Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Mụn trứng cá dùng thuốc gì? pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (184.8 KB, 5 trang )

Mụn trứng cá dùng thuốc gì?

Không nên tự ý dùng các loại thuốc trị mụn trứng cá.
Hiện nay có nhiều loại thuốc, mỹ phẩm dùng để điều trị mụn trứng cá
nhưng cần phải hiểu rõ tác dụng, chỉ định của từng loại thuốc và điều trị theo
đơn của bác sĩ thì mới đạt hiệu quả tốt trong điều trị.
Có những loại thuốc điều trị nào?
Thuốc điều trị mụn có 2 loại là thuốc điều trị tại chỗ (thuốc bôi, mỹ phẩm,
sữa rửa mặt) và thuốc điều trị toàn thân (thuốc uống, tiêm). Người ta phân ra 4
nhóm thuốc chủ yếu điều trị mụn trứng cá là:
Nhóm thuốc làm bạt sừng, bong vảy (keratolytics): ví dụ mỡ salicylic acid
5-10% có tác dụng làm mỏng lớp sừng trên bề mặt da, làm bong các nút sừng ở cổ
tuyến bã, giúp chất bã thoát ra ngoài dễ dàng hơn, giảm tắc nghẽn chất bã trong túi
tuyến bã. Nhóm thuốc này thích hợp để làm bong các nút sừng ở các loại mụn đầu
trắng, mụn bọc nhỏ. Tuỳ vị trí và mức độ mụn để dùng loại có nồng độ phù hợp.
Nhóm thuốc kháng sinh (antibiotic) và kháng khuẩn (antibactarial): thường
dùng các kháng sinh như clindamycin, erythromycin, doxycyclin, kháng khuẩn
chống viêm như benzoyl peroxide. Các loại thuốc này vừa có tác dụng diệt vi
khuẩn gây viêm tại mụn vừa có tác dụng chống viêm nên thích hợp để điều trị các
loại mụn viêm, mụn mủ. Dùng cả đường toàn thân và tại chỗ. Có các loại kháng
sinh dùng tại chỗ như: creme, gel erythromycin 2- 4%, clindamycin 1%, benzoyl
peroxide 2,5- 5%. Thận trọng khi dùng các thuốc tại chỗ loại này có thể gây nhạy
cảm với ánh sáng vì vậy nên tránh nắng trong thời gian điều trị. Benzoyl peroxide
còn có thể gây kích ứng trên da. Khi bôi, ngày đầu nên bôi thử một vùng nhỏ ở
mặt trong cẳng tay, nếu không thấy ngứa, nổi mẩn đỏ thì mới bôi lên mặt.
Nhóm vitamin A acid (retinoid): Có tác dụng chống sừng hoá cổ tuyến bã
do đó ngăn ngừa hình thành các nút sừng tại cổ tuyến bã, giúp chất bã nhờn thoát
ra dễ dàng hơn. Retinoid còn làm giảm tiết bã, chống viêm nên được dùng cho mọi
loại mụn trứng cá, đặc biệt các dạng trứng cá bọc, mụn mủ, mạch lươn, trứng cá
nặng, dai dẳng. Tuy nhiên chống chỉ định dùng retinoid cho phụ nữ có thai, những
người có tryglycerid, cholesterol máu cao. Hiện nay có các loại thuốc bôi tại chỗ


là tretinoin 0,025% - 0,1%, isotretinoin 0,05% và adapalene 0,1%. Cần lưu ý thuốc
có thể gây khô da, khô rộp môi, bong vảy lòng bàn tay, bàn chân. Để hạn chế bớt
tác dụng phụ này chúng ta có thể cho dùng thêm các loại kem giữ ẩm, mềm da.
Vitamin A acid còn làm cho da dễ bị nhạy cảm với ánh sáng do đó nên tránh nắng,
hạn chế ra nắng hoặc dùng các biện pháp che, chắn nắng như đội mũ rộng vành,
bịt mặt, mặc quần áo che kín da trong thời gian dùng thuốc và nên bôi thuốc vào
buổi tối.
Nhóm thuốc nội tiết (hormon): Ví dụ như các loại thuốc tránh thai, thường
chỉ định cho các trường hợp nữ bị trứng cá. Liệu trình điều trị thường kéo dài từ 3
- 6 tháng. Không nên dùng loại thuốc tránh thai có thành phần progesterol đơn
thuần vì loại này thường làm vượng bệnh trứng cá. Nên dùng loại kết hợp
progesterol tổng hợp thế hệ 2 là: levonorgestrel (khoảng 100 micrograms) với
ethinyloestradiol (20 micrograms) chỉ định cho các trường hợp trứng cá vừa.
Cyproterone acetate thường dùng trong các trường hợp trứng cá nặng, uống liều
25 – 100 mg hàng ngày vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 14 của chu kỳ kinh và có thể
dùng ở dạng thuốc tránh thai kết hợp. Không dùng nhóm thuốc này cho phụ nữ
mang thai và cho con bú.
Khi bị mụn trứng cá cần chú ý
- Không tự nặn, bóp các mụn đầu trắng, sẩn trứng cá: Việc nặn bóp các tổn
thương mụn bọc, sẩn trứng cá sẽ làm tổn thương lan rộng hơn, sâu hơn. Ngoài ra
có thể bị bội nhiễm thêm do vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào càng làm viêm
nặng hơn, làm tăng nguy cơ tạo sẹo.
- Không chữa mụn bằng các phương pháp dân gian: đắp lá, đắp thuốc và
xông hơi... Điều này càng làm mụn trở nên tồi tệ hơn.
- Không cần ăn kiêng vì nhiều nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng
về việc có loại thức ăn nào ảnh hưởng tới mụn trứng cá. Tuy nhiên nên tránh loại
thức ăn mà người bệnh cảm thấy khi ăn vào thì bệnh vượng lên.
- Tránh nắng: tia tử ngoại ảnh hưởng nhiều tới làn da của bạn, làm da tổn
hại và lão hoá, gây ung thư da và càng làm da bị mất thẩm mỹ nếu có mụn trứng
cá. Nên dùng các loại kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên.

- Hạn chế các yếu tố vượng bệnh: Một số loại thuốc có thể làm vượng bệnh,
ví dụ: thuốc tránh thai chỉ có progesterol, corticosteroid bôi hoặc uống, danazol,
phenytoin, isoniazid, iodides, vitamin B12 tiêm, bromides và lithium. Đặc biệt một
số loại mỹ phẩm trên thị trường hiện nay, có nhiều loại trôi nổi không rõ nguồn
gốc thường có thành phần corticosteroid. Khi mới dùng thấy bớt mụn nhưng dùng
kéo dài sẽ gây teo da, giãn mạch, mụn vượng phát. Cần dừng sử dụng loại thuốc
này hoặc nếu buộc phải dùng thì nên tìm các loại thuốc khác thay thế.
- Các bệnh nội tiết: nếu trẻ em dưới 10 tuổi bị mụn trứng cá, cần kiểm tra
xem có các dị dạng, bệnh của tuyến nội tiết hay không. Đối với phụ nữ, mụn trứng
cá nhiều có thể là biểu hiện của chứng cường androgen cùng với các biểu hiện rậm
lông, béo phì, kinh nguyệt không đều. Cần thiết phải kiểm tra và kết hợp điều trị
bệnh nội tiết mới có hiệu quả trong điều trị mụn.
- Các yếu tố tinh thần, xã hội: những người hay bị stress, rối loạn giấc ngủ,
ngủ ít, căng thẳng tâm lý, áp lực công việc, làm việc quá sức... cũng dễ bị mụn
trứng cá. Trong quá trình điều trị mụn cần quan tâm và loại bỏ các yếu tố này.
- Yếu tố nghề nghiệp: Một số người làm nghề tiếp xúc trực tiếp với dầu mỡ,
halogen, làm việc trong môi trường ẩm ướt, nóng bức... cũng dễ phát sinh và làm
mụn trứng cá nặng thêm. Cần cải thiện môi trường và điều kiện làm việc ở những
bệnh nhân này, thậm chí phải đổi nghề.

×