Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Tài liệu Liên kết để tăng sức cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng trong nước doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (74.45 KB, 2 trang )

Liên kết để tăng sức cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng trong nước
Để tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời phát triển ngành ngân hàng
thời hậu hội nhập, các chuyên gia cho rằng, trước mắt, thay vì đối đầu,
hệ thống ngân hàng trong nước nên tìm sự liên kết trong hệ thống
ngành, kể cả việc liên kết với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo bản cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về lĩnh vực ngân hàng
vừa được công bố, bắt đầu từ ngày 1/4/2007, ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ được phép
hoạt động và mở chi nhánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, chi nhánh này vẫn phải chịu hạn chế về huy
động tiền gửi bằng VND từ thể nhân Việt Nam trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập WTO và không
được mở chi nhánh phụ. Đặc biệt, mức cổ phần bán cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn được hạn
chế không quá 30%.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu
(Eximbank), so với ngân hàng nước ngoài, dịch vụ, công nghệ cũng như đội ngũ nhân lực quản lý
của hệ thống ngân hàng trong nước vẫn còn thua kém nhiều, nên việc các ngân hàng “nội” lo ngại
viễn cảnh thời hậu hội nhập, khi có sự xuất hiện của ngân hàng “ngoại” là điều dễ hiểu.
Ông Long cho rằng, để tăng sức cạnh tranh, các ngân hàng trong nước cần tăng lực về tài chính,
trong đó có cả việc bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng Việt Nam cần có
chính sách rõ ràng trong thu hút, cũng như giữ chân người tài để có được đội ngũ quản lý tốt.
“Nguồn nhân lực sẽ bị dịch chuyển khi có sự ‘đổ bộ’ của hàng loạt ngân hàng nước ngoài vào thị
trường Việt Nam. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong những năm qua, Eximbank đã ra sức đa
dạng hoá dịch vụ, tăng cường mở rộng mạng lưới, cũng như đào tạo nhân lực”, ông Long nhấn
mạnh và cho biết, Eximbank đang trong giai đoạn cuối đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài để
bán cổ phần, nhằm khai thác tốt hơn mảng dịch vụ tài chính. Dự kiến, đầu năm 2007, Eximbank sẽ
bán cổ phần.
Để chuẩn bị tốt cho thời kỳ hậu hội nhập, nhất là sau ngày 1/4/2007, theo các chuyên gia, ngân
hàng trong nước cần đảm bảo chất lượng dịch vụ tài chính. Hiện ngân hàng Việt Nam đã triển khai
nhiều dịch vụ tiếp cận khách hàng (như phát hành thẻ tín dụng, thẻ ATM). Tuy nhiên, nhìn tổng
quát, hệ thống dịch vụ của ngân hàng Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, các ngân hàng
nước ngoài đưa ra chiến lược chia thị trường thành nhiều phân khúc để dễ dàng nắm bắt tâm lý
người tiêu dùng trong việc lựa chọn dịch vụ tài chính. Có thể, một, hai năm tới, ngân hàng Việt
Nam sẽ bắt kịp nền công nghệ của ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn không tránh được sự cạnh


tranh và đây được xem là vấn đề tất yếu. Khi đó, một vài ngân hàng Việt Nam sẽ bị sáp nhập hoặc
thâu tóm là điều khó tránh khỏi. Đón đầu được những thách thức này, vừa qua, Ngân hàng Nhà
nước đã ra điều kiện, bắt đầu từ năm 2008, ngân hàng TMCP muốn thành lập mới phải có vốn
điều lệ 1.000 tỷ đồng trở lên.
“Một kết quả khảo sát thị trường vừa được đưa ra cho biết, trong thời gian tới, 50% khách hàng
trong nước sẽ chuyển giao dịch sang ngân hàng nước ngoài. Đây là điều đáng quan ngại, tuy
nhiên, trước mắt đó cũng chỉ mới là đánh giá, còn trên thực tế vẫn còn nhiều phức tạp”, một
chuyên gia ngành ngân hàng nói và thừa nhận, khâu thẩm định vốn được các ngân hàng nước
ngoài làm tốt hơn, thậm chí, còn đưa ra nhiều khoản vay tín chấp giá trị lớn. Trong khi đó, các tổ
chức tài chính Việt Nam lại đi ngược lại.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, ông Trần Ngọc Minh nhận định, ngành ngân
hàng Việt Nam sẽ không phải quá khó khăn để đối phó với những thách thức thời hậu hội nhập,
bởi đã có sự chuẩn bị chu đáo từ trước. Mặt khác, trong thời gian gần đây, bản thân các ngân
hàng, nhất là khối TMCP đã phần nào nhận ra được nhược điểm của mình, nên đã nhanh chóng
tăng vốn điều lệ (nhiều ngân hàng đã tăng vốn trên 1.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nguồn thu của
các ngân hàng từ lĩnh vực dịch vụ hiện đã chiếm một phần lớn trên tổng doanh thu, thay vì chỉ có
huy động và cho vay như trước.
Để chủ động trong cạnh tranh, ông Minh cho rằng, việc cần làm trước mắt là ngân hàng trong
nước nên tận dụng cơ hội về mạng lưới hoạt động, đồng thời liên kết với các ngân hàng trong
nước và nước ngoài, hạn chế tối đa việc đối đầu với họ. Từ đó, hệ thống ngân hàng trong nước
mới có thể chuyển những điểm yếu thành điểm mạnh để đứng vững và phát triển. “Chắn chắn, sẽ
khó tránh khỏi việc sáp nhập hoặc giải thể. Để hạn chế việc này, ngân hàng trong nước nên tăng
vốn để trang bị máy móc, công nghệ. Vì lĩnh vực kinh doanh tài chính đang trong thời kỳ ăn nên
làm ra, nên sẽ thu hút được nhiều cổ đông chiến lược”, ông Minh nói.
Admin (Theo
www.vir.com.vn

×