhưng ở bệnh nhân bị giảm lượng nước mắt, kính áp tròng có thể
gây khô mắt. Ước tính tình trạng này xảy ra ở 20-30% những người mang kính áp
tròng mềm và trên 80% những người mang kính áp tròng cứng.
Ảnh hưởng qua lại của dị ứng mắt và kính áp tròng
Dị ứng mắt là bệnh lý thường gặp ở khoảng 30% dân số. Người mang kính áp
tròng dễ bị viêm kết mạc dị ứng theo mùa hay bị các dạng khác của dị ứng mắt. Viêm
kết mạc dị ứng theo mùa gây ra tính không ổn định của màng nước mắt. Khi đeo kính
áp tròng, những bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh khô mắt hoặc đang bị bệnh khô mắt với
dị ứng mắt tiến triển phải chịu thêm ảnh hưởng xấu, nổi bật là tình trạng bị dị ứng mắt.
Vấn đề then chốt trong việc ảnh hưởng qua lại của kính áp tròng với đáp ứng dị
ứng là sự hình thành của một màng sinh học trên bề mặt của kính áp tròng. Cơ chế
thích ứng này tạo điều kiện hình thành một nền cho sự tích tụ các chất lắng đọng, bao
gồm protein, chất nhầy, calcium và lipid đã bị thoái hóa. Khi kính áp tròng bị các chất
này phủ lên, nó có thể thu hút các vi khuẩn và kháng nguyên gắn trên bề mặt của nó.
Những điều cần lưu ý ở người mang kính áp tròng bị dị ứng mắt
Bệnh nhân bị dị ứng mắt do mang kính áp tròng cần lưu ý những hướng dẫn
sau:
• Tránh hoặc giảm thiểu mang kính áp tròng trong thời gian có bệnh dị ứng
mắt theo mùa.
• Cách an toàn nhất để tránh biến chứng của việc ảnh hưởng qua lại của kính
áp tròng và dị ứng trên màng nước mắt và bề mặt nhãn cầu là nên ngưng mang kính áp
tròng tạm thời trong thời gian bị dị ứng mắt cấp tính. Nếu khó ngưng được việc mang
kính áp tròng, bệnh nhân cần vệ sinh thật sạch kính áp tròng để giảm thiểu sự hình
thành màng sinh học. Tốt nhất là nên dùng kính áp tròng mềm, sử dụng loại kính áp
tròng chỉ dùng một lần, trong một ngày.
• Đa phần màng sinh học được tạo thành khi mang kính áp tròng qua đêm,
nhất là khi mang kính áp tròng qua đêm trong suốt cả tuần. Cần tránh sử dụng loại
kính áp tròng này ở những người đã bị dị ứng mắt.
• Với những thuốc nhỏ mắt chống dị ứng, nên tránh sử dụng đồng thời ở
những người mang kính áp tròng. Những thuốc này có chất bảo quản, đặc biệt là chất
benzalconium chloride, nên có thể kích ứng bề mặt nhãn cầu. Cũng cần biết rằng,
thuốc kháng dị ứng dùng đường uống hoặc tiêm chích có khả năng gây khô và làm
giảm tiết nước mắt. Những thuốc kháng dị ứng đời mới có khuynh hướng ít gây khô
hơn.