NHỮNG SAI LẦM CẦN TRÁNH KHI CẮT GIẢM NHÂN
SỰ TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ
1. Thực hiện cắt giảm đồng loạt.
Nếu doanh nghiệp cắt giảm nhân sự một cách máy móc theo kiểu phòng ban
nào cũng bị cắt giảm thì mọi chuyện sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Những lúc
gặp khó khăn thì lãnh đạo doanh nghiệp càng phải suy nghĩ sâu về mô hình
kinh doanh và tập trung vào những cách cắt giảm nhân sự sao cho có thể bảo
vệ hoặc phát huy những năng lực cốt lõi của doanh nghiệp.
Nên nhớ rằng các dự án, đề xuất và thậm chí các phòng ban được ra đời
trong những lúc khó khăn thường không phải là năng lực cốt lõi của doanh
nghiệp. Phải biết được chính xác doanh thu tạo ra theo từng nhóm khách
hàng và nhóm sản phẩm. Doanh nghiệp cũng cần phải đánh giá lại vị thế của
mình trên thị trường. Hãy xác định 20% các hoạt động có thể tạo ra 80%
doanh thu và bảo vệ chúng bằng mọi phương pháp.
2. Không thể hiện được lòng tốt và sự quan tâm.
Cắt giảm nhân sự là một quá trình gây ra nhiều tổn thương cho đội ngũ nhân
viên. Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường bị rơi vào cảm giác tội lỗi và
tìm cách loại bỏ bớt cảm giác này bằng cách tránh tiếp xúc với những người
bị mất việc. Điều này chỉ càng làm cho hình ảnh của họ xấu đi trong suy
nghĩ của các nhân viên.
Vì vậy, khi cắt giảm nhân sự, lãnh đạo doanh nghiệp phải thể hiện sự can
đảm và giữ cam kết của mình bằng cách gặp gỡ những người bị sa thải, giúp
họ chuyển đổi sang công việc mới, thể hiện tinh thần bao dung, chia sẻ khó
khăn. Những nhân viên chưa bị sa thải sẽ quan sát rất kỹ mọi biểu hiện của
các sếp và nếu họ nhận thấy có dấu hiệu vô cảm hay tàn nhẫn, họ sẽ tìm cách
rút lui.
3. Cắt giảm nhân sự một cách âm thầm.
Vì nhiều lý do, các doanh nghiệp thường không công bố rộng rãi các thông
tin về việc cắt giảm nhân sự và điều này thường gây ra phản ứng mạnh từ
các nhân viên, phòng ban bị sa thải vì họ chưa có sự chuẩn bị trước. Do vậy,
tốt nhất nên đưa ra trước những tín hiệu rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của
những khó khăn tài chính mà doanh nghiệp đang phải đương đầu và kế
hoạch ứng phó với những khó khăn đó.
NHỮNG ĐIỀU ĐƠN GIẢN MÀ CÁC NHÀ QUẢN LÝ NÊN
ÁP DỤNG TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ
1. Hỗ trợ nhân viên là tự giúp mình
Nhà quản lý không thể chèo lái con tàu doanh nghiệp mà không cần một trợ
lý nào, vì thế, bạn phải tập hợp quanh mình đội ngũ cộng sự là những người
đủ năng lực biến tầm nhìn và ý đồ chiến lược của bạn thành các con số tăng
trưởng cụ thể. Do đó, nếu bạn biết sắp xếp kế hoạch hỗ trợ nhân viên trong
tình trạng kinh doanh sa sút, như không sa thải, không hạ mức lương…, tức
bạn đã tự giúp chính bản thân bạn. Hãy khuyến khích tinh thần và chinh
phục niềm tin của nhân viên trong giai đoạn khó khăn này.
2. Công khai với nhân viên về thực trạng công ty
Nếu bạn bưng bít thông tin về tình hình công ty mình, bạn đã vô tình làm
tăng thêm mối lo ngại trong lòng nhân viên của mình, chưa kể các đối thủ sẽ
lợi dụng điều đó để đua nhau tung các tin đồn với các thông tin bị xuyên tạc,
bóp méo về công ty bạn. Vì thế, việc cung cấp thông tin chính xác và phù
hợp sẽ giúp nhân viên của bạn chế ngự mọi suy diễn tiêu cực, giúp họ tin
tưởng và trung thành với bạn hơn.
3. Tự rút ra bài học hoặc áp dụng kinh nghiệm bên ngoài
Hãy nhớ lại những khoảng thời gian khó khăn mà công ty bạn đã trải qua, rà
soát lại những phương pháp mà bạn từng thành công, từ đó lựa chọn cách
thức khả thi nhất có thể vận dụng để giải quyết hoàn cảnh hiện tại. Giải pháp
này sẽ tạo niềm tin cho bạn: bạn đã thành công trong quá khứ, và lần này,
bạn sẽ tiếp tục thành công. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham khảo tình hình
của các công ty và nhà quản lý khác.
NHỮNG ĐIỀU NHÀ QUẢN LÝ NHÂN SỰ NÊN LÀM
TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ
Với tư cách là nhà quản lý nhân sự, bạn nên làm gì? VietnamLearning xin
giới thiệu một số giải pháp giúp bạn vượt qua khủng hoảng.
1. Cởi mở trong giao tiếp
Điều khiến nhân viên căng thẳng nhất là không biết điều gì đang diễn ra
trong công ty. Họ sẽ cảm thấy tồi tệ hơn nếu chỉ nhận được những lời động
viên qua loa của bạn. Vì vậy, hãy giải đáp tất cả thắc mắc của nhân viên. Và
khi có thông tin liên quan tới nhân viên, hãy thông báo trực tiếp tới họ chứ
đừng qua trung gian.
2. Trung thực với nhân viên
Bạn cần trung thực với nhân viên của mình trong mọi hoàn cảnh. Điều này
không đồng nghĩa với việc bạn tiết lộ những thông tin mật hay những thông
tin nhạy cảm. Trung thực với nhân viên là giải thích cho họ hiểu tại sao một
việc gì đó lại được thực hiện. Ví dụ, giải thích cho họ hiểu tại sao phòng bạn
lại cần thay đổi. Khi nhân viên biết lí do, họ sẽ hợp tác và cố gắng nhiều
hơn.
3. Xác định tầm nhìn có tính chiến lược hơn
Trong những thời điểm khó khăn như thế này, bạn cần phải có tầm nhìn bao
quát hơn về phía trước. Hãy giao lại cho nhân viên những công việc nhỏ
nhặt. Nếu sa lầy vào những chi tiết cụ thể, vụn vặt, bạn sẽ mất dần cảm hứng
và tính sáng tạo. Tất cả nhân viên đang chờ đợi người quản lí của mình đưa
ra những sách lược để tìm cách khắc phục, cải thiện tình hình và phát triển
công ty. Do đó, hãy xác định một tầm nhìn có tính chiến lược hơn.
4. Dập tắt tin đồn
Những câu chuyện phiếm không chỉ có thể phá hoại danh tiếng của một ai
đó mà còn gây ra sự hoang mang, lo lắng cho nhân viên. Điều này thực sự
gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế
như hiện nay. Nhân viên bị tác động bởi những câu chuyện phiếm sẽ khó tập
trung vào công việc và sẽ gây ảnh hưởng tới công ty. Do đó, hãy lắng nghe,
ngăn chặn và dập tắt những tin đồn, tránh để chúng lan truyền rộng rãi trong
công ty.