Mô hình nuôi cá mú cọp lồng
Nguồn: vietlinh.com.vn
Chủ mô hình là ông Nguyễn Văn Dưỡng, địa chỉ: 453/tổ 26 Hà Ra, phường
Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Ông nuôi cá mú cọp lồng tại
vùng biển thôn Hòn Một, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang. Mô hình được Trung
tâm Khuyến ngư Khánh Hoà hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật.
Điều kiện nuôi:
- Thuộc vùng biển kín gió. Độ sâu 7m khi thủy triều thấp nhất, đáy biển là
sỏi cát. Dòng chảy nhẹ có tốc độ bình quân 0,5m/giây. Biên độ dao động của thuỷ
triều dưới 3m. Độ trong: 3 - 5m; độ mặn: 29 - 33‰; nhiệt độ nước 23 - 25oC.
- Nước trong sạch, không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, dân dụng
hoặc sinh vật hữu cơ có hại.
Quy mô mô hình: 99m3 lồng nuôi. Lồng bè thuộc dạng lồng bè nổi. Lồng
lưới làm bằng sợi nylon; lưới trơn không có gút để tránh làm xây xát cá nuôi. Kích
cỡ mắt lưới phù hợp với kích cỡ cá nuôi; giai đoạn thả giống kích cỡ mắt lưới 2a:
1,5 cm, giai đoạn cá có trọng lượng trên 300gr/con kích cỡ mắt lưới 2a: 3,5 cm.
Hệ thống phao nổi làm bằng vật liệu composit có dạng hình khối vuông,
kích thước 1x1x1 m được lắp ghép vào dàn bè bằng gỗ liên kết với nhau bằng
bulông, trên bè có một nhà gỗ 5x5 m để làm nơi sinh hoạt, chế biến thức ăn cho cá
và giặt vệ sinh lưới.
Con giống và mật độ thả:
Cá mú cọp giống sản xuất nhân tạo được mua từ Indonesia chở về TP Hồ
Chí Minh bằng máy bay rồi được vận chuyển về Nha Trang. Cá đóng trong túi PE,
mỗi túi 100 con cá giống, kích cỡ dài 6-8 cm, cho túi PE vào thùng xốp, xếp lên xe
bảo ôn để chuyển đi. Cá đồng kích cỡ, khoẻ mạnh, không dị tật, không bị xây xát.
Thả cá vào lúc sáng sớm. Trước khi thả cá phải thuần hoá cá trong 30 phút. Dùng
máy nổ sục khí liên tục 2 ngày cho lồng cá sau khi thả để cá mau hồi phục.
Mật độ thả: 25 con/m3.
Chăm sóc:
Thức ăn sử dụng cho cá lúc mới thả là cá cơm, lấy xương, băm nhỏ. Sau đó
là cá tạp tươi xay nhuyễn, băm nhỏ, cắt thành miếng hoặc cho ăn nguyên con tuỳ
vào kích cỡ miệng cá theo giai đoạn phát triển. Lượng thức ăn hàng ngày trong 2
tháng đầu bằng 10% trọng lượng thân, khi cá đạt kích thước trên 200gr/con thì
lượng thức ăn hàng ngày giảm xuống còn bằng từ 5% trọng lượng thân. Thức ăn
đảm bảo tươi tốt, không cho ăn cá bị ươn hoặc cá muối mặn. Ngày cho cá ăn 2 lần
lúc 9 giờ sáng và 5 giờ chiều. Cá mú cọp bắt mồi chậm nên phải rải thức ăn từ từ
để cá kịp đớp mồi.
Hàng ngày chủ mô hình theo dõi các yếu tố môi trường, thường xuyên vệ
sinh lồng kết hợp kiểm tra xem cá có thể cắn phá lưới; nếu thấy lưới có nhiều rong
và sinh vật bám thì thay lưới lồng mới, lưới cũ đem lên rải trên sàn gỗ, dùng máy
phun nước có áp suất lớn để xịt rửa sạch vật bám sau đó phơi khô bảo quản để sử
dụng tiếp lần sau. Hàng ngày lúc cho ăn quan sát hoạt động của cá, kiểm tra cảm
quan để có biện pháp xử lý. Định kỳ chủ mô hình tiến hành tắm cho cá bằng nước
ngọt từ 3 - 5 phút để phòng bệnh cho cá đặc biệt trong giai đoạn thời tiết có mưa
lớn. Nếu cá có hiện tượng lở loét ngoài da thì chủ mô hình tắm cá bằng Formalin
với nồng độ 250 ppm trong 1 giờ ở điều kiện sục khí mạnh.
Lãi: 422.192.000đ (tổng thu) - 235.095.000đ (tổng chi) = 187.097.000đ.
Qua quá trình thực hiện mô hình có thể rút ra một số nhận xét:
- Chọn con giống tốt, khoẻ mạnh, đồng kích cỡ, không có dấu hiệu bệnh lý.
Mật độ thả nuôi 25 con/m3 là phù hợp.
- Địa điểm nuôi phải phù hợp với đặc điểm sinh thái của cá mú cọp.
- Đảm bảo chất lượng và số lượng thức ăn hàng ngày cho cá.
- Quản lý môi trường lồng nuôi thật tốt, không để môi trường nước biến
động tác động đến cá nuôi. Hàng ngày vệ sinh lồng lưới, định kỳ thay lưới lồng.
Dùng máy phun có áp suất lớn để rửa lưới lồng.
- Thường xuyên tắm cá bằng nước ngọt để ngừa bệnh cho cá.
Khi cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm cần thường xuyên theo dõi thị trường
để xuất bán vào thời điểm thích hợp.
Cá mú cọp (cá song hoa nâu)
Cá mú cọp có chiều dài từ 60 – 70 cm, lớn nhất là 120 cm; khối lượng lớn
nhất: 11.0 kg; tuổi thọ cao nhất: 40 năm.
Là loài cá có giá trị thương mại cao (làm thực phẩm và làm cảnh).
Cá mú cọp sống ở vùng biển mặn, có rạn đá san hô hay nền đáy có đá tạo
thành hang hốc, độ sâu từ 1 - 60 m. Cá mú cọp thường sống ở các vùng biển ấm
miền nhiệt đới, từ35°N - 27°S, 39°E - 171°W.
Cá mú cọp phân bố rộng trên vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chúng xuất hiện ở hầu khắp các đảo thuộc Ấn Độ Dương và phía Tây trung tâm
Thái Bình Dương; dọc theo thềm lục địa phía Đông Phi đến Môzămbich; từ
Madagasca đến Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêsia, vùng biển nhiệt đới Ôxtrâylia, Nhật
Bản, Philippin, New Guinea và New Caledonia.
Cá mú cọp thường xuất hiện ở các eo biển, các vùng biển có nhiều rạn san
hô với độ trong cao. Cá mú cọp thích ăn mồi sống, thức ăn của chúng là các loài
giáp xác, cá, động vật chân đầu và một số loài nhuyễn thể. Cá mú cọp thường hoạt
động chủ yếu trong bóng tối và rất khó tiếp cận được với chúng. Ở Việt Nam, cá
mú cọp tập trung ở vùng biển miền Trung và Nam bộ, chủ yếu là vùng biển Phú
Quý – Bình Thuận.