Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Tài liệu Rưng Rưng Mùa Sấu doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (128.59 KB, 3 trang )

Rưng Rưng Mùa Sấu

Biến trái sấu xanh thành món uống mát mẻ giữa ngày hè

Khi mùa hạ đã thực sự khoác tà áo mỏng, thảnh thơi dạo bước, thì trên bao vòm
lá sấu xanh um trong vườn nhà tôi bắt đầu được nhuộm thêm sắc trắng của những vòm
hoa tinh khiết. Như ngày còn bé, tôi lại sốt ruột đếm từng ngày, mong từng khắc sao
cho những chùm hoa trắng thơm ngào ngạt kia mau chóng đậu thành quả.
Không chỉ để nếm vị chua giòn giòn của từng trái sấu trên đầu lưỡi, rồi khẽ
nhăn mặt, mà quan trọng hơn là bởi thế nào, mẹ cũng làm món nước sấu "thết đãi"
chúng tôi trong suốt những ngày hè nóng bức. Với những người yêu trái sấu nhưng lại
không khoái khẩu lắm với vị chua thì món nước giải khát của mẹ càng mang một ý
nghĩa đặc biệt.
Sấu là loại cây kỳ lạ, khi cái tên đã ẩn chứa bao nhiêu sự xù xì, gai góc. Cả năm
đi qua những gốc sấu già, nhiều lần với tay ngắt một vài chiếc lá non chấm muối ớt
nhưng có lẽ chẳng ai nhớ sự hiện diện của cây. Phải đến khi trong không gian sực lên
một mùi hương nồng nàn và da diết, tôi mới nhận ra, nhà mình nằm lọt thỏm giữa bao
nhiêu là cây sấu. Hoa thì be bé thế thôi, sắc trắng cũng nhạt nhoà và đơn điệu nhưng
hương thơm thì chẳng thể kém vị ngát của hoa bưởi tháng ba hay cái thẳm sâu của
những chùm dâu da xoan. Tựa hồ như bước ra từ không gian ấy, tôi cũng sẽ thấm đẫm
lên bởi một thứ nước hoa rất đỗi ngào ngạt.

Rồi mùi hương cứ nhạt dần khi từng chùm hoa biến mình thành quả. Vốn là đứa
nóng vội, tôi thường trèo cây hái những chùm quả đầu tiên, rồi tập tành làm nước sấu.
Và thất bại. Sấu là loại quả kén người, không phải bàn tay nào cũng có thể biến cái vị
chua làm nhăn mặt ấy trở thành một thứ nước mát mẻ giữa ngày hè. May sao, sấu lại
ưa bàn tay nhiều vết sần và chai sạn của mẹ tôi.
Mẹ dặn rằng để có được ly nước thơm ngon, quan trọng nhất là việc lựa những
trái sấu. Những trái có vỏ màu xanh sẫm, lớp da hơi xù xì bao giờ cũng ngon và giòn
nhất. Nếu màu da xanh bóng, còn nhẵn thì trái sấu ấy còn non, khi ngâm, nước sẽ có vị
chát. Trái sấu già tuy hương vị ngọt hơn nhưng lại chóng hỏng, lại không còn lưu giữ


được mùi vị đặc trưng. Lựa được những quả sấu ưng ý, tôi cùng cô em gái lúi húi rửa
sạch. Chờ cho nước ráo, hai chị em lại tỉ mỉ cạo lớp vỏ ngoài của từng quả sấu. Nếu
dùng dao để gọt không những lâu hơn mà rất dễ phạm vào phần cùi của quả. Đến công
đoạn này mẹ đã phải xắn tay áo vào giúp sức. Từng quả sấu đã cạo vỏ được bàn tay
mẹ khéo léo lượn những vòng tròn xung quanh hột. Phải tách làm sao để miếng cùi sấu
vốn giòn không bị "gãy", đến lúc tỉa xong, đặt giữa lòng bàn tay vẫn còn nguyên hình
dạng quả sấu ban đầu.
Đặc trưng của món nước sấu là dù ngâm trong bao lâu quả vẫn giữ được độ
giòn. Muốn thế, mẹ tôi ngâm những trái sấu đã được tách vào nước vôi trong. Có thể
thay thế bằng phèn, nhưng với mẹ tôi nước vôi trong duy trì được vị chua và giòn của
trái sấu hơn rất nhiều. Thời gian ngâm sấu cũng rất quan trọng. Nếu ngâm lâu quá, trái
sấu sẽ mất vị còn vớt ra sớm quá, sấu không những chẳng bảo quản được sự giòn lâu
mà còn chát. Chính vì thế, bao giờ mẹ tôi cũng rất chú tâm đến thời lượng ngâm sấu
trong nước vôi trong. Món ăn ngon có lẽ chẳng bao giờ thiếu được sự tận tâm của
người chế biến. Nhìn thấy sự cẩn thận và chu đáo của mẹ, tôi dễ dàng nhận ra vì sao
thứ nước sấu giản dị mẹ làm có thể trở thành "đặc sản".
Sau khoảng thời gian nhất định, vớt những trái sấu lúc này đã săn chắc và cứng
cáp hơn ra, rửa lại bằng nước sạch rồi để ráo. Lúc này, nồi nước tôi bắc trên bếp đã
sôi. Nhấc nồi nước xuống mẹ cho đường vào. Phải là thứ đường đỏ thì sấu mới dậy
mùi và nước mới ngả sang màu vàng nhạt mát mắt. Cho vào nước đường những củ
gừng đã được cạo vỏ, đập giập để tăng thêm mùi thơm. Khi nước nguội, mẹ đổ sang
chiếc bình thuỷ tinh mà trước đó em gái tôi đã cho trái sấu vào. Cho quả vào lúc nước
nóng là bao nhiêu công sức trước đó sẽ đổ xuống sông, xuống bể. Lúc đó, trái sấu
đang giòn tan tự nhiên sẽ mềm đi, mất hẳn mùi vị. Mẹ vẫn thủ thỉ với chị em tôi rằng,
trước khi đậy bình lại nên cho thêm một vài lát gừng. Như thế, vị thơm có được sẽ lâu
hơn.
Chiếc bình nước sấu đặt trong nhà bếp, phải hai, ba ngày sau chị em tôi mới
được thưởng thức. Lúc đó vị ngọt của đường và vị cay của gừng mới thật sự ngấm
sang từng trái sấu. Đến lúc, mắc võng giữa hai thân sấu già vào ngày hè oi bức, cầm
trên tay một ly nước sấu sóng sánh đã được cho thêm đá, uống một hơi cho qua cơn

khát, rồi mới cảm nhận cái mát mẻ lan dần xuống thân thể đang toát đầy mồ hôi. Vị
ngọt đượm của đường đã được chất chua của sấu dung hoà, thêm hương thơm đặc
trưng bởi sự góp mặt của gừng càng tạo nên một thứ nước giải khát dễ uống và khó
quên. Đến khi ly nước đã cạn, tôi mới nếm đến những trái sấu. Sấu giòn tuởng như vỡ
vụn ra ngay khi vừa đưa vào miệng. Rồi cái vị ngòn ngọt, thơm thơm ấy cứ tù từ mà
thưởng thức.
Không phải là thứ thức uống cầu kỳ, nhưng cùng với bát nước canh rau muống
dầm sấu thì những ly nước sấu mát lạnh đã khiến bao ngày hè ngột ngạt trở nên ngọt
ngào hơn.

×