Tải bản đầy đủ (.pdf) (18 trang)

Tài liệu Giáo trình Táo Bón: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và triệu chứng báo động nguy hiểm doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (376.96 KB, 18 trang )

Táo Bón: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và triệu
chứng báo động nguy hiểm

Táo bón là một triệu chứng rất thường gặp gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng
sống. Bài viết sau đây sẽ xin đề cập đến những vấn đề như: những ai thường có nguy
cơ táo bón, nguyên nhân của táo bón, chẩn đoán và cách điều trị đồng thời cảnh báo
những triệu chứng báo động nguy hiểm.
Được xem là táo bón khi đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần. Khi bị táo bón, phân
thường cứng, khô, nhỏ và khó tống xuất ra ngoài. Người bệnh cảm thấy đau khi đi tiêu
và thường phải rặn nhiều, có cảm giác đầy bụng. Một số người nghĩ rằng mình bị táo
bón khi không đi tiêu mỗi ngày. Tuy nhiên vấn đề bài tiết phân 3 lần mỗi ngày hoặc 3
lần mỗi tuần còn tuỳ thuộc ở từng người.
Táo bón là một triệu chứng, không phải một bệnh. Hầu như ai cũng từng bị táo
bón vào một thời điểm nào đó trong đời và chế độ ăn thiếu sót là nguyên nhân điển
hình nhất. Hiểu được nguyên nhân, cách phòng tránh và phương pháp điều trị sẽ giúp
đa số bệnh nhân có được sự thuyên giảm.

H1-Ống tiêu hoá thấp gồm có: Ruột non, hồi tràng, đại tràng, đại tràng sigma,
trực tràng, hậu môn.
I- Ai hay bị táo bón?
Táo bón là một trong những than phiền về tiêu hoá thường gặp nhất ở người.
Hơn 4 triệu dân Mỹ thường xuyên bị táo bón, với khoảng 2.5 triệu lượt khám bệnh
mỗi năm. Đa số thường là phụ nữ và người từ 65 tuổi trở lên. Phụ nữ có thai thường bị
táo bón và đây cũng là vấn đề hay gặp sau khi sanh hoặc sau phẫu thuật.
Đa số bệnh nhân thường tự giải quyết bằng cách mua các loại thuốc nhuận
trường bán tự do (OTC) về sử dụng. Ở Mỹ khoảng 725 triệu đô la được dùng để mua
các loại thuốc nhuận trường mỗi năm.

II- Nguyên nhân táo bón?
Để hiểu được chứng táo bón, cần phải biết rõ đại tràng hoạt động ra sao. Khi
thức ăn đi qua đại tràng, nước được hấp thu lại và các chất cặn bã trở thành phân. Các


co bóp của cơ đại tràng sẽ đẩy phân về hướng trực tràng. Khi đến được trực tràng,
phân đã chặt lại vì đa phần nước đã được tái hấp thu.


H2-Hệ tiêu hoá:Thực quản-Dạ dày-Ruột non-Đại tràng lên-Đại tràng ngang-Đại
tràng xuống-Đại tràng sigma-Trực tràng-Hậu môn.

Táo bón xảy ra khi đại tràng hấp thu nước quá nhiều hoặc khi co bóp của cơ đại
tràng chậm chạp và uể oải, khiến thời gian phân đi qua đại tràng quá lâu. Hậu quả là
phân trở nên cứng và khô. Các nguyên nhân thường gây táo bón là:
-Thiếu chất xơ trong khẩu phần
-Ít vận động thể lực (nhất là ở người cao tuổi)
-một số thuốc men
-sữa
-hội chứng ruột kích thích
-những thay đổi trong cuộc sống như thai nghén, tuổi già, du hành
-dụng thuốc nhuận trường
-nhịn không đi tiêu đúng lúc
-mất nước
-Các bệnh lý hoặc trường hợp đặc biệt, như đột quỵ (thường gặp nhất)
-những vấn đề ở đại tràng và trực tràng
-những vấn đề của chức năng ruột (táo bón mãn tính vô căn)
-Thiếu chất xơ trong khẩu phần
Người ăn nhiều chất xơ ít khi bị táo bón. Nguyên nhân thường gặp nhất của táo
bón là một khẩu phần ăn ít chất xơ và nhiều chất béo như phô mai, trứng và các loại
thịt. Chất xơ (tan lẫn không hoà tan) là thành phần của rau, trái cây và các loại hạt mà
cơ thể không tiêu hoá được. Các chất xơ hòa tan sẽ tan dễ dàng trong nước và trở
thành một hợp chất có dạng gel mềm trong ruột. Các chất xơ không tan di chuyển qua
ruột hầu như không bị biến đổi. Khối chất độn mềm do chất xơ tạo ra giúp cho phân
mềm và dễ di chuyển.

Hiệp Hội Dinh Dưỡng Mỹ khuyên nên ăn khoảng 20 đến 35 gram chất xơ mỗi
ngày. Cả người lớn lẫn trẻ em thường ăn nhiều thức ăn tinh chế sẵn mà chất xơ thiên
nhiên đã bị loại bỏ.
Chế độ ăn ít chất xơ cũng góp phần gây táo bón ở người có tuổi. Họ thường
thiếu hứng thú trong vấn đề ăn uống và có khuynh hướng chọn những thức ăn dễ mua
và dễ chế biến như thức ăn nhanh hoặc thực phẩm chế biến sẵn thường chứa ít chất xơ.
Ngoài ra những trở ngại trong nhai và nuốt khiến người cao tuổi có khuynh hướng ăn
những thức ăn mềm, được chế biến sẵn, ít chất xơ.


H3-Các thực phẩm chứa chất xơ hoà tan (T) và không hoà tan (P)

Thiếu chất lỏng
Nghiên cứu cho thấy không phải cứ tăng lượng chất lỏng trong khẩu phần là sẽ
bớt được táo bón, nhưng nhiều người cho biết khi họ uống nhiều nước hoặc nước trái
cây để chống mất nước thì sẽ bớt táo bón. Chất lỏng bổ sung nước cho đại tràng và
chất độn cho phân, giúp phân mềm và dễ di chuyển hơn. Người bị táo bón nên uống
nhiều chất lỏng mỗi ngày. Tuy nhiên, những chất lỏng có chứa caffeine, như cafê và
các loại nước giải khát cola sẽ khiến táo bón nặng hơn vì làm tăng mất nước. Một loại
thức uống khác gây mất nước là rượu. Khi uống cafê hoặc rượu luôn nhớ uống tăng
cường thêm nước để tránh táo bón.

H4-Nước bị tái hấp thu khiến phân cứng trong lòng đại tràng

Ít vận động thể lực
Ít vận động thể lực sẽ dẫn đến táo bón, tuy chưa rõ cơ chế. Táo bón thường xảy
ra sau tai nạn hoặc khi bịnh nặng cần nằm giường lâu. Thiếu vận động thể lực được
xem là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở người cao tuổi.
Thuốc men
Một số thuốc có thể gây nên táo bón như:

-các thuốc giảm đau (đặc biệt loại có á phiện)
-các thuốc kháng acid chứa nhôm và calcium
-các thuốc hạ huyết áp (nhóm ức chế kênh calcium)
-thuốc điều trị bệnh Parkinson
-các thuốc giảm co thắt
-các thuốc chống trầm cảm
-thuốc bổ sung sắt
-thuốc lợi tiểu
-thuốc chống động kinh
Thay đổi trong lối sống thường nhật
Trong thai kỳ, phụ nữ có thể bị táo bón do những thay đổi về nội tiết hoặc do tử
cung to và chèn ép lên ruột. Tuổi tác cũng ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của
ruột, vì chuyển hoá chậm hơn sẽ dẫn đến giảm bớt hoạt động của ruột và giảm trương
lực cơ. Khi du hành cũng thường bị táo bón do khẩu phần ăn và thói quen thường ngày
bị xáo trộn.
Lạm dụng thuốc nhuận trường
Quan niệm chung cho rằng phải đi tiêu mỗi ngày một lần đã dẫn đến việc tự
mua thuốc nhuận trường để uống. Tuy rằng bịnh nhân có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi
dùng thuốc nhuận trường, về lâu dài họ cần phải tăng liều thuốc lên vì cơ thể trở đã trở
nên lệ thuộc: phải uống thuốc mới đi tiêu được. Hậu quả là các thuốc nhuận trường có
thể gây lệ thuộc thuốc.
Nhịn đi tiêu
Những bệnh nhân có thói quen nhịn đi tiêu khi có nhu cầu sẽ mất dần cảm giác
mắc đi tiêu. Một số người nhịn đi tiêu vì không muốn sử dụng nhà vệ sinh ở ngoài. Số
khác nhịn đi tiêu vì stress tâm lý hoặc do quá bận rộn. Trẻ em có thể nín đi tiêu vì mê
chơi.
Các bệnh lý đặc biệt
Các bịnh gây táo bón bao gồm các rối loạn về thần kinh, chuyển hoá và nội tiết,
các bịnh hệ thống ảnh hưởng đến cơ quan bộ phận. Các rối loạn này làm giảm vận tốc
di chuyển của phân trong lòng đại tràng, trực tràng và hậu môn. Các bệnh lý có khả

năng gây táo bón bao gồm.
Rối loạn thần kinh
-Đa xơ hoá (multiple sclerosis)
-Bệnh Parkinson
-Giả tắc ruột mãn vô căn (chronic idiopathic intestinal pseudo-obstruction)
-Đột quỵ
-Tổn thương tuỷ sống
Các rối loạn về chuyển hoá và nội tiết
-Đái tháo đường
-Tăng urê máu
-Tăng calcium máu
-Rối loạn dung nạp glucose
-Suy giáp
Các bệnh hệ thống
-Thoái hoá tinh bột (amyloidosis)
-Lupus
-Xơ cứng bì (scleroderma)
Những vấn đề ở đại tràng và trực tràng
Tắc ruột, mô sẹo còn gọi là dây dính, túi thừa, u bướu, hẹp đại trực tràng, bịnh
Hirschsprung, hoặc ung thư có thể chèn ép, siết chặt, làm hẹp lòng đại tràng và trực
tràng gây nên táo bón.

H6-Bệnh Hirschsprung (phình đại tràng) ở trẻ em.

Những vấn đề của chức năng ruột
Có 2 thể táo bón là táo bón vô căn và táo bón chức năng. Hội chứng ruột kích
thích (IBS) với táo bón là triệu chứng chủ yếu được phân loại riêng.
- Táo bón vô căn (không rõ nguyên nhân):
không đáp ứng với điều trị tiêu chuẩn.
- Táo bón chức năng:

khi đường ruột vẫn bình thường nhưng không hoạt động đúng mức. Táo bón
chức năng là hậu quả của lối sống và chế độ ăn mất cân đối, thường xảy ra ở cả người
lớn lẫn trẻ em và đa phần gặp ở phụ nữ. Đại tràng giảm động, phân di chuyển chậm, và
rối loạn chức năng sàn chậu là 3 thể của táo bón chức năng. Đại tràng giảm động và
phân di chuyển chậm do giảm hoạt động của các cơ ở đại tràng. Các hội chứng này có
thể ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng hoặc chỉ khu trú ở phần đại tràng thấp, còn gọi là
đại tràng sigma.
Rối loạn chức năng sàn chậu do suy yếu các cơ vùng chậu bao quanh hậu môn
và trực tràng. Tuy nhiên do các nhóm cơ này có thể được chủ động kiểm soát, rèn
luyện phản hồi sinh học (biofeedback training) có thể sẽ hiệu quả trong việc tập cho
các cơ này hoạt động trở lại bình thường và cải thiện chức năng đi tiêu.
Táo bón chức năng có nguồn gốc từ những vấn đề do cấu trúc của hậu môn và
trực tràng được gọi là rối loạn chức năng hậu môn trực tràng hay co thắt nghịch
thường của cơ hậu môn khi đi tiêu. Các bất thường này đưa đến hậu quả là các cơ ở
hậu môn và trực tràng mất đi khả năng thư giãn khiến phân không thoát ra được.
Bệnh nhân bị hội chứng đại tràng kích thích thể táo bón chiếm ưu thế cũng
thường có các triệu chứng đau và sình bụng.
III- Làm sao để xác định nguyên nhân táo bón?
Bác sĩ chỉ định các xét nghiệm tuỳ thuộc vào thời gian bị bệnh và độ nặng của
táo bón, tuổi của người bệnh, có máu trong phân hay không, các thay đổi gần đây của
thói quen đại tràng, có sụt cân hay không? Đa phần các trường hợp táo bón không đòi
hỏi những xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán và thường được cải thiện chỉ với thay
đổi chế độ ăn và lối sống. Ví dụ, ở người trẻ có triệu chứng táo bón nhẹ, bệnh sử và
khám lâm sàng cũng đủ để chẩn đoán và điều trị.
Bệnh sử
Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân mô tả lại triệu chứng táo bón, bao gồm thời
gian của triệu chứng, tần số các lần đi tiêu, độ chắc của phân, sự hiện diện của máu
trong phân, và thói quen đi tiêu. Ghi chép lại thói quen ăn uống, thuốc men, mức độ
hoạt động thể lực sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân táo bón.
Định nghĩa về mặt lâm sàng của táo bón là có 2 trong số các triệu chứng sau

đây trong ít nhất 12 tuần không cần thiết phải liên tục trong thời 12 tháng gần đây:
-rặn nhiều khi đi tiêu
-phân đóng cục và cứng
-cảm giác đi tiêu không hết phân
-cảm giác nghẽn tắc ở vùng hậu môn trực tràng
-đi tiêu ít hơn 3 lần trong một tuần
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng bao gồm thăm trực tràng bằng ngón tay đeo găng bôi trơn để
đánh giá trương lực cơ vòng hậu môn, phát hiện điểm đau, tắc nghẽn, hoặc xem có
máu hay không. Trong một số trường hợp cần xét nghiệm máu và chức năng tuyến
giáp để phát hiện bệnh lý tuyến giáp và loại trừ các phản ứng viêm, các rối loạn
chuyển hoá và rối loạn khác.
Các xét nghiệm chuyên sâu thường dành cho những trường hợp nặng, khi có
thay đổi đột ngột về số lần đi tiêu, có máu trong phân, và ở những người cao tuổi. Các
xét nghiệm bổ sung dùng để đánh giá táo bón bao gồm
-nghiên cứu chuyển động thức ăn qua đại trực tràng
-xét nghiệm chức năng hậu môn trực tràng
-chụp động tác tống xuất phân
Do có tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng ở người cao tuổi, bác sĩ có thể dùng
những xét nghiệm sau để loại trừ ung thư:
-Chụp đại tràng có cản quang
-Nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng
-Nghiên cứu sự chuyển động của thức ăn qua đại trực tràng (Colorectal transit
study).
Xét nghiệm này quan sát sự vận động của thức ăn qua đại tràng. Bệnh nhân
nuốt viên nang có chứa chất cản tia X-quang. Chuyển động của viên nang cản quang
trong đại tràng sẽ được theo dõi bằng phim X-quang bụng chụp nhiều lần trong 3-7
ngày sau khi nuốt viên nang. Bệnh nhân được khuyên áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ
khi thực hiện xét nghiệm này.
-Kiểm tra chức năng hậu môn trực tràng.

Những xét nghiệm này đánh giá táo bón gây nên bởi hoạt động bất thường của
hậu môn và trực tràng - còn gọi là chức năng hậu môn trực tràng.
-Đo áp suất hậu môn trực tràng (Anorectal manometry)
đánh giá chức năng của cơ vòng hậu môn. Nhét một ống thông hoặc bóng chứa
không khí vào hậu môn rồi rút từ từ qua cơ vòng hậu môn để đo trương lực và các co
bóp. .
Xét nghiệm tống xuất bóng (Balloon expulsion tests) đút vào trực tràng một
bóng chứa lượng nước thay đổi. Sau đó bệnh nhân được yêu cầu tống xuất bóng. Được
đánh giá là có giảm chức năng ruột khi mất khả năng tống xuất bóng chứa ít hơn 150
ml nước.
-Chụp động tác tống xuất phân (Defecography):
chụp X-quang vùng hậu môn trực tràng để đánh giá việc tống xuất phân có trọn
vẹn, nhận dạng những bất thường ở hậu môn trực tràng và đánh giá sự co bóp và thư
giãn cơ trực tràng. Khi thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ bơm đầy trực tràng của bệnh
nhân bằng một khối bột barium mềm có độ quánh giống phân. Bệnh nhân ngồi trên
bồn cầu đặt trong phòng máy X-quang, thư giãn và co bóp hậu môn để tống xuất chất
bột nhão ra. Bác sĩ sẽ quan sát hình dạng khối barium nhão trên X-quang để đánh giá
những bất thường về giải phẫu và chức năng của hậu môn trực tràng và sàn chậu diễn
ra khi khối bột nhão được tống xuất.
-Chụp đại tràng cản quang:
Thủ thuật này giúp quan sát trực tràng, đại tràng và phần dưới của ruột non (hồi
tràng) để định vị những vấn đề bất thường. Thủ thuật này có thể giúp phát hiện tắc ruột
và bệnh Hirschsprung, là một bịnh không có cấu trúc thần kinh ở đại tràng.
Cần làm sạch ruột trước khi chụp. Đêm hôm trước bệnh nhân sẽ uống một loại
thuốc đặc biệt để xổ sạch ruột. Ruột phải thật sạch vì nếu còn phân các chi tiết sẽ bị
che khuất làm cho việc quan sát đại tràng không được chính xác và đầy đủ. Ruột
không hiện trên phim X-quang, do đó cần bơm barium, một dung dịch đục như vôi cản
quang giúp hiển thị đại tràng. Khi thuốc đã phủ đầy các ngõ ngách của ruột, sẽ chụp
phim X-quang để thấy rõ đại tràng. Bịnh nhân có thể cảm thấy đau quặn bụng khi
barium được bơm vào ruột. Phân có thể có màu trắng trong vài ngày sau đó.

-Soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng.
Bệnh nhân ăn lỏng đêm trước nội soi. Cần rửa ruột 1 giờ trước khi tiến hành nội
soi. Để nội soi đại tràng sigma, bác sĩ dùng một ống dài, mềm có gắn camera và nguồn
sáng ở đầu gọi là ống nội soi đại tràng sigma để quan sát trực tràng và đại tràng thấp.
Bệnh nhân có thể được gây mê nhẹ trước khi nội soi. Trước tiên bác sĩ kiểm tra trực
tràng bằng ngón tay đeo găng có bôi trơn. Sau đó ống nội soi được đưa vào hậu môn
để quan sát trực tràng và đại tràng thấp (đại tràng sigma). Kỹ thuật này có thể gây tức
bụng và cảm giác muốn đi tiêu. Bác sĩ có thể bơm không khí vào đại tràng để quan sát
rõ hơn. Không khí bơm vào đôi khi gây đau quặn bụng.
Để nội soi đại tràng, bác sĩ dùng ống soi mềm có gắn camera và đèn chiếu sáng
để quan sát toàn bộ đại tràng. Ống này dài hơn ống soi đại tràng sigma. Trong lúc soi,
bệnh nhân nằm nghiêng và bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào hậu môn lên trực tràng và
quan sát toàn bộ đại tràng. Nếu thấy bất thường, bác sĩ sẽ dùng ống nội soi để kẹp một
mẫu mô nhỏ làm sinh thiết. Bệnh nhân có thể cảm thấy đầy và đau quặn bụng sau thủ
thuật nội soi.
IV- Điều trị táo bón ra sao?
Trong đa số trường hợp, các thay đổi về chế độ ăn và lối sống sẽ giảm bớt và
ngăn ngừa triệu chứng táo bón tái phát.
Chế độ ăn
Khẩu phần đầy đủ chất xơ (20 đến 35 gram mỗi ngày) giúp phân mềm và có
khối lượng. Bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng có thể tư vấn về chế độ ăn phù hợp. Các
thực phẩm nhiều chất xơ bao gồm các loại đậu, gạo nguyên lức, trái cây tươi, rau củ
như măng tây, cải bắp, cà rốt v.v. Bịnh nhân táo bón nên hạn chế các thức ăn ít hoặc
không có chất xơ như kem, phô mai, thịt và thực phẩm chế biến sẵn.

H7-Thực phẩm bổ sung chất xơ
Thay đổi lối sống
Nên uống nhiều nước, nước quả và canh rau để không bị thiếu nước, nên tăng
cường vận động và dành thời gian nhất định để đi tiêu. Nên đi tiêu ngay khi có nhu
cầu, tránh nhịn.


H8-Các thực phẩm chứa nhiều chất xơ

Thuốc nhuận trường
Phần đông bệnh nhân táo bón nhẹ không cần thuốc nhuận trường. Tuy nhiên
nếu vẫn tiếp tục táo bón sau khi đã thay đổi chế độ ăn và lối sống, bác sĩ có thể khuyên
dùng thuốc nhuận trường hoặc thuốc xổ trong một thời gian nhất định. Các phương
thức điều trị này có thể giúp phục hồi lại thói quen của ruột. Đối với trẻ em, điều trị
ngắn hạn với thuốc nhuận trường đồng thời với luyện tập để phục hồi lại thói quen của
ruột sẽ giúp phòng chống táo bón.
Bác sĩ sẽ quyết định khi nào thì bệnh nhân cần đến thuốc nhuận trường và loại
nào là tốt nhất với từng người. Thuốc nhuận trường dùng đường uống và có nhiều
dạng: lỏng, viên, bột gôm (gum powder), và dạng cốm hạt. Chúng tác động bằng nhiều
cách:
-Nhuận trường tạo khối độn cho phân (bulk- forming laxatives)
thường được xem là an toàn nhất, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến sự hấp
thu của một số thuốc. Các thuốc này còn được xem là loại bổ sung chất xơ, và được
uống chung với nước. Biệt dược gồm: Metamucil, Igol, Polycarbophil, Psyllium,
Sterculia, Fiberall, Citrucel, Konsyl, và Serutan. Các thuốc này cần phải uống với
nhiều nước nếu không sẽ gây tắc ruột. Một số bịnh nhân cho biết sau khi uống thuốc
nhuận trường tạo khối độn, tình trạng không những không được cải thiện mà còn tệ
hơn do bị đau và đầy bụng.

H9=Thuốc nhuận trường tạo khối độn

-Nhuận trường kích thích
tạo những co bóp nhịp nhàng của cơ ruột. Tên thương mại bao gồm Bisacodyl,
Sennosides A+B, Correctol, Dulcolax, Purge, và Senokot. Các nghiên cứu cho thấy
phenolphthalein, thành phần trong một số thuốc nhuận trường kích thích, có thể tăng
nguy cơ ung thư. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực Phẩm Mỹ đã đề nghị loại bỏ tất cả

các thuốc bán tự do có chứa phenolphthalein. Đa số các nhà sản xuất thuốc nhuận
trường đã thay thế hoặc có kế hoạch thay thế phenolphthalein bằng một chất an toàn
hơn.

H10-Thuốc nhuận trường kích thích

-Thuốc nhuận trường thẩm thấu
làm nước thấm ngược vào đại tràng khiến khiến đại căng ra. Nhóm thuốc này
có tác dụng tốt cho những trường hợp táo bón vô căn. Sản phẩm bao gồm Lactulose,
Macrogol 4000, Cephulac, Sorbitol, và Miralax. Cần kiểm tra cân bằng chất điện giải
khi dùng nhóm thuốc này cho những bịnh nhân bị đái tháo đường.
-Thuốc làm mềm phân làm phân mềm và ẩm ướt.
Thường được khuyên dùng sau khi sanh hoặc sau phẫu thuật. Thuốc bao gồm
Docusate sodium, Paraffin, Colace và Surfak. Các sản phẩm này được chỉ định cho
những bịnh nhân cần tránh rặn khi đi tiêu. Dùng nhóm thuốc này lâu dài có thể gây rối
loạn điện giải.
-Thuốc bôi trơn
làm phân như được bôi trơn và di chuyển dễ dàng hơn trong ruột. Thường sử
dụng các loại dầu vô cơ. Tên biệt dược là Fleet và Zymenol. Các chất bôi trơn kích
thích đi tiêu trong vòng 8 giờ sau khi uống.
-Các nhuận trường có muối (saline laxatives)
tác dụng tựa như miếng bọt biển hút nước vào đại tràng để cho khối phân trơn
mềm, dễ di chuyển. Biệt dược gồm Milk of Magnesia và Haley’s M-O. Nhuận trường
có muối được dùng để điều trị táo bón cấp khi không có biểu hiện của tắc ruột. Đã
thấy xảy ra rối loạn điện giải khi dùng kéo dài, đặc biệt ở trẻ nhỏ và những bệnh nhân
suy thận.
-Các chất kích hoạt kênh chlorua (chloride channel activators)
tăng cường nhu động và lượng dịch trong ruột để giúp phân di chuyển dễ dàng,
giảm triệu chứng táo bón. Một trong những thuốc đó là Amitiza (lubiprostone), được
đánh giá là vẫn an toàn sau khi sử dụng từ 6-12 tháng.Sau thời gian đó, bác sĩ nên

đánh giá lại xem việc dùng tiếp có cần thiết nữa không.

H11-Viên Almitiza (lubiprostone). Thuốc nhuận trường kích hoạt kênh chlorua
Những bệnh nhân đã lệ thuộc thuốc nhuận trường nên giảm sử dụng chúng từ
từ. Bác sĩ có thể hỗ trợ quá trình này. Đối với đa số bệnh nhân, ngừng thuốc nhuận
trường sẽ phục hồi lại khả năng co bóp tự nhiên của đại tràng.
-Các phương pháp điều trị khác
Điều trị táo bón có thể hướng đến nguyên nhân đặc hiệu. Ví dụ bác sĩ có thể
khuyên nên ngưng dùng một loại thuốc gây táo bón nào đó, hoặc phẫu thuật để sửa
chữa một bất thường ở vùng hậu môn trực tràng, như sa trực tràng chẳng hạn.
Bệnh nhân táo bón mãn tính do rối loạn chức năng hậu môn trực tràng có thể
dùng phương pháp rèn luyện phản hồi sinh học (biofeedback training) để luyện tập lại
các bắp cơ kiểm soát việc đi tiêu. Phản hồi sinh học dùng một cảm biến (sensor) để
theo dõi hoạt động của ruột, tiến trình được biểu hiện trên màn hình vi tính, giúp đánh
giá chính xác chức năng của cơ thể. Chuyên gia sẽ sử dụng các thông tin này để giúp
bịnh nhân tập luyện lại các bắp cơ này.
Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng là một chọn lựa điều trị đối với bịnh nhân có những
triệu chứng nặng do liệt đại tràng (colonic inertia). Tuy nhiên cần phải cân nhắc kỹ và
tính đến các biến chứng lâu dài của phẫu thuật như đau bụng và tiêu chảy.

V- Táo bón có thể trở nên nghiêm trọng?
Táo bón có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Các biến chứng bao gồm: trĩ, do rặn
nhiều khi đi tiêu, hoặc nứt hậu môn rách da quanh hậu môn do phân cứng làm căng cơ
vòng hậu môn. Hậu quả là chảy máu trực tràng, thành từng tia đỏ tươi trên bề mặt của
phân. Điều trị trĩ bao gồm ngâm hậu môn với nước ấm, đắp túi nước đá, và bôi một
loại kem đặc biệt ở vùng tổn thương. Điều trị nứt hậu môn bao gồm nong cơ vòng hậu
môn hoặc cắt bỏ mô và da ở vùng tổn thương.
Rặn nhiều có thể khiến một phần của ruột sa ra ngoài hậu môn. Tình trạng này
gọi là sa trực tràng. Thường chỉ cần loại bỏ nguyên nhân gây sa, như rặn hoặc ho, là đủ
cho việc điều trị . Cần phẫu thuật để củng cố, làm chặt cơ vòng hậu môn hoặc chữa lại

phần niêm mạc bị sa khi có sa trực tràng nặng và mãn tính.

H12-Táo bón mãn tính: dãn lớn trực tràng
Táo bón còn có thể gây phân đóng khối (fecal impaction) trong đại tràng và trực
tràng, chặt đến nỗi sự co bóp của đại tràng không đủ sức để tống xuất phân. Tình trạng
phân đóng khối này thường gặp ở trẻ em và người cao tuổi. Khối phân sẽ được làm
mềm bằng dầu vô cơ (paraffine) dùng đường uống hoặc bơm thụt đại tràng. Sau khi
làm mềm khối phân đóng cứng, bác sĩ sẽ dùng một hoặc 2 ngón tay đút vào hậu môn
làm vỡ khối phân và móc ra ngoài.
VI- Những điểm cần ghi nhớ
- Táo bón có thể xảy ra với mọi người vào một lúc nào đó trong đời.
- Nhiều người cứ nghĩ rằng mình bị táo bón, dù thực tế, hoạt động bài tiết của
họ vẫn bình thường.
- Nguyên nhân gây táo bón thường gặp nhất là chế độ ăn mất cân đối và ít vận
động thể lực.
- Những nguyên nhân khác gây táo bón bao gồm thuốc men, hội chứng ruột
kích thích, lạm dụng thuốc nhuận trường, và một số bịnh lý đặc biệt khác.
- Chỉ với bệnh sử và thăm khám lâm sàng là đã có thể chẩn đoán và điều trị táo
bón trong đa số các trường hợp.
- Thường thì những điều sau đây sẽ giúp giảm triệu chứng và đề phòng táo bón
tái phát:
+ Chế độ ăn cân đối, nhiều chất xơ gồm các loại đậu, khoai, gạo lức, rau quả
tươi.
+ Uống nhiều nước.
+ Tập luyện đều đặn.
+ Đi tiêu đúng giờ trong ngày.
+ Tránh nhịn đi tiêu khi có nhu cầu.
- Nhận thức rằng thói quen bình thường của ruột có thể thay đổi tuỳ theo từng
người.
- Khám bệnh ngay khi có thay đổi thói quen của ruột.

- Đa số bệnh nhân không cần dùng thuốc nếu chỉ bị táo bón nhẹ. Tuy nhiên, bác
sĩ có thể khuyên dùng thuốc nhuận trường đối với các trường hợp táo bón mãn tính
trong một khoảng thời gian nhất định.

×