Suy dinh dưỡng ở trẻ em
Định nghĩa đơn giản nhất về suy dinh dưỡng (SDD) là
tình trạng trẻ không có đủ các chất dinh dưỡng cần
thiết để phát triển chiều cao và cân nặng. Có nhiều
nguyên nhân có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, nhưng
thường gặp nhất là do không đủ thực phẩm cho trẻ, trẻ
biếng ăn do bệnh tật hay tâm lý, và có khi chỉ là do
người nuôi dưỡng không biết cách chế biến thực phẩm
phù hợp với nhu cầu của trẻ.
Có thể phát hiện SDD từ rất sớm bằng cách theo dõi cân
nặng của trẻ hàng tháng và so sánh với biểu đồ tăng trưởng.
Khi đã phát hiện SDD, cần có những biện pháp can thiệp
càng sớm càng tốt. Một điều cần lưu ý ngay đến các bậc
phụ huynh là việc phòng chống suy dinh dưỡng chủ yếu
dựa vào chế độ ăn chứ không phải dựa vào thuốc, trừ một
số trường hợp đặc biệt như suy dinh dưỡng rất nặng, bệnh
lý nguyên nhân phức tạp. Điều mà trẻ cần chính là một chế
độ ăn hợp lý, đủ năng lượng, đa dạng về thành phần, đạt
chất lượng về mặt cảm quan và "không khí" với trẻ.
Bữa ăn của trẻ cần đủ các nhóm thức ăn cơ bản : Bột
đường, đạm ( cả động vật và thực vật), béo (dầu ăn, vừng
lạc…) và các loại rau, trái cây cung cấp vitamin và chất
khoáng. Chế độ ăn tốt nhất là một chế độ ăn đa dạng,
thường xuyên thay đổi thức ăn tránh nhàm chán. Các thức
ăn nên được trình bày vui mắt, nhiều màu sắc, đựng trong
những chén dĩa có hình thù ngộ nghĩnh làm trẻ thích thú.
Sữa là một thức ăn phụ rất tốt cho trẻ ở mọi lứa tuổi vì dễ
sử dụng, giá trị dinh dưỡng cao. Trung bình trẻ cần ít nhất
500ml sữa mỗi ngày. Tuy nhiên cần lưu ý ở lứa tuổi tiểu
học ,sữa không thể là thức ăn chính thay thế các thức ăn cơ
bản, không nên dùng sữa để thay một bữa chính.
Tránh ăn vặt, ăn hoặc uống các đồ ngọt trước bữa ăn
chính. Cần phân biệt rõ các bữa ăn phụ không có nghĩa là
ăn vặt. Thành phần các bữa ăn phụ có thể hết sức đa dạng
tuy nhiên cần tránh các loại thức ăn hoặc thức uống có
calori rỗng (đường, kẹo, nước ngọt…)
Tăng năng lượng khẩu phần đặc biệt là đối với các trẻ đã
suy dinh dưỡng:
+ Cho trẻ ăn nhiều bữa hơn.
+ Cho thêm chất béo vào thức ăn
+ Cho ăn đặc hơn hoặc sử dụng các loại bột mộng để
làm lỏng thức ăn giúp trẻ dễ ăn hơn.
+ Cho ăn nhiều món trong cùng một bữa.
+ Cho trẻ ăn bù bữa sau giai đoạn bệnh.
Điều trị triệt để các bệnh lý cho trẻ. Khi trẻ bệnh, thường hệ
tiêu hóa làm việc kém đi nên trẻ biếng ăn hơn ngày thường.
Đừng nên hốt hoảng bắt ép trẻ ăn đủ lượng thức ăn hàng
ngày bằng mọi cách. Nên chia các bữa ăn ra làm nhiều bữa
nhỏ, có thể cho ăn lỏng nhẹ hơn như cháo, súp, sữa… Cũng
nên tránh một thái độ hoàn toàn ngược lại là quá kiêng cữ,
không cho trẻ ăn đủ chất trong khi bệnh, làm cho tình trạng
dinh dưỡng của bé xấu đi nhanh chóng và bệnh có thể kéo
dài hơn. Sau mỗi đợt bệnh, nên chú ý tăng thêm bữa phụ
cho trẻ để bù lại năng lượng đã mất đi trong quá trình bệnh.
Một điều quan trọng trong điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em
là sự kiên nhẫn của cha mẹ. Phải kiên nhẫn trong từng bữa
ăn, từng thìa thức ăn đút cho trẻ, từng món ăn chuẩn bị cho
trẻ, từng giai đoạn của cuộc sống trẻ. Người thầy thuốc chỉ
có thể cung cấp những kiến thức đúng, những lời khuyên
hợp lý và hỗ trợ một phần thuốc cho những trường hợp đặc
biệt, còn người phục hồi dinh dưỡng chính cho trẻ chính là
gia đình, cha mẹ trẻ.