Danh thắng Bắc Giang Chùa Hồ Thiên
di tích bị lãng quên trong rừng rậm - Bắc Giang
Một lần về công tác tại khu vực Mai Sưu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, chúng
tôi được nhân dân địa phương kể về ngôi chùa cổ bị bỏ hoang từ lâu trên đỉnh núi
Nước Vàng thuộc dãy Yên Tử.
Theo lời kể thì toàn bộ khu vực chùa đã biến thành rừng rậm nhưng còn nhiều bức
tường gạch, tháp gạch, tượng đá và bia đá có khắc chữ Nho...
Đầu tháng 3/1998 vừa qua chúng tôi mới có điều kiện đi tìm ngôi chùa này. Sau
một ngày xuyên rừng đã tìm thấy một ngôi chùa cổ thời Trần đúng như lời kể của
nhân dân địa phương.
Chùa cổ nằm ở độ cao chừng 1000m giữa vùng rừng núi hoang sơ mênh mang, là
một kiến trúc có giá trị trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hoá dân tộc. Căn cứ
vào bài văn bia tháp Viên Quả và Viên Nhân ở đây được biết:
"...Chùa Hồ Thiên (Hồ Thiên tự) xã Phù Ninh, xưa kia thuộc tổng Mễ Sơn, huyện
Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương...".
Như vậy chùa có tên là Chùa Hồ Thiên. Nhưng
theo nội dung bài văn bia trùng tu dựng năm Vĩnh
Hựu thứ 2 (1736) thì biết thêm chùa có tên gọi
khác nữa mà ngay trên bài văn bia đã chỉ rõ:
Trùng tu Trù Phong tự bi ký (Bài ký bia trùng tu
chùa Trù Phong). Cũng theo nội dung bài văn bia
này cho biết: " Hồ Thiên tự là một danh lam cổ tự
đẹp nhất ở miền Đông thổ..." . Tiến hành khảo sát
sơ bộ thấy rằng đây là một quần thể di tích có quy
mô khá hoàn chỉnh. Dưới lớp phủ của lá cây rừng,
các công trình kiến trúc vẫn còn giữ nguyên phần tường xây, nền chùa và chân
tảng. Nằm trên khuôn viên rộng chừng 2,5ha, chùa Hồ Thiên có khoảng hai chục
công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau với tổng số khoảng trên dưới 100 gian.
Ngoài ra còn có 13 ngọn tháp cổ thời Trần và thời Lê - Nguyễn. Trong số đó có
một ngọn tiêu biểu cao 11m, bảy tầng hoàn thành bằng chất liệu đá xanh.
Hiện vật ở đây còn khá nhiều loại chủ yếu bằng chất liệu đá xanh: tượng đá, thống
đá, các mảnh chạm v.v... Song giá trị tiêu biểu nhất vẫn là hệ thống bia đá. Chúng
tôi chưa có điều kiện tìm kiếm đào bới nên chỉ phát hiện được năm tấm bia đá
khắc chữ Hán còn đọc được. Xin giới thiệu hai tấm bia tiêu biểu:
Bia trùng tu dựng năm 1736 : tấm bia này được đặt trong một nhà bia có chiều dài
3,2m, rộng 2,9m, cao 3,5m. Nhà bia có kiến trúc bằng đá xanh gồm ba bức tường
đá, mái lợp ngói đá. Mỗi bức tường là một phiến đá xanh dày 0,3m. Các bức tường
đá này được ghép với nhau bằng những mộng đá rất vững chắc. Nhà bia còn một
đôi câu đối khắc nổi trên tường:
Phiên âm:
Thuỵ hiện Nam thiên vạn tải ân quang hộ chiếu
Pháp truyền Đông thổ thiên thu đạo đức trường minh.
Tạm dịch:
Thuỵ hiện trời Nam muôn thuở ân quang chiếu khắp
Pháp truyền đất tổ ngàn thu đạođức sáng ngời.
Bia được đặt ở chính giữa, cao 2,76m (cả bệ), rộng 1,2m. Bia dẹt có mái hình lá
đề. Mặt tiền khắc bài văn bia trùng tu, mặt sau không khắc chữ, hai bên cạnh có
đôi câu đối khắc nổi theo kiểu chữ Đại Triện. Đế bia cao 0,4m, rộng 1,35m, chạm
khắc tinh xảo theo đề tài tứ linh. Toàn bộ tấm bia này là một công trình, một tác
phẩm nghệ thuật chạm khắc tuyệt mỹ.
Nội dung: Ca ngợi cảnh đẹp Hồ Thiên và ca ngợi công đức của chúa Trịnh khi
trùng tu ngôi chùa này. Cuối bài văn bia có khắc bài thơ của chúa Trịnh Cương:
Ngự chế Hồ Thiên tự thi .
Tạm dịch:
Miền đông đều xinh đẹp
Riêng một cảnh Hồ Thiên
La liệt ngàn núi thẳm
Vời vợi muôn vẻ huyền
Thượng thừa khai cảnh phật
Đại giác diễn chân thuyên
Lầu gác thường truyền giới
Đầm vực nối đất liền
Châu báu xây cổ tháp
Ngọc vàng rạng mọi miền
Đạo lớn thâm hưng chấn
Công quả được mãn viên
Cuộc chơi vừa kết thúc
Bút thánh đề non tiên.
Bia dựng ngày tốt tháng 3 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Công bộ Thượng thư
Cao Huy Trạc, tước Lâm quận công và Nguyễn Trác Luân đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ
khoa Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái 2 (1721) soạn văn. Phạm Khiêm Mích, đỗ Thám
hoa, làm quan chức Tham tòng Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, tước
Thuật quận công và Nguyễn Huy Nhuận làm quan chức Tham tòng Hộ bộ Thượng
thư, kiêm Binh bộ Thượng thư thiếu truyền tước Triệu quận công cùng nhuận sắc.
Bia tháp Viên Nhân : tháp gạch đã đổ nát, tấm bia bị va đập bị vỡ làm mất dòng
lạc khoản. Đây là nơi an táng của một vị sư tổ chùa Hồ Thiên có tên tự là Tâm
Quế, huý là Trần Chi, pháp hiệu là Hoà Bình Thích Khoan Hựu thiền sư. Bài văn
bia có nhiều chữ bị mờ mòn khó đọc. Đoạn đầu kể về tiểu sử và ca ngợi tâm đức
học hạnh của nhà sư, đoạn cuối có bài minh văn:
Phiên âm:
Sơn xuyên vô nhãn lượng
Phong thuỷ mạc kỳ cư
Thân đáo bồng lai cảnh
Thần siêu an lạc trần
Tiêu dao đăng bảo tháp
Thoát sái kiến chân như.
Tạm dịch:
Sông núi mênh mang vượt quá tầm mắt
Gió lành, nước mát phải chăng ở chốn này
Gửi tấm thân đến cảnh bồng lai
Rũ bụi trần thấy tinh thần siêu thoát an lạc
Thảnh thơi lên ngọn bảo tháp
Thoát cõi trần tục thấy được Chân Như.
Ngoài năm bia đá kể trên, nếu có điều kiện khai quật ở các ngọn tháp đổ hoang có
thể còn phát hiện nhiều tấm bia đá khác có giá trị. Hiện nay mọc lẫn cùng cây rừng
còn có nhiều cây của nhà chùa để lại như thông, vải thiều, đại trắng, quýt, bưởi,
khế... Tất cả đều là cây cổ thụ hàng năm trăm tuổi trở lên... Đặc biệt còn ba cây
thông già, cao hàng chục mét có đường kính tới 1,5m. Cổ nhất là cây vải thiều,
gốc cây xù xì, nhiều bạnh cũng có đường kính tới trên 1,5m (tương đương ba
người ôm)... Đó cũng là những hiện vật minh chứng cho niên đại của cổ tự Hồ
Thiên.
Sau khi khảo sát phế tích này, chúng tôi đã tiến hành tra cứu thư tịch cổ và các tư
liệu về di tích thì được biết: Hồ Thiên là một danh lam cổ tự nổi tiếng trong lịch sử
Phật giáo Việt
Nam thời phong kiến. Chùa được khởi dựng dưới triều Trần. Điều ngự giác hoàng
Trần Nhân Tông (tức đệ nhất Phật phái Trúc Lâm) từng đăng đàn thuyết pháp tại
đây. Sau khi ngài mất, đệ tử chùa Hồ Thiên đã tạc tượng thờ ngài. Nhiều năm sau
cổ tự Hồ Thiên đã trở thành thiền viện danh tiếng của Phật phái Trúc Lâm. Đời
Hậu Lê vào năm Vĩnh Khánh 1729 - 1732 và Vĩnh Hựu 1735 - 1740 triều đình đã
cấp tiền trùng tu với quy mô rộng lớn khang trang lộng lẫy nhất vùng. Đến đầu thế
kỷ XIX chùa bị đổ nát chỉ còn di tích .
Như vậy đến nay đã gần hai thế kỷ chùa Hồ Thiên vắng bóng nhà tu hành. Các
công trình kiến trúc bị đổ nát trở thành hoang phế, các hiện vật và tư liệu Hán
Nôm phần nhiều bị thất lạc. Vì nằm trong sâu thẳm rừng hoang nên đến nay vẫn
chưa được quan tâm nghiên cứu.
Hiện chưa rõ phần đất này thuộc địa phương nào quản lý, song với ngành quản lý
chuyên môn thì vấn đề khảo sát kỹ lưỡng để tiến hành nghiên cứu thiền viện Hồ
Thiên là việc cần thiết. Đến Hồ Thiên chúng ta mới thấy được tính cấp thiết của
vấn đề này. Khu rừng đang bị lâm tặc tấn công khai thác gỗ, còn ngôi mộ tháp đã
bị kẻ săn tìm đào bới để kiếm tìm cổ vật. Tháp đá bảy tầng vì một quả bộc phá mà
bị nghiêng đi một góc chừng 25Co và có nguy cơ bị nghiêng nhanh hơn nữa khi
tán cây rừng bị chặt trụi. Bia trùng tu và nhà bia đã bị đào bới đổ nát... Qua bài
viết này chúng tôi kính mong được Bộ Văn hoá Thông tin,
Hội Phật giáo Trung ương và các ngành có liên quan cùng phối hợp khảo sát
nghiên cứu để có kế hoạch bảo vệ di tích quý giá này.