Thanh toán bằng vàng theo hợp đồng quyền chọn
và phương pháp hạch toán.
Ngày nay, việc sử dụng vàng để thanh toán trong các giao dịch mua,
bán diễn ra hết sức phổ biến. Tuy nhiên, giá vàng trên thị trường
thường xuyên biến động nên việc sử dụng vàng trong thanh toán gặp
rất nhiều rủi ro, nhất là các hợp đồng dài hạn. Để hạn chế rủi ro liên
quan đến việc thanh toán bằng vàng thì sử dụng Hợp đồng quyền chọn
là một trong những giải pháp tối ưu, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong
thanh toán.
Hiện nay, việc sử dụng các công cụ này ở các doanh nghiệp còn chưa
phổ biến và cũng chưa có chuẩn mực hướng dẫn cụ thể. Xuất phát từ
thực tế trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp hạch toán liên quan đến
việc lựa chọn hợp đồng quyền chọn trong việc thanh toán các giao dịch
mua bán bằng vàng.
Hợp đồng quyền chọn là hợp đồng diễn ra giữa các tổ chức tài chính,
hoặc giữa một bên là các tổ chức tài chính và một bên là các doanh
nghiệp.
Hợp đồng quyền chọn có hai loại:
- Hợp đồng quyền chọn mua (call option): là thỏa thuận cho phép người
mua có quyền mua vàng của các tổ chức tài chính với mức giá định sẵn
vào ngày đáo hạn hợp đồng.
- Hợp đồng quyền chọn bán (put option): là thỏa thuận cho phép người
bán bán vàng cho các tổ chức tài chính với giá định sẵn vào ngày đáo
hạn hợp đồng.
Hợp đồng quyền chọn có đặc điểm:
- Không bắt buộc các bên phải mua hoặc bán vàng.
- Chỉ quy định quyền mua hay bán, mà không bắt thuộc thực hiện nghĩa
vụ của mình.
- Người mua có thể thực hiện quyền hoặc bán quyền cho người khác
hay không thực hiện quyền. Để thực hiện quyền này, khi ký kết hợp
đồng người mua phải trả quyền phí, giá trong hợp đồng gọi là giá thực
hiện và ngày định trong hợp đồng là ngày đáo hạn. Tương tự như vậy
đối với người bán trong hợp đồng quyền chọn bán.
- Tùy theo từng loại mà hợp đồng quyền chọn có thể thực hiện tại bất
kỳ thời điểm nào trước ngày đáo hạn hoặc đến ngày đáo hạn.
Từ những đặc điểm trên của hợp đồng quyền chọn, trong phạm vi bài
viết này chúng tôi đi vào thực hiện hạch toán các nghiệp vụ kinh tế có
liên quan đến giao dịch mua hoặc bán được thanh toán bằng vàng theo
hợp đồng quyền chọn.
Hạch toán nghiệp vụ mua hàng thanh toán bằng vàng theo hợp
đồng quyền chọn mua:
Nguyên tắc hạch toán
Khi mua tài sản phát sinh bằng vàng thì giá trị ghi sổ của tài sản và của
nợ phải trả phải được quy đổi từ vàng ra đồng Việt Nam theo giá thực
tế tại ngày mua.
Khi đáo hạn hợp đồng quyền chọn mua, nếu giá vàng trên thị trường
nhỏ hơn giá thực hiện trong hợp đồng quyền chọn, doanh nghiệp không
nên thực hiện hợp đồng. Vì mua ngoài để thanh toán sẽ có lợi hơn.Còn
trong trường hợp giá vàng trên thị trường lớn hơn giá thực hiện trong
hợp đồng quyền chọn, doanh nghiệp nên mua theo giá thực hiện trong
hợp đồng quyền chọn.
Khi thanh toán cho người bán bằng vàng thì việc quy đổi từ vàng ra
đồng Việt Nam được thực hiện như sau: Bên Nợ Tài khoản nợ phải trả
người bán được quy đổi theo giá ghi sổ số toán, bên Có Tài khoản tiền
(chi tiết vàng) được quy đổi theo giá thực hiện hoặc giá ghi sổ kế toán.
Phần chênh lệch được phản ánh vào doanh thu tài chính (nếu lãi) hoặc
chi phí tài chính (nếu lỗ).
Quyền phí và các chi phí phát sinh liên quan đến hợp đồng quyền chọn
được ghi nhận vào chi phí tài chính.
Phương pháp hạch toán
Phản ánh quyền phí:
Nợ TK635 – Chi phí tài chính (quyền phí)
Có TK111,112
Khi mua vật tư, hàng hoá, tài sản bằng vàng:
Nợ TK152,153,156,211…Quy đổi theo giá thực tế mua
Nợ TK133 (nếu có)
Có TK331 -Phải trả người bán (quy đổi theo giá thực tế mua)
Khi đến hạn thanh toán, DN mua vàng để thanh toán:
Trường hợp 1: Nếu giá vàng trên thị trường nhỏ hơn giá thực hiện,
doanh nghiệp không nên thực hiện hợp đồng quyền chọn mà nên mua
ngoài. Khi đó kế toán ghi:
Nợ TK111(3), TK112(3) – Theo giá mua thực tế trên thị trường
Có TK111(1,2), TK112(1,2)
Trường hợp 2: Nếu giá vàng trên thị trường lớn hơn giá thực hiện,
doanh nghiệp thực hiện hợp đồng quyền chọn. Phần chênh lệch giữa
giá thị trường và giá thực hiện được ghi nhận là một khoản lãi và được
phản ánh vào thu nhập khác. Kế toán ghi:
Nợ TK111(3), TK112(3) – Giá mua thực tế trên thị trường
Có TK111,112 – Giá thực hiện của hợp đồng quyền chọn
Có TK711 – Chênh lệch giá thị trường lớn hơn giá thực hiện
Khi dùng vàng thanh toán cho người bán:
Nợ TK331 – Quy đổi theo giá ghi sổ kế toán
Nợ TK635 – Chênh lệch giá ghi sổ kế toán nhỏ hơn giá thực
hiện
Có TK111(3), 112(3) – Quy đổi theo giá thực hiện
Có TK515 – Chênh lệch giá ghi sổ kế toán lớn hơn giá thực hiện
Hạch toán nghiệp vụ bán hàng thu bằng vàng theo hợp đồng
quyền chọn bán
Nguyên tắc hạch toán
- Doanh thu và bên Có Tài khoản nợ phải thu khách hàng phát sinh
bằng vàng được ghi nhận theo giá bán vàng thực tế tại thời điểm bán
hàng.
- Khi khách hàng thanh toán nợ và đáo hạn hợp đồng quyền chọn, nếu:
+ Giá vàng trên thị trường lớn hơn giá thực hiện thì doanh
nghiệp không nên thực hiện hợp đồng. Lúc này, bên Nợ Tài khoản tiền
sẽ quy đổi theo giá thị trường và bên Có Tài khoản nợ phải thu khách
hàng quy đổi theo giá ghi sổ kế toán. Phần chênh lệch được ghi nhận
vào doanh thu tài chính. (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ).
+ Giá vàng trên thị trường nhỏ hơn giá thực hiện, doanh nghiệp
bán vàng cho tổ chức tài chính. Lúc này, bên Nợ Tài khoản tiền sẽ quy
đổi theo giá thực hiện và bên Có Tài khoản nợ phải thu khách hàng quy
đổi theo giá ghi sổ kế toán. Phần chênh lệch được ghi nhận vào doanh
thu tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ).
- Quyền phí và các chi phí phát sinh liên quan đến hợp đồng quyền
chọn được ghi nhận vào chi phí tài chính.
Phương pháp hạch toán
Phản ánh chi phí mua quyền chọn bán:
Nợ TK635 – Chi phí tài chính (phí quyền chọn)
Có TK111,112
Khi bán vật tư, sản phẩm, hàng hoá cho khách hàng, kế toán ghi:
Phản ánh giá vốn
Nợ TK632 – Giá vốn hàng bán
Có TK152,155,156
Phản ánh doanh thu và nợ phải thu khách hàng
Nợ TK131- Nợ phải thu khách hàng (vàng quy đổi theo
giá bán thực tế)
Có TK511-Doanh thu bán hàng và CCDV
Có TK333(1) - Thuế GTGT đầu ra (nếu có)
Khi khách hàng thanh toán và đáo hạn hợp đồng quyền chọn, nếu:
Nếu giá vàng trên thị trường lớn hơn giá thực hiện, doanh nghiệp không
thực hiện hợp đồng và sẽ bán vàng ra thị trường. Kế toán ghi:
Nợ TK111(3), 112(3) – Vàng quy đổi theo giá thị trường
Có TK131 – Vàng quy đổi theo giá ghi sổ kế toán
Có TK515 – Chênh lệch giá thị trường lớn hơn giá ghi sổ kế
toán và giá thực hiện.
Nếu giá vàng trên thị trường nhỏ hơn giá thực hiện, doanh nghiệp thực
hiện hợp đồng. Kế toán ghi:
Nợ TK111(3), 112(3) – Vàng quy đổi theo giá thực hiện
Có TK131 – Vàng quy đổi theo giá ghi sổ kế toán
Có TK515 – Chênh lệch giá thực hiện lớn hơn giá ghi sổ kế toán
Trên đây là một số nội dung bàn về hạch toán nghiệp vụ mua hàng và
bán hàng liên quan đến việc sử dụng vàng trong thanh toán theo hợp
đồng quyền chọn mà chúng tôi muốn trao đổi cùng bạn đọc.
Nguyễn Trung Lập- ĐH Duy Tân