Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Tiết Đoan Dương doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (87.6 KB, 5 trang )

Tiết Đoan Dương

Dẫu không được chú trọng như Nguyên Đán, nhưng Tiết Đoan
Ngọ - còn gọi là Đoan Dương - vẫn là ngày Tết được nhiều người chờ
đợi, và những tục lệ lý thú trong dịp này vẫn còn được lưu truyền
"Tháng Tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm"
Theo quan niệm của người xưa, thời điểm được coi là giữa năm không
phải tháng 6 như cái lẽ tính toán thông thường, mà là khi mặt trời lên cao
nhất trong cái ngày được xem là nóng nhất, nắng nhất trong năm. Những
nghiên cứu, đúc kết từ thời xửa thời xưa đã cho rằng giờ chính ngọ của ngày
mùng 5 tháng 5 hằng năm chính là thời điểm đó, điểm cực dương, tức lúc
khí dương thịnh nhất. Và những tục lệ cúng kiến, ăn uống trong dịp Tết
Đoan Ngọ hầu hết đều xuất phát hoặc xoay quanh quan niệm đó, hầu giúp
cho con người hòa hợp với lẽ âm dương tự nhiên của đất trời.
Tục lệ người Hoa
Vốn tôn trọng truyền thống, người Hoa ở khắp thế giới nói riêng và
Việt Nam nói chung vẫn luôn duy trì những tục lệ cổ xưa trong dịp Tết Đoan
Ngọ. Người không biết hoặc không công nhận quan niệm âm - dương cũng
phải thừa nhận rằng, đầu tháng 5 là thời điểm chuyển mùa, khí hậu khó chịu
nhất và dễ gây bệnh nhất. Khí trời oi oi cộng thêm mưa nắng thất thường
khiến cơ thể con người khó thích nghi được nhanh chóng, dễ cảm mạo. Việc
ăn uống trong dịp Tết Đoan Ngọ được đặc biệt chú trọng. Đó là cách người
xưa mở đầu một mùa mới bằng những món ăn mang tính giải cảm, lợi cho
sức khỏe.
Ngay từ sáng sớm, người ta đã dùng một tô cháo trắng cho nhẹ bụng.
Trong ngày thì dùng những món bồi bổ sức khỏe mà vẫn thanh nhẹ, như
nước canh gà đập vào ít gừng để tránh cúm. Món tráng miệng thì có chè trôi
nước, chè ỷ cũng với ít gừng xắt lát, nhằm giải cảm, giúp cơ thể chống lại
việc thay đổi thời tiết mưa nắng thất thường một cách hiệu quả.
Mùa này trái cây vốn dồi dào nên dù nhiều dù ít, trong nhà không thể


thiếu trái cây. Bên cạnh đó là những món ăn nhiều nước và những món
nướng. Bữa tối cuối cùng trong ngày thường là một món canh, món lẩu nóng
để giữ nước cho cơ thể.
Một tục lệ cũng khá lý thú là việc ăn trứng trong dịp Tết Đoan Ngọ.
Món trứng đặc biệt được làm từ 4 loại trứng khác nhau: trứng muối, trứng
bắc thảo, trứng gà, trứng vịt lạt. Tất cả được đánh tan đều rồi đem hấp. Món
ăn có vị bùi của trứng muối, vị béo của trứng bắc thảo và vị ngọt tự nhiên
của trứng lạt, chấm với nước tương. Tuy là món ăn mang tính truyền thống,
đôi khi còn là món bắt buộc đối với con trẻ, nhưng nó cũng là món ăn khoái
khẩu của nhiều người. 4 loại trứng tượng trưng cho 4 mùa và có tác dụng
giải tà ma, theo quan niệm của người xưa. Vì thế, trẻ em nhất thiết phải ăn
một chén trứng hấp trong dịp Tết mùng 5 tháng 5 này.
Nhưng một điều đáng lưu ý là trong những ngày này, người ta tuyệt
đối không dùng những món ăn bổ. Vì quan niệm đây là thời điểm dương khí
cực thịnh, nên cần tránh những món ăn bổ dưỡng, đặc biệt là sâm bị cấm
dùng trong 2 tháng, ngoại trừ những loại sâm bổ khí.
Tục lệ người Việt
Có xuất xứ từ Trung Hoa, nhưng Tết Đoan Ngọ của người Việt vẫn có
những tục lệ rất riêng. Khoảng 3 ngày trước đó người ta đã chuẩn bị nấu
cơm rượu nếp ủ vào trong những lá sen thơm ngát, để đến đúng ngày mở ra.
Buổi sáng, trẻ con có khi còn mắt nhắm mắt mở trên giường, nghe mùi cơm
rượu nếp thơm phức mà phải bật dậy đi tìm. Các khu chợ cũng thường xôn
xao từ sáng tinh mơ, và các bà các chị cũng cố đi sớm hơn ngày thường, để
mua được trái cây tươi ngon nhất về cúng và cho trẻ con ăn “giết sâu bọ”.
Ăn cơm rượu và trái cây - đặc biệt là trái cây chua - ngay từ buổi
sáng, khi chưa có món gì trong bụng, chính là tục lệ “giết sâu bọ” ngộ
nghĩnh. Người ta quan niệm rằng ngày mùng 5 tháng 5, những loại giun sán,
sâu bọ trong người đều “trồi lên” và phải ăn những món chua, ăn hoặc uống
rượu để tiêu diệt giun sán. Nên con trẻ trong ngày này được đặc cách thưởng
thức món cơm rượu với men say ngòn ngọt, thứ tưởng chừng cấm kị đối với

trẻ nhỏ.
Ngoài cơm rượu, người ta cũng thường chuẩn bị gói bánh ú nước tro.
Cái bánh nhỏ xíu không nhân, ăn vào nghe hăng hăng nhàn nhạt, nhưng
chấm với mật lại thành món ngon, một người ăn hết vèo cả chục một lúc
không thấy ngán. Cái đặc biệt của loại bánh này là lớp nếp màu nâu, trong
veo như mật ong lâu năm. Muốn có bánh trong như thế thì người làm phải
kỹ ngay từ khâu chọn gạo, phải là nếp thuần không pha không lẫn tẻ, và tùy
theo địa phương mà người ta ngâm nước tro hay nước vôi để khi nấu, hạt
nếp dường như nát ra thành bột và trở màu trong suốt. Có người lại ưa
chuộng bánh có nhân hơn, và cũng có nhiều biến tấu của loại bánh này như
nhân đậu xanh - sầu riêng, nhưng bánh ú không nhân vẫn phổ biến và được
yêu thích hơn cả.
Để giải độc, trừ tà, dân ta còn có tục tắm nước lá mùi (ngò) già. Tục lệ
này gần giống dịp Tết Nguyên Đán. Nhưng trong Tết Đoan Ngọ, nó còn liên
quan đến niềm tin rằng các loại lá thuốc được hái vào đúng Ngọ sẽ phát huy
công dụng tốt nhất. Vì thế, đến ngày này, nhiều nhà vẫn mua lá xông về treo
ở cửa, với niềm tin nó sẽ ngăn ngừa bệnh tật, giải được tà ma yếm khí xâm
nhập vào nhà.
Các lễ cúng cũng thường không thể thiếu trong ngày này. Đó là lời
cầu xin mưa thuận gió hòa, xin cho khởi đầu một vụ mùa màng bội thu, một
năm cây cối sai quả và con người an khang khỏe mạnh. Lời cầu ước đó, mãi
bao đời vẫn là niềm mong mỏi gần gũi mà thiêng liêng của con người.

×