Các thuật ngữ tài chính được
tra cứu nhiều nhất
Ngân hàng thương mại (Commercial Bank) Ngân hàng bắt nguồn từ một công
việc rất đơn giản là giữ các đồ vật quý cho những người sở hữu nó tránh mất mát,
đổi lại người chủ sở hữu phải trả cho người cầm giữ hộ một khoản tiền công. Khi
xã hội phát triển, thương mại phát triển, nhu cầu về tiền ngày càng lớn thì ngân
hàng trở thành nơi giữ tiền cho những người có tiền và cung cấp tiền cho những
người cần tiền. Ngân hàng là một định chế tài chính trung gian, sẽ huy động vốn
nhàn rỗi trong xã hội và dùng chính tiền đó cho các cá nhân và tổ chức vay lại, và
rất hiếm khi có tình trạng cùng một lúc tất cả chủ tiền gửi đến đòi nợ ngân hàng,
đó chính là nguyên tắc cơ bản đảm bảo cho hoạt động của ngân hàng. Căn cứ vào
chức năng, ngân hàng được chia làm hai loại: ngân hàng thương mại và ngân hàng
Nhà nước.
Ngân hàng thương mại là tổ chức tín dụng thể hiện nhiệm vụ cơ bản nhất của ngân
hàng đó là huy động vốn và cho vay vốn. Ngân hàng thương mại là cầu nối giữa
các cá nhân và tổ chức, hút vốn từ nơi nhàn rỗi và bơm vào nơi khan thiếu. Hoạt
động của ngân hàng thương mại nhằm mục đích kinh doanh một hàng hóa đặc biệt
đó là "vốn- tiền", trả lãi suất huy động vốn thấp hơn lãi suất cho vay vốn, và phần
chênh lệch lãi suất đó chính là lợi nhuận của ngân hàng thương mại.. Hoạt động
của ngân hàng thương mại phục vụ cho mọi nhu cầu về vốn của mọi tầng lớp dân
chúng, loại hình doanh nghiệp và các tổ chức khác trong xã hội. Khác hẳn với
ngân hàng thương mại, ngân hàng Nhà nước (ngân hàng Trung ương) không hoạt
động vì mục đích lợi nhuận và cũng không kinh doanh tiền tệ. Mỗi một quốc gia
chỉ có một ngân hàng Nhà nước duy nhất, có thể gọi là ngân hàng mẹ có chức
năng phát hành tiền, quản lý, thực thi và giám sát các chính sách tiền tệ; và có rất
nhiều ngân hàng thương mại, có thể coi là các ngân hàng con có chức năng thực
hiện lưu chuyển tiền trong nền kinh tế. Trong trường hợp ngân hàng thương
mại đứng trên bờ vực phá sản, ngân hàng Trung ương sẽ là nguồn cấp vốn cuối
cùng mà ngân hàng thương mại tìm đến.
Trong ngân hàng thương mại, tiền huy động được của người gửi gọi là tài sản
"nợ", tiền cho công ty và các cá nhân vay cũng như tiền gửi ở các ngân hàng khác
và số trái phiếu ngân hàng sở hữu gọi là tài sản "có" của ngân hàng. Phần chênh
lệch giữa số tiền huy động được và số tiền đem cho vay, gủi ngân hàng và mua trái
phiếu gọi là vốn tự có. Phần tài sản có tính thanh khoản cao được giữ để đề phòng
trường hợp tiền gửi vào ngân hàng bị rút đột ngột gọi là tỉ lệ dự trữ của ngân
hàng. Toàn bộ số vốn của ngân hàng được chia làm hai loại vốn cấp 1 và vốn cấp
2. Vốn cấp 1 còn gọi là vốn nòng cốt, về cơ bản bao gồm vốn điều lệ, lợi nhuận
không chia và các quỹ dự trữ lập trên cơ sở trích từ lợi nhuận của tổ chức như quỹ
dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển. Vốn
cấp 2 bao gồm: phần giá trị tăng thêm do định giá lại tài sản của tổ chức, nguồn
vốn gia tăng hoặc bổ sung từ bên ngoài (như trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi
và một số công cụ nợ khác).
Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, ngân hàng thương mại thực sự đóng
một vai trò rất quan trọng, vì nó đảm nhận vai trò giữ cho mạch máu (dòng vốn)
của nền kinh tế được lưu thông và có vậy mới góp phần bôi trơn cho hoạt động
của một nền kinh tế thị trường còn non yếu. Năm 2005-2006 Việt Nam đã tích
cực đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại Nhà nước với
mục đích quan trọng nhất là nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức này.
Tính đến tháng 2-2007 đã có 34 ngân hàng thương mại hoàn tất việc cổ phần hóa
với tổng số vốn điều lệ trên 21.000 tỷ đồng , trong đó Ngân hàng thương mại cổ
phần Sài gòn Thương tín có số vốn điều lệ cao nhất là trên 2.089 tỷ đồng.
Bảng cân đối kế toán (Balance sheet) Báo cáo tài chính là một hệ thống các số
liệu và phân tích cho ta biết tình hình tài sản và nguồn vốn, luồng tiền và
hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Báo cáo tài chính có 4 loại: Bảng
cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết
minh báo cáo tài chính. Trong đó Bảng cân đối kế toán hay còn gọi là báo cáo tình
hình hay báo cáo vị thế tài chính, cho biết tình trạng tài sản của công ty, nợ và vốn
cổ đông vào một thời điểm ấn định, thường là lúc cuối tháng. Đây là một cách để
xem xét một công ty kinh doanh dưới dạng một khối vốn (tài sản) được bố trí dựa
trên nguồn của vốn đó (nợ và vốn cổ đông). Tài sản tương đương với nợ và vốn cổ
đông nên bản cân đối tài khoản là bản liệt kê các hạng mục sao cho hai bên đều
bằng nhau. Không giống với bản báo cáo kết quả kinh doanh là bản cho biết kết
quả của các hoạt động trong một khoảng thời gian, bản cân đối kế toán cho biết
tình trạng các sự kiện kinh doanh tại một thời điểm nhất định. Nó là một ảnh chụp
(tĩnh) chứ không phải là một cuốn phim (động) và phải được phân tích dựa trên sự
so sánh với các bản cân đối kế toán trước đây và các báo cáo hoạt động khác.
Bảng cân đối kế toán có vai trò hết sức quan trọng đối với bất kỳ một doanh
nghiệp nào, không những phản ánh vừa khái quát vừa chi tiết tình trạng tài sản và
vốn của doanh nghiệp mà còn là minh chứng thuyết phục cho một dự án vay vốn
khi doanh nghiệp trình lên ngân hàng, và đồng thời cũng là căn cứ đáng tin cậy để
các đối tác xem xét khi muốn hợp tác với doanh nghiệp.
Bảng cân đối kế toán có những đặc điểm chủ yếu sau đây :
- Các chỉ tiêu được biểu hiện dưới hình thái giá trị (tiền) nên có thể tổng hợp được
toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp đang tồn tại dưới các hình thái (cả vật
chất và tiền tệ, cả vô hình lẫn hữu hình) .
- BCĐKT được chia thành 2 phần theo 2 cách phản ánh tài sản là cấu thành tài sản
và nguồn hình thành nên tài sản. Do vậy, số tổng cộng của 2 phần luôn bằng nhau.
- BCĐKT phản ánh vốn và nguồn vốn tại một thời điểm nhất định. Thời điểm đó
thường là ngày cuối cùng của kỳ hạch toán. Chúng ta có thể xem kết cấu khái quát
của bảng cân đối kế toán theo mẫu dưới đây:
Phần tài sản Nội dung
Loại A Số dư nợ tài khoản loại 1 và loại 3
Loại B
Số dư nợ tài khoản loại 2 ( nếu dư có ghi
âm )
Tổng cộng tài sản Cộng loại A và B
Phần nguồn vốn
Loại A Số dư có tài khoản loại 3 và loại 1
Loại B Số dư tài khoản loại 4 ( nếu dư nợ ghi âm )
Tổng cộng nguồn
vốn
Cộng loại A và B
Chỉ tiêu ngoài bảng
IPO (IPO - Initial Public Offering) có nghĩa là phát hành cổ phiếu ra công chúng
lần đầu. Theo thông lệ tài chính trong kinh doanh, việc phát hành này có nghĩa là
một doanh nghiệp lần đầu tiên huy động vốn từ công chúng rộng rãi bằng cách
phát hành các cổ phiếu phổ thông, nghĩa là cổ phiếu ghi nhận quyền sở hữu đúng
nghĩa và người nắm giữ có quyền biểu quyết tương ứng trong các kỳ họp Đại hội
đồng Cổ đông thường niên hay bất thường. Một phần của IPO có thể là chuyển
nhượng cổ phần của cổ đông hiện hữu.
Như vậy, IPO với mỗi doanh nghiệp chỉ có một lần duy nhất, và sau khi đã IPO thì
các lần tiếp theo sẽ được gọi là phát hành cổ phiếu trên thị trường thứ cấp. IPO có
ý nghĩa rất quan trọng với doanh nghiệp, vì với bất kỳ doanh nghiệp nào, đây cũng
là thử thách đầu tiên và quan trọng nhất đối với hàng loạt khía cạnh vận hành.
Nguyên nhân của thử thách này là do doanh nghiệp trước khi được phép huy động
vốn rộng rãi phải đảm bảo hàng loạt các điều kiện phát hành ngặt nghèo và qui chế
báo cáo thông tin rất nghiêm khắc.
IPO hoàn toàn khác với việc một cổ đông hiện hữu bán lượng cổ phần đang nắm
giữ; hành vi sau này gọi là Chào bán Cổ phần (Offer for Sale).
Về mặt thủ tục, tiến trình IPO thường liên quan tới một hay một số công ty tài
chính đặc biệt gọi là Ngân hàng đầu tư, ở Việt Nam vẫn gọi là các Công ty chứng
khoán. Những trung gian tài chính này làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ và bảo lãnh
phát hành. Công ty tiến hành bán cổ phần bằng IPO được gọi là "Nhà phát hành."
Những vụ bảo lãnh phát hành lớn thường do một nhóm các ngân hàng đầu tư hợp
thành một xanh-đi-ca (syndicate) để phân chia công việc và rủi ro. Trong số này
có một tổ chức đứng ra làm Nhà bảo lãnh chính, và chiếm hết phần lớn phí bảo
lãnh phát hành. Trên thế giới, mức phí này có thể lên tới 8% của tổng số tiền cổ
phần bán được và kèm theo nhiều điều khoản khác.
Cách thức bán của IPO
Việc chào bán cổ phần ra công chúng rộng rãi lần đầu tiên có nhiều cách thức tiến
hành. Các dạng có thể là: (1) Đấu giá kiểu Hà-Lan; (2) Bảo lãnh cam kết; (3) Dịch
vụ với trách nhiệm cao nhất; (4) Mua buôn để chào bán lại; và (5) Tự phát hành.
Do lượng thủ tục pháp lý và chế tài khá chặt chẽ và rắc rối, mỗi vụ IPO thường
cần một vài công ty luật hỗ trợ. IPO có thể bao gồm một phần trong đó việc cổ
đông hiện tại chuyển nhượng quyền sở hữu với số cổ phiếu hiện tại theo cách ta
goi là giao dịch thứ cấp, mặc dù vai trò được nhấn mạnh chủ yếu của IPO là phát
hành mới và lần đầu ra công chúng để huy động một lượng vốn góp đáng kể. Tuy
nhiên, theo thông lệ thế giới cả luật pháp chứng khoán lẫn qui ước của các công ty
bảo lãnh phát hành đều hạn chế chức năng chuyển nhượng lượng cổ phần hiện
hành theo phương thức giao dịch thứ cấp.
IPO thường được bán cho các nhà đầu tư tổ chức, với qui mô lớn và cũng dành ra
một tỷ lệ nhỏ cổ phần bán cho các khách hàng cá nhân quan trọng do công ty bảo
lãnh đứng ra dàn xếp. Ở các thị trường đã phát triển, nhà phát hành thường thả
lỏng một điều khoản cho phép nhà bão lãnh có thể tự ý tăng qui mô phát hành IPO
lên tới 15% so với dự kiến theo kế hoạch đã thống nhất để linh hoạt phản ứng
trước nhu cầu thị trường, gọi là phương án greenshoe. Greenshoe là điều khoản
được nhất trí thực thi khi nhu cầu thị trường tăng quá cao, đẩy giá lên, thì việc phát
hành thêm tối đa 15% giúp bình ổn giá. Đôi lúc nhà phát hành không đồng ý vì họ
không có kế hoạch sử dụng số tiền do tăng thêm lượng cổ phần bán ra.
Giá cổ phần qua IPO
Nhiều nghiên cứu nghiêm túc bằng lý thuyết thực chứng trên thế giới cho thấy
rằng ở phạm vi rất rộng, thường giá cổ phần bán qua IPO được định giá dưới mức
thị trường. Hiệu ứng dưới giá này nhằm tạo ra sức hấp dẫn cho các cổ phiếu giao
dịch thứ cấp sau IPO, tạo ra thanh khoản tốt về lâu dài cho công ty.
Dấu lặng thị trường
Sau giai đoạn IPO ồn ào, giao dịch cổ phiếu thứ cấp đi vào giai đoạn "dấu lặng."
Theo qui định nhiều thị trường các công ty bảo lãnh và những người có liên quan
mật thiết tới vận hành kinh doanh của doanh nghiệp bị cấm đưa ra các dự báo về
doanh thu và lợi nhuận tương lai trong "giai đoạn dấu lặng." Trước kia, Ủy ban
Giao dịch chứng khoán Mỹ áp dụng giai đoạn dấu lặng 25 ngày kể từ ngày IPO,
nhưng tới năm 2002 đã tăng lên 40 ngày, nhằm tránh việc các đối tác có thông tin
lũng đoạn và gây ảnh hưởng thiên lệch tới thị trường bằng thông tin.
Sau giai đoạn này, công ty bảo lãnh chính sẽ tiến hành công bố các nghiên cứu
liên quan tới cổ phiếu của công ty IPO.
Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE- Return on Equity) Hệ số thu nhập trên vốn
cổ phần (ROE) phản ánh mức thu nhập ròng trên vốn cổ phần của cổ đông (hay
trên giá trị tài sản ròng hữu hình).
ROE= Lợi nhuận ròng / Vốn cổ phần
Trị giá ROE được tính bằng cách lấy lợi nhuận ròng theo niên độ kế toán sau khi
đã trả cổ tức cho cổ phần ưu đãi nhưng trước khi trả cổ tức cho cổ phần thường,
chia cho toàn bộ vốn chủ sở hữu (hay vốn cổ phần) vào lúc đầu niên độ kế toán.
Chỉ số này là thước đo chính xác nhất để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích
lũy được tạo ra bao nhiêu đồng lời. Hệ số này thường được các nhà đầu tư phân
tích để so sánh với các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường, từ đó tham khảo khi
quyết định mua cổ phiếu của công ty nào. Tỷ lệ ROE càng cao càng chứng tỏ công
ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, có nghĩa là công ty đã cân đối một
cách hài hòa giữa vốn cổ đông với vốn đi vay để khai thác lợi thế cạnh tranh của
mình trong quá trình huy động vốn, mở rộng quy mô. Cho nên hệ số ROE càng
cao thì các cổ phiếu càng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.