Một chút lịch sử - Bản lề của 3 châu Á-Phi-Âu ( Phần I-chương
1 )
Nhiều tác giả gọi bán đảo Ả Rập là tiền đồn của châu Á. Tôi nghĩ
danh từ đó nên dành cho miền Tiểu Á, còn trọn bán đảo Ả Rập thì
nên gọi là bản lề của ba châu Á, Phi, Âu. Vị trí của nó rất thuận
lợi: Ai Cập gác lên hai châu Á và Phi; các xứ theo Hồi giáo nằm
liền nhau từ Đại Tây Dương tới sông Indus ở Ấn Độ, dọc theo bờ
biển của Địa Trung Hải, Hồng Hải và vịnh Ba Tư, nơi mà sự giao
thông tấp nập nhất thời cổ, thành thử Hồi giáo kiểm soát được các
đường bộ từ Á qua Phi, qua Âu, đặc biệt là con đường tơ lụa thời
cổ.
Nó còn một đặc điểm nữa: gồm cả một miền khí hậu khô ráo ngăn
cách miền khí hậu ôn hòa của châu Âu và miền gió mùa ẩm thấp
của châu Á.
Người ta chia nó làm ba phần:
- Lòng bán đảo nắng cháy hầu hết là sa mạc, trừ một mỏm trồng
trọt được ở tây nam: Yemen.
- Miền lưỡi liềm phì nhiêu ở phía bắc, nằm dọc theo bờ Địa Trung
Hải từ Palestine tới Liban, Syrie rồi vòng xuống lưu vực hai con
sông Tigre và Euphrate ở Iraq.
- Miền sông Nil ở Ai Cập, Soudan. Thực ra Ai Cập chỉ có một
phần nhỏ - sa mạc Sinai - là nằm trên bán đảo Ả Rập, nhưng vì Ai
Cập là một quốc gia quan trọng trong khối Ả Rập, nên khi viết về
lịch sử, chính trị, người ta luôn luôn gồm cả miền sông Nil vào thế
giới Ả Rập.
Sau cùng có nhà lại gồm cả miền Maghreb (tiếng Ả Rập có nghĩa
là phía Tây): tức ba xứ Maroc, Algeri, Tunisi, vào khối đó nữa vì
dân xứ đó chịu ảnh hưởng của Ả Rập và theo Hồi giáo.
Dưới đây, chúng tôi giới thiệu qua về từng miền đó một.
Lòng bán đảo
Lòng bán đảo là một miền rộng hai triệu cây số vuông, ba phía là
biển, giữa là một cao nguyên mênh mông trên cát dưới đá cháy khô
dưới ánh nắng chang chang, đi hàng chục hàng trăm cây số mới
gặp một ốc đảo, một vũng nước hoặc giếng nước chung quanh có ít
cây chà là, vài cái lều của bọn người du mục.
Theo các nhà địa lý, địa chất thì không phải thời nào miền đó cũng
khô cháy như nay. Đã lâu lắm, từ thời đại băng hà (époque
glaciaire), khi châu Âu còn nằm dưới lớp băng như Bắc cực ngày
nay thì bán đảo Ả Rập là một miền xanh tốt, phì nhiêu đầy rừng và
đồng cỏ và có đủ những loài thú như ở Ấn Độ hay châu Phi. Ở
châu Âu lớp băng lần lần lùi về phương Bắc, thì ở Ả Rập, lần lần
khí hậu càng nóng, mưa càng hiếm, sông lạch cạn khô, cây cối chết
hết mà hiện lên cảnh sa mạc.
Chỉ ở bờ biển mới thấy chút ruộng rẫy, như miền Yemen, một
mỏm nằm ở cửa Hồng Hải đổ ra vịnh Aden. Dân cư miền Yemen
rất đông đúc, tăng lên rất mau mà diện tích trồng trọt được thì có
hạn, kỹ nghệ cùng thương mại ở đầu thế kỷ XX vẫn còn thấp kém,
nên miền đó luôn luôn bị nạn nhân mãn. Dân chúng nếu vào biển
để qua Soudan thì gặp một miền còn khô khan, hoang dã hơn xứ Ả
Rập nữa, sống không nổi; mà cũng không thể ngược theo bờ biển
Hồng Hải vì bị các dân tộc khác chặn đường, không cho nhập
cảnh, nên họ bắt buộc phải dắt díu nhau di cư vào giữa bán đảo, tới
miền Nedjd, miền Qua-sim, miền Hamad để tìm cách sinh nhai.
Thành thử liên tiếp trong hàng chục thế kỷ có những luồng sóng
người cuồn cuộn từ phương Nam tiến lên phương Bắc, rồi tản mác
trong sa mạc. Sa mạc khô cháy, không nuôi nổi bọn người di cư
mỗi ngày một đông, nên họ phải chém giết lẫn nhau, cướp bóc lẫn
nhau để sống, để chiếm một giếng nước, mươi gốc chà là, vài mẫu
đồng cỏ. Khắp thế giới, không đâu đời sống cực khổ, gay go như ở
đây. Phải chiến đấu suốt đời, nên kẻ nào sống sót cũng là những
chiến sỹ gan dạ, rất giỏi chịu cực, chỉ có một bầu nước và một gói
chà là cũng đủ sống ba bốn ngày.
Nhưng khi người ta đã quen với đời sống đó rồi thì người ta yêu
cảnh sa mạc hơn là nông dân yêu đồng ruộng. Cảnh vật càng khô
cằn, đời sống càng cực khổ bao nhiêu thì người ta càng quyến
luyến với quê hương bấy nhiêu. Sống trong sa mạc, người Ả Rập
mê những cảnh hoàng hôn rực rỡ, những cảnh cát bụi mịt trời,
những gốc chà là xanh mướt bên bờ nước: nhất là sau những cơn
nắng cháy da, mặt trời đã lặn, gió hiu hiu, nằm trên cát bên cạnh
con lạc đà, gối đầu lên cánh tay mà ngắm những ngôi sao lấp lánh
trên nền trời tím thẫm thăm thẳm, hoặc nhìn bóng trăng xanh dịu
trải lên những động cát thoai thoải, trong một cảnh vô biên tịch
mịch thì lòng họ rung lên một điệu trầm trầm; họ nhớ lại những
thời oanh hệt mà ca ngợi công lao của tổ tiên; hoặc suy nghĩ về cái
mênh mông huyền bí của vũ trụ, và họ thành một thi sĩ hoặc một
nhà tu hành.
Tóm lại sa mạc đã tạo ra ba hạng người: hạng chiến sĩ coi cái chết
nhẹ như không; hạng thi sĩ thích một cuộc đời phóng lãng, và hạng
tu sĩ sùng kính Thượng đế.
Riêng sa mạc Ả Rập, vì địa thế là bản lề của ba châu Á, Phi, Âu,
nên còn tạo ra một hạng người nữa: hạng trọng mãi, mối lái buôn
bán. Suất thời thượng cổ và thời trung cổ, con đường tơ lụa đi qua
phía bắc bán đảo; các hương liệu ở Ấn Độ, Mã Lai vào vịnh Ba
Tư, đưa lên bán đảo rồi từ bán đảo qua châu Âu. Da và lúa ở
Crimée, ở phía nam nước Nga do Hắc Hải chở tới. Le Caire, kinh
đô Ai Cập là nơi các đoàn thương nhân tụ tập để bán các sản vật
châu Phi. Các tàu buôn từ Gênes, Venise, chở các đồ thủ công và
khí giới ở Ý tới để đổi các bảo vật của châu Á.
Mặt đất tuy chỉ toàn là cát với sỏi, nhưng lòng đất chứa nhiều suối
"vàng đen", tức dầu lửa. Từ năm 1930, các kỹ sư Mỹ kiếm được
nhiều mỏ dầu ở Haradh, Ghawar, Abgaid, Qua-tif, phía gần vịnh
Ba Tư, nhất là mỏ Bahrein ở một đảo trên vịnh, gần bán đảo
Khatar, hết thảy đều thuộc tỉnh Hasa của vương quốc Ả Rập Saudi.
Năm 1947, sức sản xuất của các giếng dầu Hasa tới 41 triệu lít mỗi
ngày. Cuối năm 1950, số đó tăng lên gấp đôi. Đào sâu thêm nữa,
xuống tới 1.000, 1.350 thước, người ta còn thấy dưới lớp dầu hiện
đương khai thác (khoảng cuối thế kỷ này mới cạn), còn một lớp
nữa phong phú hơn nhiều, chiếm phỏng chừng từ 75 tới 80% tổng
số dầu lửa trên thế giới.
Sau khi tìm được các giếng dầu, các kỹ sư phương Tây lại tìm
thêm được, cũng trong vương quốc Ả Rập Saudi, một biển nước
ngọt trong lòng đất, chiếm một khu mênh mông rộng bằng một
phần tư diện tích bán đảo, chiều dài tới trên 900 cây số, chiều
ngang trên 400 cây số. Biển nước đó hút nước mưa ở trên mặt sa
mạc, có thể cung cấp đủ nước để trồng trọt một phần ba bán đảo
mà không khi nào cạn. Như vậy một ngày kia xứ Ả Rập Saudi sẽ
thành một nước giàu có bậc nhất Tây Á.
Hiện nay lòng bán đảo gồm năm xứ:
Ả Rập Saudi (gọi như vậy vì quốc vương thuộc giống Saudi)
Yemen
Aden
Hadramaout
Oman
Aden nhỏ nhất, chỉ là một tỉnh thuộc địa của Anh, nằm ở dưới
Yemen, trên vịnh Aden. Diện tích: 35.000 cây số vuông, dân số
khoảng nửa triệu. Mấy năm trước, Anh tính rút quân ra khỏi địa
đầu đó, và Aden sẽ sáp nhập vào Yemen.
Yemen: 54.300 cây số vuông, dân số khoảng hai triệu, tương đối
phong phú, xưa là một vương quốc, nay là một nước Cộng hòa.
Hadramout nằm trên vịnh Aden, giáp Aden; 120.000 cây số vuông,
dân số khoảng 200.000 người, hầu hết là du mục. Hồi trước là một
vương quốc, do Anh bảo hộ.
Oman nằm trên bờ vịnh Oman; 151.000 cây số vuông, dân số chưa
đầy một triệu, một phần sống về nghề nông, một phần sống về
nghề đánh cá. Trước cũng là đất bảo hộ của Anh. Ngày nay xứ đó
cũng như xứ Hadramout đều chịu ảnh hưởng của xứ Ả Rập Saudi.
Ả Rập Saudi là vương quốc lớn nhất, mạnh nhất trên bán đảo.
Quốc vương hiện nay là Saud. Dân số năm 1950 vào khoảng sáu
triệu, kinh đô là Ryhad, tỉnh lớn là La Mecque (thánh địa của Hồi
giáo) và Médine. Trong các phần sau chúng tôi sẽ kể sự thành lập
của vương quốc đó và vạch rõ địa vị quan trọng của nó trên đời
sống chính trị của Ả Rập.
Lưỡi liềm phì nhiêu
Miền này sở dĩ phì nhiêu nhờ nằm trên bờ Địa Trung Hải và trên
lưu vực hai con sông Tigre và Euphrate. Nhưng thực sự phì nhiêu
thì chỉ có ba xứ Liban, Syrie, Iraq, còn ba xứ kia: Palestine,
Jordani, Koweit đất đai không trồng trọt được bao nhiêu.
Palestine một nửa là sa mạc – sa mạc Neguev. Trước khi quốc gia
Israel thành lập, sa mạc đó gần như bỏ hoang. Trồng trọt được chỉ
có một dải hẹp ở ven Địa Trung Hải và miền Thượng Galilée ở
phía Bắc, giáp Syrie.
Từ 1949, xứ Palestine chia đôi, phần lớn thành quốc gia Israel (dân
số hiện nay vào khoảng 1.700.000 người, kinh đô là Ta Aviv), một
phần nhỏ ở bờ phía tây sông Jourdain sáp nhập vào với xứ
Transjordanie, thành xứ Jordani. Thánh địa Jérusalem trước chiến
tranh Israel - Ả Rập năm 1967, thuộc chung về Israel và Jordani,
hiện nay bị quân đội Israel chiếm[1]
Jordani là một vương quốc nghèo. Khi còn là Transjordanie diện
tích khoảng 42.000 cây số vuông, dân số khoảng nửa triệu. Ngày
nay dân số được triệu rưởi, sống bằng nghề nông. Chỉ có mỗi miền
ở hai bờ sông Jourdain là trồng trọt được lúa, cây ăn trái, rau, còn
lại là sa mạc, đồi hoang hoặc núi với ít bãi cỏ nuôi bò. Xứ đó là xứ
độc nhất trên bán đảo không giáp biển, chỉ có mỗi một cửa ở
Akaba để trông ra Hồng Hải. Kinh đô là Amman, Quốc vương
hiện nay là Hussein, thuộc giòng Hachémite, chung một ông tổ với
cố quốc vương Faycal II của Iraq.
Liban là xứ nhỏ nhất, 10.500 cây số vuông, dân số hiện nay
khoảng hai triệu. Kinh đô là Beyrouth.
Có hai dãy núi song song nhau, dãy Liban gần bờ biển và dãy
Anti-Liban ở phía trong, giữa hai dãy đó là một thung lũng. Khí
hậu mát mẻ. trồng được nhiều loại cây ăn trái, rau, lúa. Phong cảnh
rất đẹp, có người đã gọi là một giỏ hoa trên bờ Địa Trung Hải.
Kỹ nghệ chính là xưởng lọc dầu vì dầu lửa ở Ả Rập Saudi do ống
dẫn dầu chảy tới Beyrouth để lọc rồi đưa xuống tàu chở đi bán ở
châu Âu. Mức sống Liban cao nhất ở Tây Á; năm 1957 lợi tức
trung bình mỗi đầu người mỗi năm vào khoảng 300 Mỹ kim, gần
bằng lợi tức trung bình của người Ý, gấp đôi lợi tức trung bình của
Ai Cập và gấp bốn của Ấn Độ.
Xứ đó còn một đặc điểm nữa là Âu hóa hơn cả các xứ khác trên
bán đảo. Trong không khí trong trẻo phảng phất hương hồng,
hương cam, tiếng chuông giáo đường Ki Tô giáo cùng ngân lên với
tiếng cầu nguyện trong các giáo đường Hồi giáo ở bên cạnh.