Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Để nhân viên của bạn gắn bó với doanh nghiệp docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (183.49 KB, 5 trang )

Để nhân viên của bạn gắn bó
với doanh nghiệp

Ngày nay, trong điều kiện khắc nghiệt của thương trường, cạnh tranh về nguồn
nhân lực luôn là vấn đề nóng bỏng tại các công ty tầm cỡ trên thế giới. Và bởi vậy, để
thu hút nhân tài, các doanh nghiệp không ngừng hoàn thiện chính sách phát triển
nguồn nhân lực mà theo đó, mức lương thưởng cùng nhiều chế độ đãi ngộ khác luôn
được lãnh đạo các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Quản trị nhân sự là một khoa học về quản lý con người bao gồm nhiều khía
cạnh: chấm công, tính lương, sàng lọc, tuyển dụng nhân viên, đào tạo, huấn luyện,
đánh giá công việc của nhân viên, soạn thảo các chính sách lương thưởng, các chế độ
đãi ngộ lao động… Nhưng một trong những vấn đề quan trọng nhất mà các chuyên gia
quản trị nhân sự không thể bỏ qua là việc hoạch định và thực hiện các chiến lược phát
triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài về làm việc cho công ty đồng thời không để họ
thấp thỏm với tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”.
Chắc sẽ không ít người cho đây là một công việc khó khăn và dễ gây nhàm
chán. Tuy nhiên, trong thời đại nền kinh tế tri thức, vai trò của chuyên viên quản lý
nhân sự đã trở nên vô cùng quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tầm
quan trọng của nguồn nhân lực, bởi nhân viên chính là tài sản, huyết mạch của doanh
nghiệp. John Spack, một chuyên gia nhân sự cao cấp của Nissan cho biết: “Chúng tôi
luôn tâm niệm rằng một nhân viên có tinh thần trách nhiệm và luôn cống hiến cho
Nissan có thể đáng giá bằng 10 nhân viên có năng lực nhưng không gắn bó với chúng
tôi. Từ đó, trong công tác nhân sự, chúng tôi luôn chú trọng việc làm thế nào để thu
hút và giữ chân người giỏi. Người làm công tác nhân sự không chỉ làm các công việc
thuần tuý như chấm công, lập bảng lương, sàng lọc và tuyển chọn nhân viên mới, mua
bảo hiểm cho người lao động, đăng ký lao động…mà đòi hỏi họ phải có một cái nhìn
tổng quát trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực và tạo sự gắn bó giữa nhân viên
với công ty. Họ phải có một kiến thức tổng quát không chỉ về lĩnh vực nhân sự mà còn
phải có kiến thức tốt về các ngành và lĩnh vực liên quan như tâm lý, quản trị doanh
nghiệp, luật…để có thể đảm nhận tốt vai trò của mình trong chiến lược phát triển
nguồn nhân lực của doanh nghiệp".


Hãy quan tâm đến nhân viên ngay ngày đầu tiên nhận việc
Nhiều người cho rằng, ngày đầu nhân viên đến làm việc, trưởng phòng nhân sự
chỉ cần dắt một vòng giới thiệu với các phòng ban trong công ty. Tại nhiều doanh
nghiệp, ngay ngày đầu tiên đến công sở, nhân viên mới vẫn thường được “nhét” tạm
vào một chỗ trống nào đó, còn phòng tổ chức hành chính lúc đó mới lo tìm chỗ ngồi
chính thức, đặt mua máy vi tính, văn phòng phẩm… Đó là cách làm không chuyên
nghiệp.
Theo Mary Spencer, cán bộ phụ trách nhân sự một công ty thuộc tập đoàn đa
quốc gia chuyên về dịch vụ tư vấn và phát triển nguồn nhân lực tại Anh, việc đón nhân
viên mới vào công ty là một công việc quan trọng. "Tôi có nghiên cứu một số tài liệu,
trong đó nói rằng, ấn tượng tốt đẹp trong ngày đầu tiên làm việc sẽ là một trong
những yếu tố giữ chân nhân viên lại với công ty sau này. Và việc chuẩn bị đón nhân
viên một cách chu đáo sẽ thôi thúc họ cố gắng hết mình để bắt kịp tính chuyên nghiệp
của công ty", Mary cho biết.
Do nhu cầu công việc nên hằng năm công ty của Mary luôn nhận nhân viên
mới. Ngay khi có lời xác nhận đến làm việc của người được mời, bộ phận nhân sự bắt
tay vào chuẩn bị mọi thứ, từ việc sắp xếp chỗ ngồi, trang bị đủ các đồ dùng văn phòng
cần thiết, in danh thiếp, mở sẵn địa chỉ hộp thư... Đối với người mới vào làm ở cấp
phó phòng trở lên thì phòng nhân sự chuẩn bị thêm điện thoại di động, đặt sẵn điện
thoại bàn.
Vào buổi sáng đầu tiên nhân viên mới đến công ty, trên bàn làm việc của họ đã
có một lá thư chào mừng của tổng giám đốc, trong đó có đề cập đến tôn chỉ mục đích
của công ty, các quyền lợi cũng như những triển vọng mà nhân viên có được khi làm
việc tại đây. Họ được phổ biến nội quy, quy định của công ty cũng như các hướng dẫn
khác. "Một khi đã thẳng thắn chỉ cho nhân viên biết điều gì họ được khuyến khích làm,
điều gì không nên làm ngay từ buổi đầu tiên, bạn sẽ thấy rằng việc quản lý sau này trở
nên nhẹ nhàng và thuận lợi hơn cho cả công ty và người lao động", Mary phân tích.
Để nhân viên biết rõ công việc của mình
Các nhà quản trị nhân sự nên phối hợp với ban giám đốc cũng như các phòng
ban khác trong việc xác định mục tiêu làm việc cho từng người đồng thời nên cho họ

biết đánh giá của bạn về chất lượng công việc mà họ đang thực hiện. Hãy để cho họ
biết, nếu họ làm việc tốt, họ đáng được khen ngợi hoặc được xem xét chuyện tăng
lương, thưởng hoặc thăng tiến nghề nghiệp.
Bạn cũng đừng quá khắt khe trong việc kiểm soát công việc của họ. Hãy để họ
làm việc theo phong cách riêng của mình, miễn là mục tiêu cuối cùng mà bạn cần, họ
phải thực hiện và đạt được.
Hãy thể hiện sự quan tâm của bạn đối với nhân viên
Trong quản trị nhân sự, việc đối xử, quan tâm đến nhân viên là rất quan trọng.
Một nhà quản lý giỏi phải biết phát huy hết năng lực và sự nhiệt trình trong công việc
của các nhân viên. Bên cạnh các kỹ năng chuyên môn, nhà quản lý cần có uy tín trong
việc thu phục nhân tâm đồng thời biết đồng cảm với nhân viên và nắm bắt tâm lý của
họ.
Nhà quản trị nhân sự cần thường xuyên tham khảo ý kiến của nhân viên trong
việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công việc, chia sẻ những thông tin kinh
doanh với nhóm để nhân viên thấy được mối liên quan giữa công việc họ đang làm và
kết quả mà công ty đang đạt được. Có như vậy, các nhân viên sẽ cảm thấy mình được
coi trọng, cảm thấy trong sự phát triển của công ty luôn có phần đóng góp nào đó của
mình.
Bên cạnh sự quan tâm, coi trọng nhân viên, nhà quản trị nhân sự nên tổ chức
những hoạt động mang tính chất vui chơi, giải trí tại công ty để đánh dấu những dịp
đặt biệt và cố gắng tạo ra một môi trường thân thiện để mọi người có thể cười vui
trong văn phòng cũng như dành thời gian để tìm hiểu một chút về gia đình và cuộc
sống riêng tư của họ.
Các chuyên gia nhân sự hiểu rõ mức độ quan trọng của nguồn nhân lực trong
hoạt động của công ty, bởi vậy, một doanh nghiệp không thể phát triển chiến lược
nguồn nhân lực nếu mà thiếu những chuyên viên nhân sự giỏi. Và không chỉ riêng
những người làm công tác nhân sự mới cần trang bị các kiến thức và kỹ năng quản lý
cần thiết, những người làm công tác quản lý nói chung, trưởng bộ phận các phòng ban
vẫn phải làm công tác nhân sự trong phạm vi quản lý của họ để thúc đẩy, tạo động lực
cho các nhân viên cấp dưới cùng đạt được mục tiêu chung

×