Chứng Đau Lưng
Vũ Qúi Đài, M.D., Ph.D., Cựu Giáo Sư Khoa Trưởng Y Khoa Đại Học Sàigòn
Trong chuyện ngắn "Chí Phèo", nhà văn Nam Cao viết là ông Bá Kiến hay đau lưng, và
thêm rằng "những người đàn ông đau lưng hay sợ vợ, mà chúa đời là khỏe ghen".
Sự thực thì chứng đau lưng rất thông thường, chứ không cứ gì có sợ vợ mới đau lưng.
Trong bài này, ta thử tìm hiểu vấn đề đau lưng khúc cỡ từ thắt lưng trở xuống gọi tạm là
đau lưng dưới (tiếng Anh là low back pain) vì thường thì khi đau lưng là hay đau khúc
dưới.
Bệnh nhân hay than đau chỗ thắt lưng nhưng cũng nhiều khi thấp hơn, gần xuống xương
cùng. Tùy theo thống kê, có từ 60 tới 90 phần trăm dân số ít ra đã từng đau lưng một lần.
Mỗi năm bệnh nhân đi khám bác sĩ để chữa chứng đau lưng trên 13 triệu lần. Tuổi tác có
ảnh hưởng; tuy nhiên chứng đau lưng ở lứa tuổi nào cũng có. Chứng đau lưng đứng hàng
đầu trong các nguyên nhân công tư chức thợ thuyền ăn tiền tàn phế. Số ngày nghỉ vì đau
lưng đứng hàng thứ nhì. Trong số những người đã nghỉ quá 6 tháng vì bị đau lưng thì
không tới phân nửa trở lại làm việc.
Các nguyên nhân sinh đau lưng
Các nguyên nhân sinh đau lưng thì nhiều, nhưng đại để có thể phân làm hai loại. Phần lớn
các nguyên nhân sinh đau lưng thuộc loại thứ nhất là các nguyên nhân về xương khớp
hao mòn hay là" trục trặc máy móc". Sống lưng gồm nhiều đốt xương, giữa các đốt
xương là các đĩa đệm có các sợi gân bám nối từng hai đốt xương với nhau. Lại có các thớ
thịt bám dài hai bên để cử động xương sống, cũng như giữ cho con người ta đứng thẳng
không chống bốn chân như các loài thú. Ngoài ra còn các dây thần kinh từ tủy sống qua
khe xương đi ra để làm cho bắp thịt cử động, hoặc từ ngoài đi vào tủy sống rồi truyền lên
óc để ta biết đau, biết nóng, biết lạnh, v.v Vì vậy nếu bị viêm khớp, khớp già nua, gân
hay là bắp thịt bị rách, bị căng quá mức vì tai nạn hay vì cử động quá mạnh hoặc là đĩa
độn bị xô lệch (cụp xương sống), hoặc là khe xương bị hẹp lại thì đều có thể sinh đau
lưng.
Loại thứ hai tuy ít thấy, nhưng lại đáng ngại hơn. Đó là khi đau lưng báo hiệu những
chứng bệnh nặng như phình động mạch, ung thư từ nơi khác chạy về xương sống, ung
thư tủy sống, và một chứng bệnh gọi là ankylosing spondylitis, thường bị ở khúc dưới
thắt lưng làm cho gân quanh các đốt xương sống bị đóng vôi hóa ra như xương làm cử
động không được và đau lưng.
Những dấu hiệu đáng ngại
Khi đi khám bệnh thường bác sĩ hay hỏi "thời gian đau lưng có bị sốt hay là xuống ký
không". Nếu có, thì có thể nghi là bệnh nhiễm trùng, hay là ung thư (có thể là của đốt
xương sống hay ung thư chỗ khác) và cần phải thử thêm.
Nếu nằm nghỉ, hay là về đêm mà lại đau nhiều hơn, thì cũng có khi là ung thư xương làm
dây thần kinh bị căng ra sinh đau.
Nếu đau ngay chỗ đốt xương, thì bác sĩ sẽ cho thử thêm để xem có phải đốt xương bị nén
gẫy, do xốp xương hoặc nguyên do khác.
Nếu đau dữ dội từng cơn, thì lại có thể là những bệnh ở các cơ quan khác, thí dụ như sạn
thận, làm đau vùng thắt lưng.
Những gì góp phần làm đau lưng - Có thể kể những trường hợp sau này:
Những người trước có bị tai nạn làm chấn thương cột sống hay là đã mổ xương sống.
Những người vì lý do nghề nghiệp phải khuân nặng, ngồi lâu hay đứng lâu, hoặc là hay
phải cúi xuống, vẹo mình.
Những người sử dụng các máy móc rung mạnh (như là máy khoan đường).
Có một số tài liệu cho thấy người hút thuốc dễ bị đau lưng.
Có một số bệnh có tính di truyền, thí dụ như bệnh gân đốt sống đóng vôi, và có thể là
bệnh "cụp xương sống" nữa.
Vấn đề chụp hình cột sống để định bệnh
Chụp hình cột sống khi bị đau lưng, dù là chụp quang tuyến X hay là những kỹ thụât tân
kỳ hơn, như chụp cắt lớp điện toán (computerized tomography, thường viết tắt là CT),
cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging, viết tắt là MRI) nhiều khi cũng không ích
lợi gì trong việc định bệnh. Thứ nhất là có nhiều nguyên nhân ở ngay cột sống mà không
thấy hình gì khác lạ. Thứ hai, là nhiều khi thấy có kết quả bất thường, tưởng nó là nguyên
do gây đau lưng mà nguyên do đích thực lại ở chỗ khác. Thí dụ như một người bị ung thư
tụy tạng thuộc bộ tiêu hóa làm đau lưng. Khi chụp hình, thấy có đĩa độn bị xô lệch, thì lại
coi đó là nguyên nhân, kỳ thực thì đĩa độn có thể bị lệch từ lâu mà không sinh đau đớn gì.
Những người tuổi trên 40, thì thường chụp hình quang tuyến hay thấy có bị thoái hóa
xương, gai xương. Những cái này cũng có khi sinh đau lưng nhưng cũng nhiều khi không
phải nguyên do làm đau lưng.
Thường thì bác sĩ chỉ cho chụp hình khi nghi ngờ bị gãy xương, ung thư hay nhiễm trùng,
và những trường hợp đau lưng lâu không hết.
Chữa trị
Việc chữa trị chứng đau lưng, sau khi đã loại trừ những trường hợp bệnh đặc biệt, gồm có
ba phần: những phương thức không dùng thuốc, các thuốc trị đau lưng và phẫu thuật. Kết
quả khả quan hơn nếu kết hợp thuốc men và các phương thức khác.
Các phương thức không dùng thuốc:
Thường khi đau lưng, thì khi đứng lâu hay ngồi lâu dễ bị đau nhiều lên. Thành ra bệnh
nhân thích nằm nghỉ. Nằm nghỉ thì đỡ thật, nhưng nếu quá vài ba ngày thì lại không tốt.
Nên đi lại hoạt động nhẹ nhàng.
Tập thể dục cho dãn gân cốt và săn chắc các thớ thịt cũng rất tốt.
Vật lý trị liệu nhiều khi giúp bệnh nhân chóng bình phục nhưng không nên ỷ lại thụ động
quá. Khi đã hơi bớt, thì nên bắt đầu chương trình tập tành tại nhà.
Những cách khác, như châm cứu, nam châm (từ), kỹ thuật thư dãn, kéo lưng (traction),
chạy điện kích thích thần kinh (transcutaneous electrical nerve stimulation, viết tắt là
TENS), cũng có nhiều người dùng trị đau lưng. Tuy nhiên kết quả chưa được kiểm
chứng bằng những thống kê thật chính xác.
Thuốc men
Thuốc men, hoặc mua tự do, hoặc là mua theo toa, gồm có các thuốc giảm đau như
Tylenol, hoặc là vừa giảm đau vừa chống viêm như Motrin, Naprosyn hay là những
thuốc mới hơn, như Celebrex, Vioxx. Thuốc giảm đau Ultram thì thuộc một nhóm khác
cơ chế mấy thứ chống viêm trên.
Nếu là đau cấp tính, thì có khi bác sĩ cho thêm thuốc dãn thớ thịt, như Flexeril. Nếu đau
nhiều có thể phải dùng thuốc chế phẩm từ thuốc phiện, như là Vicodin, Tylenol số 3.
Trường hợp đau kinh niên thì sau khi dùng các thuốc giảm đau và chống viêm mà không
bớt, có khi phải chích tại chỗ thuốc chống viêm loại steroid.
Giải phẫu
Có những trường hợp cần được chữa trị bằng phẫu thuật thí dụ như :
Bị lệch đĩa độn (disc hernia) cấp tính mà có ảnh hưởng tới thần kinh, cần giải phẫu khẩn
cấp.
Dây thần kinh bị nghẹt, như đau thần kinh tọa (sciatica) chữa trị thuốc men mấy tháng
không bớt.
Tuy vậy, cũng đừng kỳ vọng quá nhiều vào phẫu thuật, vì đau lưng kinh niên có mổ cũng
nhiều khi không được kết quả như ý muốn.
Bài này chỉ nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về sức khỏe và y tế. Nếu cần chữa
bệnh, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ của bạn.
Bác sĩ Vũ Quí Đài