Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Tài liệu Triết học cổ điển Đức từ Kant đến Hegel pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (246.84 KB, 11 trang )





Triết học cổ điển Đức
từ Kant đến Hegel

Triết học cổ điển Đức từ Kant đến Hegel
Phần VI
2 -Tinh thần tha hóa
Tinh thần tha hóa là lý tính tự nhận mình trong thế giới với hình thức xa biệt: thế
giới là cái gì khác mình, trong đó chúng ta bị đày đọa. Thế giới tha hóa ấy qua ba
giai đoạn:
1 - Giai đoạn rèn luyện.
2 - Giai đoạn sáng suốt.
3 - Giai đoạn ý thức luân lý.
Ba giai đoạn đó tượng trưng cho 3 giai đoạn lịch sử thế giới Gia Tô, tức là:
- Giai đoạn Trung Cổ mà con người phải lao động nhưng không có ý thức về giá
trị lao động đó. Lao động với hình thức hoàn toàn bị áp bức bóc lột. Nhưng trong
lúc bấy giờ có xây dựng yếu tố văn hóa mới. Giai đoạn đó gọi là giai đoạn rèn
luyện con người.
- Giai đoạn 2 là giai đoạn đang lên của tư sản, nhưng nghiên cứu với hướng mới:
đấu tranh giữa chủ nghĩa cũ và chủ nghĩa mới, chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa
tư bản. Chứ không phải đấu tranh giữa cá nhân chống phong kiến nữa, không phải
là đấu tranh giai cấp với hình thức cá nhân mà là đấu tranh giai cấp có tổ chức, có
ý thức giữa các chủ nghĩa, cụ thể là giữa chủ nghĩa Gia Tô và chủ nghĩa Sáng Suốt
(Philosophie des Lumières).
Cuối cùng là giai đoạn ý thức luân lý, là luân lý nhằm giải quyết những vấn đề
nhân tâm sau khi cách mạng tư sản thành công. Mọi vấn đề nhân tâm như tự do,
bình đẳng và bác ái đều đặt vào chỗ đánh đổ phong kiến, thực hiện chế độ lý
tưởng mới; nhưng sau khi cách mạng tư sản được thực hiện thì nó phải hủy lý


tưởng ấy, vì mang lại một thế giới không có tự do, bình đẳng và bác ái nữa. Lúc
đó, tư tưởng tư sản tìm cách thực hiện lý tưởng ấy trong nhân tâm bằng luân lý. Lý
tưởng của luân lý ấy nhằm thực hiện được đời sống lý tưởng tự nhiên, của cái mà
người ta tưởng là có trong quốc gia thành thị Hy Lạp.
Phê phán:
Cụ thể, ta thấy chính triết học Đức là một sự cố gắng thực hiện trong tâm hồn cái
lý tưởng của cách mạng tư sản Pháp mà nó không thực hiện được trong thực tế.
Đây, nói chung Hegel có mô tả một số hiện tượng có thật: cụ thể là công trình rèn
luyện của nhân dân dưới sự áp bức bóc lột của nhà nước Trung Cổ, của Đạo Gia
Tô. Qua sự rèn luyện ấy, đi đến đấu tranh giai cấp có ý thức, có tổ chức giữa chủ
nghĩa Gia Tô và chủ nghĩa triết học sáng suốt. Hegel có nêu ra một số hiện tượng
và mô tả nó một cách sâu sắc, đặc biệt có nêu mâu thuẫn giữa nhà nước phong
kiến và tiền tệ, của cải tức là lực lượng kinh tế mới, chứng minh rằng nhà nước
phong kiến chống lại hoạt động kinh tế hàng hóa nhưng chính nó lại sống nhờ hoạt
động đó. Nhưng có thể nói: trong lúc duy tâm hóa cả công cuộc xây dựng của
nhân dân dưới chế độ phong kiến để đi tới cách mạng tư sản, không những Hegel
đã tách rời cơ sở thiết thực của phong trào, đồng thời đã đảo ngược những giá trị
chân chính xuất hiện trong phong trào. Do đó, Hegel đã bỏ qua cái hoạt động.
Hegel có mô tả thực tế lịch sử thật, nhưng mô tả lộn ngược, cuối cùng đi đến
chứng minh rằng: cách mạng tư sản (tức chủ nghĩa triết học sáng suốt) tự nó phá
hủy nó. Nó thất bại trong thực tế, và nó chỉ có thể thực hiện được trong phạm vi
tinh thần thôi. Hegel đã đảo ngược thực tế thực sự. Đó là một bước lùi xuất phát từ
thực tế cách mạng tư sản Pháp, nhưng Hegel lại cho là một bước tiến. Thực tế
cách mạng tư sản Pháp có thất bại thật, nghĩa là có cách mạng thành công nhưng
những ý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái đã thua, thất bại đó là do bản chất của chế
độ mới, chứ không phải vì cách mạng đó thất bại trong thực tế nên nó phải làm lại
trong tinh thần.
Phần tha hóa
Cái vận mệnh chân chính của người ta, quan niệm theo chủ nghĩa Gia Tô, là ở trên
trời chứ không phải ở thế gian này. Thế giới này là một thế giới ngoài mình: tha

hóa dưới chế độ phong kiến, mâu thuẫn đầu tiên và chủ yếu là mâu thuẫn giữa
chính phủ và của cải, giữa chính quyền phong kiến và kinh tế hàng hóa. Mâu
thuẫn đó diễn biến trong tư tưởng bằng những nhận xét về cái tốt và cái xấu. Cái
tốt đây là cái giá trị của tư tưởng phong kiến, và cái xấu tức là hành động của giai
cấp thương nhân. Nhưng mặt khác, chính quyền phong kiến lại dùng tiền để củng
cố nhà vua, dùng tiền để mua chuộc một bọn tay sai ủng hộ mình. Như vậy, thực
chất của chính quyền phong kiến cũng chỉ là của cải thôi. Và của cải là giá trị chân
chính đã xây dựng nên chính quyền đó. Nhưng chính quyền đó lại đối lập với kinh
tế hàng hóa. Mâu thuẫn chuyển đến một nhận xét trái ngược lại, cho cái tốt là kinh
tế hàng hóa, và cái xấu là chính quyền phong kiến. Mâu thuẫn đây biểu hiện ở sự
đấu tranh giữa lý tính thuần túy và tín ngưỡng: giữa tư tưởng duy lý, máy móc của
tư sản và tín ngưỡng tôn giáo. Phong trào đấu tranh này phát triển nhiều nhất trong
triết học Pháp thế kỷ XVIII (triết học sáng suốt). Trong cuộc đấu tranh này, lý trí
thuần túy có phê bình và đả phá nhưng không tìm hiểu tôn giáo. Tính chất máy
móc đó biểu hiện trong sự phê bình sự tích các thánh. Tuy rằng những sự tích này
có tính chất phản tự nhiên, nhưng khi người ta đã tin thì người ta khẳng định và
công nhận tính chất chân lý của nó, và người ta tìm thấy chân lý của đời sống
trong câu chuyện ấy. Sự phê phán của phe duy vật có tính chất máy móc, nhưng
nó thắng là vì thế giới mới là thế giới của nó. Nó thắng không phải vì lý luận của
nó sâu sắc hơn, nhưng căn bản vì kinh nghiệm của thế giới mới thích hợp với nó.
Phe tín ngưỡng dần dần mất tự tin, vì nó sống một cuộc đời không thích hợp với
tín ngưỡng đó nữa.
Thế giới mới đó là gì? Hegel định nghĩa đó là cái thế giới ích lợi. Mọi sự việc
trong thế giới đó được định nghĩa bằng giá trị lợi ích của nó. Nó khác với thế giới
của thời Trung Cổ là thế giới đánh giá bằng sự trung nghĩa. Trong thế giới tư sản,
khái niệm ích lợi nhằm quan hệ giữa sự việc này với sự việc kia, theo những thuộc
tính cụ thể. Quan hệ máy móc đó là cơ sở của lý tính thuần túy, xét mọi sự vật
theo quan hệ thực dụng của nó, không đặt vấn đề nó phục vụ cho một lý tưởng gì,
mà chỉ xét tính chất của nó bằng cái tác dụng cụ thể của nó. Với kinh tế hàng hóa
phát triển thế kỷ XVIII, trong cái thế giới mới đó, mọi việc được đánh giá bằng sự

lợi ích, tức là theo giá trị hàng hóa. Phái tín ngưỡng thua vì không còn cơ sở tư
tưởng ở thần thoại nữa. Giá trị của đời sống trong thế giới là một giá trị có thực,
tức là tính chất ích lợi của mọi sự việc, nó quy định mối quan hệ giữa mỗi cá nhân
với toàn thể xã hội. Trong quan hệ đó, mỗi cá nhân được đồng nhất với toàn thể xã
hội. Vì nếu ta xét hệ thống quan hệ lợi ích đó, thì ta thấy đó chính là cái lợi ích cho
toàn thể, tức là mọi người có quyền bình đẳng về nguyên tắc; mọi việc được xác
định theo tác dụng thực tế của nó. Trước kia, mọi vật được quy định theo giá trị
thần thánh của nó. Vận mệnh của mỗi người là do Chúa quy định không thay đổi.
Trái lại, trong thế giới mới, mọi người được bình đẳng về hình thức, nghĩa là mỗi
cá nhân có thể tự coi mình là thống nhất với toàn thể xã hội. Vì quyền sử dụng mọi
vật của xã hội cũng là quyền của mỗi cá nhân, vì sự vật đó ích lợi cho tất cả mọi
người.
Thực hiện quyền bình đẳng ấy là làm cách mạng tư sản, đánh đổ chế độ phong
kiến, xây dựng một chế độ mới trong đó mọi người có quyền bình đẳng đối với
những sự vật ích lợi đó. Hegel phản ánh quá trình cách mạng tư sản Pháp, nhưng
thực tế làm thế nào tổ chức xã hội mới? Trong xã hội mới đó, mỗi người đều có
quyền tự do coi mình là đồng nhất với xã hội. Mỗi người với cái ý thức đại thể của
mình thì không phải là cá nhân nữa. Nhưng quyền bình đẳng đó chỉ thực hiện
được khi nào phá bỏ được tính chất cá nhân của mọi người. Nếu như vậy thì đi đến
kinh nghiệm cách mạng Pháp trong giai đoạn khủng bố với Robespierre. Tại sao
lại có sự khủng bố đó? Vì trong một chế độ đã công nhận mọi người là bình đẳng,
thì không ai có quyền đưa cá nhân mình ra để chống lại chế độ xã hội. Ai dám đưa
cá nhân mình ra chống lại xã hội thì người đó phải chết thôi. Hegel rút ra kết luận
rằng nếu thế thì không thể thực hiện được một cách thực tế ý thức đại thể. Vì trong
thực tế, nó chỉ thực hiện được bằng cách phá cá nhân, bằng cách chém giết người.
Do đó nó thất bại, phải trở lại đời sống bên trong, tức là thực hiện ý thức đại thể
trong chủ quan, không còn đặt vấn đề thực hiện tinh thần trong xã hội nữa.
Phê phán
Lý luận của Hegel phản ánh cái phản ứng của giai cấp tư sản Đức lúc cách mạng
Pháp bước vào giai đoạn quyết định (khủng bố). Những người trước kia thông cảm

với cách mạng Pháp như Hegel và Schelling, lúc còn trẻ hào hứng đã hô hào
«trồng cây tự do», để hưởng ứng cách mạng Pháp, bấy giờ đã đổi hướng. Lúc
Robespierre lên cầm quyền, dùng chính sách khủng bố, thì hầu hết phong trào tư
sản tiến bộ ở Đức thụt lùi, và bắt đầu đi tìm tự do trong tâm hồn, trong đời sốg bên
trong. Đây là bước ngoặt trong tư tưởng Hegel, và cũng là bước ngoặt trong tư
tưởng tư bản nói chung. Nó chuyển từ hướng cách mạng sang hướng bảo thủ, từ
hướng duy lý đi tìm thực tế khách quan đến hướng tín ngưỡng đi tìm đời sống bên
trong.
Tai sao có bước ngoặt ấy? Nghiên cứu biện chứng pháp của thế giới tha hóa, ta
thấy Hegel có phản ánh đúng đắn sự diễn biến tư tưởng trong quá trình cách mạng
tư sản. Từ lúc đảo lộn những nhận xét về tốt và xấu trên cơ sở kinh tế hàng hóa đã
nảy nở trong chế độ phong kiến, giai cấp tư sản xây dựng được một triết học duy
vật máy móc mà Hegel gọi là trí tuệ thuần túy. Rồi triết học máy móc đó thắng
được tín ngưỡng, vì kinh nghiệm của đời sống mới không còn thích hợp với tín
ngưỡng nữa. Nhưng vì sao tư tưởng duy vật máy móc ấy có tính chất cách mạng
mà nó lại thụt lùi trước chính sách khủng bố của Robespierre? Hegel có phản ánh
quá trình diễn biến tư tưởng trong cách mạng Pháp, nhưng với cái giá trị mà tự nó
nhận định cho nó. Hegel cũng có phê phán nó là máy móc, khi nó không tìm hiểu
tôn giáo và phê phán ra ngoài vấn đề, nhưng căn bản Hegel vẫn đứng trên lập
trường của giai cấp tư sản. Căn bản, Hegel vẫn công nhận rằng thế giới hàng hóa
là cơ sở chân chính để xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng, trong đó mỗi cá nhân
có cái quyền của toàn thể. Nhưng đến lúc thấy rằng lý tưởng không thực hiện
được, thì Hegel mang lý tưởng ấy thực hiện trong tinh thần, qua tôn giáo và triết
học duy tâm. Thực ra, Hegel có phê bình tư tưởng cách mạng tư sản, nhưng lại
đứng trên lập trường tư sản. Hegel tin tưởng vào giá trị của tư tưởng đó và tìm
cách duy trì nó, nhưng không tìm hiểu căn bản vì sao nó không thực hiện được
trong thực tế.
Bước ngoặt đó là lúc giai cấp tư sản thấy cách xây dựng xã hội đó không thực hiện
được lý tưởng của nó, hay thực hiện một cách trái ngược hẳn, nên nó đem cái tư
tưởng tự do, bình đẳng ấy thực hiện trong tâm hồn. Nói một cách khác, sau khi

nhận thấy rằng cái tự do, bình đẳng ấy đưa đến chính sách khủng bố, thì giai cấp
tư sản trở lại với ý thức bản ngã của tinh thần, tức là tôn giáo và triết học duy tâm.
Nhưng bước chuyển biến này còn trải qua một kinh nghiệm khác được Hegel diễn
tả trong một đoạn rất nổi tiếng, nhan đề là «Tâm hồn tốt đẹp, tội lỗi và khoan
hồng»
3 - Tâm hồn tốt đẹp.
Tâm hồn tốt đẹp là những người không xét tác dụng hành động của mình mà chỉ
quy định hành động đó sở dĩ tốt là vì phù hợp với lương tâm mình. Đến lúc thấy
thực tế hành động có hại, thì họ chỉ biết nói rằng: lương tâm bảo tôi làm thế, còn
tác dụng tốt hay xấu, tôi không biết đến. Tâm trạng này phát triển khá nhiều trong
thế kỷ XIX, và sau này nó phát triển trong toàn thể thế giới. Ta có thể rút ra kết
luận rằng: không thể nào tin tưởng tuyệt đối vào lương tâm chủ quan, mà phải xét
tác dụng thực tế của hành động. Nếu hành động thực tế có tác hại mà ta còn lấy
lương tâm để che đậy, thì lương tâm đó cũng chỉ là giả dối.
Nhưng Hegel lại kết luận khác hẳn. Hegel cũng nhận thấy rằng bám vào lương tâm
chủ quan để che đậy hành động xấu là đi đến giả dối. Nhưng Hegel lại đặt vấn đề:
nếu tâm hồn tốt đẹp đó thực tế có làm nên tội lỗi, thì cái người xét xử tội ấy đứng
trên cơ sở nào mà định tội? Bên có tội thì nhận rằng mình có tội. Nhưng bên kết án
thì cũng chỉ có thể nói rằng bên kia có tội mà thôi. Người xét xử chỉ đứng ở ngoài
mà xét đoán, chứ không biết rằng trong hoàn cảnh đó người ta phải hành động như
vậy. Khi người ta đã nhận tội rồi, mà mình còn kết án thì chính người kết án là
người có tội. Cuối cùng phải đi đến chỗ thông cảm với tội lỗi đó, và khoan hồng
người có tội vì tội đã nhận thì không thành tội nữa. Nhưng khoan hồng trên cơ sở
nào? Hegel phân tích: trong lúc hai bên thông cảm với nhau như vậy thì đều có ý
thức rằng cái mình là cái mình đại thể, mình thông cảm với người khác trong cùng
một ý thức bản ngã đại thể. Cái mình đại thể đó chính là Thượng đế, là ông thần
xuất hiện giữa hai bên, làm cho hai bên thông cảm nhau. Đó là cái tinh thần đã có
ý thức về mình, cái tinh thần của xã hội thực tế. Biện chứng pháp của tinh thần
thực tế trong xã hội đưa đến tôn giáo, tức là ý thức bản ngã của tinh thần. Những
ông thần được thờ trong các tôn giáo là tượng trưng cho tinh thần của dân tộc, vì

chỉ có ông thần mới thống nhất được mọi cá nhân trong xã hội. Mỗi bộ tộc công
nhận những ông thần riêng đã có công xây dựng nên xã hội ấy. Điểm đó Hegel
nhận xét đúng.
Vấn đề tôn giáo
Nhưng các ông thần ấy tượng trưng cho giai cấp nào trong xã hội? Hẳn không phải
là tượng trưng cho nhân dân. Chính những ông thần ấy là tượng trưng cụ thể cho
giai cấp thống trị, cho chính quyền thống trị. Trong chế độ quân chủ thì nó tượng
trưng ông vua độc đoán. Ở đây Hegel vẫn đứng trên lập trường của tư tưởng mà
ông ta phê phán. Hegel nhận xét rằng tôn giáo ấy có chân lý vì nó tượng trưng cho
tinh thần của xã hội, nhưng Hegel không thấy rằng tôn giáo biện chính cho chế độ
thống trị, bóc lột, và đặt tất cả những giá trị, thành tích của xã hội là do ông thần
xây dựng nên, tức là do giai cấp thống trị tạo ra. Thực tế giai cấp thống trị đã
chiếm đoạt những thành tích, những giá trị của nhân dân.
Ở đây, Hegel bắt buộc phải bỏ cả công trình phê phán từ trước (phê phán tôn giáo,
bộc lộ tính chất tha hóa của nó khi nó chuyển từ đời sống thực tế lên[13] trời,
trong giai đoạn tâm hồn gian khổ) là vì Hegel đã rút lui trước thực tế khách quan
của cách mạng tư sản, trước chính sách khủng bố của Robespierre. Hegel đã xóa
bỏ hết cả những thành tích phê phán trước, và biện chính cho một ý thức bản ngã
siêu nhiên của tinh thần tức là tôn giáo.
Chương VII - TÔN GIÁO
Những hiện tượng ý thức bản ngã của tinh thần phát triển mâu thuẫn, đi đến hiện
tượng cao nhất là khoa học tuyệt đối hay triết học của Hegel, chấm dứt lịch sử.
Tôn giáo hình thái báo trước triết học Hegel.
Có 3 giai đoạn trong tôn giáo:
1 - Tôn giáo tự nhiên
2 - Tôn giáo mỹ thuật
3 - Tôn giáo linh báo.
Trong quá trình phát triển của nó, tôn giáo thực hiện từng bước cái ý nghĩa của nó,
tức là xây dựng một ý tưởng trong đó tinh thần có ý thức về mình. Đó là ý thức
bản ngã của tinh thần còn ở trong phạm vi ý tưởng, chưa lên tới phạm vi lý tính,

nhưng ý tưởng đó có giá trị lý tính, vì trong phạm vi tưởng tượng, nó đã tượng
trưng cho ý thức bản ngã của tinh thần. Sự phát triển của ý tưởng đó đi từ ngoài
vào trong, chuyển qua 3 giai đoạn:
1 - Tôn giáo tự nhiên
Tôn giáo tự nhiên với những yêu tinh quỷ thần được thờ trong đời Thái tổ và
Thượng cổ trước Hy Lạp. Những quỷ thần đó tượng trưng cho những thị tộc và bộ
tộc thời đó, nhưng tượng trưng một cách ngoài con người. Trong những tôn giáo
ấy, con người tự nhận mình trong ông thần, nhưng ông thần ấy lại đè bẹp mình với
cái quyền tuyệt đối, với những hình thù quái dị, khổng lồ của ông ta.
2 - Tôn giáo mỹ thuật:
Đến giai đoạn tôn giáo Hy Lạp thì ông thần biến thành người trong những tác
phẩm mỹ thuật. Đó là những con người lý tưởng, tượng trưng cho ý thức bản ngã
của xã hội.
3 - Tôn giáo linh báo:
Đến đạo Gia Tô thì tôn giáo thực hiện được đối tượng của nó. Ông thần của đạo
Gia Tô chính là người. Cái tính chất linh báo của đạo này bộc lộ cái chân lý: thần
là người và người cũng là thần. Người tin tưởng ở thần tức là tin tưởng ở mình.
Phê phán
Trong biện chứng pháp của tôn giáo, Hegel có nêu được một số điểm đúng. Thí
dụ: ông cho rằng chính thần là người. Nhưng người đó là người gì? Hegel cho đó
là người chân chính, là bản ngã của tinh thần, là thực chất của xã hội, là lý tưởng
của mọi người trong xã hội. Nhưng thực tế, lý tưởng đây không phải là chân lý của
xã hội, tinh thần đây không phải là tinh thần chân chính của xã hội, không phải là
ý thức xã hội do nhân dân xây dựng nên mà là ý thức của giai cấp thống trị. Quyền
thống trị của ông thần tượng trưng cho quyền thống trị của giai cấp bóc lột. Quyền
thống trị đó tự nhận nó là thực chất của đời sống xã hội. Hegel biện chính cho cái
quyền bóc lột của nó, và giới thiệu nó như một chân lý. Hegel có phê phán tôn
giáo, nhưng đồng thời tin tưởng và tái lập tôn giáo. Do đó, Hegel đi đến kết luận
rằng muốn thực hiện được chân lý của tôn giáo thì phải kế thừa tôn giáo, và xây
dựng một nền triết học theo hướng của tôn giáo tức là phủ định thế giới khách

quan, cho thế giới khách quan là do tinh thần tạo ra. Nhưng theo Hegel, các tôn
giáo đều có khuyết điểm là trình bày chân lý ấy trong phạm vi tưởng tượng. Nếu
bây giờ vượt qua được phạm vi tưởng tượng đó mà tiến đến trình độ khái niệm thì
sẽ nắm được chân lý. Hegel kết luận rằng cái chân lý của đạo Gia Tô (Thượng đế
là người và người là Thượng đế) phải được thực hiện trong phạm vi khái niệm, tức
là xây dựng một hệ thống triết học chứng minh rằng chân lý của thế giới khách
quan không phải ở trong thế giới khách quan mà ở trong ý thức, trong tinh thần thể
hiện bằng khái niệm thuần túy. Cái kết luận đó là bước đầu để chuyển sang hệ
thống triết học, tức là hệ thống khái niệm xây dựng toàn bộ thực tại (tự nhiên và tư
tưởng) trên cơ sở tinh thần. Hegel trình bày quá trình phát triển của thực tại từ tự
nhiên đến xã hội chuyển lên tinh thần, và chứng minh cụ thể rằng thực tại là tư
tưởng.

×