Phụ nữ sẽ không còn bị ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung từ lâu được coi là cơn ác mộng đối với phụ nữ, bởi
bệnh không chỉ diễn tiến thầm lặng, khó phát hiện mà nó còn là nguyên nhân thứ
hai dẫn đến tử vong về ung thư ở phụ nữ. Ung thư cổ tử cung cũng đang chiếm vị
trí cao nhất, nhì trong các bệnh ung thư ở phụ nữ VN
Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung (UTCTC) là loại virus có tên
Human papillomavirus (HPV). Virus này thường gây nhiễm ở phụ nữ có độ tuổi từ
30 đến 60 đã qua quan hệ tình dục. Theo các xét nghiệm từng được công bố, HPV
có mặt trong 99,7% các trường hợp UTCTC. Theo cảnh báo của giới chuyên môn,
virus HPV dễ bị lây nhiễm hơn cả HIV, bởi ngoài lây truyền qua đường tình dục,
virus này nhiễm trực tiếp qua da trong những trường hợp dùng chung quần áo,
dụng cụ cắt móng tay... Điều đó cũng đồng nghĩa với việc dùng bao cao su cũng
không hữu hiệu trong việc phòng bệnh này. UTCTC cũng được coi là căn bệnh
khó nhận biết do không gây đau và không có những dấu hiệu điển hình. Trong một
thời gian ngắn, loại virus này có thể gây ra những vết loét khiến người bệnh phải
cắt một phần cổ tử cung. Nhưng ngay cả khi người phụ nữ cắt bỏ một phần cổ tử
cung, virus HPV vẫn có thể quay trở lại và gây bệnh UTCTC sau nhiều năm.
Phụ nữ đa tình dễ bị UTCTC
Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội, tại VN,
người mắc UTCTC hiện đứng hàng thứ hai sau ung thư vú và tập trung tại các TP
lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Huế, Cần Thơ và TPHCM. Ước tính cứ
100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh và 11 trường hợp tử vong. Bệnh
phát hiện chủ yếu ở phụ nữ từ 40 - 50 tuổi.
Mô hình cổ tử cung bị ung thư
Nguyên nhân trực tiếp của UTCTC hiện vẫn chưa rõ, nhưng theo GS
Nguyễn Bá Đức đã có những bằng chứng thuyết phục về các yếu tố nguy cơ như:
bệnh xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ đã có chồng, đặc biệt là người lấy chồng sớm,
quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình hoặc chồng có quan hệ tình dục với nhiều
người. Phụ nữ sinh nhiều lần, nhiễm virus sinh dục sớm hoặc nghiện thuốc lá...
cũng dễ mắc bệnh hơn. UTCTC thường diễn biến qua nhiều năm, khi bệnh đã rõ
thì ung thư tiến triển nhanh, lan rộng trực tiếp vào âm đạo và di căn tới những cơ
quan khác. Nếu phát hiện sớm, bệnh có thể chữa được, tuy nhiên, điều này chỉ có
thể thực hiện được bằng cách khám phụ khoa thường xuyên. Bên cạnh đó, việc
thực hiện các chương trình sàng lọc sớm, sử dụng vắc-xin có thể ngăn ngừa và
phòng bệnh UTCTC khá hiệu quả.
Sẽ tiêm chủng rộng rãi vắc- xin ngừa UTCTC ở VN
Cuối năm 2006, vắc-xin Gardasil (do Mỹ sản xuất) - loại vắc-xin đầu tiên
có khả năng phòng virus HPV - được chính thức sử dụng. Qua thử nghiệm lâm
sàng, loại vắc-xin này đạt ít nhất 95% hiệu quả phòng chống virus HPV và 100%
hiệu quả chống các tổn thương tử cung đặc hiệu sau khi chích ngừa. Hiện khoảng
80 quốc gia đã sử dụng loại vắc-xin này.
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương,
cho biết bắt đầu từ tuần tới, viện sẽ triển khai dự án tiêm vắc-xin phòng UTCTC
Gardasil miễn phí cho khoảng 9.200 bé gái trong độ tuổi 11 tại một số huyện, TP
của tỉnh Thanh Hóa và Cần Thơ. Mỗi bé gái sẽ được tiêm đủ 3 liều vắc-xin phòng
bệnh do Tổ chức phi lợi nhuận về y tế toàn cầu (PATH) tài trợ. Dự án sẽ kéo dài
từ nay đến năm 2010, nhưng trước mắt, từ cuối năm 2008 đến hết năm 2009 sẽ
tiêm cho 4.600 trẻ, số còn lại thực hiện tiếp vào năm 2010.
Theo ông Nguyễn Trần Hiển, điểm khác biệt của dự án phòng UTCTC lần
này là sẽ dãn thời gian giữa các mũi tiêm vắc-xin so với dự án đầu tiên đã thực
hiện ở Hòa Bình hồi cuối năm 2007. “Nếu trước đây áp dụng lịch tiêm chủng là
mũi đầu tiên cách mũi thứ 2 là hai tháng, mũi ba cách mũi hai 6 tháng thì dự án tới
đây mũi tiêm thứ hai sẽ cách mũi đầu 6 tháng và mũi ba cách 12 tháng. Kế hoạch
này cũng nhằm đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc-xin ngừa UTCTC có đạt hiệu lực
bảo vệ tốt như “lịch chuẩn” hay không. Nếu kết quả tốt sẽ phù hợp hơn với điều
kiện sống của người dân VN khi vắc-xin này được đưa vào chương trình tiêm
chủng mở rộng”- ông Hiển lý giải.
Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Y tế VN cũng đã quyết định cho vắc-xin Gardasil
được lưu hành tại VN. Tại các trung tâm y tế dự phòng hiện đã triển khai tiêm vắc-
xin ngừa UTCTC cho các đối tượng có nhu cầu nhưng trước mắt người dân phải
tự chi trả. Hiện tại, rất ít phụ nữ VN có cơ hội tiếp cận với vắc-xin phòng ngừa
UTCTC vì giá quá cao. Mỗi một mũi tiêm mất khoảng 100 USD, trong khi tiêm
đủ liều vắc-xin ngừa bệnh, mỗi người phải tiêm ba mũi. Tuy nhiên, để ngăn chặn
bệnh UTCTC, ngành y tế đã đưa ra một số phương án để tới năm 2010 - 2013 vắc-
xin ngừa UTCTC được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại VN.
Vắc-xin có thể phòng bệnh tới 95%
Theo Tổ chức phi lợi nhuận về y tế toàn cầu, vắc-xin ngừa UTCTC có thể
sử dụng cho các bé gái từ 9 tuổi trở lên với 3 liều vắc-xin tiêm trong 6 tháng và
hầu như không có phản ứng phụ. Vắc-xin này được khuyến cáo dùng cho trẻ em
và vị thành niên từ 8-17 tuổi, phụ nữ 18-26 tuổi.
Hình ảnh virus HPV (Internet)
Nhưng để đạt được hiệu quả tốt nhất, nên tiêm cho trẻ gái trước lứa tuổi
quan hệ tình dục. Đây là loại vắc-xin rất có hiệu quả trong việc dự phòng UTCTC
do virus HPV gây ra. Với 3 mũi vắc-xin khả năng phòng ngừa UTCTC đạt tới
95%. Vắc-xin này có hiệu lực ít nhất trong 5 năm và có thể kéo dài lâu hơn.