THI TÌM HIỂU VỀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH
13:22', 6/3/ 2005 (GMT+7)
* Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
+ Độc lập dân tộc là mục tiêu trước hết, là cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai giai đoạn ấy không có bức tường ngăn cách, mà gắn
bó chặt chẽ với nhau.
Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân có hai nhiệm vụ chiến lược: chống thực dân xâm lược và
chống địa chủ phong kiến. Nhiệm vụ dân tộc và dân chủ quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó
nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt lên trên hết, trước hết, nhiệm vụ dân chủ cần thực hiện từng bước
và phải phục tùng sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tư tưởng trên đây được Hồ Chí Minh thể hiện rõ
nét trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 và Người nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Chấp
hành Trung ương lần thứ tám (khóa I) 5-1941.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao gồm cả nội dung dân tộc dân chủ. Không phải bất
kỳ độc lập dân tộc nào cũng tạo cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, để tạo
cơ sở, tiền đề cho việc tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phải được
thực hiện một cách triệt để, "đến nơi". Đó là một nền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn không lệ thuộc
vào bất cứ lực lượng nào cả về đối nội, lẫn đối ngoại. Hồ Chí Minh nhiều lần phê phán sự lệ thuộc về
mọi mặt của những chính quyền do thực dân cũ và mới lập nên ở Việt Nam. Người gọi đó là độc lập
giả hiệu, độc lập kiểu Mỹ.
Để tạo cơ sở, tiền đề cho việc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đối với Việt Nam, một đòi hỏi có ý nghĩa sống
còn là độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Nước
Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, Bắc - Trung - Nam là một khối thống nhất không thể phân
chia, đồng bào Kinh, Mường, Thái, Êdê, Bana… đều là con dân nước Việt, là con Rồng cháu Tiên. Đó
là quan điểm nhất quán, mang tính nguyên tắc của Hồ Chí Minh. Không duy trì và phát triển được khối
thống nhất đó thì không thể có độc lập dân tộc, càng không thể nói đến việc tạo cơ sở tiền đề để tiến
lên chủ nghĩa xã hội.
Để tiến lên chủ nghĩa xã hội đòi hỏi độc lập dân tộc phải đi đôi với tự do hạnh phúc của nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh "nếu nước được độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì
độc lập chẳng có ý nghĩa gì".
+ Chủ nghĩa xã hội là con đường bảo vệ và phát triển thành quả của độc lập dân tộc
Độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội thể hiện mối quan hệ giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu
lâu dài. Theo lôgíc của sự phát triển, hai mục tiêu ấy quan hệ chặt chẽ với nhau. Không thể đi đến
mục tiêu cuối cùng nếu không thực hiện được mục tiêu trước mắt. Chỉ thực hiện được mục tiêu
cuối cùng mới bảo vệ và phát triển được những thành quả của mục tiêu trước mắt. Vì vậy, nếu độc
lập dân tộc tạo cơ sở, tiền đề để đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tốt nhất để giữ vững và phát
triển lên một tầm cao mới - thành quả của độc lập dân tộc.
Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh, ai cũng có công ăn, việc làm,
được ăn no, mặc ấm, được học hành, các dân tộc trong nước bình đẳng đoàn kết, giúp đỡ lẫn
nhau. Về mặt phân phối sản phẩm lao động thì chủ nghĩa xã hội là ai làm nhiều hưởng nhiều, ai làm ít
hưởng ít, ai có sức lao động mà không làm thì không hưởng, những người già, đau yếu, tàn tật và trẻ
em thì xã hội và cộng đồng có trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng. Trong chủ nghĩa xã hội, văn hóa,
khoa học kỹ thuật, chính trị và kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được quan tâm và
ngày một nâng cao. Về mặt đối ngoại, chủ nghĩa xã hội là hòa bình, hữu nghị, làm bạn với tất cả các
nước. Chủ nghĩa xã hội với những đặc trưng đó không chỉ bảo vệ những thành quả của độc lập dân tộc
mà cơ bản tạo nên sự phát triển mới vế chất. Hồ Chí Minh khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ
nghĩa cộng sản mới bảo đảm cho một nền độc lập dân tộc chân chính, mới giải phóng các dân tộc
một cách thực sự, hoàn toàn.
Hồ Chí Minh cho rằng cách mạng, cả cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa
là việc khó, là cuộc đấu tranh gay go, ác liệt, lâu dài. Giành độc lập dân tộc đã khó, xây dựng chủ
nghĩa xã hội còn khó khăn hơn. Hồ Chí Minh so sánh: thắng đế quốc phong kiến là tương đối dễ,
thắng bần cùng lạc hậu khó khăn hơn. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đánh đổ giai cấp địch đã khó,
đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội còn gian khổ, khó khăn hơn nhiều". Từ những khó khăn gian
khổ ấy, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi Đảng, Nhà nước và mỗi người dân phải kiên trì mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
* Sự thể hiện trên thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội xuất hiện từ năm 1920, khi
Người bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, và nó được thể hiện rõ nét từ năm 1930. Sự thể hiện tư
tưởng của Người về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội có thể phân thành 3 thời kỳ chủ
yếu.
+ Thời kỳ 1930 - 1945
Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh thời kỳ này thể hiện rõ
trong những Văn kiện do Hồ Chí Minh soạn thảo được Hội nghị hợp nhất thông qua. Chánh cương
vắn tắt của Đảng chỉ rõ Đảng chủ trương "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng
để đi tới xã hội xã hội cộng sản". Hồ Chí Minh khẳng định sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam
được thực hiện bằng con đường cách mạng vô sản: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không
có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Theo tư tưởng Hồ Chí Minh điều đó có ý
nghĩa là:
Đối tượng của cuộc đấu tranh là thực dân đế quốc và bọn tay sai chống lại độc lập dân tộc.
Ở trong nước lực lượng cách mạng bao gồm công nông là gốc và tất cả những ai có lòng yêu
nước, thương nòi.
Về lực lượng cách mạng ngoài nước trong thời kỳ này, Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự ủng hộ của
Quốc tế Cộng sản, Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô viết, giai cấp công nhân và nhân dân
lao động chính quốc, các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc.
Nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là sự lãnh đạo của Đảng
theo chủ nghĩa Mác-Lênin.
+ Thời kỳ 1945 - 1954
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ này được thể hiện ở những chủ trương,
đường lối chiến lược do Hồ Chí Minh khởi xướng "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", "kháng chiến
đi đôi với kiến quốc", "kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến".
Kháng chiến tức là bảo vệ nền độc lập dân tộc, chống sự xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp theo
phương châm trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.
Kiến quốc theo Hồ Chí Minh là xây dựng, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông
Nam Á, xây dựng đời sống mới, xây dựng những cơ sở đầu tiên của chủ nghĩa xã hội.
+ Thời kỳ 1954 - 1969
Ở thời kỳ này độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện
qua chủ trương: một Đảng Cộng sản lãnh đạo thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược ở hai
miền: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam,
tiến tới thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một sáng tạo lý luận của
Hồ Chí Minh.
Ngày 2-9-1969, Hồ Chí Minh qua đời. Theo chỉ dẫn của Người, nhân dân ta đã đánh cho Mỹ cút,
đánh cho ngụy nhào. Với chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh, mục tiêu của thời kỳ này được
hoàn thành vào ngày 30-4-1975.
* Những điều kiện bảo đảm cho độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của cách mạng
Việt Nam
Thứ nhất, trong suốt quá trình cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng phải được giữ vững, củng cố và
tăng cường. Xuất phát từ quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ khó khăn hơn
đánh đổ đế quốc, phong kiến, Hồ Chí Minh khẳng định trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội
Đảng phải mạnh hơn bao giờ hết.
Thứ hai, khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo
của Đảng phải được củng cố và mở rộng. Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi Đảng, Nhà nước và mỗi người
dân cần nêu cao trách nhiệm trong việc làm cho "rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết trái và
gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai 'trường xuân bất lão'".
Thứ ba, sự ủng hộ giúp đỡ của các lực lượng cách mạng, hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế
giới được giữ vững và phát triển. Để làm được việc đó, ngay từ 1947, Hồ Chí Minh đã nêu cao chủ
trương: "Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai".
Ba nhân tố trên luôn được giữ vững và tăng cường, tác động qua lại, liên quan chặt chẽ với nhau là
điều kiện bảo đảm cho sự thắng lợi của mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí
Minh nhấn mạnh: "Đó là ba bài học lớn mà mỗi cán bộ và đảng viên cần ghi sâu vào lòng và phát huy
thêm mãi".
(còn tiếp