Nghệ sĩ Bảo Nguyên
1 - Dăm bảy chục năm về trước, khi nghề nhiếp ảnh còn là môn nghệ thuật
xa xỉ, chưa phát triển, kĩ thuật in, tráng còn thô sơ, giá một bức hình rất đắt, chỉ
phục vụ cho tầng lớp nhà giàu.
Người dân nghèo thành thị cũng như nông thôn thường tìm đến các cửa
hàng vẽ truyền thần thuê vẽ một bức chân dung ông, bà, cha mẹ, vợ chồng con
cái… hoặc cả bức tranh phong cảnh cỡ “đại”, viền khung gỗ với nhiều hoa văn cầu
kỳ để treo nơi chính diện trong nhà, vừa đẹp, ưng ý, lại rẻ tiền. Nghề vẽ truyền
thần vì thế rất phát triển.
Thời hoàng kim của tranh truyền thần là những năm 30 thế kỷ trước. Riêng
Hà Nội có trên 400 họa sĩ vẽ truyền thần. Các cửa hàng, cửa hiệu được trang
hoàng “bắt mắt”, phố nào cũng có họa sĩ truyền thần miệt mài công việc. Đất nước
trải qua chiến tranh, rồi trải qua thời “tem phiếu” đầy cam go, cùng với nghề chụp
ảnh tiến bộ nhanh chóng, dân chơi cho rằng chụp ảnh “thật” hơn, nghệ thuật hơn,
tiện lợi, ai cũng chụp được. Từ ảnh đen trắng đến ảnh mầu, từ máy cơ đến máy kỹ
thuật số đã trở thành thú chơi phổ biến. Vì thế, nghề vẽ truyền thần cứ mai một,
tưởng rằng chỉ còn trong ký ức.
Một số nghệ nhân yêu nghế, biết gìn giữ, nuôi dưỡng nghề truyền thống của
cha ông, biết vượt lên mọi khó khăn của cơ chế thị trường, vẫn trụ vững, vực dậy
để khẳng định nét văn hóa độc đáo của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong tâm hồn
người dân nước Việt. Và đặc biệt, khi đất nước mở cửa, nhiều vị “khách phương
xa đến lạ lùng tìm xem”. Người có công thổi hồn vào ảnh chân dung, làm sống lại
các di ảnh, mê hoặc khách trong và ngoài nước là nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên,
người mà bà con khu phố Hàng Ngang tự hào tặng cho ông danh hiệu “Người
nghệ sĩ vẽ truyền thần giữa lòng phố cổ Hà Nội.”
Ông Nguyễn Bảo Nguyên tự họa
2 - Hàng Ngang là con phố cổ nằm ở trung tâm Hà Nội “36 phố phường”
xưa, bán buôn sầm uất, với những cửa hàng “văn minh thương mại” hoành tráng
chuyên đồ hàng hiệu đắt tiền: quần áo, vải, đồng hồ, giầy dép cao cấp, mĩ phẩm,
đồ cố… Ở giữa phố, tại số nhà 47 vẫn còn đó duy nhất cửa hàng vẽ tranh “Truyền
thần Bảo Nguyên” lặng lẽ, khiêm nhường, chỉ rộng khoảng 10m2, quanh tường
treo đầy tranh khách đã “đặt hàng” hẹn ngày đến lấy. Tơi đây, khách yêu tranh
thỏa sức cảm nhận giá trị nghệ thuật, nội tâm nhân vật từ nếp nhăn trên gò má, ánh
mắt trong trẻo của bé thơ, gương mặt cương trực của anh bộ đội cụ Hồ, nụ cười
sảng khoái trên khóe miệng người phụ nữ vùng cao địu con lên nương, hoặc chân
dung của một ông Tây đôi mắt xanh nhìn về một nơi xa thẳm.
Góc tường, trên cao là ảnh Alain, Audrey Mone được phóng tác với nét tài
tử, kiều diễm, sáng giá. Ấn tượng nhất bức chân dung Tề Bạch Thạch, ông vẽ
trong mấy tháng trời mới hoàn thành. Tề lão gia chống chiếc gậy trúc, đôi mắt
sáng, thể hiện cốt cách của một nghệ sĩ tài hoa… Ông chủ Bảo Nguyên mái đầu
hói, chỉ còn lại ít tóc trắng phơ sau gáy, cũng đã thuộc lớp người “Xưa nay hiếm”
đang ngồi trước bức tranh “Thiếu nữ Hà Nội”, ông vẽ dang dở. Đôi mắt ông nheo
nheo sau cặp kính lão, chừng như có nét gì trong tranh làm ông chưa ưng ý? Ông
mời tôi cùng ngồi xem tranh, rồi “à” lên, “đây rồi, chiếc áo dài, cổ cách tân hơi
thấp, tà áo ngắn, các cụ ta thường bảo quần chùng áo dài kia mà”. Ông tạm gác
công việc, ông pha trà mới tôi. Cách pha trà của ông chậm rãi, tao nhã của người
biết thưởng thức văn hóa uống trà. Tôi và ông vừa nhâm nhi chén trà Thái, vừa trò
chuyện. Qua câu chuyện cuộc đời ông, tôi như vỡ ra, hiểu được cái tâm của người
nghệ sĩ.
Ông tâm sự, con đường vào nghề của ông rất tình cờ, hình như là nghề chọn
ông. Năm 1960, ông đang là sinh viên khoa Lý, trường Đại học Tổng hợp, không
may ông bị một trận ốm thập tử nhất sinh, sự học đành dang dở. Một lần tình cờ,
ông thả bộ dạo chơi phố Hàng Đào, thấy người ta vẽ truyền thần, ông thích thú
đứng xem. Ông đâm mê, ngày nào cũng đến cửa hiệu quen thuộc, đứng nép mình
bên cửa học lỏm. Về nhà ông tập vẽ, đầu tiên ký họa những người thân quen, cha
mẹ, anh em, bạn bè. Được mọi người khen, động viên “vẽ rất giống”, ông vững tin
bước vào nghề.
Ông Bảo Nguyên vẽ chân dung Vũ Tông Phan qua tiểu sử, thơ văn, lời kể
của hậu duệ Vũ Thế Khôi
Ông mở một cửa hàng nho nhỏ cạnh rạp chiếu phim Tháng 8. Sau đó khi
cửa hàng ra nhập vào Hợp tác xã truyền thần, ông “có đất dụng võ”. Do kiên trì tự
học, vì thực ra làm gì có lớp học chính quy dạy nghề vẽ truyền thần, nghề không
phụ, ông trở thành một thợ cả có uy tín. Mọi người gọi ông là “họa sĩ”. Ông bảo
ông không qua trường lớp nào cả, cũng đừng gọi ông là “nghệ nhân”, vì ông
không phải hội viên một Hội nghề nghiệp. Ông làm nghề tự do, “xin mọi người cứ
gọi tôi là thợ vẽ”. Với nhiều lý do chủ quan và khách quan, Hợp tác xã truyền thần
của ông “chuyển đổi mục đích” sang một nghề khác. Ông Bảo Nguyên không
buông xuôi, không đánh đắm lòng đam mê của mình, ông tự xoay vốn, mở cửa
hàng tại 47 phố Hàng Ngang, cần mẫn vẽ.
Tiếng lành đồn xa, dần dần rồi ông cũng có khách hàng riêng của mình,
ngày càng đông. Có người đến yêu cầu ông vẽ lại bức ảnh cũ của người đã mất,
hoặc ảnh các cụ gần đất xa trời để có ảnh mà thờ. Nhiều người bỏ quan niệm vẽ
truyền thần khi còn trẻ, đem cả ảnh cưới, ảnh con cái đến thuê ông vẽ về treo
tường, coi như một thú chơi. Rất đông khách nước ngoài yêu mến nét văn hoá
được coi như “đặc sản” Việt Nam “đặt hàng” ông. Có cả các quan khách như
Hoàng gia Thái Lan, Phu nhân Đại sứ Mỹ, Lào… tìm đến ông, đặt vẽ chân dung.
3 - Công việc vẽ truyền thần, theo ông Bảo Nguyên, không phải chỉ đơn
thuần là “chép ảnh”. “Truyền thần” là một từ gốc Hán- Việt, có nghĩa là truyền lại
cái “Thần” của người được vẽ. Ông Bảo Nguyên đã có kinh nghiệm 45 năm vẽ
tranh truyền thần, trước sau ông chỉ có một quan điểm, khi vẽ phải nắm được cái
“thần” của đối tượng. Theo ông, bức ảnh vẽ giống thôi chưa đủ, mà phải có thần
thái, dù nhân vật trong tranh là người, phong cảnh hay tĩnh vật. Cái thần đó thể
hiện nơi khóe mắt, nếp nhăn trên trán, hay vài sợi tóc vương trên mặt, chiếc mũi