10 điều cần tránh khi kêu gọi vốn từ
các nhà đầu tư mạo hiểm
Khái niệm quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital – viết tắt VC) bắt nguồn từ
Mỹ. Công ty đầu tư mạo hiểm đầu tiên ở Mỹ do Hiệu trưởng Trường Đại
học MIT thành lập năm 1946. Đó là phương thức mà theo đó nhà đầu tư rót
vốn vào các doanh nghiệp mới thành lập, chưa niêm yết trên thị trường
chứng khoán (chủ yếu là doanh nghiệp khoa học và công nghệ)
Khác với đầu tư tài chính thông thường, đối tượng được đầu tư mạo hiểm
phần lớn là công ty công nghệ cao, công nghệ tân tiến có quy mô vừa và nhỏ
đang trong giai đoạn khởi nghiệp.Vì đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ
tân tiến nên độ rủi ro cao, nhưng ngược lại nếu thành công, thì lợi nhuận rất
lớn. Một trong những đặc điểm của đầu tư mạo hiểm là nhà cung cấp vốn
đầu tư mạo hiểm không trực tiếp cung cấp vốn cho doanh nghiệp mà thông
qua một tổ chức chuyên nghiệp để thực hiện và quản lý vốn đầu tư, vì việc
này đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao.
Nhiều công ty công nghệ danh tiếng của Mỹ như Microsoft, Apple,
Yahoo… đều được thành lập và phát triển từ nguồn vốn mạo hiểm. Đến nay,
vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ là khoảng 60 tỷ đô-la.
Ở Việt Nam, gần đây Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng đề án
Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao Việt Nam với số vốn dự kiến 450 tỷ
đồng, nhằm thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ và thương
mại hóa các kết quả nghiên cứu công nghệ cao.
Hầu hết những ai khởi nghiệp bằng các dịch vụ trên mạng và công nghệ
thông tin đều mong một ngày nào đó nhận được sự đầu tư của VC, đơn giản
vì không phải ai sinh ra cũng đã là triệu phú. Tuy nhiên, chính vì những
mong muốn này, rất nhiều nhà kinh doanh đã dối trá.
Guy Kawasaki là hiện là Giám đốc điều hành của Garage Technology
Ventures - một ngân hàng đầu tư vốn cho các công ty công nghệ cao. Trước
đây, ông từng là cố vấn cho hãng Apple Computer. Ông là tác giả của tám
cuốn sách viết về kinh doanh, mà cuốn sách gần đây nhất là Nghệ thuật khởi
nghiệp. Với vai trò là một nhà đầu tư mạo hiểm, hàng năm ông nhận được
rất nhiều lời kêu gọi đầu tư vốn vào các dự án trong giai đoạn khởi nghiệp.
Ông đã nhận ra rằng, trong khi giới thiệu về những dự án kêu gọi vốn đầu tư,
các nhà kinh doanh đã sử dụng ít nhất từ ba đến bốn lời nói dối. Những lời
nói sai sự thật được ông tổng kết thành 10 điều dưới đây.
Vậy nếu như bạn với tư cách là người khởi đầu các dự án công nghệ và
muốn kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, bạn nên tránh 10 điều mà
Guy Kawasaki đã tổng kết.
1. “Dự án của chúng tôi được tính toán rất kỹ lưỡng và sẽ bảo toàn được vốn
đầu tư”. Một dự án kinh doanh dù được tính toán kỹ lưỡng đến đâu, cũng
chưa thể đảm bảo chắc chắn sẽ thành công và bảo toàn được vốn. Và chỉ với
mục tiêu bảo toàn được vốn thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Theo kinh nghiệm
của ông Guy Kawasaki, thông thường từ khi bắt đầu xem xét dự án, thì một
năm sau đó nó mới có khả năng được đưa vào triển khai, và nếu thành công
thì cũng phải vài năm sau đó mới có khả năng sinh lời.
2. “Một hãng nghiên cứu có tên tuổi đã dự đoán rằng thị trường của chúng
tôi sẽ đạt 50 tỷ đô-la vào năm 2010”. Thậm chí chỉ là những dự án công
nghệ phầm mềm nhỏ, các nhà đầu tư cũng tuyên bố rằng thị trường tiềm
năng của họ rất lớn, tới 10 tỷ đô-la. Tuy nhiên, đừng nhắc đến những dự
đoán về quy mô thị trường, vì nó thường là không chính xác.
3. “Một công ty lớn, có tên tuổi trên thị trường sẽ ký kết hợp đồng kinh
doanh với chúng tôi vào tuần sau”. Chỉ nên sử dụng quân bài này sau khi
đơn đặt hàng đã được ký kết, bởi vì không nhà đầu tư nào bị lừa bịp bởi điều
này.
4. “Nhiều người có chuyên môn giỏi, có tên tuổi, sẽ đảm nhận những vị trí
quan trọng trong dự án này, họ đã sẵn sàng gia nhập công ty ngay sau khi
chúng tôi nhận được vốn đầu tư”. Khi một nhà đầu tư mạo hiểm gọi điện cho
nhân vật mà bạn nói rằng sẽ tham gia vào dự án của bạn, thường sẽ nhận
được câu trả lời như sau: “Tôi đã gọi điện lại hẹn gặp anh ta, nhưng tất nhiên
không thể đưa ra lời hứa hẹn chắc chắn rằng mình sẽ rời bỏ công việc hiện
tại với mức lương 250.000 đô la/năm để đến làm cho anh ta”.
Nếu như những người có trình độ chuyên môn giỏi này có ý định và sẵn
sàng gia nhập công ty của bạn và tham gia dự án, chắc chắn họ sẽ gọi cho
nhà đầu tư mạo hiểm và xác nhận điều đó, vì đơn giản chính các nhà đầu tư
mạo hiểm mới là người rót vốn và có thể quyết định mức lương của họ.
5. “Chưa ai đang làm những gì mà dự án của chúng tôi sẽ thực hiện”. Điều
này cũng có nghĩa là hiện tại không có thị trường cho sản phẩm của bạn,
hoặc bạn đã quá tự tin và thiếu thông tin cần thiết đến mức không cần sử
dụng Google để tìm ra những đối thủ cạnh tranh của mình. Việc thiếu thị
trường và không tìm ra manh mối của các đối thủ cạnh tranh là điều không
có lợi để đảm bảo kêu gọi được vốn đầu tư.
6. “Không ai có thể làm được những gì mà dự án của chúng tôi sẽ làm
được”. Đây chính là sự kiêu ngạo.
7. “Hãy quyết định nhanh lên, bởi nhiều công ty đầu tư mạo hiểm khác cũng
đang rất quan tâm đến dự án của chúng tôi”. Có lẽ, có thể đếm được hàng
trăm nhà kinh doanh trên thế giới đã tuyên bố như thế. Hy vọng sau khi đọc
thông tin này, bạn sẽ không phải là một trong số họ.
8. “Oracle không ghê gớm đến mức có thể trở thành một sự đe dọa với
chúng tôi”. Lý do mà Larry Ellison (Chủ tịch của Hãng Ocracle – người giàu
có thứ hai trên thế giới và là người duy nhất có thể đuổi kịp Bill Gate về mọi
phương diện) lên được vị trí như hiện nay nằm chính trong câu nói của bạn.
Larry Ellison và hãng Oracle đã nổi tiếng và thành công đến mức mà dự án
của bạn có lớn đến đâu cũng khó có thể vượt qua. Những nhà kinh doanh đã
thốt lên lời nói này thật là ngớ ngẩn và ngu xuẩn hết chỗ nói.
9. “Chúng tôi có một đội ngũ quản lý đã được thử thách và có kinh nghiệm”.
Nếu bạn thực sự chứng minh được bản thân mình và có kinh nghiệm, có lẽ
bạn đã không cần đến việc kêu gọi vốn đầu tư. Lời nói tốt hơn: hãy tuyên bố
là bạn có kinh nghiệm thích hợp và sẽ làm tất cả những gì có thể mang đến
sự thành công. Bạn sẽ tập hợp được xung quanh mình những nhà tư vấn
chuyên nghiệp, có kinh nghiệm.
10. “Tất cả những gì chúng tôi cần làm là chiếm được 1% thị trường”. Đầu
tiên, không có nhà đầu tư mạo hiểm nào lại quan tâm đến một công ty mà
chỉ cần chiếm được 1% thị trường. Thứ hai, cũng không dễ dàng chiếm được
1% thị trường, vì vậy bạn trông thực sự ngớ ngẩn với lời nói giả bộ như vậy.
Thay vào đó, hãy nhận rõ và đánh giá những khó khăn có thể để một công ty
đến thành công.
Tóm lại, cần phải thận trọng trong quá trình đàm phán để kêu gọi vốn đầu
tư, vì cái đích cuối cùng mà bạn hướng tới vẫn là nguồn vốn đầu tư mà bạn
cần. Tuy nhiên, nếu bạn chuẩn bị nhận vốn của VC, thì hãy chuẩn bị đối mặt
với các áp lực và có thể cả mất mát. Bạn phải học cách làm việc với nhà đầu
tư VC sao cho vừa đảm bảo kế hoạch kinh doanh của mình không bị bóp
méo trong khi vẫn thỏa mãn các mục tiêu đã ký kết. Cuối cùng, không phải
mọi VC đều giống nhau, hãy chọn nhà đầu tư tâm huyết và thông hiểu dự án
của bạn nhất, thiếu điều này mọi sự hợp tác và tiền bạc đều sẽ thành vô
nghĩa.
(Theo Tạp chí Nhà quản lý)