E-work - xu hướng nghề nghiệp tất yếu
Lao động điện tử, E-work, đã xuất hiện ở châu Âu cách đây hàng chục năm và
ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Số lượng
người sử dụng hình thức làm việc từ xa hay còn gọi là lao động điện tử đang tăng
mạnh trên toàn thế giới. Ework phản ánh sự tiến bộ của nền kinh tế mạng (Net-
Economics) và sự phát triển của xã hội thông tin.
Những người làm việc từ xa đã và đang sử dụng tích cực thành tựu của công
nghệ thông tin và truyền thông. E-work là sự biểu hiện của một trong những khía cạnh
tiến bộ trong lao động. Số người làm việc từ xa ngày càng tăng và chịu tác động của
hai yếu tố: yếu tố thứ nhất là sự phát triển của kỹ thuật, làm thay đổi trang thiết bị và
các thủ tục trong các văn phòng. Yếu tố thứ hai, liên quan đến bản chất lao động, đó là
sự thay đổi thích ứng với nền kinh tế số (tính sáng tạo và đổi mới ngày càng trở nên
quan trọng hơn trong sản xuất).
*) E-work – đối tượng và mô hình ứng dụng
Hiện nay, tại châu Âu, những người làm việc từ xa được chia thành 4 nhóm:
1/ Người làm việc từ xa hưởng lương, làm việc tại nhà riêng của mình:
2/ Người làm việc từ xa độc lập;
3/ Người làm việc từ xa di chuyển (dưới 10h trong tuần, ở ngoài nhà riêng
và/hoặc trụ sở làm việc chính);
4/ Làm việc từ xa bổ trợ, làm việc tại nhà nhiều nhất là 1 ngày trong tuần,
những giờ còn lại làm việc tại cơ quan hay công ty. Loại công việc này chủ yếu liên
quan đến các cán bộ quản lý, họ dành một phần thời gian làm việc tại nhà.
Trên thực tế, E-work được áp dụng cho các văn phòng đại lý của doanh nghiệp
hoặc các văn phòng cơ quan, nằm ở các khu vực khác nhau. Một Dự án Thương mại
điện tử và Lao động từ xa (ECTT) đã được một tập đoàn gồm 10 công ty ở châu Âu
thực hiện. Có hai loại phiếu thăm dò: một liên quan đến doanh nghiệp, phiếu thứ hai
liên quan đến cá nhân được gửi đến 4158 doanh nghiệp của 10 nước châu Âu (Đức,
Đan Mạch, Tây Ban Nha, Phần Lan, Pháp, Irceland, Italia, Hà Lan, Anh và Thuỵ Sỹ).
Có 500 doanh nghiệp ở các nước đông dân và 300 doanh nghiệp ở các nước ít dân ,
700 cá nhân ở các nước lớn (từ 15 tuổi trở lên) và 500 cá nhân ở các nước nhỏ đã trả
lời 70 câu hỏi nêu trong phiếu điều tra.
Phân tích kết quả, các nhà nghiên cứu đã rút ra được 8 điểm chính, nổi bật về
lao động từ xa ở châu Âu như sau:
1/ Lao động từ xa đang phát triển mạnh ở châu Âu. Trong năm 2000, tại châu
Âu đã có khoảng 10 triệu người thuộc diện làm việc từ xa. Lao động từ xa đã thâm
nhập vào nhiều lĩnh vực rất khác nhau và ở nhiều nước;
2/ Trong số người làm việc từ xa, nam giới chiếm tỷ trọng 3/4, ngược lại họ cho
rằng làm việc từ xa thích hợp với nữ giới, vì phụ nữ gắn nhiều với cuộc sống gia đình
hơn so với nam giới;
3/ Những người làm việc từ xa, phần lớn là công nhân bậc cao, cán bộ và
chuyên gia, chiếm tới 60% số người hưởng lương;
4/ Tuổi của những người làm việc từ xa ở châu Âu thường cao: 63% ở lứa tuổi
từ 30 đến 49, tuổi bình quân là 39;
5/ Những người làm việc từ xa có thâm niên công tác cao hơn so với những
người làm việc tại chỗ;
6/ Trong các doanh nghiệp lớn ở châu Âu, làm việc từ xa đã trở thành công việc
bình thường dưới dạng này hoặc dạng khác. Làm việc từ xa thường được các doanh
nghiệp có từ 500 lao động trở lên áp dụng. Ngoài ra, còn có tới 12% doanh nghiệp nhỏ
cũng đã tổ chức làm việc từ xa;
7/ Làm việc từ xa đã được hầu hết các nước Tây Âu chấp nhận. Tại Đức, cách
đây 2 năm, 54% số doanh nghiệp của nước này đã vận dụng hình thức làm việc từ xa;
tại Italia, từ năm 1999 đã có khoảng 40% doanh nghiệp cho cán bộ làm việc từ xa; còn
ở Phần Lan, đã từ 5 năm nay, có trên 50% cơ quan sử dụng hình thức làm việc từ xa;
8/ Làm việc từ xa mang lại nhiều lợi ích cho người làm công, còn lợi ích của
những người lãnh đạo thì không kể xiết. Thuỵ Sĩ là nước đứng đầu về làm việc từ xa
với 90% dân số ở tuổi lao động đang làm việc hoặc mong muốn được làm việc từ xa.
*) Những cản trở đối với làm việc từ xa
Uỷ ban châu Âu EC đã tiến hành phỏng vấn các cơ quan, doanh nghiệp và cá
nhân về những cản trở đối với làm việc từ xa và đã rút ra một số cản trở đặc trưng
nhất:
1/ Những vấn đề liên quan đến an toàn dữ liệu (thông tin) của cơ quan/doanh
nghiệp (62% cơ quan/doanh nghiệp cho rằng đây là điểm quan trọng hoặc rất quan
trọng)
2/ Năng suất và chất lượng công việc;
3/ Không hiểu biết về quản lý từ xa;
4/ Những khó khăn về tổ chức quản lý làm việc từ xa;
5/ Sức ỳ (không muốn) thay đổi;
6/ Giá cả;
7/ Những khó khăn về tổ chức liên lạc nội bộ trong doanh nghiệp;
8/ Những vấn đề về pháp lý, về bảo vệ cán bộ;
9/ Lợi ích của cán bộ chưa đầy đủ;
10/ Sự phản đối của các tổ chức công đoàn.
Theo phân tích và dự báo của Văn phòng Empirika của Đức dựa trên kết quả
điều tra của Dự án ECTT, đến năm 2005, tại 6 trong số 10 nước châu Âu tham gia
cuộc thăm dò này sẽ có ít nhất là 10% dân số hay 25% lực lượng lao động sẽ làm việc
theo chế độ từ xa.
Không còn nghi ngờ gì nữa, bất chấp những khó khăn, thách thức vốn có, xu
hướng làm việc từ xa với những ưu thế không thể phủ nhận sẽ là một xu hướng làm
việc tất yếu trong tương lai.