Việc Ăn Uống Và Dinh Dưỡng Của Trẻ Sơ Sinh
Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận, Chuyên Khoa Nhi Đồng
Ăn uống chỉ là một cách nói. Ai cũng biết trẻ sơ sinh chưa ăn bằng cách nhai được mà chỉ
bú sữa, sữa mẹ hay sữa bình. Dù cho bé bú sữa gì đi nữa, thời gian cho bé bú là một
khoảng thời gian thần tiên cho cả mẹ lẫn con. Thời gian này đem đến cho mẹ và con
những niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất. Đứa bé được chạm sát vào người mẹ, đầu rúc vào
ngực mẹ để hưởng hơi ấm. Miệng bé mở ra hau háu “chụp” lấy núm vú để bú say sưa.
Người mẹ cũng sung sướng được ôm sát đứa con rất êm vào lòng . Mẹ cũng cảm thấy rất
ấm lòng khi nhìn con bú say sưa. Từ trong lòng mẹ sẽ dâng lên một niềm thương yêu vô
bờ.
Từ vài chục năm nay, người ta đã nhận ra được sự quan trọng của việc mẹ ôm con cho
bú. Thậm chí hiện nay nơi các phòng sinh, người ta luôn luôn đặt đứa con lên bụng bà mẹ
ngay sau khi sinh để tạo một mối dây thắt chặt mẹ con càng sớm càng tốt.
Nhờ có sự chăm sóc, tình thương yêu, nối kết giữa mẹ và con trong thời gian cho bé bú
mà đứa bé sẽ lớn lên tốt đẹp, chứ không hẳn hoàn toàn là chỉ nhờ sữa.
Những ngày đầu sau khi sanh, việc phải cho bé bú mỗi 3,4 tiếng sẽ khiến người mẹ cảm
thấy rất bận rộn và ít khi nghĩ rằng việc mình ôm con cho bú có ảnh hưởng sâu xa đến sự
tăng trưởng của em. Tuy nhiên, người mẹ không cần phải làm gì nhiều, chỉ cần cho bé bú
theo sự đòi hỏi của bé và chú tâm đến bé nhiều trong thời gian cho bú là đủ.
Cho bé bú gì?
Trong 3 tháng đầu, em bé chỉ cần bú sữa mẹ hay sữa bình mà thôi. Nhiều năm gần đây,
đã có những cố gắng làm sống lại phong trào cho bú sữa mẹ vì sữa mẹ vẫn thích hợp cho
trẻ sơ sinh hơn cả. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần cảm thấy như “có tội” khi không
thể cho bú mẹ được. Đây là một quyết định của cá nhân tùy theo cảm nghĩ của họ. Nhiều
năm trở lại đây có nhiều tiến bộ trong việc chế biến sữa bình sao cho an toàn và càng
ngày càng đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em. Do đó, trong trường hợp không
bú sữa mẹ, em bé vẫn có thể có một mối dây liên kết chặt chẽ với mẹ và vẫn tăng trưởng
tốt đẹp.
Không cần phải cho em bé bú thêm nước vì đa số thành phần của sữa mẹ hay sữa bình là
nước. Tuy nhiên, nếu bạn muốn cho em bé bú thêm chút ít nước thì cũng không có gì
nguy hiểm. Không nên cho bé bú nước trái cây lúc này vì quá sớm, có thể gây ra tiêu
chẩy hay dị ứng.
Hành động bú sữa của em bé là những phản xạ liên hệ nhau: lưỡi đưa ra, nút và nuốt.
Những phản xạ này rất mạnh và cần thiết để em bé lấy chất dinh dưỡng vào cơ thể. Nếu
em bé nút quá nhanh và không kịp nuốt, em sẽ dễ bị trớ ra. Trường hợp này, nên lấy bình
sữa ra cho em có thì giờ nghỉ rồi sẽ cho bú trở lại. Người mẹ cần chú ý vào em bé để có
thể khám phá ra các phản ứng của em như sặc, trớ hầu có thể can thiệp kịp thời. Sự chú
ý này cũng cần thiết cho “tình mẫu tử” tăng trưởng mạnh.
Vào khoảng 3 tháng tuổi, em bé sẽ có nhiều nước dãi, đôi khi chẩy ướt áo. Sự kiện em
chưa nuốt hết được nước dãi chứng tỏ em chưa sẵn sàng để ăn chất đặc.
Không nên cho chất đặc như cereal vào bình sữa của bé để bé “ngủ lâu hơn”. Không có gì
chứng tỏ tin tưởng này là đúng. Nên nhớ: bình sữa chỉ để đựng sữa mà thôi.
Cho bú cách khoảng bao lâu một lần?
Khi mới lọt lòng mẹ, vì mới qua 1 khoảng thời gian quá “stressful”, em bé cần có thì giờ
để hồi phục nên trong ngày đầu có thể em bé sẽ bú rất ít. Dần dần, em sẽ bú khá hơn và
sau 1 tuần, em đã có thể thức dậy bú “đúng giờ” hơn. Bé sẽ bú cách xa giờ hơn, ăn mỗi
lần nhiều hơn và nhanh hơn.
Từ sơ sinh đến vào khoảng 2 tuần, em bé bú mẹ sẽ ăn 8 tới 10 lần mỗi ngày.
Vào 1 tháng, bé sẽ giảm xuống chừng 6 tới 8 lần. Vào 2 tháng, có thể bé sẽ giảm xuống 5
tới 7 lần mỗi ngày. Các bé bú sữa bình sẽ bú ít lần hơn.
Khi nào cần cho bé bú? Nên cho bú “theo yêu cầu” khi bé đói. Lúc đầu có thể hơi rối
loạn nhưng lần lần, khoảng 1,2 tháng, em bé sẽ theo một thời khóa biểu nhất định.
Mỗi khi thấy đói, em bé sẽ khóc, lúc đó mẹ nên cho bú. Bạn sẽ lần lần đọc được tiếng
khóc đói bụng của bé, khác hơn tiếng khóc do những nguyên do khác. Khi bé khóc đòi
bú, nên cho bú ngay. Nhờ vậy bé sẽ “học” biết rằng cảm giác khó chịu nào là cảm giác
đói bụng, và đói bụng có thể hết khi bé nút bình và có sữa chẩy ra. Nếu bạn không cho bé
ăn ngay, bé sẽ trở nên giận hơn. Khi ấy, cho bú sẽ càng làm bé khóc và khó chịu hơn là
được dễ chịu.
Bé cũng sẽ cho bạn biết khi nào cần ngừng lại. Khi đã đủ no, bé thường ngừng nút, đóng
miệng lại và cất đầu khỏi núm vú. Bé sẽ đẩy núm vú ra khỏi miệng hay ưỡn người lên
nếu bạn cố ép bé bú thêm. Nên để cho bé tự quyết định ăn bao nhiêu và nhanh cỡ nào.
Em bé sẽ không ăn một số lượng nhất định mỗi lần. Lượng này có thể thay đổi tùy theo
nhu cầu của bé. Trong thời gian lớn nhanh (growth spurt), bé sẽ bú nhiều hơn và thường
hơn.
Sau đó có thể bé sẽ bú ít hẳn đi trong một thời gian. Cũng vậy, khi em đã tới thời kỳ ngủ
qua đêm, bỏ một bữa bú, khi thức dậy, có thể em sẽ bú nhiều hơn bình thường vào cữ
buổi sáng.
Nói tóm lại, mỗi em bé có một nhu cầu dinh dưỡng và cách ăn khác nhau cũng như sự
tăng trưởng khác nhau, bạn cần phải chú ý khi cho bé bú để có thể nhận ra những dầu
hiệu của bé cho bạn biết khi bé muốn ăn và khi bé đã no. Nếu em cho bạn biết em muốn
ăn nhiều và bạn theo đúng đòi hỏi của em mà không có điều gì xẩy ra như hay trớ, hay
ói , bạn không phải lo lắng là em sẽ bị “overweight”. Số lượng ăn vào thời điểm này
không phải là dấu hiệu cho biết em sẽ bị mập phì khi lớn.
Không nên cho em vào giường nằm bú một mình. Ngoài việc bỏ mất cơ hội gần gũi em,
bạn còn có thể gây nguy hiểm cho em khi em bé bị nghẹn hay cần nghỉ mà không thể tự
lấy bình ra khỏi miệng được, em sẽ bị sặc và sữa có thể vào cuống phổi gây ngưng thở.
Ngoài ra, số lượng sữa đọng trong miệng sau khi em đã ngủ có thể gây ra sâu răng khi bé
đã có răng.
Làm sao vẫn có thể cho bú sữa mẹ khi đã đi làm lại?
Máy bơm sữa giúp bạn có thể thực hiện điều này. Sữa bơm ra có thể cất giữ trong tủ lạnh
để người nhà cho bé bú trong lúc bạn đi làm. Có nhiều loại máy bơm tay hay bơm điện.
Bạn có thể mướn hay mua một máy bơm dễ dàng và không tốn kém nhiều. Sau đây là vài
lời khuyên:
1. Nên mua hay mướn 1 máy bơm thật tốt, dùng điện và có thể bơm 2 vú cùng lúc. Bạn
sẽ tiết kiệm được nhiều thì giờ.
2. Nên rửa tay sạch trước khi sử dụng máy bơm.
3. Viết sẵn ngày giờ bơm và dán lên bình không đã khử trùng sạch.
4. Rửa sạch dụng cụ bơm bằng xà bông và nước nóng sau mỗi lần dùng.
5. Giữ sữa thật cẩn thận để tránh nhiễm trùng. Cho bình sữa vào tủ lạnh càng sớm càng
tốt, trong vòng 1 giờ sau khi bơm. Có thể giữ sữa trong tủ lạnh 5 ngày là tối đa. Trẻ sinh
đủ ngày có thể dùng sữa đã trữ trong freezer tới 6 tháng và sữa cất trong deep freeze 1
năm.
Trẻ thiếu tháng nằm ở bệnh viện có thể dùng sữa cất trong freezer cho tới 3 tháng mà
thôi.
Bs Nguyễn Thị Nhuận