Gốm Việt Nam
Gốm ra đời cùng với thời kỳ đồ đá mới. Từ đó, gốm là người làm chứng đáng tin cậy cho mỗi
thời kỳ văn hóa, cho mỗi tầng văn hóa khảo cổ. Cho đến nay, gốm vẫn phát triển mạnh. Những
điều đó làm cho sự hiểu biết của con người đối với gốm qua nhiều loại, nhiều thời kỳ, nhiều xuất
xứ khác nhau, quả là vô cùng khó khăn, phức tạp, và cũng đầy hấp dẫn. Chưa một ai dám cho
mình đủ khả năng xác minh đúng mọi loại gốm ở mọi trường hợp. Tuy nhiên, một số điều thông
thường trong việc tìm hiểu gốm, tưởng cũng nên bước đầu trao đổi thống nhất, để công cuộc
sưu tầm, nghiên cứu gốm dễ được mở rộng, và đi dần vào chiều sâu.
Với ý nghĩa đó, bài này cốt mong góp được đôi phần bổ ích trong niềm tự hào vốn quí của dân
tộc, trong nghiệp vụ nghiên cứu, bảo vệ cổ vật nói chung, gốm cổ nói riêng trước tình hình mới
khi mà diện sưu tầm đã được mở rộng khắp cả nước.
Xung quanh vấn đề các loại gốm, các loại màu, các loại men
a. Các loại gốm: Gốm có nhiều loại. Chủ yếu có ba loại chính: đất nung, sành, sứ.
Sành có thể chia ra sành cứng, do xương đất đã cháy cứng, không còn bị ngấm nước.
Sành xốp, do xương đất mới kết dính nhưng chưa thật chín, còn bị ngấm nước. Trong sành
cứng có loại sành nâu (như đồ chum, vại), có loại sành trắng (như bát sành trắng).
Sứ khác sành trắng ở chỗ khi nung chín với độ mỏng nhất định, xương đất trở nên "thấu minh"
(tức là ánh sáng xuyên qua).
Giữa ba loại chính, thường có loại trung gian, như loại nửa đất nung, nửa sành; loại nửa sành,
nửa sứ.
Xét về lịch sử phát triển đồ gốm, thì đồ đất nung có trước tiên, phổ biến từ thời đại đồ đá mới.
Muộn hơn cả là sứ.
Về đất nung, có thuyết cho rằng buổi sơ khai, người ta đắp đất mỏng bên trong cái giỏ đan rồi
đem nung. Giỏ đan bằng nan cây bị cháy, còn lại hình đất bên trong đã được nung chín. Đây là
căn cứ vào những mảnh gốm nguyên thủy đào được mà mặt ngoài có mang rõ dấu hình đan.
Như vậy, nghệ thuật gốm đi từ đơn giản tiến dần đến phức tạp.
Có thuyết cho rằng nghệ thuật gốm đi từ phức tạp đến đơn giản. Vì thật khó mà biết được loài
người sử dụng đất sét từ bao giờ. Nhưng khi con người đang ở thời đại thơ ấu - cũng như đứa
bé - vốn hay bắt chước tự nhiên với sự vụng về của mình. Qua những cuộc khai quật ở Hit-xác-
lích (Hissarlik, thuộc vùng Tiểu Á châu), ở Mê-hi-cô, Yu-ca-tan (châu Mỹ - nền văn minh May-a),
người ta thấy những hình thù gốm xưa nhất nặn bằng tay phức tạp, bắt chước hình dáng loài
vật, người. Chỉ khi người ta phát chế ra bàn xoay, thì chính đồ gốm mới đi từ phức tạp đến đơn
giản.
Bàn xoay cách đây 5.000 năm đã thấy ở Ai Cập; cách đây 4500 năm đã thấy ở Tiểu Á châu. Ở
Trung Quốc, đời Ân Thương cách đây 4000 năm đã biết sử dụng bàn xoay rất thành thạo (Văn
hóa Long Sơn). Ở Việt Nam, đồ gốm di chi Phùng Nguyên cách đây 4000 năm đến 5000 năm,
cũng đã chứng minh việc sử dụng bàn xoay quen thuộc. Nhưng có điều lạ là không phải bàn
xoay trở nên phổ biến khắp nơi. Gốm châu Mỹ chưa hề làm bằng bàn xoay trước cuối thế kỷ 15.
Ở Việt Nam, đồng bào Chăm thuộc vùng Phan Rang, đến nay vẫn chưa sử dụng bàn xoay để
sản xuất gốm.
Lần theo dấu vết đất nung cổ đại, người ta còn phát hiện bàn tay người phụ nữ in hằn trên hiện
vật xưa nhất, chứng tỏ trong bước đầu xây dựng xã hội cộng đồng, vai trò người phụ nữ rất quan
trọng, kể cả đối với nghề gốm.
Về sứ, theo công trình nghiên cứu, khảo sát của Trung Quốc gần đây, thì sứ Trung Quốc có từ
đời Tam Quốc, với những hiện vật bằng sứ xanh. Nhưng một số nhà nghiên cứu khác của Trung
Quốc cho rằng sứ đã có từ đời Ân Thương. Tuy bấy giờ do trình độ nung lửa còn thấp, nên hiện
vật sứ chưa thể "thấu minh". Nhưng với lập luận này, người ta có thể ngờ giữa sành trắng và sứ
có thể lẫn lộn nhất là trong một số từ điển Trung Quốc còn giải thích sành tức là "sứ thô".
Ở châu Âu, biết đến sứ, trước tiên là do đồ sứ Trung Quốc mang sang. Nhà luyện kim Ý Ma-xtơ-
rô An-tô-ni-ô học được phương pháp làm sứ năm 1470. Nhưng mãi đến 1704. Bốt-gie, người
Đức, mới thí nghiệm thành công sứ, và đến 1710, mới lập xưởng sứ Đre-xđen, đầu tiên ở châu
Âu. Trong khi đó, ở Ai Cập và I-rắc đã làm được đồ sứ từ các vương triều Pha-ti-mít (Fatimites
640 - 1171). Ở Việt Nam, sứ ít ra cũng đã có từ thế kỷ thứ 8, thứ 9 dưới dạng "sành sứ".
Chính từ Póc-xơ-len (Porcelaine) nghĩa nguyên thủy của nó là xà cừ. Sau này, khi châu Âu tiếp
xúc với đồ sứ châu Á, người phương Tây mượn từ này vĩnh viễn đặt cho sứ với ý nghĩa ca tụng
sự trong suốt óng ánh của nó. Theo đó đặc tính của sứ phải là "thấu minh", chứ không chỉ vì
trong xương đất có chất cao lanh là đủ. Định niên đại cho sự ra đời của sứ có thể khác nhau, do
cách khái niệm đặc tính có khác nhau là như vậy.
Sành xốp là sứ ít bị lẫn lộn. Vì sành xốp là xương đất bao giờ cũng còn sống, còn ngấm nước,
mặt dầu có loại sành xốp mà xương đất được nung độ lửa cao hơn độ lửa của sứ. Dĩ nhiên, có
nhiều loại sành xốp nung độ lửa chỉ cao hơn đất nung. Đó là loại "nửa đất nung, nửa sành" như
gốm Phù Lãng, bát "con gà" Lái Thiêu. Sành xốp xuất xứ từ Tiểu Á sang đảo Ma-gióc-cơ
(Majorque). Những sản phẩm gốm ở đảo đó xuất sang phương Tây được mệnh danh là Ma-giô-
lích-cơ(Majolique) được nổi tiếng một thời. Tiếp theo, thành phố Pha-i-en-ca (Faienca) thuộc Ý,
sản xuất sành xốp với trình độ nghệ thuật và kỹ thuật cao hơn, xuất sang Pháp và các nước khác
ở châu Âu, được mệnh danh là "Phai-i-en-xơ" (Faience). Ở Pháp, gần cuối thế kỷ 18, nâng sành
xốp lên độ mịn và độ rắn không thua sứ mấy, được gọi là "Pha-i-en-xơ mịn" (Faience fine) hoặc
có khi người ta còn gọi là sứ đục (faience opaque). Đây là lối gọi có lợi cho cách chào hàng trên
thị trường quốc tế. Ở Việt Nam sành xốp người ta cũng quen gọi là "đồ đàn". Đàn là tên gọi của
một làng làm sành xốp thuộc tỉnh Hải Dương cũ. Sau này, nơi nào làm loại này cũng được gọi là
"đồ đàn" như ở Bát Tràng có lò đàn cạnh lò sứ; Hà Nội có phố "Bát Đàn", thuộc 36 phố phường
xưa.
Sành nâu mà ở ta cũng thường gọi là đồ "Cang", như sản phẩm gốm ở Hương Canh (Vĩnh Phú),
lò Ngọa Cương (Quảng Bình cũ). Từ "Cang" có lẽ cũng xuất xứ từ một địa danh làm đồ sành
nâu, mà hiện nay chưa hiểu rõ nơi nào. Vậy cái tên đặt cho một loại gốm mới ra đời đều có
nguyên nhân cụ thể của nó, và thường xuất xứ từ bối cảnh lịch sử hơn là ý nghĩa khoa học tự
thân nó.
Gốm là tiếng gọi chung nhất của mấy loại trên. Nhưng trên thị trường, người ta thường muốn
tách sứ ra khỏi gốm, bởi cái dạng bóng bẩy của nó khác các loại trên không ít. Một phần còn do
nguyên nhân lịch sử: sứ ra đời rất muộn so với họ nhà gốm đã ổn định từ lâu. Nếu ở Việt Nam
thường gọi "Céramique et Porcelaine", là đều do thói quen có dụng ý, hoặc vô tình. Nhưng về
mặt khoa học, sứ trước sau chỉ là một loại của gốm.
b. Các loại màu
Màu thì rất nhiều, căn bản lấy từ ôxy. Như ôxy đồng, cô-ban, măng-gan, sắt, v.v Châu Âu dùng
màu sẵn tinh chế đã hàng thế kỷ nay. Châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn còn quen dùng
các quặng dưới dạng thiên nhiên. Cũng ví như thuốc Tây y tinh chế, thuốc Đông y thì dùng thẳng
nguyên liệu tự nhiên. Mỗi thứ đều có nhược điểm và ưu thế của nó. Ví dụ: màu tinh chế thì rất ổn
định qua độ lửa, nhưng kém phần đa dạng. Dù nhiều màu đến đâu cũng cảm thấy một sự lặp đi
lặp lại cố định. Màu dưới dạng tự nhiên thì đậm nhạt, sâu nông, biến hóa màu sắc bất ngờ
thường xảy ra qua độ lửa, nên dù ít màu mà dễ đa dạng, dễ đẹp, nhưng cũng hay bị hư hỏng.
Màu có hai loại chính: màu dưới men và màu trên men. Màu dưới men là vẽ màu lên hiện vật rồi
phủ men. Khi nung ra, màu vẽ được lộ ra trên hiện vật qua lớp men trong suốt. Như sứ hoa lam
lấy từ ôxy cô-ban, hầu như thuộc loại màu dưới men.
Màu trên men thì phong phú, đủ loại xanh, đỏ, tím, vàng nhưng không sâu bằng màu dưới
men. Đồ mộc tráng men đem nung chín với độ lửa cao. Sau đó mới vẽ hoặc in màu lên, và đem
nung lần thứ hai với độ lửa thấp, cốt đảm bảo màu bán chặt trên men. Cũng có loại chỉ nung một
lần, với men và màu cùng nhẹ lửa. Như vậy hiện vật còn rất sống, mỗi khi vỏ men bị tróc, thì
xương đất cũng bị mủn ra. Đó là loại sành xốp, cũng có thể gọi là loại "đất tráng men" vốn có từ
rất xưa ở vùng Tiểu Á. Ở Việt Nam, loại "bát con gà" vùng Lái Thiêu cũng thuộc loại đó. Đây là lối
làm tiết kiệm, sản xuất nhanh, hạ gần phân nửa giá thành.
Ngoài hai loại chính trên có loại màu giữa men, tức là hiện vật được tráng men, sẽ vẽ màu, sau
đó lại phun thêm một lớp men rất mỏng. Lối làm này có ưu điểm là tạo ra được nhiều màu tương
đối có độ sâu, không bị kệch như màu trên men thông thường. Từ đời Minh, ở Trung Quốc còn
sáng tạo màu trên men bóng như thủy tinh. Đó là loại sứ có hoa văn gần như men màu dày cộm
và trong suốt chồng lên nền men trắng. Sứ Giang Tây nhiều màu trên men thuộc loại đó đã nổi
tiếng khắp thị trường châu Âu. Nhìn chung, màu trên men thông thường với đồ pha-ăng-xơ vốn
sở trường từ Tiểu Á và truyền sang châu Âu. Nhưng màu dưới men, màu giữa men và "màu thủy
tinh" trên men với đồ sành sứ và đồ sứ, thì sở trường từ châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc.
c. Men: Có hai loại chính: men nhẹ lửa và men nặng lửa. Giữa hai loại đó, có loại trung gian:
men lửa vừa. Men nhẹ lửa thấp nhất là 600o, như men làm bằng ôxy chỉ đơn giản thường thấy ở
một số tượng gắn non bộ; men nhẹ lửa cao nhất là 900o, như một số loại men của sành xốp.
Men nặng lửa thông thường từ 1280o đến 1300o. Đó là loại men sành, sứ phương Đông. Có loại
lên đến 1400o như nhiều men sứ châu Âu. Men màu là loại men trắng pha với ôxy màu thành
men màu, như một số lư hương Bát Tràng thế kỷ 16, 17 tô nhiều men màu chảy quyện với nhau
rất đẹp.
Xét về nguyên lý, thì mọi chất qua độ lửa nhất định đều phải chảy. Men và xương đất đều là
những chất được nung qua độ lửa. Chỉ khác là men chảy khi xương đất chưa chảy (như sành
xốp, đất nung) hoặc xương đất mới chảy ở độ kết dính, ở độ "thấu minh" (như sành cứng, sứ).
Đó là do tỷ lệ chất dễ chảy giữa men và xương đất khác nhau trong cùng một độ lửa. Như vậy, bí
quyết trong nghề gốm có men, không phải ở chỗ làm thế nào cho men chảy, mà chính là làm thế
nào để giữa xương đất và men ăn khớp nhau qua độ lửa.
Men trắng có hai dạng: men trắng đục và men trắng trong. Men trắng đục xuất xứ vùng Tiểu Á,
gốc từ ôxy thiếc, phần lớn ở độ lửa vừa, có tác dụng che phủ bề mặt của xương đất xốp còn
sống. Men này sớm phổ biến ở châu Âu, thích hợp với loại sành xốp. Do men trắng đục, nên
người ta hay làm màu trên men. Vì nếu màu dưới men thì bị chất trắng đục che mất. Ở châu Á,
cách làm men trắng trong đã có từ thời rất xưa và khá phổ biến. Do men trắng trong (mà gốc là
chất si-li-cát + kiềm), nên việc vẽ màu dưới men rất đạt và có nhiều kinh nghiệm truyền thống,
hiện vật gốm nung ra có độ sâu óng ánh. Nói về lịch sử men trắng trong, thì người San-đê
(Chaldéens) vùng Tiểu Á xưa cách 500 năm trước Công nguyên, đã biết đốt cây lấy gio để làm
ra, nhưng sau khi bị thất truyền. Ở Trung Quốc, đời Thương (1766 - 1122 trước Công nguyên)
đã biết làm men gio. Ở châu Âu, thế kỷ 16, mới biết dùng men si-li-cát kiềm nặng lửa do Béc-na
đờ Pa-lít-xy (Bernard de Palissy) tìm ra, làm thay đổi bộ mặt sành trắng của Pháp có bề sâu,
nhất là đối với loại gốm có trang trí nổi.
Cũng cần nói thêm một số điểm dễ ngộ nhận trong lĩnh vực men gốm:
- Trước tiên là nói đến men ngọc: Men ngọc vốn có từ xưa ở nhiều nước châu Á, như Trung
Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Thái Lan Men ngọc do gốc từ si-li-cát + kiềm, cộng thêm tạp chất
có nhiều hàm lượng ôxy sắt mà thành. Đây là do ngẫu nhiên trong quá trình nung tạo gốm theo
phương thức châu Á mà tìm ra. Về sau, người ta chủ động làm ra men ngọc với chất lượng mỗi
ngày mỗi cao. Như ở Trung Quốc, mãi đến đời Bắc Tống, mới tập trung tìm và khai thác chất
ngọc trong men gốm. Như vậy, men ngọc, hàm lượng ôxy sắt, phải nung theo lửa hoàn nguyên
(tức là lửa khử ôxy), thì màu sắt đó mới chuyển sang màu ngọc xanh dịu. Nếu nung theo độ lửa
ôxy, thì sẽ ra màu "ngọc nâu". Nếu lửa bị chi phối cả hai chiều, thì sẽ ra màu vàng úa. Ngay
xương đất có nhiều tạp chấp chứa hàm lượng sắt cao, cũng giúp cho màu ngọc thêm đậm đà
(như sứ "bí sắc" lò Long Tuyền thời Nam Tống).
Gốm men ngọc thường trang trí hoa văn chạm khắc chìm. Những chỗ trang trí nông sâu không
đều làm cho men đọng lại chỗ dày chỗ mỏng, càng tôn vẻ quí của loại gốm men ngọc.
Điều dễ lầm lẫn trong nhiều tư liệu ghi lại thành sách, là qua hiện tượng màu men khác nhau, có
người không ngờ đó là do lửa, mà tưởng đó là do những công thức men khác nhau cũng như
chỗ dày chỗ mỏng của men ngọc, có người ngộ nhận đó là do tô vẽ đậm nhạt, dày mỏng khác
nhau.
Người ta cũng thường giới thiệu men ngọc là men Đông Thanh (kể cả men ngọc Việt Nam). Điều
đó không đúng. Ở Trung Quốc, có xuất hiện lò Đông, hoặc lò Đông thời Bắc Tống đến đời Minh,
Thanh và sản xuất ra gốm men ngọc gọi là đồ Thanh Đông, hoặc đồ Thanh. Sau này, ở Cảnh
Đức Chân, lò dân cũng sản xuất ra gốm men ngọc tinh có, thô có, và gọi là đồ Đông Thanh. Vậy
gốm Đông Thanh là tên gọi rất muộn của một loại gốm men ngọc. Không thể lấy tên Đông Thanh
để gán cho mọi loại gốm men ngọc ở bất cứ thời nào, và ở bất cứ nước nào.
Gốm men ngọc, châu Âu gọi là xê-la-đông (Céladon), lại thông qua một nghĩa ngẫu nhiên phức
tạp khác: Do gốm men ngọc phương Đông được giới thiệu qua châu Âu quá đẹp, đẹp như màu
áo nguyệt bạch của chàng Xê-la-đông trong vở kịch A-xtơ-rê (Astrée) nổi tiếng của Uốc-phê
(Honnoré d'Urfé: 1610 - 1627). Từ đó, gốm men ngọc được đặt tên là Xê-la-đông.
Men lý hiện nay phổ biến trên thị trường Hà Nội thì không phải men ngọc, vì màu rợ và thiếu bề
sâu, do pha chất ôxy, crôm, dễ hóa thành men tây thông thường.
- Men lục cả men huyết bò từ ôxy đồng:
Ôxy đồng pha vào một công thức men chảy nhất định, có thể trở thành màu men lục, nếu nung
lửa hoàn nguyên; hoặc màu đỏ huyết bò, nếu nung lửa ôxy. Khi lửa đi theo hai chiều thì hiện vật
nung ra có thể nửa xanh nửa đỏ lỗ chỗ không đều, hoặc màu vàng úa. Đó cũng là do lửa chứ
không phải do nhiều công thức men khác nhau.
Trên đây là một số điều sơ lược nói về xương đất, về màu, về men của gốm. Phần sau nói về
nghệ thuật gốm Việt Nam, chúng tôi sẽ có dịp trở lại những vấn đề trên, với những khía cạnh
khác.
NGUYỄN VĂN Y