Tự “tiếp thị bản thân”, tại sao không?
Thời của quảng cáo, thời các nhân vật của làng giải trí ra sức quảng
bá hình ảnh, thời các công ty dốc sức xây dựng thương hiệu..., bạn
có nghĩ rằng bản thân mình cũng cần "tiếp thị"?
Không thể chờ "hữu xạ tự nhiên hương"
Anh Thành Đạt, Phó giám đốc Thông tin doanh nghiệp Công ty British
American Tobacco Vietnam nói chuyện bên lề buổi tổng kết sơ bộ chương
trình tuyển chọn Quản trị viên tập sự: "Nhiều bạn sinh viên trong nước có
kết quả học tập rất giỏi, kiến thức và kỹ năng tốt, nhưng khi giới thiệu khả
năng của mình với nhà tuyển dụng thì còn kém so với những du học sinh
đã học tập ở nước ngoài. Có thể vì họ thiếu tự tin, thiếu kinh nghiệm hay
thiếu phương pháp “tiếp thị bản thân”. Nhận xét của anh cũng là nỗi băn
khoăn của rất nhiều người làm công tác tuyển dụng.
Quả thực, "hữu xạ tự nhiên hương" - có hương thơm thì ắt mọi người đều
ngửi thấy, có tài ắt mọi người phải công nhận - chưa bao giờ sai. Nhưng
để nhìn nhận đúng khả năng của ai đó thì cần phải có thời gian tương đối
lâu dài, trong khi đó nhiều cuộc gặp gỡ, nhiều quyết định vô cùng quan
trọng đối với bạn thì chỉ diễn ra rất nhanh chóng. Ví như một cuộc phỏng
vấn xin việc, khi các ứng viên đều "kẻ tám lạng người nửa cân". Ví như khi
xét hồ sơ cấp học bổng du học, khi các hồ sơ đều thỏa mãn, nhưng hồ sơ
nào gây ấn tượng hơn để được chọn? Biết cách “tiếp thị bản thân” trong
những thời điểm quyết định, bạn sẽ là người chiến thắng.
Đừng quá "nổ" !
Theo những người ít nhiều thành công trong việc “tiếp thị bản thân”, bí
quyết ở đây không phải là tô vẽ những điều không có thật để làm đẹp hình
ảnh của mình (sẽ rất nguy hiểm nếu bị phát hiện), mà chính là biết cách nói
thật như thế nào cho ấn tượng! Ví dụ để giành một suất học ở một trường
đại học danh tiếng Mỹ, nhiều "cao thủ" áp dụng thành công "nghệ thuật nói
thật" và truyền dạy cho đàn em đi sau trong việc trình bày hồ sơ. Thông
thường, bảng điểm của Việt Nam là một bất lợi đối với học sinh vì nó khá
sơ sài, cách tính điểm theo thang 10 cũng khác so thang A, B, C, D, F của
Mỹ. Giáo trình Toán và một số môn khoa học ở Việt Nam lại khó hơn giáo
trình ở Mỹ rất nhiều, vậy làm thế nào để "khoe" bây giờ? Ví dụ cùng môn
Toán, lớp 10 bạn học về nhị thức và hình vector (tương đương với Algebra
II và Plane Geometry); Lớp 11 bạn học lượng giác, giải tích và hình không
gian (vậy là Trigonometry, Pre-Calculus, và Space Geometry); Lớp 12 thì
bạn tiếp tục nghiên cứu giải tích và hình học không gian (Calculus và
Space Geometry). Cứ dịch là Toán cả 3 năm là Mathematics thì không sai,
nhưng sẽ thiệt cho bạn. Trên bảng điểm, bên cạnh tên cơ bản của các
môn học, bạn nên chú thích về chương trình và nội dung học của từng
môn, vừa giúp người duyệt hồ sơ hiểu hơn về hệ thống giáo dục Việt Nam,
vừa "khoe" với họ về độ khó của chương trình.
Hay như trường hợp P.Ng, một nhân vật gây ấn tượng rất tốt đối với người
tuyển dụng của một tờ báo lớn, để rồi được nhận ngay ở vòng hồ sơ,
trước cả khi trực tiếp phỏng vấn, trong khi cậu chỉ là một phóng viên mới ra
trường, kinh nghiệm chưa nhiều, tác phẩm chưa thực sự ấn tượng. Một
trong những bí quyết của Ng.: không làm hồ sơ theo mẫu có sẵn - mà theo
cậu, nó chỉ toàn những thông tin tẻ ngắt và không liên quan tới công việc.
Bỏ ra cả tháng trời, cậu tự thiết kế một bộ hồ sơ rất chi tiết, ở đó Ng. có thể
"khoe" những việc đã làm, những thành tựu dù là nhỏ nhất, kể cả những
bài báo đầu tiên được đăng khi mới học lớp 6 để có một câu chắc nịch
trong hồ sơ: "23 tuổi đời, 10 năm tuổi nghề!". Ng. bảo: "Ai bảo mình nổ
nào, mình chỉ nói sự thật theo cách của mình thôi!". Sau này, cậu được
người tuyển dụng cho biết lý do cậu được chọn: Những bài báo cậu đã viết
chưa ấn tượng, nhưng hồ sơ của cậu chứng tỏ sự chuyên nghiệp và tiềm
năng trong tương lai gần!
Mới hay "tiếp thị" đâu chỉ là việc của các nhà kinh doanh!