Nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ
em trong mùa hè
Mới bắt đầu vào những ngày nắng nóng nhưng số trẻ em đến khám tại
Bệnh viện Nhi Trung ương vì viêm nhiễm hô hấp đã không ngừng tăng lên.
Những nguy cơ thời tiết, ô nhiễm môi trường và cả cách chăm sóc trẻ không
đúng đã dẫn đến trẻ dễ mắc bệnh. Vậy làm thế nào để phòng bệnh tốt nhất
cho trẻ trong mùa hè này?
Trẻ mắc các bệnh hô hấp do vi khuẩn và virut có nguy cơ gia tăng
Trong số hàng vạn lượt trẻ em đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung
ương từ đầu năm đến nay, có tới hàng nghìn lượt trẻ mắc các bệnh viêm đường
hô hấp do nhiễm virut và vi khuẩn. TS. Đào Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Khoa hô
hấp của bệnh viện cho biết, nhóm bệnh hô hấp ở trẻ mắc phải chủ yếu là nhiễm
khuẩn hô hấp cấp tính, hen và dị ứng ở trẻ. Vào mùa hè, bệnh hen có giảm đi song
các bệnh nhiễm khuẩn đang nổi lên. Tỷ lệ mắc bệnh do virut là 70% và vi khuẩn là
30%. Các loại virut hay mắc phải là virut hợp bào, virut cúm, adenovirut,
myxovirut. Hai vi khuẩn hay gặp nhất gây nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em là
Heamophilus infuenza và Strepcococcus pneumoniae. Nhóm vi sinh vật gây bệnh
còn có các loại nấm ký sinh trong mũi, họng, phổi. Lứa tuổi dễ mắc bệnh là từ 6
tháng đến 1 tuổi.
Bên cạnh đó thì các bệnh do enterovirut gây ra tiêu chảy, virut viêm não
Nhật Bản, viêm màng não cũng là những tác nhân dẫn đến các bệnh về đường hô
hấp ở trẻ. Theo TS. Tuấn, bệnh hô hấp ở trẻ em là bệnh thường gặp, những trường
hợp bệnh nhẹ có thể điều trị ở tuyến y tế cơ sở hoặc điều trị ngoại trú, điều này
vừa giảm chi phí cho bệnh nhân vừa nâng cao chất lượng điều trị, giảm áp lực cho
tuyến trung ương và giảm được tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Phát hiện bệnh sớm là yêu cầu quan trọng cho điều trị hiệu quả
Những dấu hiệu khởi phát như viêm long đường hô hấp trên gây sổ mũi,
ho, hắt hơi, biếng ăn, quấy khóc, sốt là biểu hiện thường gặp của nhiễm khuẩn hô
hấp ở trẻ em. TS. Tuấn cho biết, hầu hết các trường hợp nặng đều dưới 1 tuổi, sau
1-2 ngày trẻ có thể biểu hiện triệu chứng rõ rệt hơn như sốt cao lên, ho nhiều hơn,
tiếng thở khò khè. Trẻ có thể bị khó thở, ho có thể kèm theo đờm, lúc đầu đờm
trong, trắng và dính sau chuyển sang vàng, xanh. Dấu hiệu nhận biết trẻ khó thở
dựa vào các dấu hiệu lâm sàng quan trọng là:
Trẻ thở nhanh, tần số thở trên 60 lần/phút (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi); từ
50- 60 lần/phút (trẻ từ 2 tháng - 1 tuổi); trên 40 lần/phút (trẻ trên 1 tuổi). Xuất hiện
các dấu hiệu rút lõm lồng ngực, đó là biểu hiện vùng ranh giới giữa vùng lồng
ngực và bụng bị lõm sâu khi trẻ hít vào. Nếu trẻ khó thở nặng hơn có thể xuất hiện
dấu hiệu tím tái quanh môi, tím đầu chi, vật vã kích thích, vã mồ hôi thậm chí
ngừng thở.
Nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em có thể biểu hiện thành các thể bệnh: Viêm
tiểu phế quản cấp, viêm phế quản cấp, viêm phế quản phổi. Nếu những bệnh lý
này không được phát hiện, điều trị xử trí sớm và đúng thì có thể sẽ xảy ra những
biến chứng như: suy hô hấp cấp, áp-xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có
thể dẫn đến tử vong.
Đối với các trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp do vi khuẩn thì biện pháp
điều trị tốt nhất là dùng kháng sinh, tuy nhiên phải rất thận trọng vì nếu điều trị
không dứt điểm, không đúng sẽ dẫn đến nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc, bệnh kéo
dài, không xử trí được các biến chứng. Đối với nhóm bệnh do virut, chỉ sử dụng
kháng sinh khi có tình trạng bội nhiễm, mà tập trung chăm sóc trẻ, khai thông
đường thở, hạ sốt, chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng. Những trường hợp có biểu hiện
suy thở cần phải được nhập viện ngay, đồng thời có các biện pháp phòng chống
bệnh lây lan.
Lời cảnh báo từ máy điều hòa nhiệt độ
Các chuyên gia hô hấp nhi cho biết, những nguy cơ bùng phát bệnh viêm
đường hô hấp ở trẻ em trong mùa hè là: Thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho các
loại virut, vi khuẩn phát triển, cơ thể non yếu của trẻ khiến cho các loại virut, vi
khuẩn này rất dễ xâm nhập và gây bệnh. Tình trạng ô nhiễm môi trường không
chỉ diễn ra ở thành thị mà bắt đầu xuất hiện ở khu vực nông thôn, do sự hình thành
các khu công nghiệp, các làng nghề ngày một gia tăng. Trẻ em sinh ra và lớn lên
trong môi trường có khói thuốc lá. Mùa hè nóng nực, cơ thể trẻ mồ hôi nhễ nhại,
nếu không được lau khô, làm thông thoáng trẻ rất dễ bị cảm lạnh bởi chính mồ hôi
của chúng. Cũng vì do nóng nực, mồ hôi đang ra nhiều mà trẻ bị tắm ngay cũng
làm cho trẻ dễ bị ốm Một vấn đề cần đề cập nữa là hiện nay nhiều gia đình sử
dụng máy điều hòa nhiệt độ, đây là một nguy cơ nguy hiểm nếu không biết sử
dụng phù hợp với sức khỏe của trẻ. Trẻ đang ở trong phòng điều hòa bỗng đột
ngột đưa ra ngoài làm cơ thể trẻ không thích ứng kịp. Nhiều trẻ đến nhập viện
không vì do thiếu điều kiện chăm sóc mà do cách chăm sóc không đúng. Vì thế
nguyên tắc khi dùng điều hòa là phải thay đổi từ từ hoặc có phòng đệm. Các biện
pháp phòng bệnh là ưu tiên trẻ ở phòng thoáng mát, môi trường không ô nhiễm,
không khói thuốc, quần áo của trẻ nên dùng sợi cotton thoáng và thấm mồ hôi, trẻ
cần uống đủ nước và ăn đủ chất dinh dưỡng, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh; đưa
trẻ đi tiêm phòng vaccin đầy đủ, đúng lịch. Nếu có những dấu hiệu của bệnh cần
đưa trẻ đi khám và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ