Nhắc nhỏ người bệnh khớp
Nấm kim châm không thích hợp cho người bệnh gút.
Sức khỏe là vàng nên trong những ngày Tết ai ai cũng chúc nhau nhiều
sức khỏe. Nhưng để giữ cho thật sự khỏe mạnh trong những ngày này cũng
không phải là dễ. Ngày Tết, thường là giao thời giữa mùa đông giá lạnh với
mùa xuân ẩm ướt, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, là điều kiện thuận lợi cho
nhiều loại bệnh khớp phát sinh hoặc tiến triển nặng hơn. Hơn nữa ngày Tết
khó tránh khỏi hiện tượng "dư thừa" dinh dưỡng, điều này thật không có lợi
với người bệnh gút...
Bệnh nhân gút: Chế độ ăn trong những ngày Tết cần phải tuân thủ chặt chẽ
hơn ngày thường. Gút là một bệnh do rối loạn chuyển hóa các nhân purin, trong
đó, tăng acid uric máu là đặc điểm chính. Hậu quả là các mô có lắng đọng các tinh
thể monosodium urat do chúng bị bão hòa ở dịch ngoài tế bào, do vậy mà gây nên
một hoặc nhiều triệu chứng lâm sàng sau: viêm khớp và cạnh khớp cấp và mạn
tính, thường được gọi là viêm khớp do gút; tích lũy vi tinh thể ở khớp, xương, mô
phần mềm, sụn khớp, được gọi là tophi; lắng đọng vi tinh thể ở thận, gây bệnh
thận do gút; gây bệnh sỏi tiết niệu do acid uric. Bệnh thường gặp ở nam giới, tuổi
trung niên, bệnh liên quan đến chế độ ăn uống quá nhiều chất đạm, uống quá nhiều
bia, rượu... Do vậy cần hạn chế tối đa uống rượu, bia vì rượu, bia làm tăng acid
lactic trong máu dẫn đến tăng lắng đọng urat ở khớp. Duy trì chế độ ăn giảm đạm
(protein). Đảm bảo uống đủ nước để thận có thể lọc tốt (2-2,5l/ngày), nhất là sau
khi uống rượu, bia, ăn nhậu nhiều. Kiềm hóa nước tiểu để tăng đào thải acid uric
qua thận bằng các loại nước khoáng có kiềm cao hoặc nước kiềm 14%. Những
thực phẩm không nên ăn là thức ăn giàu purin như phủ tạng động vật (gan, óc, tim,
lòng, bầu dục) một số loại nấm, măng tây, tôm, cua, cá béo, cá hộp, thịt bê, đậu hạt
các loại.... Có thể ăn trứng, sữa, hoa quả.
Với người bệnh viêm khớp dạng thấp, tránh lạnh, ẩm, ăn uống hợp lý đề
phòng các đợt tiến triển là quan trọng nhất. Nguyên nhân gây bệnh còn chưa rõ,
bệnh được xếp vào nhóm bệnh "tự miễn dịch" với sự có mặt của yếu tố dạng thấp
trong máu. Bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới, tuổi trung niên, viêm khớp kéo dài với các
đợt sưng đau khớp cấp tính. Trong đợt cấp tính, bệnh nhân thường sưng đau nhiều
khớp, sốt, có thể có các biểu hiện ở các cơ quan khác. Mỗi đợt cấp tính thường kéo
dài khoảng 1- 2 tuần. Nếu không được điều trị, các khớp nhanh chóng bị biến
dạng, dính khớp. Các khớp thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay, khớp cổ
tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân, cả 2 bên. Ở giai đoạn muộn, thường biểu
hiện ở các khớp vai, háng, cột sống cổ. Buổi sáng, khi mới ngủ dậy, người bệnh
thấy có cảm giác cứng tại khớp, khó vận động. Sau nhiều đợt cấp tính hoặc sưng
đau khớp kéo dài (vài tháng hoặc vài năm), các khớp có thể biến dạng: bàn tay bị
vẹo, cổ tay sưng, các ngón tay ngón chân cũng bị biến dạng, các cơ teo, khiến cho
chức năng vận động của bệnh nhân bị giảm sút, thậm chí, ở giai đoạn muộn, bệnh
nhân trở thành tàn phế, phải có người phục vụ.
Bệnh nhân bị co thắt các mạch máu đầu chi trong hội chứng Raynaud, đây
là một biểu hiện hay gặp trong bệnh xơ cứng bì toàn thể, cần phải giữ ấm bàn
chân, bàn tay. Khi tiếp xúc với lạnh, đầu ngón tay, ngón chân bị trắng bệch, tê
buốt do thiếu máu đầu chi, sau đó chúng trở nên tím ngắt, căng tức. Xơ cứng bì là
một bệnh hệ thống, do bất thường về hệ thống miễn dịch, có biểu hiện ở tất cả các
cơ quan trong cơ thể, trong đó thường thấy như da dày lên, mờ hoặc mất các nếp
nhăn trên mặt, khó há miệng, lắng đọng canxi ở tổ chức dưới da, giảm tiết dịch các
tuyến ngoại tiết như tuyến nước bọt, tuyến nước mắt, dịch tiêu hóa, xơ hóa phổi,
tràn dịch màng ngoài tim, màng phổi...
Đề phòng đợt tiến triển của bệnh thoái hóa khớp ở người cao tuổi - là bệnh
lý do quá trình lão hóa của sụn khớp, sụn bị mất tính đàn hồi, mỏng dần đi và
nhuyễn hóa, làm lộ tổ chức xương dưới sụn, gây đau và hạn chế vận động. Khi trời
lạnh, các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn làm cho các khớp trở nên
cứng hơn, khó cử động hơn. Hơn nữa khi trời lạnh, các thói quen tập luyện hàng
ngày cũng bị giảm đi, cũng góp phần làm bệnh nặng thêm.
Để có một cái Tết thật vui, bệnh nhân mắc các bệnh khớp cần đảm bảo dinh
dưỡng hợp lý, tránh uống nhiều bia, rượu, tuân thủ chế độ thuốc men thường
xuyên tránh lạnh, giữ ấm toàn thân, nhất là bàn tay, bàn chân, đội mũ, đeo găng
tay, đi tất, quàng khăn ấm, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, ngâm nước muối
ấm bàn tay, bàn chân, sử dụng túi chườm nóng, lò sưởi, điều hòa nhiệt độ (nếu có
điều kiện).