Những thương hiệu "đỉnh" nhất ra đời
như thế nào?
Những cái tên iPod, BlackBerry, Firefox, ThinkPad đều thể hiện đậm
nét chất tinh tế, nhưng vẫn mang sự phá cách, đôi khi hài hước đặc
trưng của dân công nghệ. Tìm hiểu về nguồn gốc của các thương
hiệu này trên thực tế cũng thú vị không kém bản thân chúng.
iPod: tương lai nằm trên máy nghe nhạc MP3
Trong quá trình phát triển máy nghe nhạc MP3 của Apple vốn lúc đó vẫn
chưa có tên, giám đốc Steve Jobs bình luận: Mac sẽ là trung tâm kết nối
cho các thiết bị điện tử trong nhà. Vinnie Chieco, một tay thiết kế sản phẩm
chuyên nghiệp được Apple thuê ngày đó nhanh chóng “khắc cốt ghi tâm”
lời ông chủ tịch. Sau một thời gian dài thảo luận, thử nghiệm, cuối cùng
Vinnie cũng tìm được liên tưởng thích hợp: tàu vũ trụ. Bạn có thể rời tàu,
nhưng sẽ phải quay lại để nạp năng lượng. iPod, máy nghe nhạc thanh lịch
ấn tượng sẽ là chiếc “pod” - phương tiện cá nhân trên các tàu vũ trụ. Chữ i
sau này được bổ sung để nhấn mạnh mối liên quan với iMac, và thế là thế
giới có thêm iPod!
BlackBerry: niềm đam mê ngọt ngào
Research in Motion (RIM) thì thuê hãng thiết kế sản phẩm Lexicon
Branding lên ý tưởng cho một thiết bị gửi-nhận email không dây vào năm
2001. Lexicon cố vấn RIM không sử dụng chữ “email” vì có thể làm
“nghiêm trọng hoá” vấn đề không cần thiết. Thay vào đó, họ chọn cái tên
có thể gây thích thú và yên tâm cho người dùng. Tiếp đó, nhờ nhận xét các
nút bấm nhỏ nhắn trên BlackBerry trông giống như hạt cây, Lexicon thử
qua đủ loại tên cây cỏ: từ strawberry, melon (dưa hấu) và cuối cùng dừng
ở Blackberry – cái tên êm tai mà vẫn khiến người dùng liên tưởng đến vỏ
màu đen của sản phẩm.
Firefox: lận đận đường tên tuổi
Chọn cái tên gợi nhớ sản phẩm mà chưa bị ai “xí” mất quả không dễ.
Mozilla ban đầu đặt tên trình duyệt mới của mình là Firebird, nhưng nhanh
chóng phải bỏ nó vì trùng với một dự án mã nguồn mở khác. Cái tên
Firefox hiện tại (Firefox - "cáo lửa" thực ra lại là tên khác của gấu trúc đỏ
Bắc Mĩ) được ban giám đốc Mozilla chọn vì “dễ nhớ, nghe hay hay, và độc
nhất vô nhị. "Đơn giản vì chúng tôi thích nó!" Ý tưởng của dân “tay ngang”
đôi khi đạt kết quả không kém gì dân chuyên nghiệp!
Windows 7: đơn giản, vì tôi là thứ bảy
Trái với truyền thông đặt tên “bay bổng” như XP (eXPerience - trải nghiệm)
hoặc Vista, HĐH mới nhất của Microsoft chỉ giản dị “Windows 7”. Mike
Nash, phó giám đốc tiếp thị Windows giải thích đơn giản: “Đây là phiên bản
đời thứ 7 của dòng Windows, vì thế “Windows 7” có ý nghĩa sâu sắc.”
Nhưng vài kẻ “độc miệng” lại bình phẩm: Microsoft buộc phải chọn số “7”
cụt ngủn để tránh xa cái “dớp” thất bại nặng nề của Vista do có quá nhiều
thứ hào nhoáng, rắc rối, không cần thiết!
ThinkPad: Giản dị là chìa khoá thành công
Những notebook đầu tiên xuất hiện năm 1992 của thế kỉ trước từng làm
hãng tiên phong IBM đau đầu về tên gọi. Đội ngũ thực hiện sản phẩm
muốn có một cái tên đơn giản, như ThinkPad. Nhưng hội đồng quản trị cao
cấp của hãng lại không thích thế, vì mọi sản phẩm của IBM đều có số đi
kèm. Hơn nữa, làm sao để dịch ThinkPad sang ngôn ngữ khác? Nhưng
cuối cùng, ThinkPad trở thành tên chính thức và mang lại thắng lợi rực rỡ
cho IBM khi ra mắt. Thương hiệu này được bán cho Levono, Trung Quốc
vào năm 2005.
Google Android: giữ bí mật đến phút chót
Bạn có thể từng nghĩ nguồn gốc cái tên Android, sản phẩm của liên minh
mã nguồn mở Open Handset Alliance do Google đứng đầu phải rất đặc
biệt. Nhưng trên thực tế, Android chỉ là tên một công ty nhỏ do Google mua
lại vào năm 2005, được báo chí đưa tin “chuyên về phần mềm cho điện
thoại di động”. Thành quả của thương vụ đầy bí ẩn này là chiếc T-Mobile
G1 và nền tảng Android vào cuối năm 2008 - được đánh giá là đối thủ tiềm
năng của iPhone đến từ Apple lẫn Windows Mobile của Microsoft.
Wikipedia: Tên sao người vậy!
Theo tổ chức Wikipedia, tên của bộ từ điển bách khoa toàn thư mở do
người dùng đóng góp này phản ánh đúng bản chất của nó: wiki là từ
chuyên ngành chỉ các công việc cần phối hợp làm việc, trong khi pedia đến
từ encyclopdia (bách khoa toàn thư). Nhờ sản phẩm thành công ngoài sức
tưởng tượng, Wikipedia cũng “ăn theo” và trở thành thương hiệu phi lợi
nhuận nổi tiếng.
Mac OS X: Thanh lịch như… mèo
Cái tên OS X của Mac cũng giản dị như Windows 7: X là số 10 trong bảng
số La Mã, thể hiện phiên bản hệ điều hành thứ 10 của Apple. Nhưng điều
làm fan Apple “bất bình” nhất là nhiều người lại thường đọc thành chữ “X”
trong bảng chữ cái. Các tên mã đi kèm mỗi phiên bản OS X: Puma,
Jaguar, Panther, Tiger - đều là “hổ báo” họ nhà mèo - thể hiện phong cách
của HĐH này: thanh lịch và quí phái.
Red Hat Linux: Giản dị nhưng nhiều ý nghĩa
Bob Young, đồng sáng lập Red Hat cho biết cái tên “Mũ đỏ” có nhiều
nguồn gốc. Trước hết, màu đỏ (Red) tượng trưng cho sự giải phóng và đổi
quyền sở hữu - rất thích hợp với sản phẩm mã nguồn mở. Ông vốn thích
đội chiếc mũ cao bồi đỏ của ông ngoại trong trường đại học, và được bạn
bè nhờ sửa máy gọi đơn giản “chàng mũ đỏ”. Và cuối cùng, nhà sáng lập
Ewing có thói quen đặt tên mã cho các dự án của mình là Red Hat 1, Red
Hat 2 v.v. Dự án hệ điều hành mã nguồn mở theo đó cũng mang tên “Red
Hat Linux”.