Lần đầu làm sếp
Từ vị trí trợ lý lên giám đốc, bạn thay đổi cách hành xử với những đồng nghiệp
ngang hàng trước đây thế nào? Ra vẻ bề trên hay thân tình bè bạn? Thành thật
luôn là ưu tiên hàng đầu?
Sau đây là những lời khuyên từ các chuyên gia kinh tế và giao tế:
1. Thân thiện nhưng không phải là bạn bè
Bạn sẵn lòng hỗ trợ mọi người với tinh thần luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu
hiểu. Tuy nhiên, khi ở vị trí lãnh đạo thì không chỉ được yêu mến mà nhất thiết
phải được tôn trọng và kính nể. Làm sếp, bạn phải đưa ra những quyết định hệ
trọng. Điều đó có nghĩa là bạn không thể cùng lúc làm hài lòng tất cả mọi người.
Mặt khác, nếu quá xa cách và giữ kẽ thì sẽ bị kỳ thị. Tốt nhất là hành xử vừa cứng
rắn vừa mềm dẻo với thái độ quan tâm chân thành. Cùng lúc đó, cẩn trọng khi đề
cập đến cảm nghĩ riêng và những vấn đề cá nhân, gia đình.
Amy K. Hutchens, nhà chiến lược kinh doanh và tác giả sách viết về giao tiếp
cộng đồng, cho biết: “Rất khó để yêu cầu ai đó hoàn tất bài đúng hạn chót nếu
đêm hôm trước bạn còn ngồi uống bia say bí tỉ với người đó”. Theo chị Sharon
Daniels, CEO công ty huấn luyện và phát triển Achieve Global, thì cách tốt nhất
để vượt qua những trở ngại khi lên chức làm sếp những người bạn, những đồng
nghiệp xưa là: trò chuyện thẳng thắn và trực tiếp để làm rõ nhiệm vụ và vị trí mới,
nhằm tiếp tục hợp tác trôi chảy.
2. Quản lý 360
Thử thách lớn của người lần đầu làm sếp là giao việc. Nếu không khéo, bạn dễ
dàng rơi vào một trong hai tình huống: không giao việc cho nhân viên nên tự gồng
làm hết và bị quá tải dẫn đến kiệt sức. Hoặc là nhận lấy trách nhiệm nhưng không
tin tưởng nhân viên mà lại xen quá sâu vào việc của từng người khiến bản thân
đuối sức.
Thay vào đó, bạn nên giao việc cho nhân viên và giúp họ hiểu phần việc của mỗi
cá nhân sẽ đóng góp vào thành công của tập thể. Trân trọng công việc của từng
người, dù là photo tài liệu hay sắp xếp dữ liệu. Khi nhân viên tin tưởng và tận tâm
với công việc, thái độ và chất lượng làm việc của họ cũng cải thiện hơn nhiều.
Chị Daniels chia sẻ: “Một trong những điều đầu tiên tôi làm khi nhận sứ mệnh mới
là đến nói chuyện với sếp. Tôi tìm hiểu điều gì là quan trọng nhất đối với ông ấy,
điều gì tôi cần bắt tay vào thực hiện ngay. Những cuộc trò chuyện đó giúp tôi hiểu
quy luật quản lý vá nghĩ ra cách hành xử đúng mực với cấp dưới của mình”.
Bên cạnh đó, lên chức quản lý, nhưng bạn vẫn là người làm thuê. Quản lý 360
nghĩa là: không chỉ học cách để chỉ đạo và giao việc cho cấp dưới, mà cũng phải
biết tôn trọng và không lấn quyền cấp trên, đồng thời, hòa nhã với những người
ngang chức vị.
3. Thừa nhận công trạng chứ không đổ lỗi
Khi không hoàn thành mục tiêu bán hàng, hoặc công việc chưa có kết quả sáng
sủa, phản ứng tồi tệ nhất của người sếp trẻ là chỉ tay vào nhân viên để tránh mất
mặt bản thân. Đó là sai lầm cần tránh với bất cứ giá nào. Người lãnh đạo đứng mũi
chịu sào và can đảm nhận lãnh trách nhiệm sẽ có được những nhân viên trung
thành.
Ngược lại, khi công việc thành công ngoài mong đợi, bạn cũng phải thừa nhận
công trạng của nhân viên. Dẫu thành công là toàn nhờ công mình khéo léo sắp xếp
và quản lý, bạn cũng phải trân trọng nỗ lực và cống hiến của tập thể nhóm.
4. Trao đổi thẳng thắn và minh bạch
Việc trao đổi thẳng thắn và thành thật với nhân viên góp phần làm nên nhà quản lý
mạnh. Thường xuyên cập nhật thông tin về mục tiêu, kỳ vọng và hoạt động của
nhân viên. Nhân viên không thể tiến bộ nếu thiếu người sếp thắp sáng soi đường.
Nhân viên cũng chẳng thể cống hiến hết mình nếu người sếp để mặc họ trong bóng
tối mập mờ khiến họ chẳng hiểu sếp cần gì, công ty muốn chi.
Nhân viên cần gì ở sếp? Họ cần bạn biết lắng nghe và truyền đạt. Bạn lắng nghe
để hiểu và nếu không đủ quyền hạn giải quyết thì truyền đạt thông tin đến sếp lớn.
Có như thế, tập thể mới phối hợp nhịp nhàng và hoàn hảo.
5. Tuyển những người giỏi nhất
Từ vị trí nhân viên lên quản lý, bạn phải là người hiểu rõ tường tận môi trường
làm việc, văn hóa công sở, biết chính xác những kỹ năng và phẩm chất cần để
thành công. Và khi lên quản lý, bạn bắt đầu nhận quyền tuyển dụng.
Nhiều người lần đầu làm sếp mắc phải sai lầm chí mạng là chọn thuê những tay
non không lành nghề để có dịp lên mặt rằng ta có nhiều kinh nghiệm và tài giỏi.
Nhưng, đó sẽ là bóng ma quay ngược lại ám ảnh bạn nếu nhân viên không đủ năng
lực.
Theo Daniels: “Điều quan trọng là tuyển dụng đúng những ứng cử viên có tiềm
năng nhất. Bạn cần biết điểm mạnh và yếu của bản thân rồi thuê những nhân viên
có thể bù đắp khiếm khuyết của mình”. Một bí quyết nhỏ khi nhận người là hình
dung người đó sẽ thành sếp của mình. Như vậy, bạn sẽ “nhìn ra kỹ năng của người
đó và tôn trọng để có thể học hỏi từ họ. Đồng thời, quan sát xem họ có thể hòa
nhập vào môi trường công việc, văn hóa công ty”.
6. Không phải là chủ
Từ “chủ” hay “sếp” nhiều khi mang hàm ý không đẹp. Thay vào đó, bạn nên là
người dẫn dắt, là nhóm trưởng. Điều quan trọng của nghệ thuật lãnh đạo là khiến
thành viên trong nhóm tin theo mình.
Cố gắng không ngừng để lên vị trí hiện tại, và bạn cũng đừng vội dừng bước. Phải
tiếp tục đấu tranh mỗi ngày để hoàn thành tốt sứ mệnh được giao, để xứng đáng
giữ vị trí này.
Làm lãnh đạo không phải là chức danh mà là điều bạn thực sự khao khát. Làm
lãnh đạo là việc đòi hỏi nhiều kỹ năng kết hợp mà bạn chỉ có thể đạt được dần dần
theo thời gian.
Từ y tá thành CEO, Colleen McKeown đúc kết: “Nhà lãnh đạo giỏi là người phát
triển và giúp đỡ người khác phát triển sự nghiệp”.