Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Vật nuôi - Nguồn bệnh nguy hiểm pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (222.44 KB, 5 trang )

Vật nuôi - Nguồn bệnh nguy hiểm
Gia súc, gia cầm là người bạn thân thiết nhất của con người, chúng
mang lại nguồn lợi kinh tế rất to lớn, song chúng cũng lại mắc một số bệnh
nguy hiểm có thể lây sang người, gây thiệt hại to lớn về kinh phí điều trị và
có khi thành dịch gây tử vong hàng loạt.
Các bệnh từ con vật lây sang người là do vi khuẩn, virut và ký sinh
trùng. Sau đây là một số bệnh hay gặp.

Bệnh dại: Là bệnh của chó, mèo, bò, ngựa và súc vật hoang dã. Virut dại
thuộc họ Rhabdovirus tập trung ở tuyến nước bọt của súc vật cắn người rồi lây
bệnh dại cho người. Sau một thời gian ủ bệnh thì có các biểu hiện như sợ nước, sợ
gió, sợ ánh sáng, co thắt hầu họng gây ngạt thở, đến khi lên cơn thì phần lớn tử
vong. Nếu nghi ngờ chó dại cắn thì phải đi khám bệnh để bác sĩ chỉ định thuốc
huyết thanh kháng dại.
Bệnh than: Trực khuẩn gây bệnh cho các động vật ăn cỏ như bò, ngựa, dê,
cừu. Súc vật chết thường phải chôn, nhưng nha bào vi khuẩn than vẫn tồn tại trong
đất, nha bào được giun, mối đùn lên mặt đất. Súc vật ăn cỏ ở vùng có nha bào sẽ
mắc bệnh than. Bệnh thường có biểu hiện viêm da, viêm phổi, viêm ruột, các tổ
chức bị tổn thương, chất hoại tử màu đen như than nên gọi là bệnh than hay bệnh
nhiệt thán.
Bệnh sán lợn, sán bò: Là loại sán dây dài, có đốt. Lợn, bò ăn phải trứng
sán lẫn trong rau cỏ. Trứng vào ruột phát triển thành ấu trùng cư ngụ ở thịt bò, thịt
lợn. Người ăn phải thịt đó sẽ mắc bệnh sán dây ở ruột. Người nuốt phải trứng sán
lợn thì mắc bệnh nang lợn “gạo” rải rác khắp trên da và các phủ tạng.
Bệnh sán chó: Đốt sán già tự bò ra ngoài hậu môn hoặc theo phân ra ngoài.
Từng 2-3 đốt trứng sán phát tán trong đất, bụi. Chó, mèo, bọ chó nuốt phải trứng
sán, người vuốt ve tiếp xúc với chó đưa tay cầm thức ăn. Trứng sán vào ruột
người, sẽ phát triển thành sán trưởng thành. Người mắc sán chó thường đau bụng,
tiêu chảy.
Bệnh thương hàn và các bệnh tiêu chảy: Vi khuẩn gây bệnh là Salmonella,
có thể tìm thấy ở phân chó, mèo, người tiếp xúc với chó, mèo, lây qua tay sang


thức ăn đưa vào ruột gây bệnh thương hàn. Người ăn phải thịt, tiết canh có vi
khuẩn tụ cầu, liên cầu gây ra tiêu chảy, ngộ độc, bệnh nặng có thể đưa đến tử
vong.
Bệnh sán lá phổi: Sán lá phổi sống ở phổi người, chó, lợn, mèo. Trứng sán
theo đờm ra ngoài, trứng sán rơi vào nước rồi nở ấu ra ấu trùng, ký sinh ở cua, ốc.
Người ăn phải tôm cua nấu chưa chín, ấu trùng phát triển thành sán lá phổi. Chó,
lợn là nguồn gieo rắc bệnh rất thường gặp vì chúng hay ăn tôm cua sống.
Bệnh lao: Bò mắc bệnh lao, người chăn nuôi bò có thể bị lây trực tiếp qua
đường hô hấp thành lao phổi, uống phải sữa tươi có vi khuẩn lao sẽ mắc lao ruột,
cho nên các con bò nuôi lấy sữa phải được khám bệnh định kỳ, sữa bò phải được
kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bệnh cúm gà: Trong thế kỷ 20, trên thế giới xảy ra 3 vụ đại dịch cúm. Lúc
đầu xuất phát từ cúm gà đã gây chết hàng triệu người. Bệnh cúm gà lây sang người
bởi virut Orthomyxo viridae týp A, có phân týp là H5N1. Bệnh hay xảy ra vào
mùa lạnh. Trải qua nhiều thế hệ, virut cúm đến nay đột biến gen, tạo ra các chủng
gây bệnh có độc tính cao. Bệnh phát triển ở các đàn gia cầm, gà, vịt, ngan, chim
rồi lây sang người do người tiếp xúc với các chất thải, lông, thịt của các gia cầm bị
bệnh. Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, rét run, mạch nhanh, đau các cơ, đau
đầu, ho có đờm. Bệnh nặng dễ gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Bệnh lở mồm, long móng: Do virut gây bệnh cho động vật có móng chẵn
như trâu, bò, dê. Người có thể bị lây bệnh nếu tiếp xúc với con vật ốm hoặc ăn
phải thịt lợn, bò đang bị bệnh lở mồm, long móng. Bệnh ít gây tử vong.
Bệnh Toxoplasma: Bệnh do ký sinh trùng Toxoplamas gondii. Chu kỳ
sống của ký sinh trùng ở trong ruột mèo. Các giao tử tạo thành bọc trong thành
ruột và được bài tiết theo phân ra ngoài. Người ta nghiên cứu thấy một con mèo có
thể bài tiết 100 triệu ký sinh trùng/ ngày. Người mắc phải là do sờ vào lông mèo
hoặc đem đổ hộp rác của mèo, các noãn bào qua tay, dính vào thức ăn, đưa vào
ruột, noãn bào tiến hóa thành thoa trùng. Thoa trùng Toxoplasma có thể tạo thành
các ổ kén ở các hạch, võng mạc mắt, trong cơ tim, viêm phổi kẽ, kén ở hệ thần
kinh trung ương. Phụ nữ mang thai có thể truyền qua nhau thai sang thai nhi.

Bệnh móng mèo: Là bệnh viêm hạch lành tính do mèo cào. Virut gây bệnh
qua vết xước rồi hạch nổi toàn thân, hạch nhỏ đau. Xét nghiệm máu tăng bạch cầu
đơn nhân và limpho. Sau 2-3 tuần sẽ khỏi.
Bệnh Méliodose hoặc bệnh sổ mũi ngựa. Bệnh do trực khuẩn Pseudomonas
pseudomallei, còn gọi là trực khuẩn White more có thể gây thành dịch. Là bệnh
của lừa, ngựa, bệnh truyền qua da bị sây sát hoặc người hít phải chất thải của động
vật nhiễm khuẩn. Lúc đầu xuất hiện một nốt nhỏ ở da, sau sốt, mệt mỏi toàn thân.
Vi khuẩn gây bệnh viêm phổi, màng phổi, áp-xe dưới da, ngoài ra có thể gây tổn
thương ở mắt, xương, gan, não. Có thể nhiễm khuẩn huyết và tử vong trong vòng
7-10 ngày.
Chó, mèo, chim cảnh còn là nguồn gây các bệnh dị ứng do bụi từ lông của
chúng, nhất là bệnh hen. Chó mèo bị bệnh hắc lào do nấm Tinea ciroinata, lây
sang người do tiếp xúc.
Những bệnh thường gặp ở trên là do các loại gia súc, gia cầm lây sang
người rất hay gặp và nguy hiểm. Vậy người làm nghề chăn nuôi, nghề liên quan
đến giết mổ gia súc, nghề làm da. lông thú cần phải biết để bảo vệ tính mạng cho
bản thân mình cũng như cho mọi người trong cộng đồng.

×