Khám phá giai điệu trống cổ Chăm-pa.
Dẫu nhiều lần được thưởng thức giai điệu tiếng trống Paranưng, thế nhưng những ngày
tìm về các xóm Chăm An Giang để sưu tầm tư liệu cho bài viết lần này tôi có cảm nhận
rất khác lạ.
Âm trống vang vọng xóm làng, đội trống cổ cất vang tiếng hát du dương những cung
trầm cung bổng như đưa hồn người nghe vào một thuở hồng hoang lập ấp...
Đội trống cổ Panà
Về làng Chăm xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), tôi tìm gặp Giáo Cả Musa Haji -
Trưởng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo dân tộc Chăm An Giang - những mong tìm
được nguồn tư liệu quý cho bài viết thêm sinh động.
Không hoài công, tôi được Giáo Cả kể tường tận: Trống Paranưng là cội nguồn trong văn
hóa văn nghệ truyền thống của đồng bào Chăm. Từ tiếng trống ấy, người Chăm đã chia
thành 2 trống: Trống Paranưng và trống Panà.
Trống Panà có hình dáng tựa trống Paranưng, nhưng mục đích biểu diễn và cách biểu
diễn có phần khác biệt. Trống Panà một đội gồm 12 chiếc trống, trong đó 2 trống đực và
10 trống cái. Trống Panà chỉ dùng cho ngày hôn lễ.
Khi chơi trống Panà, người chơi ngồi quanh nhau thành vòng bán nguyệt. Trống vỗ lên
với những thang âm trầm bổng, đội đồng ca cũng là những người chơi trống cất vang
tiếng hát những bài hát ca ngợi nghĩa tình mẹ cha đối với người con đang cưới gả, ca
ngợi tình yêu đất nước, lời răng dạy... Trống Panà chỉ dành cho nam giới chơi.
Còn trống Paranưng được chơi cả những ngày lễ tết, người chơi vừa đánh trống vừa hát
múa. Khi chơi trống Paranưng cả nam lẫn nữ đều hát, múa chung vui.
Người Chăm An Giang chỉ còn lưu truyền trống Panà. Nhưng ngày nay, do nhu cầu giao
lưu văn hóa, trống Panà cũng được biểu diễn như tiếng trống Paranưng - tức cả ngày lễ
hội. Ông Cả nói rằng, 9 xóm Chăm An Giang ngày trước đều có đội trống cổ, thế nhưng
theo thăng trầm và biến động lịch sử, đến nay, cộng đồng Chăm An Giang chỉ còn 2 dàn
trống cổ ở xóm Chăm Châu Giang (Phú Hiệp, Phú Tân) và đội trống Lama (Vĩnh
Trường, An Phú). Tuy vậy, cũng chỉ còn chưa đến chục người biết chơi, biết hát các giai
điệu cổ nhạc Chăm-pa bằng trống Panà, tập trung chủ yếu ở làng Chăm Vĩnh Trường.
Theo chỉ dẫn của ông Cả, tôi về làng Chăm Lama - nơi duy nhất trong cộng đồng dân tộc
Chăm An Giang còn hình thành đội trống cổ. May mắn cho tôi khi toàn đội trống mới tập
trung cho một đám cưới của xóm vừa diễn ra. Lòng tôi bỗng nôn nao muốn được một lần
tận mắt, tận tai được nhìn, được nghe những giai điệu lúc dồn dập, lúc trầm lắng rung
động lòng người của tiếng trống Panà.
Đến nhà Trưởng ban Trống cổ Lama Mách Ta Rế, ông chia sẻ: “Trống cổ Panà này trước
đây có đủ 12 cái. Nó có tuổi thọ trên dưới 300 năm rồi. Nhưng thời chiến tranh, mỗi
người đem về cất riêng, rồi thất lạc, bây giờ tập trung lại chỉ còn 6 chiếc (nửa đội, gồm 1
trống đực hay trống dẫn và 5 trống cái). Còn anh em chơi trống thì lâu lâu mới tập trung
vì bận làm ăn xa. Nhưng anh em tụi tui giờ cũng ngưỡng năm sáu chục tuổi hết rồi, giọng
cũng không còn trong trẻo, sức cũng yếu dần ấy thế mà đám con cháu muốn dạy cho nó
cũng không chịu học theo. Buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao!”.
Biểu diễn trống cổ Chăm-pa.
Trống Panà được làm bằng cách khoét lỗ thân các loại danh mộc như giáng hương,
mun... và đắp mặt bằng da dê già, Niền thân trống bằng cây mây rừng to hơn chiếc đũa,
thân trống viền quanh bằng dây gân dày (trước đây đều dùng cây mây). Âm trống hay -
dở do việc viền trống, căn trống và quan trọng nhất là trống phải được làm từ gỗ quý có
tuổi từ 100 năm trở lên.
Âm vang trống cổ
Sau giờ làm lễ ngày thứ 6, đội trống tập hợp đầy đủ 6 thành viên. Sáu chiếc trống được
phơi nắng căng mặt da dê, nén, căng âm. Những bàn tay của các nghệ sĩ già vỗ vào mặt
trống phát lên những cung trầm, cung bổng và vang vang âm vang lời hát Chăm cổ.
Theo tiếng dẫn của trống đực, từng cung bậc âm thanh vang vọng, ru hồn người nghe vào
một thời hồng hoang mở cõi. Lời hát là những lời răn dạy đôi trẻ nhân ngày thành hôn,
ngày trở thành trụ cột của một thành viên trong cộng đồng dân tộc: “...
Con đi mẹ chúc
con an bình. Những giọt sữa ngọt ngào mẹ nuôi con bao tháng ngày mẹ tha thứ. Từ thuở
bé con bú đến ngày ngay trưởng thành
...” (bài “Người mẹ cao cả”).
Giọng ca lúc trong vắt vút cao bay bổng giữa tầng mây, lúc trầm lắng, ngọt ngào như
dòng sữa phù sa sông Hậu hiền hòa. Nghệ nhân trống đực Solés dẫn đội trống hòa dòng
đồng ca thật nồng nàn sâu lắng. Miên man theo giai điệu những bài hát cổ, tôi loáng
thoáng đâu đấy hình ảnh của những ngày Roja yêu thương, của những cô gái Chăm e
thẹn bên chiếc khăn Mat’ra say đắm bao khách xa gần...
Không có những nốt đồ-rê-mi-pha-sol hay cống-xàng-xê-cống, âm điệu trống cổ Chăm-
pa chỉ xoay quanh 3 cung bậc: Trầm-trung-bổng. Mỗi cung bậc âm thanh ấy chia thành
những khoảng khác nhau và hình thành do độ mạnh, yếu, vị trí của bàn tay người chơi vỗ
vào mặt trống. Trống đực nhỏ hơn các trống còn lại nhưng là trống dẫn, người đánh trống
dẫn chính là nhạc trưởng và người dẫn đội trống về thanh âm lẫn lời bài hát. Tùy theo lời
hát và độ cao trầm mà tiếng trống cứ thế đánh theo.
Ngày nay, với sự du nhập của văn hóa phương Tây, người Chăm An Giang còn phát triển
thêm một tiếng trống mới: Trống Khnag. Trống Khnag tựa trống nhạc nhẹ, nhưng chỉ
một trống cái và ba trống con.
Cũng từ trống Khnag mà đồng bào Chăm An Giang đã phát triển loại hình nhạc nhẹ xuất
phát từ việc vay mượn âm giai từ làn điệu truyền thống để sáng tác những bài nhạc nhẹ
ca ngợi tình yêu quê hương đất nước...