Thời trang và sức khỏe
Ăn mặc hợp thời trang, đẹp, hấp dẫn và cuốn hút người khác là mong muốn rất chính đáng
của mọi người. Tuy nhiên, thời trang là những thị hiếu rất cá nhân, phụ thuộc vào văn hóa,
phong tục, tập quán của mỗi người, của gia đình, xã hội…
Bài viết này không bàn đến khía cạnh thời trang như thế nào là đẹp, như thế nào là phù hợp
mà chỉ bàn về phương diện y học: ăn mặc sao cho đừng ảnh hưởng đến sức khỏe, kẻo một
thời gian sau lại hối hận vì những rối loạn, bệnh tật do ăn mặc chạy theo thời trang sinh ra!
Chúng ta có không ít lần chạy sau xe của một số “kiều nữ” ăn mặc rất thời thượng: áo hai
dây phô bày một phần ngực, hai bờ vai và chiếc cổ cao trắng muốt rất kiêu sa, hoặc có
người mặc quần trễ xuống, khoe một phần thắt lưng, bụng dưới cùng với cái rốn sâu trong
trời gió lạnh của mùa Noel hay những ngày cuối năm.
Đi vào siêu thị, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… (với môi trường lạnh do máy lạnh)
cũng thường gặp những cảnh tương tự. Đẹp và hấp dẫn là chuyện dĩ nhiên, nhưng với
cách ăn mặc như vậy sẽ gây ra nhiều bệnh tật ở vùng ngực, cổ, gáy là những vùng rất nhạy
cảm với tác nhân gây bệnh.
Theo y học cổ truyền, những tà khí bên ngoài, đặc biệt là gió và không khí lạnh, rất có hại
cho vùng ngực, cổ và gáy, gây ra nhiều bệnh lý cấp như đau dữ dội vùng cổ, gáy, vai, hoặc
hiện tượng đau cứng cổ gáy cấp tính (vẹo cổ cấp) hay đau ê ẩm vùng cổ, vai, cánh tay kéo
dài ngày này qua ngày khác do nhiễm gió lạnh mãn tính.
Để hở ngực và cổ trong môi trường gió lạnh còn gây ra những bệnh về hô hấp (viêm họng,
viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi…), một số trường hợp khác có thể bị liệt mặt
ngoại biên do lạnh (mặt bị méo và mắt bị kéo xếch lên bên bị liệt).
Những trường hợp mặc quần hở thắt lưng và rốn tiếp xúc với gió lạnh sẽ rất có hại cho
nguyên khí của cơ thể. Y học cổ truyền gọi vùng thắt lưng là vùng của thận-mệnh môn,
chứa tinh khí, nguồn năng lượng sống của cơ thể, cùng với vùng dưới rốn (đan điền), nơi
tập trung khí lực chung của toàn thân, vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người.
Theo phép dưỡng sinh, vùng này phải luôn được giữ ấm và được bảo vệ một cách kín đáo
vì rất nhạy cảm với gió và không khí lạnh, không được phô trương ra bên ngoài! Khi
những vùng này gặp gió, gió lạnh hay môi trường lạnh kéo dài, chúng ta sẽ bị mất nguyên
khí, gây mệt mỏi, giảm sức đề kháng, bải hoải chân tay, rất dễ bị đau bụng, sình bụng, sôi
bụng, đau vùng thắt lưng, bệnh lý về hệ tiết niệu sinh dục… Về lâu dài, nhiều bệnh tật
khác nữa có thể phát sinh mà chúng ta không lường trước được.
Kế đến là chuyện đôi giày cao gót. Phải thú nhận là đôi giày cao gót làm cho phái nữ đẹp
thêm lên rất nhiều. Nếu chân ngắn, nó sẽ làm cho chân dài thêm. Người thấp, giày cao gót
sẽ làm họ cao hơn. Bước chân của người mẫu, diễn viên điện ảnh, ca sĩ… sẽ như thế nào
nếu vắng bóng những đôi giày cao gót? Nhưng cuộc đời thật lạ, chúng cho người ta một
chút thuận lợi về nhan sắc nhưng lại bắt họ phải trả giá ngay về sức khỏe, bởi không biết
bao nhiêu bệnh tật nảy sinh từ đôi giày cao gót.
Khi đi giày cao gót, sức nặng của toàn thân tác động lên hai bàn chân rất lớn, đặc biệt là
các ngón chân. Khi chúng ta nhún nhảy, xoay người theo điệu nhạc hoặc lên xuống cầu
thang nhiều lần…, lực tác động lên cổ chân, bàn chân và các ngón chân còn nặng nề hơn
nữa.
Chỉ riêng việc đi giày cao gót đã có thể gây ra nhiều bệnh tật cho xương khớp, huống chi
những trường hợp đã bị đau lưng, đau thắt lưng, khung chậu bị xoay… do thấp khớp, thoái
khớp hay chấn thương… (khi thăm khám sẽ thấy người bệnh thường có một chân dài và
một chân ngắn) hoặc những trường hợp bị đau khớp gối, đau khớp cổ chân, bàn chân, đau
gót chân nhưng vì lý do thời trang, muốn làm đẹp hoặc phải xuất hiện trong những buổi
tiệc sinh nhật, đám cưới… cần phải mang giày cao gót thì đôi giày cao gót trở thành một
tai họa. Nó sẽ làm những tổn thương ở vùng thắt lưng, khung chậu và các khớp đang bị
đau nặng lên rất nhiều.
Nguyên nhân do tư thế khi đứng bị nghiêng bởi độ chênh của hai chân (bên dài bên ngắn)
hoặc tư thế giảm đau do các khớp đang bị đau, khi đi giày cao gót, bàn chân buộc phải
chúc xuống, một tư thế không vững vàng sẽ làm cho hệ thống cơ vùng thắt lưng, vùng
mông đùi, cẳng chân, cổ chân phải căng cứng để giữ thăng bằng cho toàn thân. Chính vì
vậy, sau một thời gian các cơ nói trên sẽ mệt mỏi, chùng xuống, không còn giữ vững các
khớp cột sống thắt lưng, khớp háng, khớp vùng chậu, khớp gối… được nữa và hiện tượng
bệnh lý có sẵn ở các khớp này sẽ nặng lên. Trong lúc đang dự lễ, dự tiệc… cơ thể sẽ dốc
toàn lực để chịu đựng, khi trở về nhà và nhất là vào sáng hôm sau, tất cả các triệu chứng
đau nhức sẽ xuất hiện làm “người đẹp” vô cùng khổ sở.
Quần jeans trông bụi bụi, phong trần, thường được giới trẻ ưa chuộng. Vải may quần là
loại vải dày, nhưng phải may làm sao để khi mặc bó sát vào người mới đúng điệu, mới
giống người “chinh phục miền viễn Tây”. Nhưng than ôi, với những loại quần như thế, nếu
mặc cả ngày, mặc từ ngày này qua ngày khác sẽ làm nhiệt độ vùng bộ phận sinh dục ngoài
của nam giới, đặc biệt là hai tinh hoàn, tăng cao hơn nhiệt độ của cơ thể. Điều này sẽ làm
giảm số lượng tinh trùng ở hai tinh hoàn một cách đáng kể, có thể gây hiếm muộn và vô
sinh ở nam giới mà không phải người nào cũng biết để phòng tránh!
Vô số cách ăn mặc theo thời trang có thể gây bệnh mà chúng tôi không thể kể hết được,
vấn đề là làm sao chúng ta vẫn ăn mặc đẹp, hấp dẫn, đúng thời trang nhưng vẫn bảo đảm
sức khỏe. Nên biết rằng khi có sức khỏe tốt, chúng ta đã có một vẻ đẹp rạng ngời rồi, bởi
làn da sẽ tươi tắn, sáng bóng, nét mặt tươi mát, rạng rỡ với nụ cười, vẻ uyển chuyển duyên
dáng bởi sự săn chắc và sinh động của các cơ được tập luyện thường xuyên, tiếng nói,
tiếng cười đầy sức sống và một tinh thần tươi mới, minh mẫn, khoan dung. Khi đó, chỉ cần
trang điểm nhẹ nhàng, chọn một bộ trang phục kín đáo, kiểu dáng và màu sắc trang nhã,
chắc chắn bạn sẽ nổi bật giữa mọi người trong những buổi lễ hội.