Viêm da trên cơ địa dị ứng
(Phần 2)
Các giai đoạn của viêm da dị ứng rải rác
Viêm da dị ứng rải rác ảnh hưởng khác nhau ở từng đứa trẻ cả về khởi phát
lẫn mức độ triệu chứng. Ở trẻ nhũ nhi, viêm da dị ứng rải rác điển hình bắt đầu lúc
6-12 tuần tuổi. Đầu tiên nó có thể xuất hiện quanh má, cằm tạo hình ảnh nổi ban
lốm đốm trên mặt, diễn tiến đến đỏ, đóng vảy, rỉ dịch. Da dễ bị nhiễm trùng. Một
khi trẻ hoạt động nhiều hơn và biết bò thì những vùng tiếp xúc như khủy tay, đầu
gối cũng có thể bị ảnh hưởng.
Trẻ bị bệnh thường hiếu động và hay quấy do ngứa, khó chịu. Ở nhiều trẻ
thì bệnh thuyên giảm trước 18 tuổi mặc dù chúng vẫn có nguy cơ cao hơn bình
thường về khả năng da bị khô hoặc eczema sau này.
Ở thời kỳ thơ ấu, phát ban có khuynh hướng xảy ra ở đầu gối, vùng khuỷu,
hai bên cổ và trên cổ tay, cổ chân, bàn tay.
Thường thì phát ban bắt đầu với những nốt sần có thể trở nên dày, đóng vảy
khi gãi. Vùng da quanh môi cũng có thể bị viêm. Khi liếm liên tục lên vùng này có
thể dẫn tới môi nứt nẻ, đau. Các trường hợp bệnh nặng có thể ảnh hưởng đến sự
tăng trưởng và đứa trẻ thấp hơn bình thường.
Bệnh có thể diễn tiến theo chiều hướng thuyên giảm. Thời gian thuyên
giảm thì thay đổi có thể hàng tháng hay thậm chí hàng năm. Ở một số trẻ, bệnh
diễn biến tích cực trong một thời gian dài và chỉ xuất hiện lại vào tuổi dậy thì khi
hormôn, stress, việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc hay làm đẹp gây kích thích
da tạo điều kiện cho bệnh tái phát.
Hiếm khi bệnh xuất hiện lần đầu tiên ở độ tuổi trưởng thành mặc dù có
nhiều người mắc bệnh hồi nhỏ có thể bị lại khi lớn. Kiểu bệnh ở người trưởng
thành hay ở trẻ em đều tương tự nhau; nghĩa là bệnh có thể lan rộng hoặc giới hạn.
Một số người trưởng thành chỉ bị ảnh hưởng ở bàn tay, bàn chân với da khô, ngứa,
đỏ và nứt nẻ. Giấc ngủ cũng như khả năng công tác cũng bị ảnh hưởng và việc
điều trị thuốc lâu dài đôi khi gây nên các biến chứng.
Những người trưởng thành bị viêm da dị ứng rải rác cũng có yếu tố thuận
lợi của viêm da kích thích do tiếp xúc, đặc biệt nếu họ làm trong môi trường phải
rửa tay hoặc ngâm tay thường xuyên, hoặc tiếp xúc với hoá chất. Một vài người có
vết phát ban quanh vú. Những triệu chứng khu trú này rất khó điều trị và người
bệnh thường không khai báo với bác sĩ do xấu hổ hoặc nhút nhát. Người bệnh
cũng có thể bị cườm nhưng khó phát hiện vì chúng không gây ra triệu chứng. Do
đó, người bác sĩ có thể yêu cầu khám mắt thường xuyên.
Chẩn đoán viêm da dị ứng rải rác
Cho tới hiện tại, vẫn chưa có một xét nghiệm nào chẩn đoán chắc chắn
cũng như chưa có một triệu chứng hay bệnh cảnh nào đặc trưng cho bệnh. Mỗi
bệnh nhân có một bệnh cảnh đặc trưng riêng và theo thời gian thì các triệu chứng,
độ nặng của bệnh thay đổi.
Người bác sĩ muốn chẩn đoán chính xác phải dựa trên triệu chứng người
bệnh và phải theo dõi nhiều lần. Điều này rất quan trọng vì nó giúp loại trừ các
trường hợp cũng có thể gây kích thích da. Đôi khi, bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhi
khoa phải gởi bệnh nhân đến chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng để được
đánh giá thêm.
Công cụ giúp chẩn đoán có giá trì là một bệnh sử chi tiết cung cấp những
thông tin quan trọng, tìm ra nguyên nhân có khả năng gây nên bệnh cảnh của
người bệnh. Bác sĩ có thể hỏi theo trình tự: tiền sử dị ứng gia đình; tiền sử về bệnh
sốt mùa hè, hen suyễn của bệnh nhân; tiền sử tiếp xúc với các chất gây kích thích;
các rối loạn về giấc ngủ; các loại thực phẩm liên quan đến dị ứng da; điều trị các
bệnh về da trước đó; tiền sử sử dụng thuốc steroid; những ảnh hưởng của bệnh
trong công việc, sinh hoạt xã hội.
Đôi khi, cần phải sinh thiết da hoặc test thử độ nhạy cảm của da để xác định
xem hệ miễn dịch của da có phản ứng quá mức với một số hoá chất hay chất bảo
quản trong kem bôi da. Có thể chẩn đoán sơ bộ nếu bệnh nhân có nhiều hơn 3 tính
chất ở một trong hai loại: bệnh cảnh chính và bệnh cảnh phụ (sẽ đề cập bên dưới)
Nhìn chung, test “cào da” (sử dụng kim cào và lấy đi một mảnh da chứa
chất gây dị ứng nghi ngờ) và xét nghiệm máu tìm chất dị ứng trong không khí
không giúp ích chẩn đoán nhiều bằng bệnh sử và theo dõi sát triệu chứng. Tuy thế,
đôi khi chúng cũng giúp loại trừ hay khẳng định vai trò quan trọng của một kháng
nguyên chuyên biệt gây dị ứng trong chẩn đoán.
Kết quả test da âm tính là đáng tin cậy và giúp loại trừ khả năng gây viêm
da của một số chất. Tuy nhiên, test “cào da” nếu dương tính lại rất khó lý giải trên
bệnh nhân viêm da dị ứng rải rác và thường không chính xác. Ở những trường hợp
không xác định được thể viêm da thì xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ bạch cầu ái
toan hoặc IgE (một loại kháng thể có nồng độ cao trong viêm da dị ứng rải rác) rất
có lợi.
Bệnh cảnh chính và phụ của viêm da dị ứng rải rác là gì ?
Bệnh cảnh chính.
Ngứa nhiều.
Đặc tính phát ban ở những vùng trên cơ thể điển hình cho bệnh.
Các triệu chứng diễn tiến mạn tính hoặc lặp đi lặp lại.
Tiền sử bản thân và gia đình về viêm da dị ứng rải rác(chàm, sốt mùa hè,
hen).
Một số bệnh cảnh phụ.
Khởi phát lúc nhỏ.
Da khô, ráp.
Nồng độ kháng thể IgE cao trong máu.
Bệnh vảy cá.
Tăng đường chỉ tay.
Bệnh dày sừng nang lông.
Viêm da bàn tay hay bàn chân.
Viêm môi
Eczema đầu vú.
Dễ nhiễm trùng da.
Test dị ứng da dương tính.
Các yếu tố nào làm nặng viêm da dị ứng rải rác ?
Rất nhiều yếu tố có thể làm nặng các triệu chứng của viêm da dị ứng rải rác
gây khởi phát tiến trình sau: kích thích thêm nữa phản ứng quá mức sẵn có của hệ
miễn dịch ở da; thúc đẩy chu trình “ngứa-gãi”; và tăng tổn thương da.