Giá chứng khoán được quyết định bởi yếu tố nào?
Liệu có một công thức chính xác để xác định khả năng thay đổi giá cổ
phiếu trên thị trường hay không? Câu trả lời là không.
Có thể chia các yếu tố được xác định là có thể tác động đến giá cổ phiếu thành 3 nhóm: cơ bản,
kỹ thuật và trạng thái thị trường.
Các yếu tố cơ bản
Trên thị trường, giá cổ phiếu được xác định dựa trên nền tảng các yếu tố cơ bản là: (1) tình hình
lợi nhuận (ví dụ chỉ tiêu thu nhập trên mỗi cổ phiếu – EPS) và (2) hệ số định giá (ví dụ hệ số giá
trên thu nhập mỗi cổ phiếu – P/E). EPS là thước đo để xác định phần lợi nhuận công ty tạo ra
trên mỗi cổ phiếu.
Vì vậy, khi mua một cổ phiếu nào đó nghĩa là bạn mua một phần tương ứng của dòng lợi nhuận
công ty có thể tạo ra trong tương lai. Đây chính là cơ sở cho việc xác định P/E, hay P/E thể hiện
mức giá bạn sẵn sàng trả cho một phần của dòng lợi nhuận được hưởng trong tương lai từ việc
đầu tư vào cổ phiếu đó.
Một phần của dòng lợi nhuận được tạo ra này sẽ được chia dưới dạng cổ tức hay cổ phiếu
thưởng; phần còn lại sẽ được công ty giữ lại để tái đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh
doanh. Dòng lợi nhuận tương lai là kết quả của mức lợi nhuận hiện tại và tỷ lệ tăng trưởng trong
tương lai.
Cần lưu ý rằng, EPS là một thước đo phổ biến, nhưng ngoài ra còn có những thước đo kế toán
khác cũng được sử dụng để đánh giá tình hình lợi nhuận, ví dụ như cổ tức trên mỗi cổ phiếu hay
dòng tiền trên mỗi cổ phiếu. Đồng thời, bản thân EPS cũng có thể được điều chỉnh theo những
nguyên tắc tài chính nhằm tạo ra những con số phản ánh chính xác hơn về tình hình lợi nhuận
của công ty.
Đối với hệ số định giá như P/E, thước đo này được quyết định bởi tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận
trong tương lai và tỷ lệ chiết khấu được dùng để quy dòng lợi nhuận trong tương lai về giá trị hiện
tại.
Nghĩa là một công ty có tỷ lệ tăng trưởng dự kiến cao sẽ dẫn đến hệ số định giá cao, nhưng tỷ lệ
chiết khấu cao sẽ khiến cho hệ số định giá thấp. Tỷ lệ chiết khấu phụ thuộc vào mức độ rủi ro của
loại cổ phiếu đó những yếu tố vĩ mô như lạm phát hay lãi suất cơ bản trong nền kinh tế.
Các yếu tố kỹ thuật
Trên thực tế, ngoài những yếu tố cơ bản (bên trong) kể trên, một số yếu tố kỹ thuật (bên ngoài)
cũng có những tác động đến tình hình cung-cầu của một loại cổ phiếu trên thị trường. Một số yếu
tố này ảnh hưởng một cách gián tiếp đến các yếu tố cơ bản.
(1) Lạm phát. Ngoài tác động đến hệ số định giá đối với cổ phiếu đã đề cập trên đây, lạm phát
còn là một yếu tố kỹ thuật quan trọng. Kết quả nghiên cứu thực chứng cho thấy mức độ lạm phát
có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với hệ số định giá cổ phiếu. Tình trạng giảm phát trong nền kinh tế
nhìn chung ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu.
(2) Triển vọng của ngành. Giá cổ phiếu của một công ty thường gắn với triển vọng chung của nền
kinh tế và của ngành. Có một số nghiên cứu cho thấy rằng không phải kết quả hoạt động riêng lẻ
của một công ty, mà là sự kết hợp giữa tình trạng chung của nền kinh tế và triển vọng của một
ngành là yếu tố chính quyết định mức giá cổ phiếu của một công ty trong ngành đó.
(3) Các loại tài sản đầu tư thay thế. Cổ phiếu công ty phải cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư
với nhiều loại tài sản đầu tư khác nhau trên thị trường, ví dụ như trái phiếu chính phủ, bất động
sản, vàng hay các loại ngoại tệ.
(4) Các giao dịch bất thường: là việc mua hay bán cổ phiếu xuất phát từ những lý do khác, không
dựa trên cơ sở giá trị nội tại của loại cổ phiếu đó. Những giao dịch này bao gồm giao dịch của
các cổ đông nội bộ trong công ty hay giao dịch cổ phiếu quỹ, thường theo kế hoạch được công
bố trước. Mặc dù những giao dịch này không phải là các dấu hiệu để khẳng định giá cổ phiếu sẽ
lên hay xuống nhưng trong một chừng mực nào đó có thể tác động đến cung-cầu cổ phiếu, do đó
tác động đến giá cổ phiếu.
(5) Tính thanh khoản của một loại cổ phiếu phản ánh mức độ quan tâm của công chúng đầu tư.
Khối lượng giao dịch thường là một thước đo của tính thanh khoản.
(6) Xu thế giá. Thông thường, giá cổ phiếu biến động theo những xu thế ngắn hạn. Khi giá một
loại cổ phiếu tăng sẽ hấp dẫn người đầu tư tham gia và tiếp tục tăng giá. Ngược lại, điều tương
tự cũng xảy ra với xu thế giảm giá. Điều đáng nói là những xu thế này chỉ trở nên rõ ràng khi nhìn
lại những gì đã qua, còn trên thực tế khó có thể xác định được những xu thế đó.
(7) Nhân khẩu học. Từ thực tế các nhà đầu tư ở tuổi trung niên thường đầu tư dài hạn vào các
loại cổ phiếu còn người đầu tư lớn tuổi thường chuyển từ cổ phiếu sang các loại tài sản đầu tư
khác để phục vụ cho chế độ nghỉ hưu, các nghiên cứu nhân khẩu học cho thấy khi người trung
niên chiếm tỷ trọng lớn trong công chúng đầu tư, sức cầu đối với cổ phiếu cũng cao hơn và hệ số
định giá (P/E) cũng cao hơn.
Trạng thái thị trường
Trạng thái thị trường liên quan đến trạng thái tâm lý của từng thành viên tham gia thị trường. Đây
có lẽ là nhóm các yếu tố phức tạp nhất, vì vai trò hết sức quan trọng của chúng được biết tới
trong sư biến động giá cổ phiếu trên thị trường, nhưng những hiểu biết về chúng mới chỉ là bắt
đầu.
Mỗi người đầu tư đều có thể đưa ra các quyết định đầu tư cổ phiếu của mình trên cơ sở các yếu
tố khác nhau. Những người đầu tư ngắn hạn và các nhà giao dịch chứng khoán thường ưu tiên
các yếu tố kỹ thuật. Người đầu tư dài hạn chú trọng đến các yếu tố cơ bản, song cũng nhận thấy
tầm quan trọng của các yếu tố kỹ thuật.
Để thành công bạn hãy nhớ rằng: các yếu tố kỹ thuật và trạng thái thị trường thường quyết định
giá chứng khoán trong ngắn hạn, nhưng các yếu tố cơ bản sẽ quyết định giá chứng khoán về dài
hạn.
Admin (Theo
www.vneconomy.com.vn
)