Viêm mũi dị ứng - Dùng thuốc
như thế nào?
Viêm mũi dị ứng (VMDU) xuất hiện theo mùa (vào dịp đông xuân do
bụi phấn hoa cây cỏ) hoặc quanh năm (do lông súc vật, bụi từ quần áo, chăn,
gường chiếu hay các loại khói bụi khác). VMDU thường gặp ở người có cơ
địa dễ nhạy cảm với dị nguyên.
Biểu hiện cụ thể: ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, phù
niêm mạc, ngạt mũi. Rất nhiều người chữa kém hiệu quả, nhưng nếu biết
dùng đúng thuốc, đúng kỹ thuật tuy không khỏi hẳn nhưng cũng ổn định
trong thời gian khá dài, giảm rõ triệu chứng, dễ hơn rất nhiều.
Thuốc dùng trong VMDU gồm các thuốc cũ: nhóm kháng histamin, nhóm
chống nghẹt mũi, các thuốc mới: nhóm corticoid hít.
Nhóm kháng histamin
Chống ngứa mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt nhưng không làm co
mạch nên không chống được nghẹt mũi. Dùng thế hệ cũ (chlopheniramin) gây
buồn ngủ, không dùng được cho người lái xe, vận hành máy, cần tập trung. Dùng
thế hệ mới (claritin, acrivastin) không gây buồn ngủ, tiện lợi hơn.
Nhóm chống nghẹt mũi
Natrichlorid: dung dịch natriclorid đẳng trương (0,9%) làm co mạch nên
chống được nghẹt mũi. Không độc. Dùng cho người lớn, trẻ em, kể cả sơ sinh.
Naphazolin: làm cường giao cảm gây co mạch tại chỗ ở mũi nên chống
nghẹt mũi. Dùng dạng nhỏ mũi 0,05 - 0,1% cho người lớn. Với trẻ em: cũng gây
cường giao cảm nhưng mạnh hơn, trước hết tác dụng tại chỗ gây co mạch mạnh,
làm cho máu không đến niêm mạc mũi, gây hoại tử; sau đó hấp thu vào bên trong,
gây nhức đầu, chóng mặt, tăng huyết áp, tim nhanh, kích động, lo âu; đặc biệt là
gây co mạch ở não, tim, da đầu có thể dẫn đến tử vong.
Không dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi.
Xyclomethazolin: do làm co mạch nên chống nghẹt mũi. Dùng cho người
lớn hay trẻ em nhưng không quá 3 ngày. Không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Phenylephrin: làm tăng tiết adrenalin gây hiện tượng adrenegic làm co
mạch, giảm xung huyết, chống nghẹt mũi. Tuy nhiên, cũng do hiện tượng này mà
làm tăng huyết áp, tăng nhãn áp, không dùng được cho người bị bệnh tăng huyết
áp người đang dùng thuốc trầm cảm IMAO. Trẻ em rất nhạy cảm với
phenylephrin, nhất là khi trẻ tự dùng mà không kiểm soát được liều, sẽ gây độc tại
chỗ cũng như toàn thân. Tuy nhiều tài liệu chỉ cấm dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi,
cho phép dùng cho trẻ lớn tuổi với nồng độ thấp hơn, nhưng đa số thầy thuốc lâm
sàng đều khuyên không nên dùng cho trẻ em. Người lớn mỗi lần chỉ dùng một bên
mũi, mỗi ngày không dùng quá 5 lần.
Đặc điểm chung của nhóm thuốc cũ chỉ giảm được một số triệu chứng, gây
“quen” thuốc, thậm chí gây phản ứng “dội ngược” thuốc, làm cho bệnh nặng thêm.
Tuy nhiên, vì thuốc rẻ tiền, thấy hiệu quả ngay tuy tạm thời, nên hiện vẫn dùng
khá phổ biến.
Nhóm corticoid hít
Dùng corticoid uống kéo dài, liên tục có thể đỡ bệnh, nhưng corticoid ngoại
lai này sẽ ức chế tuyến yên, không cho tuyến yến tiết ra hormone hướng thượng
thận. Tuyến thượng thận lâu ngày không hoạt động sẽ bị teo, không còn chức năng
tiết ra corticoid nội sinh. Khi ngừng dùng corticoid ngoại lai, cơ thể bị thiếu
corticoid nội sinh đột ngột sẽ bị suy thượng thận cấp, nếu nặng không cấp cứu kịp
thời có thể dẫn đến tử vong. Vì thế không thể dùng corticoid uống kéo dài liên tục
để chữa VMDU.
Dùng các corticoid tổng hợp fluticason, beclomethason, budesonid dưới
dạng hít hay dạng khí dung (gọi chung là corticoid hít) thì thuốc sẽ có tác dụng tại
chỗ rất mạnh, làm giảm các chất trung gian gây viêm, nên làm giảm ngứa, hắt hơi,
chảy nước mũi, chảy nước mắt, phù niêm mạc, ngạt mũi. Một phần rất nhỏ thuốc
(khoảng 10%) có thể từ đường mũi đi vào bên trong cơ thể nhưng vì các corticoid
này chuyển hóa rất nhanh tại gan thành các chất không có hoặc có tác dụng sinh
học rất thấp nên sinh khả dụng toàn thân thấp, không gây độc toàn thân như khi
uống. Như vậy, các corticoid hít này có sự cân bằng độc đáo giữa hiệu lực chữa
bệnh và độ an toàn.
Dùng dạng hít hay dạng khí dung (phủ hạt nhỏ như sương) vào niêm mạc
mũi. Corticoid hít thường có hiệu lực ngay trong vòng 24 - 48 giờ. Tuy nhiên để
có hiệu lực đầy đủ cần một khoảng thời gian cần thiết (chẳng hạn như 2 – 4 ngày
với fluticason, 3 - 7 ngày với bude sonid). Cần điều trị đều đặn theo khoảng cách
giữa các lần dùng thích hợp mới có hiệu quả. Chẳng hạn như với fluticason dùng
mỗi ngày 2 lần (8 giờ sáng và 8 giờ tối, sau đó có thể duy trì liều thấp hơn mỗi
ngày 1 lần).
Để thuốc sớm có hiệu quả lúc khởi đầu, có thể dùng corticoid hít phối hợp
với các thuốc kháng histamin, giãn phế quản, coricoid uống; sau đó có thể ngừng
các thuốc phối hợp này, chỉ duy trì bằng corticoid hít.
Corticoid hít không độc nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng không
mong muốn như: đau đầu, viêm họng, kích ứng mũi, hắt hơi, ho, buồn nôn, nôn,
chảy máu cam, phát ban da, ngứa, sưng mặt, sốc phản vệ, nhưng ít gặp.
Dạng thuốc hít nếu dùng kéo dài kèm theo corticoid uống cũng có thể bị
ngộ độc toàn thân, biểu hiện: cường vỏ thượng thận, nếu ngừng ngay thuốc uống
lại có thể gây suy thượng thận. Cần cẩn thận khi phối hợp với corticoid uống trong
trị viêm mũi hay với người viêm mũi có kèm thêm hen (như nói trên).
Với người mang thai cho con bú: corticoid gây hại thai, tiết vào sữa gây hại
trẻ bú. Tuy nhiên, với corticoid hít chưa thấy hiện tượng này nên vẫn có thể dùng
cho người có thai cho con bú. Không dùng corticoid hít chữa VMDU cho trẻ em
dưới 12 tuổi, riêng beclomethason không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Corticoid hít
hầu như không độc, có thể dùng lâu dài ổn định bệnh, được coi là thuốc chủ lực
trong điều trị VMDU.
Về kỹ thuật dùng thuốc