Biết Lắng Nghe....
Có ai trong chúng ta chưa từng một lần trải qua cảnh ngộ khó khăn: Chúng ta bế
tắc, tuyệt vọng, cô đơn, rối trí, hay đau khổ…? Trong những lúc tưởng như trái đất
ngừng quay, và mình như người “bốn phía mưa rơi” ấy, chúng ta cần gì?
Chúng ta cần nói, và cần một người lắng nghe ta nói. Chỉ cần nói ra được, chúng
ta thường cảm thấy nhẹ lòng và bình tâm. Nhất là khi người nghe lại là một người
biết nghe. Và trong trường hợp ấy nghệ thuật lắng nghe của ta chính là món quà
quý giá ta trao tặng cho người, chưa nói đến những lời khuyên có giá trị theo sau.
Ngoài ra các bạn thử nghĩ xem có bao nhiêu người khi phải quyết định những việc
quan trọng cho cá nhân hay cho một tập thể mà không cần trao đổi, bàn bạc với ai
đó? Không chỉ các nhà cố vấn, tư vấn, chuyên gia, bác sĩ, luật sư, và giáo viên …
mới cần lắng nghe. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng thường đóng vai trò
của các cố vấn, các nhà tư vấn, mà chúng ta không biết đấy thôi.
Ta đóng vai trò quan trọng ấy với ai? Với người thân, với bạn hữu, với đồng
nghiệp, với những người ta gặp gỡ, những người có nhu cầu nói với ta và cần ta
lắng nghe. Nhưng các cuộc nghiên cứu mới đây cho biết người ta chỉ có thể nhớ
khoảng 25% đến 50% những gì họ đã nghe. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta nói
chuyện với sếp, đồng nghiệp, khách hàng hay thậm chí với người yêu, vợ chồng
của chúng ta trong vòng 10 phút, thì họ chỉ thật sự nghe được từ 1 đến 5 phút là tối
đa.
Ngược lại, điều đó cũng có nghĩa là khi bạn nói chuyện với người khác, bạn cũng
không nghe hết những gì họ nói. Bạn chỉ có thể nắm bắt được khoảng 25-50%
những điều quan trọng đó.
Ta hãy thử xem xét nhu cầu cần được nghe xếp vào thang bậc nào trong số những
nhu cầu thiết yếu nhất của con người?
Theo thang bậc nhu cầu con người của Abraham Maslow, (1908-1970) nhà tâm lý
thuộc trường phái Tâm lý học nhân văn (humanistic phsychology), 8 nhu cầu thiết
yếu nhất của con người xếp theo thứ tự từ cơ bản nhất (sinh lý) đến cao nhất (tinh
thần) như sau:
- Nhu cầu cơ bản (basic needs)
- Nhu cầu về an toàn (safety needs)
- Nhu cầu về xã hội (social needs)
- Nhu cầu được quý trọng (esteem needs)
- Nhu cầu về nhận thức (cognitive needs)
- Nhu cầu về thẩm mỹ (aesthetic needs)
- Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs)
- Sự siêu nghiệm (transcendence).
Nghe và nói đều có mặt ở các bậc cao hơn: nhu cầu về xã hội, được quý trọng,
nhận thức, thẩm mỹ, được thể hiện mình…
Trong thời đại ta đang sống, giáo dục hiện đại nhằm đến 4 mục tiêu trụ cột sau
đây:
- Learning to know: Học để biết.
- Learning to do: Học để làm.
- Learning to live together: Học để chung sống.
- Learning to be: Học để tự khẳng định mình.
(Unesco Learning: the Treasure Within; The Four Pillars of Education):
Nghe cũng là một công cụ, một kỹ năng quan trọng nhất không thể thiếu vắng
trong 4 mục tiêu lớn ấy.
Chúng ta thường lắng nghe vì những mục đích sau: thu thập thông tin, hiểu biết,
giải trí và học hỏi. Nhưng có một mục đích sau mà ít người chú ý : nghe để cảm
thông trong những mối quan hệ giữa người với người ( interpersonal relationship)
Như thế không ai trong chúng ta có thể phủ nhận vai trò của nói và nghe trong
cuộc sống (học tập, làm việc, giao tiếp…) , nhưng thường chúng ta chỉ chú trọng
đến cách nói năng sao cho hay, lưu loát, diễn cảm, và hiệu quả. Ta thường dễ dàng
quên đi kỹ năng nghe, hay đúng hơn nghệ thuật nghe – cũng hết sức cần thiết.
Chẳng hạn, nghe chủ động và hiệu quả là một thói quen là kỹ năng quan trọng và
nền tảng của việc giao tiếp. Nghe chủ động có nghĩa là tập trung vào người bạn
đang lắng nghe, cho dù đó là cuộc nói chuyện trong nhóm hay chỉ có 2 người, để
hiểu được họ đang nói điều gì. Là người nghe, bạn nên tự mình có thể nhắc lại
bằng từ ngữ của mình những gì họ vừa nói. Điều đó không có nghĩa là bạn đồng ý
với tất cả những gì họ nói, mà chỉ có nghĩa là bạn thực sự hiểu họ đang nói gì.
Sau đây ta hãy cùng nghe những ý tưởng của
Chuck Gallozzi về nghệ thuật lắng
nghe:
“Trước khi chúng ta có thể làm lãnh đạo,
chúng ta phải phụng sự
Trước khi ta có thể phụng sự,
ta phải sẵn sàng.
Trước khi ta sẵn sàng,
ta phải học
Trước khi ta có thể học,
ta phải lắng nghe.
Trước khi ta có thể lắng nghe,
ta phải im lặng”
Sự thông thái là phần thưởng của một đời biết lắng nghe. Một tặng phẩm quý giá
Nghệ thuật tinh tế biết lắng nghe là một tặng phẩm tuyệt vời chúng ta có thể trao
tặng cho người khác và cho chính mình. Khi ta lắng nghe những người khác,
chúng ta cho họ thấy rằng những gì họ nói là quan trọng. Như thế, chúng ta đã
khơi dậy lòng tự tin và tự trọng ở họ. Thậm chí nếu những lời họ nói không giúp
được cho ta, nó sẽ rất có ích cho họ, vì giống như hoa kia hé nụ và nở rộ dưới ánh
dương, người ta cũng bộc lộ và tăng trưởng khi mở lòng mình ra với một đôi tai
biết lắng nghe. Lợi ích đối với bản thân ta cũng quan trọng không kém; xét cho
cùng, làm thế nào chúng ta có thể học nếu chúng ta không nghe? Đây cũng là lý
do tại sao Zeno ở Citium, Cyprus (334 BC – 262 BC, một triết gia Hy Lạp cổ nổi
tiếng) cách đây hơn 2000 năm đã nói, “Lý do ta có 2 tai và một cái miệng là để ta
có thể nghe nhiều hơn và nói ít hơn. “
Khi lắng nghe bạn tốt, bạn hiền, ta được tắm mình trong sự hiểu biết, nguồn cảm
hứng, và những lời khuyên giá trị. Vì thế, Henry J. Kaiser (một kỹ nghệ gia người
Mỹ, được mệnh danh là cha đẻ của ngành đóng tàu hiện đại của nước Mỹ) nói
rằng: “Tôi thành công vì có bên mình những người thông minh giỏi hơn tôi và tôi
biết lắng nghe họ. Và tôi cho rằng mọi người đều giỏi về cái gì đó hơn tôi.” Bằng
việc lắng nghe những người khác, ta biết phải làm gì và nên tránh làm gì. Đồng
thời ta phát triển những mối quan hệ củng cố cho vị trí của chúng ta. Bạn hữu của
chúng ta nói cho ta biết họ cảm nhận những điều giống như ta, vì thế ta biết rằng
chúng ta không cô đơn. Lắng nghe là một cơ hội để an ủi, trấn an, và động viên
những người khác.