Quản lý stress
Nhiều người ước gì những căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày sẽ vĩnh viễn
biến mất nhưng thực tế, chúng ta rất cần stress. Vậy nên, điều quan trọng là cách
kiểm soát, biến nó thành công cụ phục vụ thay vì "dìm chết" mình.
Bạn có bao giờ tự hỏi, nếu không có stress thì điều gì sẽ xảy ra? Hãy tưởng tượng
nhé, nếu sống đến hết đời, chúng ta không bao giờ phải căng thẳng, lo âu, không
phải đối mặt với những thử thách thì đó sẽ thực sự là một cơn ác mộng bởi sự
phẳng lặng sẽ làm chúng ta ngập trong sự buồn chán triền miên.
Vậy còn khi cuộc sống luôn tràn ngập những căng thẳng, lo lắng, những đỉnh dốc
luôn cần phải vượt qua thì sao? Cách chúng ta giải tỏa stress, tích cực hay không
tích cực, với sự đòi hỏi, buộc cơ thể phải đáp trả những nỗ lực của bản thân, được
xem là một cơ hội lớn để thay đổi chính mình.
Hãy lấy 1 ví dụ. Bạn đang phải chịu sự phán xét của một nhóm người. Bạn có thể
làm một trong 2 điều dưới đây:
1. Giơ tay lên với vẻ kinh hoàng, nghĩ ra đủ mọi lý do rằng tại sao mình lại phải
nhận những lời phán xét cay nghiệt, lạnh lùng đến vậy. Liền ngay sau đó là cảm
giác lo lắng về những gì sẽ xảy ra tiếp đó. Không cần phải nói, rõ ràng, đây là một
hành động cực đoan, thiếu tích cực khi xử lý tình huống.
2. Tự trấn an bản thân rằng không có gì là lý tưởng. Bạn quan tâm tới suy nghĩ,
đánh giá của mọi người vì đó là những điều thú vị và là những kinh nghiệm quý
giá mà không phải lúc nào bạn cũn có cơ hội được học hỏi. Tất nhiên, đó là những
hành vi rất tích cực.
Còn bây giờ, hãy nghĩ về những gì bạn đã làm khi gặp những biến cố, những sự
phiền toái... Bạn có thấy chúng giống như một vật cản trong bước đường chinh
phục thử thách, giành được mục tiêu đã đề ra?
Hãy nhìn những khoảnh khắc đó như một thứ rào cản đòi hỏi bạn phải bỏ nhiều
năng lượng hơn - có thể là sự tức giận, phàn nàn, lo lắng và cả phiền muồn –
nhưng tất nhiên là bạn không để cho mình bị ngập lút trong đó. Không bao giờ
được nghĩ rằng mình cảm thấy quá mỏi mệt và không còn sức chiến đấu
Hãy nhìn những biến cố trong cuộc đời như một thách thức mà mình phải đối mặt.
Hãy ngay lập tức đặt mình vào vị trí sẵn sàng cao nhất, cho phép bản thân phát
huy mọi nội lực để hướng đến đích cụ thể - làm việc hết mình để giải quyết vấn
đề. Bạn có thể sẽ thấy rằng mình có những khả năng đặc biệt và sức mạnh sẽ được
nhân lên thay vì quỵ ngã.
Bạn cũng có thể thấy rằng những suy nghĩ của bạn về những vấn đề khác sẽ ngày
càng tích cực hơn và có sức lôi cuốn mọi người hơn!
Hãy nhớ, những suy nghĩ tiêu cực sẽ làm nội lực của bạn bị phân tán và tạo ra sự
mệt mỏi! Cách đảo ngược duy nhất là phải có những suy nghĩ ngược lại.
Cách “thâu tóm” stress
- Hãy suy nghĩ tích cực: Tôi may mắn có một đứa con… có một đôi mắt để nhìn…
có khả năng cảm thụ âm nhạc… đang sống ở chính quê hương của mình….
- Hãy thôi không lo lắng về những điều bạn không thể thay đổi: con riêng của
chồng… cơ hội bị bỏ lỡ… kỳ thi đã qua.
- Hãy tìm những người có suy nghĩ tích cực và học hỏi từ họ.
- Khi bạn cảm thấy xuống tinh thần, hãy làm điều gì đó để bạn cảm thấy khá hơn.
Hãy nghe bản nhạc bạn thích, đi bộ trong công viên hay một khu vực có quang
cảnh yên tĩnh, dễ chịu, đọc những châm ngôn khích lệ tinh thần.
- Hãy đọc sách và nghe băng về những người đã tự thay đổi cuộc đời bằng cách
nghĩ tích cực.
- Hãy rèn cách thư giãn
- Đừng quá tin tưởng và dựa dẫm vào những thứ sẽ mang lại cảm giác thư giãn
chốc lát như rượu, thuốc lá, ma túy.
- Ăn uống hợp lý
- Rèn luyện thân thể đều đặn
Học cách yêu bản thân, suy nghĩ tích cực, bao gồm cả những suy nghĩ tích cực về
chính mình!
- Đặt ra những mục tiêu cụ thể
- Sống cho hiện tại – Bạn không thể thay đổi quá khứ còn tương lai thì chưa đến.
Hãy dành cho bản thân và mọi người xung quanh những điều thú vị mỗi ngày –
thời gian của bạn, tình cảm của bạn và cả sự giúp đỡ.
- Đừng lo lắng rằng mình sẽ nhận được gì từ mọi người – thời gian của họ, tình
cảm của họ hay một chút ít sự giúp đỡ.
- Không bao giờ nói từ “không thể”!