Thuốc trị viêm đau trong cơn gút cấp
Hình ảnh ngón chân cái bị sưng ở bệnh nhân gút.
Bệnh gút được phát hiện và mô tả ngay từ thời cổ Hy Lạp. Trước đây nó
được biết đến là bệnh của các vua (Disease of kings). Ngày nay đời sống được
nâng cao, việc lạm dụng trong ăn uống khá phổ biến nên bệnh gút không còn là
chứng bệnh chỉ dành cho vua chúa hay các bậc quý tộc, quyền quý cao sang, mà
bất cứ người nào cũng có thể mắc phải nếu như không biết kiềm chế và thiết lập
cho mình một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý.
Tuy nhiên bệnh gút phát sinh không hoàn toàn do chế độ ăn uống mà là sự
kết hợp giữa rối loạn chuyển hóa purine và gen. Mới đây trên tạp chí Nature
Genetic, Anh quốc đã công bố một tổ chức có tên MRC Hunman Genetics Unit ở
thành phố Edinburgh do GS. Alan Wright chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện
công trình nghiên cứu này, họ đã phát hiện ra một gen có ký hiệu SLC2A trên
12.000 người cùng một mẫu thử nghiệm. Gen này có khả năng làm khó đào thải
acid uric ra khỏi máu tại thận mà sinh ra bệnh gút. Nhưng dù sao thì chế độ ăn
uống lạm dụng rượu, bia, thịt kết hợp sinh hoạt không điều độ... cũng góp phần
quan trọng làm phát sinh bệnh gút.
Sử dụng thuốc colchicin
Đây là loại thuốc có tác dụng tạo ra chất ngăn cản sự vận chuyển các vật
liệu bị thực bào đi đến các thể tiểu bào, ức chế sự thực bào của bạch cầu trung tính
với tinh thể urat, do đó làm ngừng sự tạo thành acid lactic, giữ cho môi trường
bình thường. Thuốc được sử dụng trong điều trị cơn gút cấp là chủ yếu hoặc phối
hợp với allopurinol để dự phòng khởi phát đợt cấp của bệnh gút. Thuốc colchicin
không làm đào thải acid uric, không tác dụng lên nồng độ, độ hòa tan và khả năng
gắn vào protein huyết thanh của acid uric, nghĩa là không làm giảm được lượng
acid tự do cao trong cơ thể, một nguyên nhân chính gây tủa urat. Thực chất thuốc
colchicin không làm khỏi bệnh gút, mà chỉ dừng lại ở mức làm giảm viêm đau
trong cơn gút cấp.
Trước khi làm giảm viêm, đau, colchicin có thể gây nôn, tiêu chảy. Khi
thấy xuất hiện các tác dụng phụ này đồng thời cũng chứng tỏ rằng thuốc đã bắt
đầu có hiệu lực, mặt khác cũng báo động cần điều chỉnh về mức vừa đủ. Cụ thể là
thuốc sử dụng với liều giảm dần, dùng cho cơn cấp của bệnh gút: ngày thứ nhất
uống 3 viên colchicin, ngày thứ 2 và thứ 3 mỗi ngày chỉ uống 2 viên vào lúc ăn
sáng và tối. Ngày thứ 4 và những ngày kế tiếp uống vào bữa ăn tối 1 viên. Dự
phòng cơn đau bữa ăn tối uống 1 viên. Ngoài ra, colchicin còn được sử dụng cho
bệnh Behcet và những cơn đau cấp của các bệnh do vi tinh thể, tối uống trong bữa
ăn 1 viên.
Ngoài việc chỉ định trong các trường hợp phòng và điều trị cơn đau gút cấp,
thuốc còn được sử dụng uống trị cơn cấp khác do vi tinh thể như vôi hóa sụn khớp
và thấp khớp do hydroxyapatit, bệnh Behcet.
Chống chỉ định trong các bệnh nhân có kèm suy gan hay suy thận
nặng.
Tác dụng phụ của thuốc bao gồm: rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn,
nôn. Đôi khi bị dị ứng da như nổi mề đay, phát ban dạng sởi, suy giảm tủy xương,
viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc, nhưng hiếm gặp khi thuốc được sử dụng đúng
liều. Rất hiếm gặp các rối loạn huyết học, vô tinh trùng. Các trường hợp này nếu
xảy ra sẽ phục hồi sau khi ngừng thuốc.
Cần thận trọng trong các điều trị dài hạn và phải theo dõi đều đặn công thức
máu. Đối với người bệnh có suy gan, thận phải báo cho bác sĩ biết để quyết định
có sử dụng được nữa hay không. Phụ nữ có thai hay đang cho con bú cũng phải
lưu ý, nếu do yêu cầu bệnh lý cũng có thể tiếp tục điều trị cho đến cuối thai kỳ.
Thuốc có thể xảy ra tương tác với một số thuốc, nên cần báo với bác sĩ là
đang uống thuốc gì, xem có cần dừng loại nào không.
Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid
Để giải quyết được yêu cầu làm giảm đau, người ta sử dụng thuốc NSAID
trong 5 – 7 ngày liền khi người bệnh bị viêm đau mà chưa sử dụng colchicin hoặc
dùng phối hợp với loại thuốc dự phòng. Các NSAID thế hệ cũ ức chế COX-1,
COX-2, còn thế hệ mới lại ức chế chọn lọc COX-2 và đều đạt hiệu quả như nhau.
Tuy nhiên cũng tùy theo người bệnh mà chọn lựa sử dụng. Không sử dụng loại thế
hệ cũ cho người bị đau dạ dày, song cũng không dùng loại thế hệ mới cho người
mắc bệnh về tim mạch.
Sử dụng thuốc corticoid
Thuốc này chỉ sử dụng cho những người bị gút đa khớp mà khó điều trị
bằng các phương pháp khác. Điều trị bằng tiêm hay cho uống corticoid. Nếu bệnh
nặng có thể tiêm trực tiếp corticoid vào khớp. Tuy nhiên cũng chỉ tiêm trực tiếp
vào khớp đau khi đã nắm chắc chắn không bị nhiễm khuẩn khớp hay tại vùng da
tiêm không bị nhiễm khuẩn. Nếu không thực hiện nghiêm vấn đề này thì nguy cơ
bị nhiễm khuẩn tại khớp, thậm chí còn có thể lan tỏa rộng ra hay nhiễm khuẩn
toàn thân (nhiễm khuẩn huyết). Do vậy việc chỉ định tiêm trực tiếp vào khớp cần
phải do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định và các kỹ thuật viên có kinh nghiệm thực
hiện. Bởi vì nếu không thạo giải phẫu, rất dễ tiêm không đúng vị trí sẽ dẫn tới
chệch vào cơ, xương, mạch máu, dây thần kinh quanh khớp gây nên teo cơ, xốp
xương, làm mất chức năng vận động khớp (nghĩa là khớp không vận động được).
Cần giữ các khoảng cách giữa các lần tiêm vào khớp, nếu không làm đúng như
vậy thì corticoid sẽ giữ nước và muối gây rối loạn chức năng thận. Nhưng cũng
chỉ tiêm hay uống với liều tối thiểu có hiệu lực không quá 10 ngày.