Cần hiểu đúng về mô hình tập đoàn
TS. Nguyễn Hữu Long,
BDSC Corporation
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, đã có rất nhiều doanh
nghiệp ra đời và phát triển không ngừng. Số lượng các công ty tăng lên,
quy mô các công ty ngày càng lớn, và đã bắt đầu xuất hiện các tập đoàn
tư nhân.
Các tập đoàn “tự phong” này được hình thành thông qua việc thành lập
một số công ty con, chủ yếu có quan hệ về vốn sở hữu với công ty mẹ
hoặc với nhóm chủ sở hữu lớn của công ty mẹ. Do Luật Doanh nghiệp
quy định tập đoàn không có tư cách pháp nhân, không được đăng ký kinh
doanh, nên nhiều công ty đưa luôn cụm từ “tập đoàn” vào trong tên đăng
ký chính thức của công ty mẹ như một cách để khẳng định tầm cỡ và vị
thế hùng mạnh của mình. Ngày càng nhiều công ty có tên “Công ty cổ
phần tập đoàn…” ra đời cùng với sự ra đời của các nhóm công ty có mối
liên kết với nhau theo nhiều hình thức, nhưng đa số vẫn là hình thức đầu
tư, góp vốn từ công ty mẹ hoặc các chủ sở hữu lớn của công ty mẹ.
Tên gọi tập đoàn thì đã quá quen thuộc, thậm chí còn bị lạm dụng, nhưng
một mô hình tập đoàn hoàn chỉnh, phù hợp cho một nhóm công ty có mối
quan hệ liên kết, gắn bó lâu dài về lợi ích với nhau thì dường như vẫn còn
khá xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam. Khi nói đến mô hình tập đoàn,
nhiều người nghĩ ngay đến cấu trúc tổ chức tổng thể của tập đoàn, mà cụ
thể là cách thức bố trí các công ty thành viên trên sơ đồ tổ chức của tập
đoàn. Xa hơn chút nữa, trên sơ đồ tổ chức có thể kèm theo các mũi tên thể
hiện chiều đầu tư vốn từ công ty này sang công ty khác. Cách hiểu đơn
giản này tạo nên một thực trạng không tốt là nhiều công ty lớn muốn
nhanh chóng có được danh hiệu tập đoàn bằng cách bung ra thành lập một
số công ty con mà không có sự chuẩn bị kỹ càng trong việc lựa chọn mô
hình phù hợp để đem lại sức mạnh cộng hưởng tốt nhất cho nhóm công ty
trong tập đoàn. Bài viết này chia sẻ quan điểm về sự cần thiết phải thiết kế
những mô hình phù hợp cho các tập đoàn đã, đang và sẽ hình thành tại
Việt Nam theo thông lệ quản trị thế giới.
Trên thế giới, mô hình tập đoàn thông thường được phân loại theo ba yếu
tố: cơ chế đầu tư vốn, cơ chế liên kết kinh doanh, cơ chế (hay phương
thức) quản lý.
Theo cơ chế đầu tư vốn, tập đoàn có thể có lựa chọn một trong các mô
hình đầu tư: đơn cấp, đồng cấp, đa cấp, hoặc hỗn hợp (phối hợp nhiều
hình thức đầu tư). Trong mô hình đầu tư đơn cấp, công ty mẹ lẫn công ty
con đều chỉ đầu tư xuống một cấp trực tiếp, không đầu tư xuống cấp xa
hơn. Trong đầu tư đồng cấp, các công ty trong cùng một cấp đầu tư qua
lại. Trong mô hình đa cấp, các công ty, đặc biệt là công ty mẹ, vừa đầu tư
trực tiếp vào các công ty con, đồng thời cũng đầu tư trực tiếp vào các
công ty “cháu”, “chắt” ở dưới, không thông qua công ty trung gian nào.
Cuối cùng, mô hình hỗn hợp là mô hình phối hợp nhiều hình thức đầu tư
(đơn cấp, đồng cấp, đa cấp) giữa các công ty trong tập đoàn (xem hình).
Theo cơ chế liên kết kinh doanh, tập đoàn có thể có các mô hình: liên
kết theo chiều dọc, liên kết theo chiều ngang, và liên kết hỗn hợp. Liên
kết theo chiều dọc là mô hình liên kết các công ty hoạt động trong cùng
một chuỗi giá trị ngành (ví dụ các công ty cung ứng nguyên vật liệu, sản
xuất, vận tải, bán hàng, tiếp thị, dịch vụ hậu mãi...). Liên kết theo chiều
dọc có thể là tích hợp ngược (backward integration) - hướng về bên trái
chuỗi giá trị, (ví dụ công ty sản xuất mua lại hoặc đầu tư vốn vào các
công ty cung ứng nguyên liệu cho mình) hoặc tích hợp xuôi (forward
integration) - hướng về bên phải chuỗi giá trị, (ví dụ công ty sản xuất mua
lại hoặc đầu tư vốn vào một công ty thương mại/tiếp thị/vận tải để tiêu thụ
sản phẩm do mình sản xuất) hoặc cả hai. Mối liên kết này đem lại nhiều
lợi thế về chi phí, về sự chủ động nguồn nguyên liệu, chủ động trong việc
sản xuất và đưa hàng ra thị trường, khả năng kiểm soát các dịch vụ…,
nhưng cũng có khó khăn là sẽ bị phân tán nguồn lực, khó tập trung vào
hoạt động chủ yếu tạo giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị.
Liên kết theo chiều ngang là sự kết hợp giữa các công ty có các sản phẩm,
dịch vụ liên quan với nhau và có thể sử dụng cùng một hệ thống phân
phối để gia tăng hiệu quả (ví dụ công ty sản xuất máy ảnh với công ty sản
xuất phim và giấy ảnh, công ty sản xuất sữa đậu nành với công ty sản xuất
nước tăng lực, nước suối đóng chai…). Mối liên kết này tạo điều kiện đa
dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tận dụng hệ thống phân phối để tiết kiệm chi
phí, phân tán rủi ro. Tuy nhiên cũng có trở ngại là thiếu sự chủ động ở
một số khâu như cung ứng nguyên liệu, sản xuất, kho vận… so với liên
kết dọc. Liên kết hỗn hợp là sự kết hợp của cả hai dạng liên kết dọc và
ngang.
Theo cơ chế quản lý, tập đoàn có thể lựa chọn một trong các mô hình:
tập trung, phân tán, hay hỗn hợp. Trong mô hình tập trung, quyền lực
được tập trung ở cơ quan đầu não (thường là công ty mẹ). Trong mô hình
phân tán, công ty mẹ chỉ đưa ra định hướng và kiểm soát định hướng (ví
dụ chiến lược, các chính sách lớn về tài chính, đầu tư, nhân sự…), giao
quyền tự chủ hoạt động cho các công ty con. Trong mô hình hỗn hợp,
công ty mẹ vừa giao quyền tự chủ cho các công ty con, vừa thâu tóm
quyền lực ở một số lĩnh vực trọng yếu.
Tuy nhiên, một mô hình tập đoàn không chỉ dừng lại ở cấu trúc tổ chức
tổng thể với các cơ chế liên kết, quản lý tổng quát như mô tả ở trên. Để
xây dựng một mô hình tập đoàn hoàn chỉnh, các công ty còn phải thiết kế
rất nhiều cơ cấu, cơ chế, nguyên tắc quản lý, điều hành và lựa chọn cơ
cấu, cơ chế, nguyên tắc tối ưu cho tập đoàn. Trong số các cơ cấu, cơ chế,
nguyên tắc quản lý, điều hành quan trọng cần có cho tập đoàn, có thể kể
đến cơ cấu tổ chức của công ty mẹ, điều lệ công ty mẹ, bộ nguyên tắc
quản trị công ty của tập đoàn, các nguyên tắc quản lý điều hành của tập
đoàn (trong đó nêu rõ các nguyên tắc chính về quản lý tài chính, vốn,
nhân sự, thương hiệu, công nghệ, giao dịch nội bộ…), quy chế tổ chức
hoạt động của hội đồng quản trị, ban kiểm soát công ty mẹ, mô tả chức
năng, nhiệm vụ của các phòng ban công ty mẹ… và còn nhiều tài liệu
khác thể hiện mối tương tác giữa công ty mẹ với các công ty thành viên
cũng như giữa các công ty thành viên với nhau trong tập đoàn…
Như vậy, một mô hình tập đoàn hoàn chỉnh không chỉ có phần “cứng” là
số lượng các công ty thành viên, cơ cấu góp vốn, đặc điểm hoạt động của
mỗi công ty thành viên mà còn bao gồm phần “mềm” là mối quan hệ
tương tác giữa các công ty thành viên, sự phân chia quyền lực, bộ nguyên
tắc quản trị công ty, các nguyên tắc quản lý điều hành tập đoàn… Sự
thiếu chuẩn bị hoặc chuẩn bị quá sơ sài phần “mềm” này là nguyên nhân
gây nên những bất cập, xung đột dẫn đến sự tan rã hoặc hoạt động kém
hiệu quả của tập đoàn.
Không có một mô hình tập đoàn tối ưu chung cho mọi nhóm công ty. Mô
hình tập đoàn phụ thuộc vào mục tiêu và định hướng chiến lược chung
của tập đoàn, đặc điểm, tính chất, mục tiêu và chiến lược các công ty
thành viên trong tập đoàn; môi trường kinh doanh và hệ thống pháp luật ở
các quốc gia nơi công ty mẹ và các công ty thành viên khác hoạt động.
Điều oái oăm là các công ty hiện nay hầu hết xây dựng tập đoàn trong
hoàn cảnh chưa có mục tiêu và định hướng chiến lược cụ thể. Nhiều công
ty con được thành lập chỉ để giải quyết một vấn đề hay để hỗ trợ một hoạt
động kinh doanh cụ thể, ngắn hạn của công ty mẹ. Cũng có trường hợp
các công ty con được thành lập chỉ để cho có số lượng và thêm phần
thuyết phục khi công ty mẹ muốn tự phong là tập đoàn.
Thiết kế mô hình tập đoàn một cách chuyên nghiệp, bài bản là nhu cầu có
thật và bức thiết của nhiều nhóm công ty dù đã, đang hay sẽ “tự phong” là
tập đoàn. Để một tập đoàn thật sự có cả “tên” lẫn “tuổi”, việc lựa chọn
một mô hình phù hợp là điều không thể bỏ sót. Một mô hình tập đoàn tối
ưu sẽ tạo sức mạnh tổng hợp và cộng hưởng, giúp các công ty thành viên
trong nhóm lớn mạnh thực sự, từ đó làm nên sự lớn mạnh của cả tập đoàn.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn