Mặt trái của thị trường và cơ hội cho các chuyên gia
(Tiếp theo và hết)
Cơ hội vàng của các chuyên gia
Số vụ gian lận tài chính kế toán để làm tăng giá trị cổ phiếu của các công ty
trên thị trường chứng khoán đang trên đà phát triển mạnh. Đó chính là cơ hội bằng
vàng cho các chuyên viên chuyên truy tìm các vụ gian lận. Họ được rất ít người
biết mặt vì ít khi xuất hiện trước công chúng, thế nhưng phần lớn các nhà kinh
doanh lại biết đến ho, bởi đó là Sherock Homes trên thị trường chứng khoán. Cũng
nhờ họ mà các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán tránh được việc đổ tiền sai
địa chỉ.
Cổ phiếu của hãng Hanoz có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những người
thường xuyên truy cập các thông tin tài chính và chứng khoán trên mạng Internet.
Trong hơn một năm, những người tham gia Internet đã trao đổi các tin tức sáng
sủa về công ty vi tính truyền thông có cổ phiếu bán tại Wall Street này. Thế rồi,
thám tử chuyên truy tìm các vụ gian lận của công ty, Adrian Plessis, đã đặt Hanoz
dưới chiếc “kính hiển vi nói thật” của mình. Hai bản báo cáo chỉ rõ cách mà các
nhà kiểm toán buộc Hanoz phải chấn chỉnh và sửa đổi các con số doanh thu, đồng
thời nêu tên hai vị giám đốc công ty có dính líu đến nhiều vụ gian lận trước đó.
Sau đó, FBI cho người lục soát trụ sở của Hanoz vì có lời tố cáo công ty tửa tiền
và dính líu với xã hội đen. Lập tức, cổ phiếu của Hanoz từ giá 14 USD một cổ
phiếu trở thành … ngưng mua bán trên thị trường và các cơ quan chức năng vẫn
còn tìm thêm chứng cứ buộc tội. Hanoz là một trong những câu chuyện kỳ thú
nhất trong một năm mà các bất minh bạch về kế toán và kiểm toán là chuyện bình
thường. Các vụ scandal kế toán đã làm cho nhiều hãng lớn như Worlcom, Eron
phải sụp đổ trên thị trường. Cùng với đó, nhiều công ty khác cũng bị khốn đốn.
Các chuyên viên tài chính nói: Sự bất minh về kế toán là hiện tượng của thị
trường chứng khoán đang mọc nanh vuốt. Nhằm giữ giá cổ phiếu ở mức cao, một
số công ty đã bịa ra những con số kế toán ma để cung cấp cho các nhà phân tích
thị trường. Uỷ ban chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) đã có nhiều cuộc họp để
xem xét vấn đề này.
Dường như những năm cuối thập niên 90 là thời đại vàng cho những
chuyên viên chuyên lật tẩy sự gian lận của công ty trên thị trường chứng khoán.
Họ hãnh diện vì đã báo trước được các thảm hoạ sắp sửa xảy ra do nhập nhèm sổ
sách kế toán. Trong khi Plessis thống trị lĩnh vực này ở Canada thì ở Mỹ do
Howard Schilit, một cứu giáo sư kế toán khống chế. Schilit chính là người đã lưu
ý về hoạt động của Sunbeam và Cendant, hai công ty đã sụp đổ vì những gian lận
tài chính, trước khi các vấn đề được lôi ra ánh sáng.
Adrian Plessis không có vẻ là “người gác cổng” cho thị trường tài chính.
Anh lớn lên ở Vancouver và bỏ trường trung học để làm nghề quản lý cho các ban
nhạc pop rock. Sau đó anh chuyển đến Vancover làm người kinh doanh chứng
khoán tại Sở giao dịch Vancover. Những năm làm thuê kiến thúc khi anh trở thành
kẻ “bới vết tìm sâu” nghiệp dư vào cuối những năm 80. Trong 10 năm qua, anh đã
viết một cuốn sách về trò lường gạt cổ phiếu, nghiên cứu về vụ gian lận mỏ vàng ở
Indonesia của hãng Bre-X (mỏ vàng này không có thực) và khám phá ra hơn hàng
chục vụ scandal chứng khoán. Tất cả “thành tích” đó tạo cho Vancover biệt danh
“thủ đô gian lận của thế giới”. Hôm nay, con người 39 tuổi này sống tại một hòn
đảo biệt lập ngoài biển khơi Vancover, kiếm sống “đạm bạc” bằng cách nghiên
cứu sách vở, săn lùng các gian lận chứng khoán và điều hành một địa chỉ Internet
của riêng mình. Các nhà báo và các luật sư chứng khoán đã khen ngợi nỗi đam mê
khám phá sự thật của Plessis, kiến thức “bác học” của anh về gian lận chứng
khoán và khả năng phát hiện ra các vụ gian lận tinh vi. “Tiến trình khám phá của
Plessis khiến mọi người phải ngạc nhiên vì anh chỉ bắt đầu từ một bài báo hay một
báo cáo của một nhà phân tích nào đó”, John Wood, người cho đăng bài viết của
Plessis về Hanoz trên tờ Canada Stock Watch nói, “chỉ cần chạm tay vào tập hồ sơ
nghi ngờ là bàn tay của anh đã cảm thấy vết bẩn”. Thậm chí, đối với một chuyên
viên chuyên truy tìm gian lận kỳ cựu như Plessis, vụ Hanoz cũng để lại dấu vết
đặc biệt. Hanoz là một công ty mẹ của một số công ty ở Canada, quần đảo
Channel và ở Hungary, trong đó có cả một công ty do trùm xã hội đen Nga
Semeon Mogiletvich sáng lập. Plessis không biết về quan hệ này khi anh bắt đầu
“xoi mói” Hanoz. Chính các bất minh kiểm toán và quá khứ có vấn đề của hai
giám đốc điều hành đã thu hút sự chú ý của anh. Nhưng sau khi các kiểm toán viên
từ chối thông qua sổ sách kế toán năm 1997 của Hanoz và nêu lên khả năng có các
hành động phi pháp thì chính phủ liên bang mới nhúng tay vào. Dù các nhà điều
tra không nói gì cả, công việc của họ là tìm xem doanh số bán của Hanoz có được
thổi phồng lên như một cách để rửa tiền bẩn không. Hanoz khăng khăng là
Mogilevitch không liên quan đến việc quản lý công ty và cuộc điều tra riêng của
công ty không thấy có bàn tay tội phạm.
Plessis là thế! Còn riêng đối với Howard Schilit, ông thích săn các con mồi
lớn hơn Hanoz. Ông mổ xẻ các thông báo tài chính của các công ty có bán cổ
phiếu trên thị trường như United Health Care và Oxford Health Plans,… Khác với
Plessis, ông không tìm tòi sự gian lận khi nó xảy ra mà nhận ra các dầu hiệu báo
trước của gian lận, đặc biệt là chú ý đến các hoạt động kế toán cấp tập bất thường
để che dấu sự kinh doanh thua lỗ. Dù Schilit không mua bán chứng khoán dựa vào
nghiên cứu của mình nhưng ông đã trợ giúp nhiều cho những người mua bán
chứng khoán trên thị trường. Mỗi năm, một khách hàng của tờ tin hàng tháng do
Schilit phát hành phải trả cho ông 10.000 USD để có được các thông tin công ty.
Giá cổ phiếu của các công ty bị ông đưa vào danh sách cảnh giác đã giảm 26%
trong năm ngoái. “Howard biết được các vấn đề mà cả các nhà phân tích gạo cội ở
Wal Street cũng bó tay”, một nhà quản lý quỹ đầu tư cho biết. Mặc dù đa số các
công ty bị Schilit nêu tên đã lặng lẽ hoá giải các chỉ trích của ông trong lĩnh vực kế
toán một cách suôn sẻ thì vẫn có một số vụ scandal lớn. Đó là trường hợp của
Worldcom và Sunbeam.
Chính những người như Schilit và Plessis đã buộc các kế toán viên phải suy
nghĩ kỹ trước khi tự ý làm bậy (tự ý hay theo yêu cầu của chủ). “Nếu doanh
nghiệp lành mạnh và bạn chân thật, kế toán sẽ chỉ là trò chơi thú vị”, Schilit nói.
Còn Plessis thì hy vọng công việc của anh sẽ lật tẩy những hợp đồng bất minh làm
vấy bẩn thị trường chứng khoán. Hiện anh còn hai chục công ty đang bị đặt dưới
“kính hiển vi nói thật”. Nhiều nhà đầu tư hỵ vọng chúng không nằm trong danh
sách các công ty họ đang nắm giữ cổ phiếu!