Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Tài liệu Du ký, Ankor Watt pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (75.98 KB, 4 trang )

Du Ký, Ankor Watt
[08/06/2006 - Tác giả: admin1 - Vietnam Review]
Saigon Cô Nương
06.06.2006
Hình: Đế Thiên Đế Thích - Angkor Wat (Ankor Watt).
Đêm đầu tiên Phnom Penh, tôi không dạo phố mà ở lại khách sạn lăn ra ngủ. Các khách
sạn đẹp nằm dọc theo bờ sông nhìn ra con sông lớn chảy qua thành phố giống như bến
Bạch Đằng của mình, khác ở chỗ không có nhà sàn và bảng quảng cáo dày đặc bên bờ Thủ
Thiêm.
Sáng sớm tôi mua vé xe buýt để đi từ thủ đô đến Siem Reap viếng Ankor là kỳ quan về
kiến trúc và điêu khắc gồm hàng trăm đền đài. Quần thể này rộng khoảng bốn trăm km
vuông nằm giữa một khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp với cây cao bóng cả và thảm cỏ mịn
màng. Đó chính là đời sống và linh hồn, nghệ thuật và văn hóa của người dân Khmer được
xây dựng từ giữa thế kỷ VII đến XIII. Trong ấy Angkor Wat là một trong bảy kỳ quan thế
giới. Angkor Thom là kinh đô xây dựng theo phong cách Phật giáo.
Trong lúc ngồi đợi xe nhìn cảnh tượng huyên náo chung quanh. Cũng kẹo cao su, nước
suối, tạp chí... Một bà già ôm chiếc tráp nhôm mời tôi mua postcard và dây bùa là hai sợi
len ngắn màu trắng và đỏ buộc vào cổ tay giá một dollar. Một phụ nữ nãy giờ ngồi cạnh tôi
cất tiếng:
- Where are you from?
- Việt Nam.
- A, Việt hả!
Úi trời, mới có một ngày xa cách người Việt, tiếng Việt thôi, bỗng dưng được gặp đồng
hương nơi nước láng giềng cách có mấy giờ xe buýt, tôi vui mừng quá. Thảo nào người
lưu lạc xa xứ không ngày đêm dằn vặt nỗi thương nhớ quê nhà. Chị VN này sống ở biên
giới Thái-lan - Cam-bốt, thường mang hàng Thái về bỏ mối một số chợ Cam-bốt. Hàng
hóa Cam-bốt ít hơn VN nhưng hàng lậu thuế Thái Lan thường 'quá cảnh' qua Căm-bốt rồi
buộc vào người, chất lên xe gắn máy theo chân đội quân cửu vạn tỏa ra các ngả đường bộ
không tên để vào VN. Hàng hóa VN hiện nay nhiều nhất là xăng dầu đang xuống thuyền
lén lút vượt biên chảy ồ ạt qua Cam-bốt. Bởi vậy, mọi người cứ nghĩ đi chợ biên giới có
thể mua được hàng ngoại quốc giá rẻ là sai bét. Khi hàng đã nằm ngay ngắn trên sạp, trên


kệ của chợ là đã bị đánh thuế đầy đủ không kể hầu hết hàng hóa đó đều được chở từ
Saigon lên. Thành thử đi chợ biên giới chỉ là đi chơi cho vui thôi chứ chẳng rẻ bao nhiêu,
có khi còn mua lầm hàng giả.
Bà già ôm tráp nhôm lắng nghe hai người khách trước mặt nói chuyện, vui vẻ kêu lên bằng
giọng lơ lớ:
- Việt Nam hả, sao không nói? Đi đường xa mua dây bùa đeo để 'Bà' độ cho bình an. Bà
núi Sam Châu Đốc đó.
Vừa nói bà vừa rút trong tráp, chìa ra cho tôi một xấp hình quả đúng miễu Bà Chúa Xứ ở
Châu Đốc. Tôi không ngờ danh tiếng Bà Chúa Xứ lan truyền sang tận Phnom Penh, chắc
chắn số khách mua hình Bà phải khá nhiều đủ để bà già này rao bán cùng với những cành
hoa giấy, dầu nóng... Một phụ nữ mặc xarông đứng gần đó hỏi mua sợi dây bùa và đeo
ngay vào cổ tay cho chuyến viễn hành sáu tiếng đồng hồ quãng đường ba trăm mười bốn
km từ Phnom Penh lên Tây Bắc đến Siem Reap. Thật ra đi máy bay chỉ mất bốn mươi phút
nhưng lại không thể ngắm cảnh dọc đường.
Vì mua vé muộn nên tôi ngồi hàng ghế kế chót, đuôi xe khi nào cũng xóc hơn phía đầu, tuy
máy lạnh nhưng các hàng ghế kín mít người trong lòng xe không rộng lắm khiến tôi thấy
khó thở, lại nôn mật xanh mật vàng, chỉ nhẹ đôi chút khi đi bách bộ quanh quẩn lúc xe
ngừng để hành khách ăn điểm tâm và bữa trưa. Dù chỉ là những quán ăn bình thường ven
đường, nhưng dọn lên cùng thức ăn bao giờ cũng là một ly nước sôi trụng chiếc muỗng và
đôi đũa tạo cho du khách cảm giác an tâm. Việc tiêu pha rất dễ dàng vì khắp đất nước
Cam-bốt đi qua đều dùng tiền USD và tiền Riel. Ở nơi hẻo lánh quá không sẵn tiền nhỏ để
thối lại, người bán sẽ nhận dollar Mỹ và thối lại tiền Riel. Không phải công ty du lịch hay
ngân hàng, họ sẽ không nhận loại tiền nào khác. Một dollar ngang giá bốn ngàn Riel chẵn
chòi và hối suất ổn định nên rất dễ tính tiền, dễ thối tiền hơn tiền Việt thường bị lẻ và hối
suất hay thay đổi.
Ở những quán dừng chân, tôi thấy cũng đủ các món cơm, canh, mì, hủ tíu... nấu theo kiểu
Cam-bốt, Thái Lan, Trung quốc, VN... với hai thứ tiếng Anh và Cam-bốt. Bên bờ sông
Mekong là bữa ăn cá lóc xào khô với gừng, gỏi cá trèng, canh măng nấu cá... Hôm sau,
theo lời giới thiệu của anh xe ôm, tôi tìm tới một quán ăn Cam-bốt để nếm thử thực đơn cổ
truyền của xứ Chùa Tháp. Một món đặc biệt được mọi người khen rất thơm ngon có tên là

Tom Yam Với Cá, Gà, Bò và Sườn Heo ăn với cơm nhưng khi múc lên chỉ thấy toàn nấm
rơm, chắc ngon ở nước nhiều nhưng sánh giống như một loại cà-ri hay ra-gu vậy. Nhiều lá
thơm được bỏ trong đó tạo nên mùi vị rất đậm đà. Tôi không hợp khẩu vị lắm mặc dù có
thể cảm nhận nó đã được nấu nướng rất khéo. Vài món khác đọc lên khêu gợi sự tò mò:
Siemreap sour soup, Sam Lork soup with died fish and ros fish... Chắc vì có khá nhiều du
khách phương Tây du ngoạn nên đa số quán ăn trung bình vẫn sẵn sàng phục vụ đầy đủ các
món ăn Âu Mỹ thông dụng.
Những quầy hàng bên cạnh bày đầy các thứ bánh kẹo Thái Lan, Trung quốc. Sản vật địa
phương nhiều nhất là xoài, mít, chuối, sầu riêng... khô cá trèng xông khói, dế và cào cào
rang, trái thốt nốt non... Thứ gì tôi cũng muốn thử nhưng cuối cùng chỉ đứng nhìn vì bao tử
quá hẹp, ăn nhiều không nổi. Hai bên đường là ruộng vườn với rất nhiều cây thốt nốt và
những đầu mái cong cong của nhà cửa hay chùa chiền ẩn hiện làm tôi nhớ phảng phất
khung cảnh vùng An Giang. Cũng những dãy dài thốt nốt giữa đồng vắng in hình trên núi
xám xa xa và những ngôi chùa với lối kiến trúc đặc thù của Phật giáo Nam tông.
Một giờ trưa đến Siem Reap, xe buýt vào bãi thả tôi xuống giữa một rừng cò xe và cò
khách sạn. Tôi nhanh chóng nhảy lên một chiếc xe ôm. Tất cả những tay xe ôm, cò mồi ở
bến bãi đều nói tiếng Anh như gió, ảnh hưởng tiếng Cam-bốt có nhiều âm R uốn lưỡi nên
phát âm của họ dòn như bắp rang.
Chỉ một tiếng đồng hồ để nhận phòng và nghỉ ngơi, tôi đi liền cùng Seng So Phan tới
Angkor vì các khu di tích sẽ đồng loạt đóng cửa vào lúc năm giờ rưỡi chiều. Một ban nhạc
cổ chào đón khách trên lối vào cổng đền. Mỗi phiến đá to ở các vì tường, trần nhà, kèo
cột... khắp nơi đều được chạm khắc dày đặc, tỉ mỉ một cách lạ lùng. Cây cầu cổ với rắn
thần Naga bảy đầu; đền Bayon với năm muơi bốn tháp, mỗi tháp tạc bốn mặt người mang
vẻ đẹp an nhiên với nụ cười bí ẩn kỳ lạ. Khu vực đền đài này dù hư hại khá nhiều thì phần
còn lại vẫn hết sức nguy nga, kỳ vĩ.
Tôi bước trên những tảng đá hàng ngàn năm, từng khối sa thạch vuông chữ nhật sụp đổ
nằm chất chồng ngoài mưa nắng. Đây là chỗ tham thiền, mảng sân kia là nơi các vũ nữ
trình diễn điệu múa Apsara, một không gian hở bốn bên nhưng khi đấm nhẹ lên ngực sẽ
nghe tiếng vang dội lại từ mái cao, bước qua những vòm cửa không có cánh cửa sẽ dẫn đến
những gian phòng khác nhau, các hành lang rẽ sang tiếp nối các hành lang, đường hào

ngoắt ngoéo, chỏm tháp, phù điêu, tượng... tất cả là đá, tất cả là những hình dáng, đường
nét của đời sống tâm linh và hạ giới hiển hiện đầy đủ trên đá thách thức thời gian khắc
nghiệt mải miết trôi qua.
Tôi dõi trên mặt đá để ngạc nhiên tìm thấy chiến tranh và hòa bình, cây cỏ và súc vật, thần
thoại và thực tế. Những vị thần ngao du trên cao ban bố phúc họa xuống trần gian. Phía
dưới là cả một sinh hoạt xã hội đuợc tái tạo với nông dân giã gạo, thợ thuyền làm việc,
thương nhân buôn bán, bà mụ đang đỡ đẻ... cả đám chọi gà, đánh bạc, đua ngựa... Một
vương quốc tan biến đi vẫn lưu lại dấu tích mình, kể lại sự tồn tại của mình trên những
phiến đá không phai mòn. Vương triều Khmer không tuyệt mất mà lặn vào thớ đá, nổi trên
nét khắc im lìm sự kiêu hãnh trước ánh mắt ngưỡng mộ của du khách. Công chúa và hoàng
tử, quan lại và thường dân, chiến binh và nô lệ, gươm đao và hoa cỏ... đã hóa thân vào đá
để chuyển đời sống từ hữu hạn sang vĩnh cửu.
Trong vô số đường ngang ngõ dọc rải rác nhiều bức tượng của đạo Phật, đạo Ấn và đạo
Hồi, nhiều nhất là tượng Thích Ca của Phật giáo và Vishnu của Ấn giáo. Các tôn giáo
chung sống hiền hòa với nhau trong khu vực Angkor này. Dừng trước một pho tượng
Vishnu cao đụng trần nhà, Seng So Phan bảo tôi cầu xin đi vì vị thần này rất linh ứng. Tôi
ngần ngừ lắc đầu nói Phan khấn dùm đi, tôi không muốn cầu xin điều gì cho mình cả...
Tôi lướt nhanh qua Angkor Thom để kịp đến ngắm hoàng hôn ở Angkor Wat. Con đường
chính thênh thang ngập tràn du khách ngày xưa chỉ dành riêng cho vua và hoàng hậu,
những lối đi khác nhỏ hơn cho hoàng thân quốc thích, quan lại, dân chúng... Kiến trúc thật
diệu kỳ khi nhìn qua một vòm cửa trống, sẽ thấy từ xa hiện hình trong khung vòm ấy
nguyên vẹn một tòa tháp hay một mặt tượng rất ngay ngắn, cân đối giữa nền trời. Tháp cao
nhất Ankor Wat sáu mươi lăm mét, leo lên bằng những bậc thang rất dốc và hẹp. Tôi theo
Seng So Phan vịn vào gờ đá, đặt từng bàn chân nằm ngang chênh vênh dọ dẫm từng bậc để
leo lên đền. Vẫn những hành lang, sân, tháp... mênh mông đá, không một bóng dáng gỗ,
gạch... Một kinh đô hùng vĩ thuần đá.
Từ đỉnh tháp cao đó, tôi nhìn xuống không gian rộng rãi trời và đất chung quanh. Một đế
chế hùng mạnh, vương triều vàng son từng ngự trị nơi đây. Giữa những khối đá ánh vàng
nổi lên những đường nét điêu khắc tuyệt mỹ trong nắng chiều rực rỡ, tôi ngồi một mình
ngắm mặt trời lặn, hoàng hôn rọi chiếu trên những đền đài thành quách lộng lẫy và hoang

lạnh lần cuối để rồi trong chốc lát tất cả sẽ chìm vào bóng đêm. Như đời người, như sự
việc... mất đi, tái sinh... lưu chuyển không ngưng tạo thành dòng sống. Điều gì vĩnh viễn
mất đi và điều gì sẽ đọng lại để bất tử trong vô cùng của thế giới hỗn độn này.
Buổi tối Seam Reap không còn sức để ngao du nên tôi chỉ loanh quanh gần chỗ trọ. Dân du
lịch đến Cam-bốt chắc chắn phải thăm Angkor đầu chương trình trước khi đến những nơi
khác nên khách sạn, nhà nghỉ đủ hạng, đủ kiểu mọc lên san sát. Vài quán nước trống rỗng
giăng đèn xanh đỏ dựng bảng quán bar. Xe ôm và xe tuk tuk lúc nào cũng hiện diện khắp
nơi để bắt khách. Tiệm massage bấm huyệt của người khiếm thị với giá từ bốn tới sáu
dollar loe hoe vài ngọn đèn néon không đủ ánh sáng nhìn giống như garage sửa xe. Tôi
khát nước uống sinh tố liên tục, cả trong hàng quán lẫn ngoài đường vì mỗi hàng gia giảm
trái cây khác nhau tạo nên các mùi vị khác nhau lạ miệng. Mấy xe bán cháo, bắp nướng...
vẫn thơ thẩn dưới ánh đèn đường. Tôi quay về khách sạn. Mặc dù khách ra vào thường
xuyên nhưng những người làm việc trong khách sạn đều bỏ dép dưới thềm trước khi đi
chân không trên nền gạch chỗ nào cũng sạch như li như lau.
Tôi ngủ một giấc ngon lành, Angkor đâu đó mang vào trong mơ gương mặt đá Bayon với
nụ cười Đông phương ngàn năm bí ẩn.

×