Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

Chu tich Ho Chi Minh va nguoi Hue

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (242.93 KB, 4 trang )

<span class='text_page_counter'>(1)</span>Chủ tịch Hồ Chí Minh và người Huế Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890-19/5/2010), Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế xin gởi đến quý vị bài viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh và “người Huế”. Cụm từ “người Huế”, “người Thừa Thiên” luôn là niềm tự hào của những người con của đất Thừa Thiên Huế khi được gặp Bác Hồ, bởi Thừa Thiên Huế chính là nơi Bác Hồ đã sống thời niên thiếu trong khoảng hơn 10 năm, là nơi đã từng chôn cất thi hài của người mẹ thân yêu của Người, với những kỷ niệm sâu lắng và gắn bó máu thịt với Người. Trong bất cứ lần gặp gỡ nào những người con của Thừa Thiên Huế cũng luôn được Bác quan tâm động viên, thăm hỏi và đã có rất nhiều người Huế trưởng thành từ sự dìu dắt của Người, trở thành người học trò xuất sắc của Người như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu, Giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn.... Nhưng có lẽ trong lòng “người Huế”, hình ảnh Bác Hồ mãi mãi là vị cha già đầy tôn kính và trìu mến.. Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan Huế, nơi Bác Hồ và gia đình sống ở Huế Trong mỗi câu chuyện về những người Huế được gặp Bác Hồ, sự quan tâm của Bác đến cuộc sống riêng của mỗi người, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn là một phần của câu chuyện, thể hiện một tầm vóc văn hóa sâu sắc trong con người Hồ Chí Minh. Văn hóa sống bình dị, tình nghĩa, không phải người thân mà như là ruột thịt. Năm 1968, bà Nguyễn Đình Chi có mặt trong Đoàn Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình thành phố Huế đến Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Hồi tưởng lại những ngày tháng ấy, bà không khỏi xúc động bởi Bác không chỉ quan tâm đến những việc lớn lao mà còn quan tâm chăm sóc đến từng việc nhỏ, từng con người cụ thể và những “người Huế” luôn có trong tình cảm đặc biệt ấy. Bà còn nhớ, thời gian Đoàn Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình thành phố Huế ở Hà Nội, Bác luôn hỏi thăm về tình hình ăn ở và nhắc nhở các đồng chí ở Ban Thống nhất chăm lo cho Đoàn, Bác đã hỏi” “đã có người nấu ăn cho Đoàn Huế chưa? Người nấu ăn phải biết khẩu vị của người Huế đó nhé”; “Đoàn Huế đã đủ đồ ấm chưa? Trong Huế không lạnh như ngoài Bắc đâu!”. Có những việc tưởng chừng chỉ những người thân ruột thịt mới hiểu và quan tâm đến vậy, vậy mà Bác đã làm thật chu đáo, Bác dặn: “Bà Đức (bà Nguyễn Đình Chi) ra đây buồn, các chú phải tìm một cháu bé đến chơi với bà nhưng phải tìm cho được một cháu ngoan và dễ thương đấy nhé”. Khi Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Hòa (tức cu Theo) ra Bắc, lúc đó mới 14 tuổi, được vào gặp Bác Hồ. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, Nguyễn Văn Hòa thưa với Bác: mạ ở nhà trồng khoai, trồng sắn nuôi con và giúp cán bộ, bộ đội trên căn cứ. Ba tập kết ra Bắc đến nay chưa biết tin tức. Bác Hồ đã lập tức nhắc đồng chí Tố Hữu tìm ba cho cu Theo, để hai cha con được gặp nhau. Cu Theo được Bác Hồ cho ăn kẹo, tặng sách, Bác lại động viên cố gắng chữa bệnh, ăn uống cho mau khỏe để đi học; được Bác cho phép cùng Bác đón tiếp khách quốc tế, được nghỉ ngơi thoải mái ở Nhà sàn của Bác. Nữ anh hùng của dân tộc Pa kô, miền Tây Thừa Thiên Huế ra miền Bắc, được Bác gọi đến Phủ Chủ tịch cho Bác gặp mặt, được ăn cơm với Bác, được Bác hỏi thăm về thành tích kháng chiến, về cuộc sống, căn dặn nhiều điều để sống và chiến đấu xứng đáng với danh hiệu Anh hùng. Những ngày ở Hà Nội, Kan Lịch được Bác chăm lo chu đáo. Trong những lần gặp mặt, Bác được biết Kan Lịch đã có người yêu, Bác căn dặn: “... Đã hứa với ai thì cháu phải chung thủy, giữ lời hứa cho trọn vẹn”. Bác đặc biệt chăm lo đến hạnh phúc của mỗi con người, bởi hạnh phúc của mọi người gộp chung lại là nguồn hạnh phúc của Bác..

<span class='text_page_counter'>(2)</span> Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - vị tướng người Huế được Bác Hồ đặt tên - tháp tùng Bác về Nghệ An thăm quê năm 1957 Ông Hồ Quốc Chín vẫn đinh ninh lời căn dặn của Người trong lần được gặp Bác. Người hỏi: “Các cô, các chú có gửi thư về thăm gia đình đều không?”. Và căn dặn: “Phải quan tâm thăm hỏi sức khỏe gia đình, “tiên tề kỳ gia, hậu trị kỳ quốc”. Bác hỏi chuyện bà Hoàng Thị Mộng Điệp - diễn viên sân khấu tuồng và ca kịch “Cô được mấy cháu rồi?”. Bà trả lời: “Dạ thưa! Con được hai cháu. Hiện nay các cháu còn ở trong Nam”, Bác nói: “Phần quà của cháu, cô nhận cho cháu đi!”. Cho đến tận bây giờ khi hồi tưởng lại những giây phút được gặp Bác Hồ bà vẫn rưng rưng cảm xúc bởi Bác không chỉ quan tâm đến những người có mặt, Bác còn quan tâm đến gia đình của mỗi người. Trong tâm tưởng của ông Nguyễn Húng vẫn còn vang mãi lời Bác nói trong lần gặp Bác trước khi vào chiến trường “Bác thương nhớ đồng bào miền Nam lắm. Cho Bác gửi lời thăm các cô, các chú và đồng bào miền Nam ruột thịt”. Còn trong câu chuyện của nhà thơ Thanh Hải, Bác vẫn nhớ nhà thơ là người Thừa Thiên, Người gọi đùa là “người miền Nam trọ trẹ”. Có lần Bác đã hỏi nhà thơ về chuyện vợ con như người cha hỏi đứa con trai lớn đi xa về “Bác khuyên tôi nên lấy vợ như thế nào. Bác ơi, sao Bác lo cho chúng cháu ân cần, tỉ mỉ thế. Còn Bác? Sao Bác chẳng lo gì cho Bác cả và cũng chẳng để ai lo cho riêng Bác cả!”. Năm 1969, khi Đoàn văn công quân giải phóng Trị Thiên Huế ra an dưỡng ở miền Bắc. Lúc này Bác đang ốm nặng, nghe tin Đoàn ra, Bác đã gọi điện cho các đồng chí Trung ương dặn phải chăm sóc Đoàn cẩn thận từ khâu ăn uống, thuốc men, quần áo... Cán bộ, diễn viên trong đoàn đã vô cùng cảm động khi biết rằng Bác dù đang ốm vẫn không nguôi lo nghĩ việc nước, vẫn quan tâm chăm lo đến đời sống và sinh hoạt của tất cả mọi người, trong đó có Đoàn văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế. Trong câu chuyện với những “người Huế” Bác thường hỏi chuyện dân gian Huế, năm 1968, Bác hỏi chị Nguyễn Thị Hường, nguyên Bí thư chi bộ chợ Đông Ba “Hiện giờ Huế có còn nhữg gánh chè chồng từng chén lên nhau nữa không?. Hay Bác hỏi bà Nguyễn Đình Chi: “Hiện giờ Huế có còn các cô bán chè mặc áo dài giọng rao chè thánh thót, với những gánh chè đầy, đủ loại chén chè múc nhỏ xíu, để trên cái trẹt, xây ba bốn tầng và đủ loại chè nữa không?”; “Đường chạy qua trường Quốc Học bây giờ đổi thành đường gì?”, “Con đường cửa Đông Ba vô chợ Xép đổi thành đường gì?”, “Chợ Xép có còn đông không?”. Trong lần tiếp đồng chí Lê Tư Minh, khi đã trao đổi xong công việc, Bác nhắc rất nhiều về Huế, những địa danh, những món ăn... Bác đi tới bản đồ Huế tìm, chỉ lên bản đồ và nói: “- Hồi nhỏ, Bác ở trên đường vô cửa Đông Ba quá chừng mươi số nhà, ở bên tay trái này”. Lần cuối cùng được gặp Bác, khi chia tay đồng chí Lê Minh còn nhớ mãi “Tôi cúi chào Bác, Bác cứ đứng nhìn theo. Trông Bác, tôi thấy Bác nhớ Huế vô cùng”..

<span class='text_page_counter'>(3)</span> Bác Hồ làm việc Tố Hữu năm 1960 Nhớ Huế, nhớ từng con đường ngõ phố nơi Người đã từng sống và đi qua. Nhớ Huế, Người nhớ cả tình cách của con người Huế, nhớ từng món ăn Huế đặc biệt thanh tao, Người đã từng hỏi bà Nguyễn Khoa Bội Lan khi xem một bức tranh: “Con gái Huế của cô có hay đấu tranh với địch kiểu này không?”. Bà trả lời: “Thưa Bác, hạn hữu thì cũng có nhưng nói chung thì không”. Bác cười: “Con gái Huế của cô ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng lắm nhưng chanh chua thì cũng không thua ai”. Hay một lần khác, Bác mời bà Bội Lan nếm một thìa canh và hỏi: “Cô ăn đi rồi nói cho cả nhà biết đây có phải là canh rau muống Huế không?”. Bà trả lời: “Hình thứ thì đúng, nước rất trong, rau rất xanh, tôm kho đánh rơi trên mặt rất hồng tươi, nhưng ở Huế cháu chưa thấy ai nấu canh rau muống với nước gà cả”. Bác cười: “Thế là bí mật của nhà bếp bị người địa phương phát hiện ra rồi. Cô gái Huế này không biết nấu ăn có giỏi không mà ăn cũng rành đấy”. Thừa Thiên Huế ở trong lòng Bác và Bác cũng ở trong lòng nhân dân Thừa Thiên Huế. Ước mong được gặp Bác luôn cháy bỏng trong lòng mỗi người người dân Huế. Những ai đã có vinh dự được gặp Bác thì đó là những kỷ niệm thiêng liêng không thể nào quên, còn những ai chưa một lần gặp Bác thì hình ảnh của Bác mãi trong con tim khối óc, là niềm tin đi suốt cuộc đời. Trong hai cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt hình ảnh của Người, niềm tin về Người luôn là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn, vượt qua mọi khốc liệt và hy sinh. Vì vậy, gìn giữ hình ảnh của Người trở thành việc làm hết sức phổ biến, gây được niềm xúc động sâu xa. Mẹ Lê Thị Tề quê ở Vinh Giang – Phú Lộc, là một cơ sở kháng chiến, trong những ngày sống trong vùng địch hậu, bất chấp nguy hiểm, bà đã cất giấu 5 tờ giấy bạc có hình của Bác Hồ phát hành năm 1949; những tờ giấy bạc được bà bỏ vào một cái ống tre và chôn xuống nền nhà, bà tâm sự:”Những lúc khó khăn nhìn ảnh cụ mà thấy trong lòng nhẹ đi một phần”. Cùng chung ý nghĩ ấy với mẹ Tề, ông Trần Thành Toàn ở Cư Chánh, Thuỷ Bằng, Hương Thuỷ; ông Nguyễn Văn Lô ở Thượng 4, Thuỷ Xuân Huế; ông Nguyễn Văn Khôi ở Thuỷ Lập, Quảng Lợi, Quảng Điền..... cũng cất giữ những tờ giấy bạc mang hình của Bác. Hình ảnh những người dân bình dị, không quản ngại hy sinh gìn giữ và nâng niu hình ảnh của Người là một biểu tượng đẹp của lòng dân Huế hướng về Bác Hồ. Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, khắp nơi trong cả nước đã làm lễ tang và truy điệu Người, nhân dân Thừa Thiên Huế cũng đau nỗi đau chung của dân tộc, để từ đó lưu truyền nhiều câu chuyện cảm động về tang lễ Người ở Huế. Để tránh sự bắt bớ và trả thù của kẻ thù, các bà, các chị đã dùng dải quai nón đen đội hàng ngày để thay băng tang; Trong các nhà tù Tuần lễ để tang Bác, những tù nhân chính trị ngừng các cuộc vui chơi, ca hát, ôn lại những gì lâu nay Bác dạy, ôn lại những gì mình hiểu về Bác. Thương nhớ Bác vô cùng. Đặc biệt chị Hà Thị Mừng ở An Ninh Thương, xã Hương Long Huế, là cơ sở bí mật cũ tìm cách để tang và tổ chức lễ truy Bác bằng cách: Tất cả các xúc vải trong cửa hàng của chị đều được thắt nơ: vải đen thắt nơ trắng, vải trắng thắt nơ đen, vải vàng thắt nơ đỏ, bình hoa huệ thắt nơ màu tím.... Ông Quỳnh Trên – nguyên Bí thư huyện uỷ A Lưới, năm 1969, nghe tin Bác mất, với tấm lòng biết ơn và thương tiếc vô hạn ông đã tự đẽo gỗ làm thành một chiếc đế đặt tượng trên đó có 79 khắc gỗ nổi lên tương trưng cho 79 mùa xuân của Người. Ông Quỳnh Hoàng là một người con của đồng bào dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế , lúc Bác mất không có tượng để lập bàn thờ, ông đã đẽo gỗ làm tượng, gửi gắm vào đó cả tấm lòng và niềm tôn kính. Trong ngày Bác mất đã có rất nhiều gia đình bí mật lập bàn thờ Bác tại nhà, âm thầm tổ chức lễ truy điệu, bà Nguyễn Thị Đốc ở Thế Sơn, Lộc Tiến, Phú Lộc hàng ngày bà đều thắp hương tưởng niệm Bác cùng với một ly nước nhỏ trên bàn thờ bí mật của gia đình..

<span class='text_page_counter'>(4)</span> Trường Quốc học, nơi Bác Hồ học tập thời niên thiếu ở Huế Sau năm 1975, khi nước nhà hoàn toàn độc lập, giang sơn thu về một mối, nhưng trong ngày hội non sông không có Bác về cùng, niềm tiếc thương và mong nhớ ấy cũng được nhân dân Thừa Thiên Huế tái hiện lại trong mỗi hình ảnh của Người. Ông Ngô Mạnh Tiên (85 - Đinh Tiên Hoàng – Huế), sau ngày thống nhất ông được gặp lại cha và tám người anh em của mình đi tham gia kháng chiến trở về. Trong phút giây đoàn tụ ấm áp và cảm động, ông được cha là ông Ngô Mạnh Khản kể chuyện về Bác Hồ , về tấm lòng của Người đối với đồng bào miền Nam, đối với con em của đồng bào miền Nam trên đất Bắc. Với một sự xúc động sâu xa, ông đã dùng tài đánh máy chữ của mình tái hiện bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau hơn mười ngày miệt mài bên bàn phím, bằng cách đánh ghép các chữ cái I, X, Y,O, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện ra. Mặc dù chưa một lần được gặp Bác, nhưng hình ảnh Bác mà ông thể hiện vô cùng sống động, bởi đó là tâm huyết của ông. Sau khi hoàn thành ông đem bức chân dung đặt ở vị trí thờ trang trọng nhất trong gia đình. Có lẽ cùng chung niềm xúc cảm như ông Ngô Mạnh Tiên, ông Nguyễn Văn Lô, ở tổ 1, Thượng 4, Thuỷ Xuân Huế, là một người thợ đúc lành nghề, ông muốn tự tay mình đúc nên hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã nhìn ảnh, tạo khuôn, sau hơn một tháng làm việc khuôn tượng hoàn thành. Ông dùng nhôm làm chất liệu đúc tượng Bác Hồ, bức tượng đã trở thành bức tượng thờ trong gia đình. Dù năm tháng có qua đi nhưng hình ảnh của Bác vẫn vẹn nguyên trong trái tim của những “người Huế”. Nhớ Bác, nhớ những tình cảm thiêng liêng mà Bác dành cho nhân dân Thừa Thiên Huế, càng khẳng định niềm tin vào con đường Người đã dẫn dắt cả dân tộc theo đi. -----------------------Theo Cổng thông tin Điện tử Thừa Thiên Huế.

<span class='text_page_counter'>(5)</span>

×