NHỮNG KỸ NĂNG MỀM BẠN
CẦN BIẾT !!!
Chọn thái độ cho mình
Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nó chính
là môi trường khắc nghiệt cho ta trưởng thành hơn.
Có lẽ vì vậỵ mà không ai có thể tránh được vấp phải những khó
khăn gạp phải những tình huống khó xử… Và đứng trước những thử thách
ấy, bạn sẽ chọn cách đối mặt thế nào nhỉ, bạn sẽ chỉ nhìn sự việc một cách
nhẹ nhàng hay là quan trọng hóa để giải quyết nó.
Hôm đó, hai đứa tôi đi hội chợ. Do đông người, chen lấn, mà cả hai
bị rơi tiền. Phải nói là tôi rất xót, lẩm bẩm tự trách mình. Vì thực ra chúng
tôi cũng không phải khá giả gì cho lắm. Còn cô bạn tôi vẫn vô tư, an ủi tôi “
Trên đời được mất ngang nhau, đừng tiếc làm gì, mất cái này, được cái
khác”. Về nhà tôi vẫn thật thà “Bà không thấy tiếc sao”. “ Chuyện đã rồi, bà
cứ cứ tin lời tui nói thế đi. Ngồi tiếc có giải quyết được gì đâu, lần sau thì
cẩn thận hơn ”. Dù không biết “ sẽ được cái khác” như con bạn nói không,
nhưng suy nghĩ đó cho tôi thấy nhẹ nhàng và đỡ tiếc tiền hơn.
Trong nhóm tổ chức đi dã ngoại, Hương và Hoa không để ý, nên 2
cô bạn quên mang giày (2 đứa ở cùng phòng). Mọi người trách, cái Hoa
nóng mặt quay sang nói cô bạn “ Mình đã bảo rồi không nghe, cứ bảo đi
giày làm gì, giờ có phải khổ không”. Lời trách móc, làm ai cũng nhìn ái ngại
cho cả hai người. Trong khi đó thì Hương vẫn điềm tĩnh” Đằng nào cũng
rồi, nên nghĩ sao đi mượn đôi giày gần đây đi đã”. Cũng là cách nhìn nhận,
giải quyết một sự việc, nhưng người ta có thể đánh giá tính cách con người
vậy đó. Cách giải quyết của Hương khiến người ta yên tâm, và thoải mái
hơn, không phải mang không khí nặng nề như cái Hoa.
Hôm ấy khóa tôi có cuộc thi vấn đáp để kết thúc môn, phải nói là
môn này khó bởi không chỉ trong đề cương, mà thầy cô có thể hỏi ngoài,
yêu cầu làm thực hành nữa, để đánh giá đúng tình trạng học sinh. Sự lo lắng
thấy rõ trên khuôn mặt tất cả những thí sinh…Có nhiều bạn, chăm chú đọc
lại bài, có nhiều bạn ra vẻ cầu nguyện nhưng có nhiều người thái độ rất
thoải mái.
Qủa thực, nhìn thái độ của họ, mình cũng thấy tĩnh tâm lây, tò mò “
Chắc ấy học chắc môn này lắm ah?” —“ Không, tớ cũng lo lắm chứ, nhưng
đằng nào cũng phải lên thớt mà, lo lắng chỉ tạo thêm áp lực mà thôi. Theo
mình cứ thoải mái thì mới tự tin trả lời câu hỏi được chứ”
Ưh đúng, tại sao mình cứ tạo ra áp lực cho mình làm gì nhỉ. Thật sự
từ tối hôm qua tận giờ tôi cứ lóng ngóng, hồi hộp, lo sợ kiểu gì đó, cũng
không muốn ăn nữa đó chứ. Mặc dù tôi đã ôn bài kĩ từ mấy ngày trước rôì.
Còn nhiều môn thi nữa mà, tôi cứ tạo cho mình áp lực lớn thế này thì không
phải là tốt.
Khi đứng trước một vấn đề cũng vậy, mỗi người sẽ có cách suy
nghĩ, nhìn nhận riêng. Mình nghĩ để vượt qua nó thì không khó, nhưng quan
trọng là vượt qua nỗi sợ cố hữu trong bạn trước đã. Đó chính là chiến thắng
suy nghĩ trong mỗi người mà thôi. Luôn đơn giản hóa vấn đề, hãy biết chấp
nhận mọi chuyện theo hướng tích cực nhất, có lẽ nó sẽ đem lại cho bạn
nhiều lợi ích hơn đấy các ấy nhỉ.
Bạn đã biết cách hài hước?
Khi trò chuyện với bạn bè, người yêu, đôi lúc cũng cần phải tạo
không khí vui vẻ bằng những câu đùa vui.
Nhưng đôi khi bạn khiến mọi người phải im bặt vì mức độ “quá
trớn” khi gây cười
Đùa nhưng…không vui
Lúc mọi người căng thẳng, buồn bã gặp áp lực hay mâu thuẫn,
những bạn lạc quan, vui vẻ thường cho rằng: “Cách tốt nhất là hãy khuấy
động không khí bằng cách gây cười, điều này sẽ khiến mọi người đơn giản
hóa vấn đề và không khí sẽ lắng dịu xuống ngay”. Và thế là bạn ấy sẽ tìm
cách kể chuyện cười, chọc ghẹo một bạn nào đó trong nhóm để bạn ấy hết
nhăn nhó, kể một câu chuyện bịa, nói lại một tình huống có thật rất thú vị…
Nếu may mắn, sẽ có một vài người cười, còn không, họ sẽ im lặng, sau đó
bình luận: “Chẳng có gì buồn cười cả”
Đ.Anh (lớp 12 trường THPT Trương Vĩnh Ký) chia sẻ: “Hôm nọ,
vừa vô lớp học thì thấy hai cô bạn trong lớp đang cãi nhau, có vẻ rất nghiêm
trọng. Hai bạn này lại nằm trong ban cán sự lớp, nếu không giảng hòa thì
ảnh hưởng đến lớp rất nhiều. Mình chen vào đám đông, hỏi: “Có chuyện gì
nào?”. Một vài bạn trong đám đông giải thích lại. Mình thản nhiên bảo:
“Thôi, mọi người bình tĩnh, có gì ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng
bánh rồi cùng phân tích, trong chuyện này không ai đúng chẳng ai sai hết.
Mọi người nghe chuyện này của mình nè, hồi sáng, lên Facebook, mình có
đọc một câu chuyện cười cực hay… Mình kể xong câu chuyện đó thì có vài
người cười, đám đông giải tán còn hai ban cán sự lớp thì hỏi: “Chuyện đó
thì liên quan gì đến chuyện bọn mình?”, rồi bỏ đi. Mình vẫn chưa giúp họ
làm hòa được, còn những bạn cười trong đám đông thì có giải thích lại rằng:
“Thấy ông…vô duyên quá nên tui cười”. Phải nói là mình quê không để đâu
cho hết. Mình nhận ra, không phải câu chuyện đó mình thấy buồn cười thì
có nghĩa là người khác cũng thấy thế. Hơn nữa, trong tình huống của họ, gây
cười không phải là một cách khôn ngoan”
Chọc ghẹo không khéo sẽ khiến người khác nổi giận
Nhiều bạn không biết cách đùa, cứ nhằm vào khuyết điểm của
người khác để làm trò cười. Dù chỉ là bạn bè đùa vui với nhau giây lát,
nhưng “nạn nhân” (người bị chọc) thì nghĩ rằng người hài hước đã hơi quá
đáng và có ý mỉa mai. Hơn nữa, đùa cợt bằng cách cứ lặp đi lặp lại một câu
chuyện thì tính chất gây cười sẽ không còn.
Thùy Trang (lớp 10 trường THPT Võ Trường Toản) bày tỏ: “Mình
thấy nhiều bạn hay chọc cười bằng cách nói người khác mập, ốm, hô, có
mụn, đen…, rồi tô đậm, nhấn mạnh lên điều đó, pha trò bằng trí tưởng
tượng. Có thể người bị chọc sẽ xí xóa, cho qua, nhưng nếu cứ liên tục chọc
thì người ấy sẽ cảm thấy bị tổn thương. Điều đó không nên chút nào. Bên
ngoài có thể người ta không phản ứng gì, nhưng bên trong biết đâu đang rất
giận người chọc”
Những tình huống “dễ quê” khác
“Nhỏ bạn mình vừa chia tay bạn trai chỉ vì chuyện chiếc xe máy hư.
Xe máy của nhỏ hư, nhỏ nhờ bạn trai qua sửa nhưng bạn trai bận, hai đứa
cãi nhau sao đó, rồi chia tay. Nhỏ khóc rồi kể lể với mình. Mình muốn tạo
sự hài hước cho nhỏ, nên thay vì quan tâm tới chuyện chia tay, mình lại…
chỉ nhỏ cách sửa xe! Nhỏ thoát nick ngay lập tức, cả tuần nay không thèm
nhìn mặt mình” — Một bạn nam có nick thunderstormxxx kể lại
“Mình kể cho người ấy nghe một câu chuyện hơi bậy. Người ấy
không hiểu nên mình giải thích lại. Và thế là người ta giận, nói mình không
đàng hoàng. Trong khi điều mình muốn là người ta thấy vui. Hình như mình
đã sai lầm vì con gái thường không hợp với những câu chuyện như vậy” —
Minh Tuấn (lớp 11 trường THPT Thạnh Lộc) cho biết
Hài hước đúng lúc sẽ có tác dụng cao
Những bạn không có sẵn khả năng hài hước thường chỉ chọc cười
theo khuôn mẫu: cường điệu hóa vấn đề, kể lại truyện cười sưu tầm được,
hoặc nói chuyện “đen tối”… Nhưng mỗi người có một gu cười khác nhau,
chuyện này khiến người A cười nhưng người B sẽ cảm thấy “nhảm nhí”
hoặc ngược lại, và vui hay không còn tùy thuộc vào tâm trạng, hoàn cảnh
nữa… Hãy hài hước bằng những lời nói vui nhẹ nhàng, không gây ảnh
hưởng đến ai và tạo cho người đối diện cảm giác thoải mái, chứ không phải
cố gây cười để rồi mọi người thản nhiên còn bạn thì “đỏ mặt”
Demi Twinkle
Bí quyết giao tiếp của Abraham
Lincoln
Từ một người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội, ông trở thành
một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ.
Cũng một phần nhờ việc áp dụng một số nguyên tắc giao tiếp đơn
giản, nhanh chóng và hiệu quả, Abraham Lincoln đã thu được kết quả đáng
ngạc nhiên. Từ một người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội, ông trở
thành một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ. Dưới đây là 7 bí
quyết quan trọng nhất trong giao tiếp và lãnh đạo mà Lincoln đã hiểu và
nắm bắt được.
Nếu muốn giao tiếp một cách hiệu quả, bạn phải có điều gì đó để
nói
Giao tiếp chính là chia sẻ. Nhưng bạn không thể chia sẻ những gì
bạn không biết. Một nhà văn hay một người diễn thuyết dù có nói hay như
thế nào đi nữa nhưng nếu họ không muốn đề cập đến 1 vấn đề hoặc điều mà
họ nói là không đúng thì sớm hay muộn, họ sẽ bị lật tẩy.
Lincoln đã viết thư cho một luật sư: “Thực ra điều đó rất đơn giản,
bạn chỉ cần chăm chỉ và kiên trì. Hãy lấy những cuốn sách, đọc và nghiên
cứu chúng kỹ lưỡng… Vấn đề chính ở đây là lao động, lao động và lao
động.”
Ảnh minh họa nguồn telegraph
Sử dụng các câu chuyện, phép so sánh và hình ảnh.
Nếu bạn muốn trở thành một người diễn thuyết có khả năng thuyết
phục thì nói đúng thôi thì chưa đủ. Khán giả sẽ nhanh chóng quên mất các
sự kiện, các con số và các lý lẽ mà bạn đưa ra. Tuy nhiên, họ sẽ nhớ những
câu chuyện và những ví dụ cũng như hình ảnh và chất thơ trong lời nói của
bạn. Đừng nói mà hãy chỉ cho khán. Hãy tạo nên một bức tranh và họ sẽ
mang nó theo.
Đặt câu hỏi
Khi còn là một luật sư, Lincoln đã nhận thấy sức mạnh của các câu
hỏi có thể kháng kiện.Những câu hỏi hay có tác dụng rất lớn trong giao tiếp
và lãnh đạo. Tuy nhiên, chúng lại thường không được sử dụng triệt để. Bạn
có thể dùng câu hỏi để thu thập thông tin hay để dẫn dắt cuộc đối thoại.
Thông thường, người đối thoại thậm chí sẽ không biết là bạn đang dẫn câu
chuyện. Thông qua các câu hỏi, bạn có thể khiến họ nghĩ tới một chủ đề mà
trước đó họ chưa từng nghĩ tới và hướng họ xem xét vấn đề đó theo một góc
nhìn khác
Am hiểu người nghe
Nếu bạn muốn diễn thuyết có hiệu quả, bạn phải tìm hiểu thính giả
của mình càng nhiều càng tốt. Hãy xem xét những người bạn bạn đang cố
gắng giao tiếp là ai. Một số người muốn nghe tất cả các chi tiết. Một số
người khác lại chỉ muốn nghe tóm tắt. Một số người bị dẫn dắt bởi cảm xúc,
một số khác lại không tin vào cảm xúc.
Hãy để ý tới khán giả để quyết định họ có sẵn sàng nghe, sẵn sàng
làm theo không. Henry Davi Thorea đã từng nói: “Để nói sự thật, bạn phải
mất hai lần. Một lần để nói và một lần để lắng nghe”.
Thuyết phục khán giả rằng bạn là người tốt nhất và hiểu rõ những
sở thích của họ
Khi bạn nói trước đám đông, bạn sẽ tạo ra tác động lớn nhất nếu bạn
nghĩ tới bản thân mình, bạn không nên chỉ diễn thuyết mà hãy nói như là
bạn đang nói chuyện với một người bạn về chủ đề mà bạn cho là quan trọng
với họ.
Lincoln đã trích dẫn trong các bài nói chuyện của mình: “Một giọt
mật ong thu hút nhiều ruồi hơn là một gallon mật đắng”. Ông còn khuyên:
“Nếu bạn muốn chiến thắng một người mà khiến họ phục thì đầu tiên hãy
thuyết phục anh ta rằng bạn là một người tốt…Ngược lại, cố gắng hướng
anh ta đánh giá theo cách của bạn, hoặc ra lệnh cho anh ta hành động, hoặc
khiến anh ta nghĩ rằng mình bị bỏ rơi và xa lánh thì anh ta sẽ tự dằn vặt
mình, khép mọi cánh cửa tới suy nghĩ và tình cảm của anh ta…”.
Cân nhắc các hệ lụy của thông điệp bạn gửi đi
Hãy cân nhắc tác động của những thông điệp mà bạn gửi tới khán
giả trước khi bạn thực sự gửi nó đi. Nếu bạn định nói điều gì đó khiến ai đó
không hài lòng, hãy tự hỏi: “Một thông điệp đầy sự tức giận sẽ mang lại
điều gì?”, “Nó có phá vỡ mối quan hệ đó không?”, hoặc “Điều đó có tạo ra
hậu quả gì không?”. Lincoln đã từng viết: “Không một người nào vừa tự
đánh giá bản thân mà vẫn có thể tự đấu tranh. Thà tước lấy quyền của một
con vật hơn là để cho nó cắn rồi mới trừng phạt”.
Trau dồi khả năng mỗi ngày
Lincoln luôn thể hiện hết mình với những ý tưởng hay nhất và
những phương thức giao tiếp tốt nhất của ông. Khi còn là một thanh niên,
ông đắm mình vào các cuốn sách như như tiểu sử của George Washington,
các nhân vật như Cicero, Demonsthenes, Franklin, và các vai kịch như
Hamlet, Falstaff và Henry V. Sự tự tiến bộ không cần kinh nghiệm cá nhân.
Lincoln tự mài giũa các kỹ năng giao tiếp bằng cách trở thành thành viên
của các nhóm văn học và các hội phê bình.
Và Lincoln cũng tìm kiếm sức mạnh của sự chỉ trích. Ông nhận ra
rằng một lời chỉ trích đúng khi bạn làm sai còn có ích hơn hàng ngàn câu nói
tâng bốc bạn. Tuy nhiên, Lincoln không để sự chỉ trích làm huỷ hoại sự tự
tin và ý chí lãnh đạo. Sự chỉ trích chỉ là phương tiện thông tin.
Hãy làm mọi việc hàng ngày. Dù đó là việc nhỏ nhất nhưng sẽ có
ích cho bạn. Đó là cách giúp bạn trở thành người giao tiếp giỏi – hãy tiến
từng bước một.
Theo Pháp luật – kynang.edu
Để lời từ chối trở nên ngọt ngào
Sẽ rắc rối to nếu teen mình ai nói gì cũng ừ và nghe theo, nhưng từ
chối không đúng cách còn gây nhiều “thiệt hại” hơn nữa.
Kĩ năng teen kì này sẽ chỉ cho bạn một vài mẹo hay hay trong giao
tiếp để khi bạn nói lời từ chối, phía kia vẫn hài lòng.
BẠN CÓ DÁM NÓI “KHÔNG”?
Diệp Vũ Quyền (SV năm I, ĐH Hoa Sen) chọn cách “ậm ừ cho có”
thay lời từ chối. Cách này giống như kiểu “tung hỏa mù” khiến đối phương
“không biết đâu mà lần” và cho qua chuyện, tưởng là tiện nhưng lại nhiều
lần khiến Quyền tím tái mặt mày. Một lần, khi bạn đem dụng cụ học tập, sản
phẩm sản xuất tại cơ sở gia đình, đi tiếp thị, một cửa hàng đề nghị lấy hàng
bằng một nửa giá chào hàng. “Mình nghĩ từ chối thì mất lòng, nên mình…
gật đầu, hứa mai đem đến, rồi chuồn mất”, Quyền kể lại. Sau hôm đó ba má
Quyền xém mất mối làm ăn còn anh bạn thì tiu nghỉu vì bị ba mẹ “cảnh cáo”
cả tuần.
Lần khác, khi tham gia tập luyện môn Karate tại Trung tâm Đào tạo
Vận động viên Võ thuật Q.11, vì sợ thầy giận mà Quyền đánh liều gật đầu
khi thầy giới thiệu vào đội tuyển thành phố, rồi sau đó… bỏ sân tập. Đến giờ
Quyền vẫn còn canh cánh: “Chỉ vì không dám từ chối mà thầy và bạn bè
chắc đã thất vọng về mình lắm”.
Một lời từ chối cũng có thể gây nhiều “sóng gió”, như Gia Ân
(11B4, THPT Nguyễn Hữu Cảnh) không dám khước từ tình cảm của một
anh chàng thích mình vì người bạn đó có thói quen tự hủy hoại cơ thể bằng
dao lam, dầu nóng, rượu bia… “Mình rất khổ tâm, không thích bạn ấy
nhưng không dám nói vì sợ bạn ấy làm chuyện không hay” Ân kể. Sau này,
khi không thể gắng gượng được nữa, Ân mới đánh liều từ chối mà nơm nớp
lo sợ. Đến khi bạn đó bình tĩnh lại Ân mới dám thở phào.
Nhưng nhiều trường hợp từ chối thẳng thừng và không khéo lại gây
tổn thương cho người đối diện, như trong đợt vận động tập luyện flasmob
tham gia hội trại của trường, Đoàn Thị Hạnh (11A8, THPT Trần Quang
Khải, Q.11) “sốc” khi nhận được những từ chối rất khó nghe: “Động tác gì
mà như con điên, ai mà dám tập!”.
“NGHỆ THUẬT” TỪ CHỐI
Anh Lê Tuấn Anh, Giám đốc điều hành YUP – Học viện đào tạo kĩ
năng khởi nghiệp, tư vấn cho teen những bí kíp để “lời từ chối trở nên ngọt
ngào” hơn nè.:
- Nếu bạn phải “gánh” một nhiệm vụ quan trọng (tổ chức sự kiện,
sửa chữa đồ dùng…) nhưng hoàn toàn không có khả năng thì việc nhận lời
đồng nghĩa với làm hỏng việc. Vì thế, nếu nhận thấy bản thân chưa đủ khả
năng để đáp ứng hoặc hoàn cảnh không cho phép, hoặc đó là lời mời, đề
nghị không có ý tốt, hãy từ chối thẳng thắn.
- Hãy cân nhắc kĩ trước khi nói lời từ chối với một ai đó. Đầu tiên,
bạn cần xem xét có nên từ chối trong tình huống ấy không, để tránh hối hận
về sau. Kế đến, lưu ý đối tượng mình từ chối là ai. Với bạn bè thân, từ chối
lúc cần thiết không có gì khó khăn. Trong công việc, nếu đối phương là
người mạnh mẽ, thẳng thắn, có kiến thức rộng, tầm nhìn xa thì họ rất dễ
chấp nhận lời từ chối, bạn cứ thẳng thắn để họ tìm giải pháp khác. Với
những người mềm yếu, bạn nên nêu rõ khó khăn của mình để họ cảm thông
và cho đối phương biết rằng: dù bạn từ chối, nhưng họ vẫn quan trọng với
bạn.
- Đừng bao giờ hứa hẹn nếu bạn không chắc mình có thể thực hiện
được. Để người khác chờ đợi, hi vọng rồi sau đó bạn lại không thực hiện, họ
sẽ rất thất vọng, uy tín của bạn cũng sẽ mất đi.
TRƯƠNG TUẤN
Làm thế nào để cải thiện khả năng
tập trung và ghi nhớ
Khả năng tập trung và ghi nhớ là hai kỹ năng liên quan trực tiếp đến
nhau. Trong thực tế, nhiều người hay phàn nàn về khả năng ghi nhớ mọi
thứ.
Họ hoàn toàn không thể tập trung vào công việc trước mắt. Một ví
dụ nhỏ như sau: khi đi mua sắm xong, bạn không nhớ rằng đã đậu xe ở đâu.
Đó là do bạn đã không quan tâm tới việc đã đậu xe ở đâu và bộ não có rất ít
thông tin để tìm thấy xe, cũng giống như việc chúng ta không nhớ đã để mắt
kính của mình ở đâu.
Nhiều hành động chúng ta làm theo phản xạ tự nhiên. Nhưng để tập
trung vào việc gì thì phải nỗ lực. Như bạn đã biết, tuổi càng cao thì càng mất
nhiều thời gian để xử lý thông tin. Bởi vì khi lớn tuổi, bộ não sẽ giảm tốc độ
xử lý thông tin. Khi đó, điều quan trọng nhất là gạt bỏ sự đãng trí để tăng
khả năng tập trung.
Theo thời gian, chúng ta sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong
việc chú ý cái gì đó. Thế nhưng bạn có biết, cố gắng tập trung vào công việc
là chìa khóa để có trí nhớ tốt hơn. Vậy làm thế nào để cải thiện khả năng tập
trung và ghi nhớ?
Một giải pháp chung để có một bộ não khỏe mạnh là giữ gìn sức
khỏe cho bộ não bằng cách duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục,
kích thích tiếp thu kiến thức, điều khiển sự căng thẳng và tham gia nhiều
hơn vào các hoạt động xã hội.
Làm thế nào để tăng khả năng tập trung?
* Tập trung vào công việc trước mắt. Ví dụ như khi bạn đang nói
chuyện với ai thì tập trung đặt câu hỏi, khi đọc sách thì cố gắng tóm tắt câu
chuyện và kể lại cho ai đó.
* Tránh để bị sao lãng, không nghĩ đến những việc khác, mà chỉ tập
trung vào công việc trước mắt. Công việc càng khó thì việc tránh không để
bị sao lãng càng quan trọng.
* Không làm hai việc một lúc, khi đó bạn sẽ mắc nhiều lỗi hơn và
sẽ chi phối sự chú ý. Khả năng tập trung là có giới hạn. Khi làm nhiều việc
cùng một lúc thì bạn phải phân bổ sự tập trung của mình và khi đó khả năng
tập trung sẽ giảm trong từng công việc.
* Hãy suy nghĩ. Một vài nghiên cứu đã cho thấy rằng suy nghĩ có
thể là một công cụ hữu hiệu trong việc rèn luyện trí não và nó ảnh hưởng
trực tiếp đến khả năng tập trung.
Làm thế nào để cải thiện trí nhớ?
Trước tiên, chúng ta phải chú ý và tập trung vào vấn đề (đã hướng
dẫn ở trên).
Những thông tin càng riêng tư thì càng dễ nhớ. Vì vậy, hãy tự hỏi
mình đã nghe thông tin đó ở đâu, thông tin đó làm bạn cảm thấy như thế nào
và có điều gì trong cuộc sống hằng ngày liên quan đến mẩu thông tin đó
không.
Nhắc đi nhắc lại những điều cần nhớ. Hàng ngàn cuộc nghiên cứu
đã cho thấy rằng với việc nhắc đi nhắc lại sẽ giúp ghi nhớ một cách dễ dàng
hơn. “Phục hồi khoảng trống” (phương pháp mà một người được gợi ý để
nhớ lại mẩu thông tin trong khoảng thời gian khác nhau) là một trong những
phương pháp hiếm hoi đạt được ít nhiều kết quả đối với bệnh nhân mắc
bệnh Alzeimer (Alzeimer là một chứng mất trí phổ biến nhất).
Những điều cụ thể và mang ý nghĩa rõ ràng sẽ dễ nhớ hơn là những
cái trừu tượng và mơ hồ. Liên kết các thông tin với nhau sẽ giúp dễ ghi nhớ
hơn. Khi đó, bộ não sẽ có nhiều gợi ý hơn để tìm kiếm thông tin. Ví dụ: hình
ảnh dễ ghi nhớ hơn lời nói, vì vậy hãy cố gắng phác họa thông tin rồi ghi
nhớ chúng. Việc nhớ những con số và tỷ lệ phần trăm cũng dễ nhớ hơn so
với một hình ảnh đồ thị. Hãy liên hệ những thông tin hiện có với những điều
mà bạn đã biết rồi.
Làm thế nào để nhớ tên người khác?
Chúng ta thường quên tên của người khác trong vài giây ngay sau
khi họ giới thiệu. Trong hầu hết các trường hợp này là do chúng ta không
chú ý hoặc thiếu tập trung. Cũng có thể là do cái tên đó không mang một ý
nghĩa gì đặc biệt nên rất khó để ghi nhớ. Giả sử, hôm nay bạn làm quen với
một người tên Kim.
1. Chú ý cái tên. Nếu bạn nghe không rõ tên cô ấy thì hãy hỏi lại
một lần nữa. Hãy nỗ lực để ghi nhớ tên của cô ấy bằng cách nói “tập trung
vào cái tên” hay “tên của của cô ấy là Kim, tôi muốn nhớ cái tên đó.”
2. Liên kết cái tên đó bằng cách tự hỏi mình: Người này làm bạn
cảm thấy như thế nào? Bạn có biết ai tên Kim nữa không? Hãy suy nghĩ về
người này như “Cô ấy có vẻ hơi lo lắng, tôi tự hỏi tại sao cô ấy lại làm tôi
cảm thấy khó chịu, và cô ấy chẳng giống với Kim mà tôi biết ở phòng tập
thể dục”.
3. Lặp đi lặp lại cái tên: trong khi trò chuyện, bạn hãy nhắc tên cô
ấy nhiều lần (ví dụ “bạn nghĩ sao về chuyện này hả Kim?”). Nếu có thể, sau
này bạn hãy sử dụng name card và lặp đi lặp lại tên cô ấy.
4. Xây dựng thông tin dựa trên cái tên: liên hệ cái tên đó với những
thông tin trước đây (ví dụ như: “Kim, Kim Wilde, một nữ ca sĩ nổi tiếng mà
tôi đã từng nghe từ khi tôi còn nhỏ, và chắc chắn rằng cô Kim này chẳng
giống với Kim Wilde”. Hãy ghi nhớ hình ảnh khuôn mặt của cô ấy ngay sau
khi bạn nhắc tên cô ấy nhé.
Hy vọng những lời khuyên này sẽ giúp ích cho các bạn!
STEPPE
Học cáh tiết kiệm
Một “kế hoạch chi tiêu” hoặc “kế hoạch tài chính” có thể không như
mong muốn, nhưng chỉ khi thực hiện một cách nghiêm túc thì mới biết được
nó có hiệu quả hay không.
1. Ngân quỹ và tiết kiệm tiền
Hãy dựa vào những ghi chép chi tiêu cá nhân để lên kế hoạch tiêu
tiền hợp lý trong thời gian sắp tới. Một “kế hoạch chi tiêu” hoặc “kế hoạch
tài chính” có thể không như mong muốn, nhưng chỉ khi thực hiện một cách
nghiêm túc thì mới biết được nó có hiệu quả hay không. Hãy thường xuyên
so sánh những chi tiêu thực tế hằng ngày với kế hoạch đề ra ban đầu. Lúc
đầu, mọi thứ có thể không khớp với những khoản đã chi, và bạn phải sửa lại
cho đến khi nó phù hợp với mục tiêu.
2. Tại sao chúng ta cần phải có ngân quỹ ?
Nó giúp chúng ta tiết kiệm thời gian để không phải băn khoăn khi
đưa ra quyết định có nên mua món hàng đó hay không.
Nó giúp bạn có thể mua được cái bạn muốn cũng như cái bạn cần,
và thậm chí đôi khi cho phép bạn chi tiêu có phần hơi thoải mái.
Nó sẽ cho bạn thêm kinh nghiệm trong việc lên kế hoạch cho những
khoản chi tiêu và tiết kiệm, điều đó rất có giá trị trong cuộc sống hằng ngày.
Nó cho phép bạn để dành tiền để có thể mua những món hàng khác
mà bấy lâu không có đủ tiền.
Hãy chi tiêu một cách tiết kiệm ngay từ bây giờ nhé.
3. Kế hoạch tiết kiệm
Để có thể tạo ngân quỹ cho riêng mình, bạn nên để dành một khoản
tiền, dù ít nhay nhiều không quan trọng. Tiết kiệm có nghĩa là để dành một
khoản tiền nhất định một cách đều đặn. Việc đầu tiên khi có tiền là bạn nên
lấy ngay một khoản tiền để cho vào ngân quỹ. Chỉ khi làm như vậy, mới có
thể để dành được.
Khi bạn để dành một khoản tiền thường xuyên như vậy thì sẽ dễ
dàng hơn là khi để dành tiền để đạt được mục đích nào đó. Bất cứ ai có ngân
quỹ riêng sẽ không gặp quá nhiều khó khăn mỗi khi có việc khẩn cấp.
Lý do chúng ta nên tiết kiệm tiền:
Để bạn luôn sẵn sàng chi tiêu cho những việc khẩn cấp hoặc cho
những tiêu xài trong thời gian sắp tới.
Để bạn có thể mua những món hàng khá mắc tiền khác.
Để bạn có thể tập thói quen tiết kiệm và sinh hoạt với một khoản trợ
cấp nhất định.
Cách tiết kiệm tiền:
Gửi bố mẹ để cất giữ dùm, và không lấy lại nhé.
Cho tiền vào nơi mà bạn không thể lấy ra một cách dễ dàng, như
heo đất chẳng hạn.
Tạo một tài khoản và gửi tiền vào ngân hàng.
Mua trái phiếu tiết kiệm.
Bạn đạt được gì khi có thể quản lý tiền chặt chẽ:
Bạn có thêm nhiều món đồ vật yêu thích mà không cần phải xin
thêm tiền.
Bạn sẽ hạn chế những trục trặc với bố mẹ.
Bạn đạt được mục tiêu của mình cũng như mua được những món
hàng giá trị khác.
Bạn sẽ không phải lo lắng hay bận tâm các vấn đề về tiền bạc.
Giúp bạn phát triển kỹ năng để trở thành bà nội trợ giỏi.
4. Ghi chép các khoản chi tiêu
Bước đầu tiên để quản lý tiền bạc một cách hiệu quả là ghi chép lại
các khoản chi tiêu. Ghi chú một cách chính xác và hoàn chỉnh về những
khoản đã chi trong 1 tuần hoặc 1 tháng sẽ tốt hơn. Vào cuối tháng, hãy xem
lại tài khoản của mình và xem tiền của bạn đã đi đâu. Liệu đã tiêu xài đúng
cách chưa hay đã tiêu xài phung phí? Chỉ có bạn mới biết được mình tiêu
xài như thế nào.
Đây là bảng ghi chú các khoản chi phí cho phép tiêu xài và giúp bạn
biết được tài khoản của mình một cách chính xác:
Mẫu ghi chú các chi phí:
Từ ngày__________ đến ngày _____________.
THU NHẬP:
Trợ cấp từ bố mẹ ______________
Thu nhập thêm ______________
Quà tặng, các khoản vay…_______________
Tổng thu nhập _______________
CHI PHÍ CỐ ĐỊNH:
Ăn trưa _______________
Vận chuyển, đi lại _______________
Thiết bị học tập _______________
Quần áo _______________
Đóng góp _______________
CHI PHÍ PHÁT SINH:
Vui chơi, giải trí _______________
Ăn uống với bạn bè _______________
Mỹ phẩm _______________
Đồ dùng cá nhân _______________
Phí tham gia câu lạc bộ _______________
Phụ kiện cá nhân _______________
Những thứ khác _______________
Tổng chi phí _______________
TIẾT KIỆM: _________________________
Sau 2-3 tuần bạn ghi chú lại tất cả những khoản thu chi trong
khoảng thời gian đó rồi đối chiếu với bảng trên và xem trong mỗi khoản như
vui chơi, quần áo, tiền vé xe buýt, liệu bạn có cần chú ý tiết kiệm về khoản
nào hay không.
Bằng cách ghi chép lại như vậy, bạn sẽ biết được khoản nào bạn đã
tiêu xài quá mức và biết được tại sao bạn không thể tiết kiệm tiền để mua
những thứ khác.
5. Bạn tiêu xài như thế nào?
Có nhiều hay ít tiền không quan trọng, mà quan trọng là bạn đã lên
kế hoạch chi tiêu như thế nào. Một số người với kế hoạch tiêu xài hợp lý đã
mua được nhiều thứ hơn khả năng thực sự của họ.
Yếu tô nào quyết định cách bạn chi tiêu?
Đã bao giờ bạn nghĩ tiền thực sự là gì chưa? Thực chất, tiền chỉ là
phương tiện để chúng ta trao đổi những thành quả lao động của mình lấy
thành quả của người khác như: quần áo, thực phẩm, sách, giải trí hoặc
những thức khác mà bạn cần cũng như muốn.
Sự khác nhau giữa cái bạn cần và cái bạn muốn là gì? Bằng một kế
hoạch khôn ngoan để chi tiêu cho việc mua những thứ bạn cần và rồi sau đó
có đủ khả năng để mua những thứ bạn muốn. Bạn biết không, bạn sẽ có một
niềm vui bằng việc thỉnh thoảng tiêu xài có phần thoải mái, một khi đã biết
cách quản lý tiền bạc chặt chẽ đấy.
Những ý định và mục tiêu cá nhân:
Nếu quá thích một món hàng, chắc chắn bạn sẽ sẵng sàng tiết kiệm
tiền để mua bằng được chúng. Vì vậy, những mong muốn cá nhân, những
mục tiêu sẽ chi phối cách chi tiêu. Thậm chí, có khi bạn sẽ xin bố mẹ từng
đồng một để tiết kiệm cho đến khi có đủ tiền mua món đồ mình thích, như
mua một chiếc xe đạp chẳng hạn.
Gia đình:
Ắt hẳn, bố mẹ sẽ rất hài lòng về cách chi tiêu của con cái, nếu bạn
hiểu được và có thể xoay xở chi tiêu gói gọn trong khoản trở cấp nhất định
từ bố mẹ. Từ các bữa ăn trưa ở trường, vé xe buýt, học thêm và các dụng cụ
học tập đến các cuộc vui chơi với bạn bè như đi ăn kem hoặc đi xem phim
nữa, tất cả các chi phí đó không được vượt quá số tiền được trợ cấp. Nếu
làm được, bạn sẽ dư ra một khoản để có thể mua thêm một ít quần áo hay
các phụ kiện trang trí phòng ốc. Sau cùng, bạn sẽ hiểu được rằng bố mẹ để
bạn tự xoay xở với số tiền trợ cấp như vậy là muốn bạn nhận thấy rằng việc
quản lý tiền bạc thực chất chính là trách nhiệm của bạn.
Bạn bè:
Cách tiêu xài của bạn bè thường tác động đến cách chi tiêu của bạn.
Bạn cũng dễ dàng nhận thấy rằng khi bạn bè mua mỹ phẩm hoặc quần áo,
các loại phụ kiện sẽ khiến bạn muốn mua những thứ tương tự như vậy. Cuối
cùng là bạn nhận ra mình thật khi ngốc khi mua những thứ đó. Mặt khác,
nếu bạn bè biết cách chi tiêu hợp lý sẽ ảnh hưởng tích cực đối với bạn đấy.
Teen nhà mình thường phung phí vào những việc sau đây:
1.Tiêu xài vào các cuộc chè chén, vui chơi với bạn bè mỗi khi có
tiền.
2.Ăn uống, mua sắm thoải mái chỉ để thỏa mãn tạm thời.
3.Bị tác động để mua những món hàng không thực sự cần thiết.
oOo
Hy vọng với những lời khuyên trên, các bạn sẽ học hỏi được nhiều
điều hay và áp dụng chúng vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Hoc Nguyen
Để giao tiếp tốt hơn
Học cách giao tiếp hiệu quả là một công cụ hữu ích nhưng thường
bị nhiều người bỏ qua.
Giao tiếp là một phần không thể thiếu trong bất kì công việc hay
tình huống nào của cuộc sống. Học cách giao tiếp hiệu quả là một công cụ
hữu ích nhưng thường bị nhiều người bỏ qua. Hậu quả của việc giao tiếp
kém có thể là một thảm họa, gây lãng phí thời gian, hiểu lầm, những cuộc
họp không hữu ích, làm việc nhóm không hiệu quả và chậm tiến độ công
việc. Để giao tiếp thành công, chúng ta cần ghi nhớ một vài nguyên tắc căn
bản có thể áp dụng ở hầu hết các tình huống trong công việc cũng như trong
môi trường xã hội và gia đình.
Hãy không ngừng cải thiện và vun đắp kỹ năng giao tiếp.
Biết nói cảm ơn
Trước khi bắt đầu thảo luận chi tiết những gì đã chuẩn bị trước, hãy
biểu lộ sự cảm kích vì người khác đã dành thời gian cho bạn. Thời gian là
một món quà rất quí giá. Vì vậy, việc đánh đánh giá cao điều đó là rất quan
trọng. Ngoài ra, bạn cũng nên cảm ơn những sự đóng góp hoặc cộng tác của
đối tác trong thời gian qua. Một lời khen tuy nhỏ nhưng sẽ giúp hình thành
nên mối quan hệ tốt đẹp.
Tạo nên sự nối kết
Hãy phát triển mối liên kết cá nhân. Nếu có thể, hãy tìm kiếm
những người có cùng mối quan tâm với bạn như về thời tiết, thể thao, tin
tức, sở thích v.v Nhưng lưu ý tránh những chủ đề gây tranh cãi như chính
trị hay tôn giáo. Nên tập trung trao đổi về những phần quan trọng như gia
đình, trường lớp, những dự định hoặc mục tiêu trong cuộc sống của họ. Cảm
giác được nối kết với người khác sẽ giúp chúng ta trở thành một người biết
lắng nghe hơn.
Duy trì thái độ tích cực
Hãy bình luận và đặt ra những câu hỏi mang tính xây dựng bất cứ
khi nào có thể. Nếu muốn người nghe không rơi vào trạng thái thụ động, bạn
nên thường xuyên đưa ra những lời khen ngợi mang tính khích lệ và tập
trung nhấn mạnh những điều tích cực. Điều này có thể giúp buổi nói chuyện
tránh được tình trạng mất dần hứng khởi và những thất bại gây ra bởi việc
giao tiếp kém hiệu quả.
Quan sát động thái người bạn đang giao tiếp
Cần phải quyết đoán để những ý tưởng và các vấn đề trọng tâm mà
bạn đưa ra được người khác lắng nghe và chấp nhận. Tuy nhiên, bạn phải
chú ý không được năng nổ một cách thái quá. Hãy là người tự tin và chính
trực nhưng không độc đoán. Bạn nên cố gắng chinh phục người nghe bằng
cách duy trì sự bình tĩnh và tính thuyết phục trong giao tiếp.
Xác định kết quả mong muốn
Bạn đang trông đợi một kết quả như thế nào? Điều này rất quan
trọng. Bạn phải biết bản thân đang muốn đạt được mục tiêu gì. Bạn đang có
ý định tư vấn hay truyền đạt kiến thức, cố gắng đạt được thỏa thuận hay tìm
kiếm một giải pháp? Những thành quả mà bạn mong đợi sẽ là yếu tố giúp
cho cuộc thảo luận diễn ra suôn sẻ hơn.
Chủ động lắng nghe
Luôn duy trì sự giao tiếp bằng mắt. Hãy tôn trọng và không ngắt lời
người đang nói. Bạn cần thể hiện thái độ lịch sự như vậy với người khác vì
không ai thích bị chen ngang khi đang nói. Nên giữ tư duy cởi mở và tìm
hiểu quan điểm của người mình đang giao tiếp. Hãy nhớ rằng việc học cách
đánh giá cao các ý kiến người khác là một công cụ vô giá cho việc giao tiếp.
Quan sát các tín hiệu không lời
Cẩn thận chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của cả bạn và người nghe.
Hành động khoanh tay hoặc một tư thế khép kín có thể báo hiệu sự đề phòng
hoặc phản đối. Mắt nhìn vẩn vơ, bồn chồn hoặc ngồi không yên cho thấy sự
không thoải mái hay thiếu kiên nhẫn. Ngáp hoặc thở dài cũng thể hiện sự
mệt mỏi về thể chất hoặc tinh thần. Đó là tất cả nhưng dấu hiệu quan trọng
cho thấy buổi thảo luận của bạn sẽ không thành công.
Hỏi ý kiến
Trước hết, phải chắc rằng người nghe hiểu rõ những gì bạn đang cố
trình bày. Đôi khi chúng ta nghĩ mình đã đạt được thỏa thuận nhưng thực
chất lại chỉ là sự hiểu nhầm. Hãy mời người nghe tham gia phát biểu ý kiến
hoặc đưa ra những suy nghĩ. Những thông tin đó không chỉ giúp thảo luận
thành công mà đồng thời cho người khác cảm giác rằng ý kiến của họ có giá
trị.
Thiết lập những việc cần làm
Tổng kết lại những việc hay điều sẽ làm tiếp theo cách rõ ràng. Hãy
xác nhận lại thời hạn, nhiệm vụ và trách nhiệm giải trình của cả hai bên. Bạn
nên lưu lại các thỏa thuận bằng văn bản vì chúng sẽ rõ ràng và cụ thể hơn
thỏa thuận bằng lời.
oOo
Cuối cùng, hãy luôn cố gắng kết thúc cuộc thảo luận với thái độ tích
cực và lời cảm ơn chân thành.
STEPPE
Đọc sách đúng cách
Bạn đã mua về rất nhiều sách. Nhưng bạn đã biết “phát huy tác
dụng” để cuốn sách ấy trở nên hiệu quả nhất có thể?
Rất nhiều bạn đam mê sách và sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để mua
về những chồng sách mới toanh, thuộc nhiều thể loại khác nhau. Nhưng có
những quyển sách chỉ đọc mỗi một lần, có quyển mua về rồi chẳng đọc chỉ
vì dày và nội dung trừu tượng, có quyển đọc xong rồi vẫn không nắm kĩ nội
dung…
Vậy, phương pháp đọc sách nào là thông minh và hữu hiệu nhất?
Đưa bản thân vào từng trang sách
Khi đọc một truyện ngắn, một tiểu thuyết, bạn chỉ mường tượng ra
khung cảnh trước mắt, các nhân vật… Và bạn chỉ như nhân vật thứ 3 đang
chứng kiến toàn bộ câu chuyện, hoàn toàn không tác động gì đến câu
chuyện ấy. Đó là cách đọc sách thụ động và không kích thích sự sáng tạo.
Hãy giả sử bản thân là một nhân vật nào đó và tìm ra một phương
án giải quyết khác với cốt truyện. Bạn có thể tạm gấp trang sách và tự hình
dung ra diễn biến, kết thúc câu chuyện, sau đó so sánh với thực tế trang
sách. Điều này sẽ khiến trí tưởng tượng, khả năng diễn đạt và sự sáng tạo
tăng lên đáng kể. Hãy liên hệ bản thân và tự mở rộng thêm. Ví dụ như có
một câu trong sách khiến bạn tâm đắc, hãy Google để tìm hiểu thêm về câu
nói ấy, nguồn gốc ra đời, ai đã nói… Khi trong sách giới thiệu một quán ăn,
một địa điểm mà bạn không biết, hãy tìm hiểu thêm nhờ bạn bè… Đừng chỉ
biết cầm quyển sách rồi đọc sao hiểu vậy. Sáng tạo một cách chủ động sẽ
khiến quyển sách có ích gấp 3 lần
Bút highlight, sổ tay, viết
Nếu cuốn sách đó là của bạn và bạn tâm niệm rằng sẽ phải đọc đi
đọc lại nhiều lần như một “kim chỉ nam”, không nên khư khư ôm quyển
sách và giữ cho nó không rách bìa, dơ trang. Giá trị của quyển sách nằm ở
kiến thức mà nó mang lại. Quyển sách càng nhàu thì nội dung thông tin càng
ngấm vào đầu bạn. 3 dụng cụ trên là để:
· Bút highlight: Đánh dấu những câu, những đoạn, những phần bạn
tâm đắc và muốn ghi nhớ. Có thể chỉ cần đọc đoạn ấy là nhớ ra được cốt
truyện, nội dung, hay bất kể khi nào cần, bạn đọc lại đoạn highlight ấy để
làm vốn sống cho mình
· Sổ tay: Ghi chú cảm xúc, suy nghĩ, cũng như đánh giá tổng quan
về quyển sách. Nhiều bạn cho rằng như thế không quan trọng vì bạn có thể
tự đánh giá trong đầu. Thật ra, ghi vào sổ tay sẽ khiến bạn nhớ nội dung
quyển sách lâu hơn, lọc ra được những gì cần nhớ, những gì không quan
trọng lắm.
· Viết: Ghi bình luận của bạn ở trang sách nào đó. Bạn có thể ghi ra
bạn không đồng tình quan điểm nào ở sách, và câu nào trong sách đã khơi
gợi lại kỉ niệm nơi bạn, bạn đã từng rút ra được bài học kinh nghiệm gì nhờ
đọc mục này…
Biết cách áp dụng 3 công cụ trên, bạn gần như đã trở thành “chuyên
gia” trong lĩnh vực đọc và thấu hiểu sách rồi
Đọc nhanh – đọc vừa – đọc kĩ
· Đầu tiên, hãy đọc tổng quát quyển sách bằng cách xem mục lục,
lời nói đầu, hình ảnh minh họa, lật nhanh để xem vài đoạn…
· Bước tiếp đến, hãy chọn một bài mục bạn cảm thấy ấn tượng, đọc
những mục đóc
· Sau cùng là phần đọc kĩ. Đã quen với mặt chữ từ trước nên lần đọc
này tuy mất nhiều thời gian nhưng tốc độ đọc của bạn đã khác hẳn so với hai
lần đầu.
Đọc sách là phương pháp kết hợp giữa học và thư giãn. Bạn vừa
giải trí, vừa để đầu óc bay bổng, vừa có thể đúc kết được cho chính mình
những bài học đơn giản mà chưa hề được trải nghiệm ở trường đời
Biến kiến thức trong sách thành kĩ năng của riêng mình
Mỗi người có một khả năng tiếp thu khác nhau. Chúng ta hơn thua
nhau ở chỗ hiểu thế nào và vận dụng ra sao. Tùy vào hoàn cảnh, khả năng và
sự nhận thức, mà bạn tự “cá nhân hóa” dữ liệu theo cách của riêng mình.
Không phải răm rắp tin theo lời sách, không phải áp dụng một cách máy
móc, mà lấy sách làm nền tảng để phát triển nhận thức cá nhân, thông qua
đó, bạn có cá tính hơn, phong cách hơn, và kiến thức cũng vì thế mà nâng
tầm.
Chúc bạn đọc sách có hiệu quả và luôn duy trì sở thích bổ ích này
Demi Twinkle
Lên kế hoạch kết bạn
Phải bắt đầu xây dựng các mối quan hệ xã hội mới là một trong
những lo lắng lớn nhất khi chuyến đến nơi khác.
Ngay cả khi không vì lí do chuyển nhà đi chăng nữa, không phải ai
cũng là người cởi mở đối với các mối quan hệ xã hội và những người như
vậy sẽ gặp khó khăn khi muốn kết bạn dù cho họ có ở đâu.
Sau đây là một số cách để xây dựng mối quan hệ bạn bè lâu dài và
các ví dụ từ thực tiễn cuộc sống.
Xác định một niềm đam mê
Hầu hết mọi người thường sẽ có một vài sở thích nào đó. Mỗi người
nên liệt kê ra những niềm đam mê hoặc sở thích của mình. Tiếp theo, hãy
chọn ra trong danh sách trên một hoạt động mà bạn nghĩ sẽ có nhiều người
tham gia. Ví dụ dưới đây sẽ đề cập đến sở thích với bộ môn leo núi.
Tìm kiếm các nhóm hoặc câu lạc bộ liên quan
Bước tiếp theo là tìm ra những nhóm có liên quan đến bộ môn leo
núi. Sau đó, tham dự một buổi họp mặt của câu lạc bộ trước khi bắt đầu và
lắng nghe những qui định mà họ đề ra. Nếu cảm thấy các thành viên nhiệt
tình và thân thiện, hãy đăng kí làm thành viên mới của câu lạc bộ.
Tham gia vào các hoạt động nhóm
Bạn có thể tham gia những chuyến cắm trại cuối tuần ở những khu
leo núi địa phương. Câu lạc bộ có thể sẽ có những người hướng dẫn và dạy
kỹ năng leo núi cho các thành viên. Đây là cơ hội tuyệt vời cho bạn để có
thể gặp gỡ người mới. Vì vậy, hãy tham gia càng nhiều các khóa học càng
tốt.
Đừng lo lắng ^_^ Các cuộc nói chuyện giữa những người mới với
nhau sẽ rất dễ dàng và tự nhiên vì tất cả mọi người đều có chung một sở
thích là leo núi. Bạn có thể trao đổi về những áp lực khi tham gia chơi môn
thể thao này hoặc ngay cả những vấn đề tình hình cuộc sống hiện tại. Đôi
khi, một vài thành viên hoặc những người hướng dẫn hay tham gia vào các
hoạt động nhóm sẽ giúp các thành viên làm quen với nhau bằng cách giới
thiệu từng người.
Tình nguyện trong những vai trò khác nhau
Tham gia vào các sự kiện nhóm như trên là rất hữu ích nhưng cách
tiếp theo sẽ vô cùng thú vị. Bạn có thể tham gia tình nguyện trong một đội
nhóm hoặc câu lạc bộ với những vai trò khác nhau. Đây là một trong những
cách tốt nhất để có được các mối quan hệ xã hội năng động, bởi đa số các
nhóm có cùng sở thích hoặc các nhóm công tác xã hội đều cần có sự giúp
sức của các thành viên tình nguyện.
Ngoài leo núi, bạn có thể tham gia tình nguyện làm hướng dẫn viên
trong các chuyến đi cắm trại, tham quan hoặc giúp cho các tổ chức xã hội và
các sự kiện đặc biệt trong năm. Đối với các câu lạc bộ, tình nguyện viên
không bao giờ là đủ. Vì vậy, họ sẽ rất hoan nghênh sự tham gia nhiệt tình
của bạn. Và các vai trò tình nguyện khác nhau cũng sẽ giúp bạn trở nên năng
động và gặp gỡ nhiều bạn bè hơn.
Xây dựng các mối quan hệ bạn bè ngoài câu lạc bộ
Với sự tham gia nhiệt tình, bạn có thể được mời đến dự các bữa tiệc
hoặc sự kiện ngoài câu lạc bộ. Ở đó bạn có thể làm quen với những người
mới. Mối quan hệ xã hội sẽ ngày một phát triển hơn khi tham gia các sự kiện
này và sẽ có được những người bạn chân thành. Và các mối quan hệ này sẽ
được duy trì dài lâu ngay cả khi bạn không còn tham gia câu lạc bộ.
Tóm lại, các bước nên có trong kế hoạch phát triển mối quan hệ bạn
bè gồm:
1) Xác định một niềm đam mê.
2) Tìm kiếm các nhóm hoặc câu lạc bộ liên quan.
3) Tham gia vào các hoạt động nhóm.
4) Tình nguyện trong những vai trò khác nhau một cách năng động.
5) Phát triển các mối quan hệ bạn bè với những người đã cộng tác.
Bạn có thể áp dụng kế hoạch với những niềm đam mê khác nhau để
tìm được mối tương tác với những người khác mỗi khi chuyển đến một nơi
ở mới. Hy vọng các bước trên sẽ giúp làm giàu thêm các mối quan hệ xã hội
của mình và có được những người bạn mới.
Hoc Nguyen
Kĩ năng giải quyết mọi rắc rối
Khi bạn không thể giải quyến những rắc rối bằng kinh nghiệm sẵn
có của mình, hãy áp dụng những “bí kíp” sau đây.
Bước 1: Sự tồi tệ xuất phát từ đâu?
Bạn không thể cuống quýt lên và đổ lỗi cho hoàn cảnh, sau đó bỏ
cuộc vì: “Mình không thể cứu vãn được nữa, mọi chuyện đã như thế rồi, có
cố gắng cũng vậy. Đành chờ hậu quả xảy ra”. Ngay khi bạn nghĩ đến điều
đó, bạn đã tước đi cơ hội thay đổi mọi thứ theo hướng tích cực. Nếu bạn
không thể biến rắc rối trở nên đơn giản, hãy giảm thiểu những điều tiêu cực.
Hãy bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân khiến rắc rối xảy đến, có thể do:
* Lỗi của người khác, và bạn bị ảnh hưởng.
* Bạn có một phần trách nhiệm trong chuyện này.
* Không ai có lỗi, chuyện tự nhiên xảy đến.
Khi biết được bạn thuộc trường hợp nào, biết được đâu là nguyên
nhân gây ra rắc rối, bạn sẽ giải quyết dễ dàng hơn.
Bước 2: “Chia nhỏ” vấn đề
Một rắc rối nhỏ có thể bao hàm những ảnh hưởng lớn. Hãy liệt kê
ra, bạn phải làm những việc gì để “giải quyết” những việc này. Tất nhiên, có
những việc bạn làm được, có những việc bạn không thể làm được, nhưng cứ
liệt kê ra, càng cụ thể càng tốt.
Ví dụ 1: Bạn đang bị điểm thấp ở 3 môn. Lỗi do bạn và do thầy cô
ra đề quá khó thời gian gần đây. Những việc bạn cần làm: tích cực giơ tay
phát biểu để có điểm cộng gỡ gạc lại, hạn chế đi chơi và nhờ bạn thân kèm
giúp.
Ví dụ 2: Người yêu cũ muốn bạn quay về, nhưng bạn đang hạnh
phúc với cuộc sống hiện tại. Lỗi không do bạn cũng không do người yêu cũ.
Bạn cần đưa ra quyết định dứt khoát. Muốn thế, bạn phải suy nghĩ, gặp gỡ
người ấy để trò chuyện thẳng thắn, tham khảo lời khuyên từ bạn bè.
Ví dụ 3: Bạn bị hiểu lầm. Lỗi một phần ở bạn. Muốn giải quyết bạn
phải thay đổi chính mình, chia sẻ cho những ai đáng tin cậy để cùng tìm giải
pháp, tìm xem nguồn thông tin gây hiểu lầm xuất phát từ đâu, trò chuyện với
những người đã hiểu lầm bạn.
Bước 3: Giải quyết từ dưới lên trên
Sau khi đã liệt kê ra được công việc cụ thể, hãy sắp xếp theo thứ tự
từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ nhàng đến nặng nhọc. Sau
đó giải quyết việc nhỏ trước, dần dần tiến đến việc quan trọng. Khi đã làm
được việc đơn giản nhất, bạn sẽ có “dữ liệu” để làm tiếp việc tiếp theo. Hãy
nhớ rằng, bạn có thể hạn chế những rủi ro hết mức có thể, nếu bạn bình tĩnh
và biết cách nhờ sự trợ giúp từ người khác.
Bước 4: Bạn không thể tự vượt qua một mình
Trong 3 ví dụ ở bước 2, tất cả đều có liên quan mật thiết đến những
người xung quanh bạn. Vì vậy, bạn không thể tự giải quyết mọi chuyện một
mình hoặc chỉ dám nhờ những ai thật sự tin cậy. Mạnh dạn, tự tin và không
tiếc những nụ cười, rồi bạn sẽ thấy các mối quan hệ trở nên đơn giản và vui
vẻ hơn. Biết đâu được, chính vì mở lòng mà mọi rắc rối sẽ tự biến mất
không cần bạn phải giải quyết bất kì điều gì. Khoảng 90% những rắc rối xảy
ra đều xuất phát từ những mối quan hệ bạn bè, gia đình, tình yêu, xã hội…
Vì vậy, việc cần làm là phải biết điều tiết cảm xúc và lựa chọn thái độ để tự
thay đổi vấn đề. Điều đó không khó, quan trọng là bạn thật sự muốn hay
không.
Demi Twinkle ®
Học cách tiếp thu phê bình
hường thì chúng ta, nhất là các teen khi bị một ai đó phê bình thì
cảm thấy rất bực tức.
Có người xù lông nhím để bảo vệ quan điểm của mình và phản biện
những lời phê bình đó. Có người thì lại im lặng một cách “không quan tâm”.
Vậy thì cách xù lông nhím hay im lặng là tốt khi nhận được lời phê bình?
Ngọc Nga (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) thì cho rằng
luôn giữ quan điểm phải xù lông nhím bởi cái tôi của Nga quá cao. Chưa
một lần Nga “xuôi xuôi” theo ý kiến của mọi người. Như hôm trước lớp
trưởng đứng lên nhắc nhở hay nói đúng hơn là phê bình cách Nga “sôi nổi”
quá mức trong các giờ học. Giờ học nào Nga cũng nói leo, khi thầy cô hỏi
có ai có ý kiến gì không thì Nga lại không chịu xung phong phát biểu.
Chuyện sai rành rành như thế mà Nga vẫn cho rằng mình “sôi nổi” là không
có gì sai. Thậm chí Nga cho rằng chính vì nhờ những nhân tố như Nga mà
lớp bớt trầm.
Còn Hồng Minh (Đại học Thăng Long) thì chọn cách “im lặng”. Ai
nói gì cũng mặc. Hồng Minh cho rằng khi nhận được lời phê bình tốt nhất là
mình không nên phản biện lại, nếu cảm thấy lời phê bình đấy có lợi cho
mình thì tiếp thu, không có lợi thì phớt lờ mặc dù trong lòng cũng hơi bức
xúc chút xíu.Nếu ai có cá tính cao thì có thể xảy ra khả năng xô xát nhau,
gây mất tình cảm. Tốt nhất là im lặng.
Với mình thì mình nghĩ rằng với bất cứ lời phê bình nào đó cũng
chứa ít nhiều trong đó là sự thật. Chúng ta cần dung hòa sự phản biện và sự
im lặng một cách cần thiết để tiếp nhận lời phê bình từ người khác. Trước
khi tiếp nhận sự phê bình chúng mình nên đặt các câu hỏi cho bản thân:
+ Mình được gì và mất gì nếu tiếp nhận lời phê bình?
+ Lời phê bình của người phê bình có khách quan hay không? Hay
là chỉ theo ý chủ quan của người phê bình?
+ Lời phê bình mà mình nhận có thường xuyên được của mọi người
hay không?
+ Có nghiêm túc khi tiếp nhận lời phê bình hay không? hay dửng
dưng, thờ ơ?
Sau khi trả lời được những câu hỏi trên, bạn thấy sự phê phán đối
với bạn là đúng đắn, khi đó bạn hãy sửa chữa những thiếu sót của mình hoặc
đừng để lập lại những sơ ý của bạn nữa. Còn nếu bạn tin chắc rằng lời phê
bình không có căn cứ thì bạn hãy quên nó đi, nếu nó gây ảnh hưởng lớn thì
bạn có thể phản biện lại để lấy sự công bằng cho mình.
Cao Văn Quyền
Biết lợi dụng những cái lố lăng
Cô bạn không quen biết của tôi tâm tình, cô đã nhận thấy rằng tật
xấu cũng có thể, như đức tốt, làm cho người khác yêu mình được chứ ? Đôi
khi còn dễ dàng hơn đức tốt nữa ? Là vì đức tốt của cô nâng cô lên, tức thì là
hạ người kia xuống; còn tật xấu của cô, cho người đó cái cơ hội mỉm cười
về cô và nâng người đó lên, trong con mắt họ. Người ta tha thứ cho một
người đàn bà cái tật nói vớ vẩn; người ta không tha thứ cho họ cái đức khôn
ngoan, có lí. Byron bỏ vợ mà ông gọi là “Bà Công chúa hình Bình hành”, vì
bà ta quá sáng suốt, khôn ngoan. Người Hi Lạp thời cổ ghét Aristote (thế kỉ
thứ VI trước T.L) vì ông này luôn luôn được gọi là Người công minh. Trong
tập Những điều trông thấy (Choses vues), Victor Hugo kể chuyện một ông
De Salvandy, thành công rực rỡ nhất thời, thành bộ trưởng, vào Hàn lâm
viện, làm sứ thần, được tặng Ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh. Cô bảo những cái
đó không đáng kể; nhưng ông ta còn thành công về phía đàn bà nữa, cái này
mới tài. Mà khi ông ta được một bà, bà Gail, giới thiệu với giới thượng lưu
thì bà Sophie Gay danh tiếng vang lừng la lên: “Nhưng này, chị ơi, chàng
thanh niên nhỏ con của chị có đủ những cái lố lăng. Phải sửa tính cho hắn
đi. – Bà Gail bảo: Ấy đừng Đừng diệt thói đó của hắn. Diệt rồi thì hắn còn
gì nữa đâu? Nhờ cái thói đó mà hắn sẽ thành công…”. Về sau người ta thấy
rằng bà Gail có lí.
- Henry de Jouvenel có lần kể cho tôi nghe rằng hồi trẻ, viết báo,
ông ta ngạc nhiên về những buổi đầu trong Quốc hội của Henri Cheron, một
dân biểu ở Calvados. Ông Cheron đó bụng phệ, râu ria, bận lễ phục, leo lên
bàn hát khúc Marseillaise và đọc những diễn văn long trọng, huênh hoang.
Cleménceau cho ông ta làm thứ trưởng bộ Chiến tranh và tức thì ông ta đi
thăm các trại lính, nếm món xúp của lính. Bọn viết tạp chí chế nhạo ông ta;
Jouvenel nghĩ giả viết một bài về ông ta thì thú vị lắm, bèn lại thăm. Cheron
tiếp Jouvenel, có vẻ như khiêu khích, bảo: “Tôi biết rồi, chú em! Chú lại đây
để thấy tôi lố bịch ra sao hả … Được, cứ nhận xét đi… Phải, tôi lố bịch
đấy… Tôi cố ý lố bịch, vì chú em, chú nên biết rằng ở cái xứ người ta ghen
những kẻ thành công này thì lố bịch là cách duy nhất làm cho người ta biết
mình mà không nguy cho tính mạng của mình”. Standhal mà nghe được câu
đó thì khoái lắm. Cô có nhận thấy rằng, chẳng cần phải tới cái mức lố bịch,
chỉ những thói kì cục nho nhỏ, cách ăn bận lạ lùng, cũng làm cho một người
đàn ông hay đàn bà dễ nổi danh hơn là bậc thiên tài chứ? Hằng ngàn người
chưa hề đọc André Gide, cũng biết những chiếc nón nỉ kiểu Mexique và
chiếc áo tơi của ông ta, Winston Churehill có tài hùng biện, nhưng biết rõ
con người và vận dụng một cách rất tài tình chiếc nón kì cục, những đìếu xì
gà bự, những chiếc “nơ” con bướm, và hai ngón tay đưa ra thành chữ V của
ông. Tôi đã biết một sứ thần Pháp ở Londres không biết một tiếng Anh, nhờ
đeo một cà vạt kiểu “Lavalliere”(1) có chấm tròn nhỏ, người Anh rất thích,
mà giữ được chức rất lâu. Cô để ý nhận xét các khách ăn ở tiệm. Người nào
được tiếp đãi niềm nở, đầu bếp săn đón hầu hạ hơn cả ? Có phải con người
biết điều, luôn luôn thoả mãn không? Tuyệt nhiên không. Chính là người có
nhiều thói kì. Khó tính tức là tỏ rằng mình chú ý tới mọi sự ở chung quanh,
chứ không lãnh đạm.
3 tháng thanh toán 1 ngoại ngữ
Một phương pháp học giúp bạn rút ngắn được thời gian.
Ngày nay trên khắp thế giới, hơn 8 triệu người vẫn tiếp tục dùng
phương pháp “hiệu quả nhất” để học một hoặc vài ngoại ngữ. Cách học gì
mà hiệu quả như vậy…
Khi bạn học một thứ tiếng nào đó bạn có thể chọn một trong hai
cách: hoặc là bạn học ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm…liên miên hết tháng này
sang tháng khác, hoặc là bạn quay lại cách mà bạn học nói tiếng mẹ đẻ khi
còn nhỏ.
Bạn có thể không nhớ, nhưng lúc bé bạn đả bắt đầu nói những âm
đầu tiên, những từ đơn giản: bố, mẹ…rồi bạn bắt đầu nói những cụm từ mà
có khi bạn chẳng hiểu gì cả. Rồi rất nhanh chóng, bạn đã nói bà hiểu được,
rồi làm người khác hiểu được ý mình. Đây chính là cách học tốt nhất để học
bất cứ ngoại ngữ nào.
Tại sao chỉ cần có ba tháng…
Là một đứa trẻ, bạn sẽ học nói do “vô tình” thôi. Cậu bé bắt chước
bố mẹ mình mà không hề biết tại sao lại làm được như vậy. Với bạn, học
ngoại ngữ lại khác. Bạn học có mục đích hẳn hoi. Vì thế, chỉ cần 3 tháng
(mỗi ngày dành độ nửa tiếng) là đủ để bạn có thể nói dễ dàng bất cứ ngoại
ngữ nào.
Học như thế nào…
Bạn mua một cuốn băng cassette (có kèm sách) cho trình độ ban
đầu của ngoại ngữ bạn chọn. Các băng này đều do các chuyên gia ngôn ngữ
dọan cả. Bạn bắt đầu nghe đi nghe lại băng này. Chính nhờ sự lặp lại này
trên cassette, từ vựng và cách phát âm sẽ chặt vào bộ nhớ của bạn mà khỏi
cần lo lắng lắm về “năng khiếu”, hay IQ của mình. Khi bạn nói ngoại ngữ
mới này, các câu nói sẽ tự đến với bạn một cách tự nhiên như tiếng mẹ đẻ
vậy. Có ba giai đoạn như sau:
1. Nghe: Trước tiên, bạn phải tập cho tai mình quen với những âm
thanh của thứ tiếng mới. Nghe nhưng đừng có hiểu gì cả. Bằng cách đơn
giản này, bạn sẽ dần nắm được những âm, ngữ điệu và các phản xạ ngôn
ngữ – một yếu tố rất quan trọng khi học ngoại ngữ.
2. Đọc: hãy tìm đọc những cuốn sách ngoại ngữ đơn giản, có tranh
ảnh minh họa. Vừa đọc text và các bài đàm thoại vừa tra từ mới. Ngữ pháp,
động từ, cách diễn đạt, cùng các cấu trúc đặc biệt đều có trong bài đàm thoại
cả. bạn sẽ ngấm chúng một cách tự nhiên mà khỏi cần nhọc công.
3. Nói: bạn nghe và lặp lại theo băng những âm, từ, cụm từ, rồi dần
dà bạn sẽ diễn đạt hoàn chỉnh. Khi đã được rồi, bạn sẽ cảm thấy thiếu thốn
từ vựng. Nhưng theo phương pháp trên bạn sẽ tăng vốn từ nhanh thôi. Tồi
bạn sẽ nói được những câu dài hơn và hoàn chỉnh hơn. Hãy đi từ dễ đến
khó, chỉ sau 3 tháng bạn sẽ thấy mình nói được ngoại ngữ mới một cách
ngon lành.