Khuyến mãi Không chỉ màu hồng
Hoạt động khuyến mãi đang trở nên hết sức sôi động trên thị trường cả nước, thậm chí tại
Tp.HCM còn có chương trình "Tháng bán hàng khuyến mãi" diễn ra trong suốt tháng 9. Bên cạnh
những cái "được" mà người tiêu dùng tận hưởng, còn rất nhiều vấn đề phải nói tới.
Đa dạng khuyến mãi
Tham gia chương trình "Tháng bán hàng khuyến mãi", TCty Thương mại Sài Gòn đã tổ chức
tặng quà, giảm giá hàng hoá, xổ số trúng thưởng cho các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng,
xe gắn máy, hàng điện máy và thực hiện tặng quà, giảm giá cho các dịch vụ nhà hàng, khách
sạn, tour du lịch, hàng kim khí điện máy, ôtô, xe gắn máy Trong khi đó, hệ thống siêu thị Sài
Gòn Coop dành 200 triệu đồng cho chương trình rút thăm trúng thưởng. Chuỗi siêu thị Maximark
cũng dành hơn 438 triệu cho công việc này.
Còn tại Hà Nội, các hình thức khuyến mãi chính được các đơn vị, tổ chức, cá nhân áp dụng
nhiều nhất là: Thẻ cào trúng thưởng, mua hàng tặng thêm quà khuyến mãi, giảm giá. Trong đó,
chương trình giảm giá được nhiều người tiêu dùng quan tâm nhất. Chỉ cần dạo qua một vòng
các phố chuyên kinh doanh đồ quần áo như: Phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Phạm Ngọc Thạch,
Chùa Bộc hoặc phố đồ gia dụng như: Hai Bà Trưng, Nguyễn Lương Bằng , người tiêu dùng bắt
gặp không ít các khẩu hiệu lớn "Sale off 10-30%", "Hàng đại hạ giá", "Mua hàng có quà tặng"
để thu hút người tiêu dùng.
Lừa người tiêu dùng
Tuy nhiên, bên cạnh các hoạt động khuyến mãi được thực hiện một cách hệ thống, đúng như
cam kết thì thị trường TPHCM trong thời gian gần đây vẫn còn không ít chương trình khuyến mãi
lừa người tiêu dùng.
Theo Sở Thương mại, bên cạnh các chương trình khuyến mãi thực hiện có đăng ký, trên thị
trường có khá nhiều điểm bán hàng tổ chức khuyến mãi một cách tự phát, không được sự quản
lý của cơ quan chức năng. Hầu hết các chương trình khuyến mãi này do các điểm bán hàng tự
treo biển quảng cáo, chẳng hạn như giảm giá 30%, 50%,70% để thu hút người tiêu dùng.
Tại khu vực quận 1-3-5, hiện không ít cửa hàng quần áo, giày dép, giường tủ treo biển giảm giá
30-70%, nhưng giá bán các mặt hàng này đã được nâng lên khá cao trước khi giảm giá. Mặt
khác, một số người tiêu dùng đã than phiền chất lượng quá kém của sản phẩm là quà tặng
khuyến mãi.
Tại Hà Nội, phần lớn những hàng khuyến mãi giảm giá đều có chung nhược điểm: Chủng loại
nghèo nàn, màu sắc xấu, kích thước thiếu Ngoài ra, sản phẩm tặng thêm kèm hàng hoá
thường có chất lượng kém hơn so với sản phẩm cùng chủng loại lưu hành trên thị trường. Đơn
cử: Nếu khách hàng mua áo len từ 60.000 đồng trở lên, được tặng thêm 1 đôi tất (thực chất đôi
tất đó có tỉ lệ nylon rất cao và chỉ có hai màu - ghi và xanh đen). Mua giày giảm giá trên phố
Phạm Ngọc Thạch chỉ có một cỡ duy nhất (số 39) hoặc khách hàng đã lựa được đôi giày vừa
chân thì chỉ có màu trắng sữa, không có màu đen
Hầu hết các chương trình khuyến mãi nhỏ lẻ tại Hà Nội đều do chủ hàng tự thực hiện, mà không
thông báo đến cơ quan chức năng theo quy định của Bộ Thương mại. Chính vì vậy, việc giám
sát, kiểm tra các đơn vị thực hiện khuyến mãi còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là vấn đề
mà các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để có biện pháp quản lý chặt tránh tình trạng
thích thì khuyến mãi như hiện nay.
Tại Đà Nẵng, theo các cơ quan chức năng, hoạt động khuyến mãi rầm rộ, nhưng được chia nhỏ
tinh vi, triển khai ngầm nên ngoài tầm quản lý của cơ quan chức năng, Nhà nước thất thu. Đặc
biệt, hiện nay, trên nhiều đường phố trung tâm ở Đà Nẵng, ban đêm biến thành chợ trời lưu
động, các mặt hàng quần áo, giày dép, bánh kẹo. Điều này không chỉ tiết kiệm được tiền thuê
mặt bằng kinh doanh, điện nước, trốn thuế mà còn "giải quyết" được cả hàng dỏm mà vẫn thu
hút được loại khách hàng "ham của rẻ".