Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Thuốc trị viêm thanh thiệt doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (198.62 KB, 5 trang )

Thuốc trị viêm thanh thiệt

Thanh thiệt là một cái nắp sụn nhỏ nằm ở dưới đáy lưỡi có nhiệm vụ
ngăn không cho thức ăn đi lạc vào khí quản khi nuốt. Khi bị viêm nhiễm,
thanh thiệt có thể làm bít khí quản và gây tử vong do ngạt thở nếu không
được khẩn trương cấp cứu.
Viêm thanh thiệt (VTT) được mô tả lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 18 nhưng
chỉ được định nghĩa chính xác lần đầu tiên bởi Le Mierre vào năm 1936.
Các nguyên nhân thường gây VTT là nhiễm trùng, hóa chất cùng các tác
nhân gây tổn thương. Nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu. Vi khuẩn H
influenzae type b là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất trước khi có chủng ngừa.
Hiện nay, các vi sinh vật khác như vi khuẩn, virut và nấm đều có thể gây bệnh, đặc
biệt là ở người lớn.
Các vi sinh vật có khả năng gây bệnh bao gồm Streptococcus pneumoniae,
Haemophilus parainfluenzae, virus thủy đậu - zoster, virus Herpes simplex type 1,
Staphylococcus aureus...
Các nguyên nhân khác không do nhiễm trùng gây tổn thương thanh thiệt
bao gồm các chất nóng, gây VTT do nhiệt. VTT do nhiệt xảy ra sau khi ăn uống
các chất lỏng, thực phẩm quá nóng hoặc hít các chất ma túy đã được đốt nóng như
crack cocain hoặc cần sa (marijuana). VTT do nhiệt cũng tương tự như VTT do
nhiễm trùng.
VTT còn có thể xảy ra sau khi bị côn trùng cắn, gây phản ứng dị ứng phù
nề. Chấn thương do vật tù hoặc bị vật gì chặn ở vùng hầu họng cũng có thể dẫn
đến viêm thanh thiệt.
Triệu chứng
VTT thường xảy ra cấp tính nhưng cũng có thể diễn tiến trong vòng từ vài
giờ đến vài ngày. Các triệu chứng thường thấy nhất bao gồm đau họng, khàn
giọng, nói khó, sốt, nuốt đau, nhịp tim nhanh, khó thở.
Thường sốt cao nhưng cũng có khi chỉ ở mức 37.8oC đối với người lớn
hoặc 37.2oC trong những trường hợp VTT do nhiệt.
Các dấu hiệu thường gặp là: khó thở do suy hô hấp cấp, chảy nước dãi,


nghiêng người về trước để thở, thở nông, co kéo cơ cổ và cơ liên sườn, thở rít, rối
loạn tiếng nói ở bệnh nhân VTT. Bệnh nhân VTT thường có dáng vẻ bề ngoài suy
sụp nặng.
Trẻ em bị VTT thường có tư thế "hít ngửi" đặc thù, với thân mình nghiêng
về phía trước, đầu và mũi cúi về trước và hướng lên trên như thể đang hít ngửi mùi
thơm.
Cần đi khám ngay nếu có phối hợp các triệu chứng và dấu hiệu sau đây:
đau họng; khàn giọng; sốt; không nuốt được; nhịp tim nhanh; kích thích nhiều; da
tím tái; suy hô hấp cấp: với các đặc điểm như khó thở, thở nhanh, nông, dáng vẻ
bệnh rất nặng, tư thế ngồi với khuynh hướng nghiêng về phía trước, thở rít.
Điều trị
Sau khi được chẩn đoán VTT, bệnh nhân cần nhập viện ngay vì họ có nguy
cơ bị bít đột ngột đường thở không dự báo trước được. Bác sĩ cần phải sẵn sàng
chuẩn bị để bảo vệ đường thở cho người bệnh. Có thể cho dùng ngay kháng sinh.
Bệnh nhân cần được nằm thoải mái trong phòng có ánh sáng vừa phải với
người thân ở bên, thở oxygen ẩm và theo dõi sát bằng monitor. Truyền dịch tĩnh
mạch có thể giúp ích nếu không có những dấu hiệu suy hô hấp cấp. Cần đề phòng
tình trạng lo âu vì có thể gây đóng bít nắp thanh thiệt.
Bệnh nhân có dấu hiệu nguy cơ tắc nghẽn đường thở cần được bác sĩ
chuyên khoa soi thanh quản trong phòng mổ trang bị đầy đủ dụng cụ cấp cứu.
Trong những trường hợp rất nặng, cần mở khí quản cấp cứu (cricothyrotomy).
Kháng sinh tiêm tĩnh mạch sẽ có tác dụng tốt. Lựa chọn kháng sinh tùy
theo bệnh cảnh và kinh nghiệm điều trị. Cấy máu với mục đích tìm vi khuẩn gây
bệnh. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, cấy máu lại không đem đến kết quả như
mong đợi.
Trước đây, corticosteroids và epinephrine đã được dùng. Tuy nhiên không
có chứng cứ rõ ràng về hiệu quả của chúng trong điều trị.
Khi đã điều trị cấp cứu, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ. Tiếp tục
dùng kháng sinh cho đủ liều lượng. Tái khám đúng hẹn. Những bệnh nhân đã
được đặt ống mở khí quản cần tái khám đều đặn để được theo dõi rút ống và chắc

chắn là vết mổ đã lành tốt. Khi được theo dõi chăm sóc tốt, đa số bệnh nhân đều
phục hồi tốt sau khi xuất viện.
Bệnh nhân VTT phục hồi và có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán sớm và
điều trị đúng lúc. Trong trường hợp ngược lại, tiên lượng sẽ kém, để lại nhiều di
chứng tàn phế, kể cả tử vong. Trước năm 1973, tỷ lệ tử vong ở người lớn viêm
thanh thiệt là 32%. Những chương trình tiêm phòng, kết hợp với việc nhận biết và
điều trị sớm đã kéo giảm tỷ lệ này xuống dưới 7%. Tỷ lệ tử vong do viêm thanh
thiệt ở người lớn thường cao hơn trẻ em do chẩn đoán nhầm với các bệnh khác có
biểu hiện lâm sàng rất giống với VTT.
Tương tự các nhiễm trùng nặng khác, vi khuẩn có thể lan tràn vào máu gây
nhiễm khuẩn huyết, cuối cùng dẫn đến shock nhiễm trùng, suy đa phủ tạng, suy hô
hấp và tử vong.
Phòng bệnh
Dự phòng VTT sẽ đạt kết quả khả quan nếu tiêm phòng tốt với H influenza
type b (Hib). Do đó nên tiêm phòng Hib đầy đủ cho trẻ. Tiêm phòng thường quy
cho người lớn thường không được khuyến cáo, ngoại trừ đối với những bệnh nhân
suy giảm miễn dịch như thiếu máu hồng cầu liềm, cắt lách, ung thư, hoặc các bệnh
khác ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
Khi đã phơi nhiễm với bệnh nhân VTT do H influenza thì nên dùng thuốc
kháng sinh dự phòng (rifampin, rifadin) để tiệt trừ vi khuẩn. Việc này sẽ loại trừ
được tình trạng người lành mang vi trùng ("carrier state"). Những đối tượng này
tuy không mắc bệnh nhưng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác, đặc biệt nguy
hiểm đối với trẻ dưới 4 tuổi chưa được tiêm phòng Hib đầy đủ.

×