Tầm quan trọng của một kế hoạch lãi/lỗ
Ai là người cần một kế hoạch lãi/lỗ? Có phải việc đầu tư chỉ là mua gốc bán ngọn không?
Nếu như lúc nào cũng mua gốc bán ngọn thì thật là tuyệt, nhưng chắc chắn rằng điều này
gần như là không thể. Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng chỉ là con người: cảm xúc thường
làm dao động sự phán đoán và bản chất chúng ta luôn ghét sự thất bại.
Thất bại trong giao dịch chứng khoán thành ra không chỉ làm thiệt hại cho ví tiền mà còn
làm tổn thương cái tôi của chính chúng ta. Thường thì các nhà đầu tư kiếm lời bằng cách
bán các cổ phiếu tăng giá, giữ lại những cổ phiếu xuống giá với hy vọng chúng sẽ tăng
giá trở lại, và như vậy, những cổ phiếu này co lại còn một phần so với giá trị trước đó.
Vậy làm thế nào các nhà đầu tư có thể tránh được những hậu quả đó? Một giải pháp được
đưa ra là phải học để trở thành một nhà đầu tư có kỷ luật và phải thông qua một kế hoạch
lãi/lỗ.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào chiến lược và sẽ chỉ cho bạn thấy sử dụng một
kế hoạch lãi/lỗ như thế nào để có được số dư.
Một kế hoạch lãi/lỗ là gì?
Kế hoạch này là một bước mà rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ (và các nhà đầu tư chuyên
nghiệp) thường coi nhẹ. Kế hoạch lãi/lỗ là tập hợp những giới hạn nhằm xác định mức độ
thua lỗ lớn nhất hoặc lợi nhuận mà nhà đầu tư kiếm được trên một cổ phiếu. Một phần rất
quan trọng trong việc đầu tư là phải tính đến những thua lỗ trong kế hoạch đầu tư của
mình, bởi vậy kế hoạch lãi/lỗ sẽ là cốt lõi cho một chiến lược chính xác.
Tất cả chúng ta đều mắc phải sai lầm khi lựa chọn cổ phiếu và phần lớn đều bị mất tiền
trên thị trường chứng khoán. Cái tạo nên những nhà đầu tư vĩ đại đó chính là khả năng
nhận biết những lựa chọn sai lầm của họ và sử dụng chúng làm bài học cho những quyết
định đầu tư sau này. Một kế hoạch lãi/lỗ giúp bạn nhận ra những sai lầm bằng cách cho
phép bạn tách biệt vấn đề tình cảm với đầu tư. Nếu bạn không quá sốt sắng tới lợi nhuận
mà chỉ xem chúng hoàn toàn như một phương tiện thúc đẩy sự lưu thông tiền mặt (trên
hết cả là bản ngã của bạn) thì bạn sẽ có nhiều thời gian dễ dàng hơn để xem những cổ
phiếu thua lỗ và hơn nữa là kiểm soát được chúng.
Đặt kế hoạch cho mình
Đặt ra một kế hoạch có thể khó hơn rất nhiều những gì bạn nghĩ. Trước tiên, bạn sẽ phải
xác định mức lợi nhuận tối đa mà bạn sẽ chấp nhận và mức thua lỗ tối đa mà bạn cho
phép đầu tư, nhưng các giới hạn tối đa và tối thiểu đó không nhất thiết phải áp dụng cho
tất cả các loại cổ phiếu. Ví dụ: khi so sánh một cổ phiếu có tính thanh khoản cao (blue
chip stock) với một cổ phiếu có giá trị thấp đang tăng trưởng (small-cap growth stock) thì
khả năng tăng hay giảm 10% giá cổ phiếu có tính thanh khoản cao trong một năm ít hơn
rất nhiều so với cổ phiếu có giá trị thấp. Nói một cách khác, bạn phải phân tích riêng từng
cổ phiếu để ước tính nó có thể biến động đến mức nào.
Một số nhà đầu tư thường sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật (technical analysis)
hoặc phân tích cơ bản (fundamental analysis) hoặc kết hợp cả hai để xác định những giới
hạn thích hợp cho lợi nhuận và thua lỗ. Một cách khác để bạn đặt ra những giới hạn cho
mình là mô hình hóa kế hoạch của bạn dựa trên việc thực hiện các mốc chuẩn đã đặt ra
như chỉ số hoặc thậm chí dựa trên thành quả trước đây trong danh mục đầu tư của mình.
Một yếu tố khác mà bạn phải tính đến khi đặt kế hoạch lãi/lỗ là mức độ rủi ro cho phép
dựa trên các yếu tố như cá tính của bạn, khung thời gian và nguồn vốn của mình. Điển
hình là những người quan tâm tới rủi ro thường có những giới hạn chặt chẽ hơn những
người không bận tâm tới rủi ro. Những người thích rủi ro thường sẽ kiếm nhiều lợi nhuận
tới mức có thể từ việc cổ phiếu tăng giá, nhưng những nhà đầu tư bảo thủ hơn có thể bán
cổ phiếu sớm hơn thời điểm tăng giá để loại trừ rủi ro thua lỗ, điều có thể xảy ra khi cổ
phiếu rớt giá nhanh chóng. Nếu bạn muốn tránh xa rủi ro, thì một kế hoạch lãi/lỗ với 10%
có thể là không phù hợp hoặc thậm chí là không thực tế đối với bạn. Mặt khác, nếu bạn
sẵn sàng chấp nhận thêm rủi ro cùng với lợi nhuận tiềm năng thì 10% của kế hoạch lãi/lỗ
có thể là thích hợp với bạn hơn.
Triển khai kế hoạch lãi/lỗ của mình
Ngay khi bạn quyết định con số lãi/lỗ, dù bạn là người bảo thủ hay là người năng động
thì bạn cũng đưa kế hoạch đó vào hành động với càng ít cản trở càng tốt. Hãy nhớ rằng,
kế hoạch này có hai yêu cầu: bạn phải bán cổ phiếu (1) nếu nó giảm xuống tới mức độ
nào đó và (2) nếu nó tăng tới một mức nhất định.
Ngày nay, các nhà môi giới chứng khoán sẽ không để cho bạn đặt hai lệnh bán khác nhau
cho cùng một loại cổ phiếu, vì vậy bạn phải xác định cổ phiếu nào bạn ưu tiên bán ra
trước. Khôn hơn hết là bạn nên đặt lệnh cho các cổ phiếu để ngăn chặn trước khả năng
sụt giá: rất nhiều nhà đầu tư khôn ngoan sử dụng lệnh cắt lỗ nhằm hướng dẫn nhà môi
giới chứng khoán bán hay mua một cổ phiếu ngay khi nó đạt tới mức giá nhất định. Việc
cắt lỗ đảm bảo rằng bạn sẽ không bị nhấn chìm trong thị trường xuống giá, đặc biệt là
không phải lúc nào bạn cũng theo dõi được tất cả các phiên giao dịch. Khi bạn đặt lệnh
với nhà môi giới chứng khoán của mình, hãy đưa ra mức giá mà bạn cho rằng tỷ lệ phần
trăm thua lỗ là tối đa và sau đó hãy ngồi và chờ kết quả. Nếu giá khớp lệnh ở trần trên so
với dự kiến của bạn thì bạn chỉ cần thay đổi giá cho lệnh cắt lỗ và bán ngay cổ phiếu của
mình.
Giữ đúng kỷ luật
Khi đã có bản chiến lược lãi/lỗ trong tay thì bạn phải nhớ rằng toàn bộ ý tưởng của kế
hoạch là để thiết lập những phương châm chỉ đạo nghiêm ngặt nhằm quyết định khi nào
cần bán cổ phiếu. Chắc chắn rằng, bạn sẽ cảm thấy đau lòng khi thấy cổ phiếu vẫn tiếp
tục tăng giá khi bạn bán ra, nhưng thường thì bán một cổ phiếu đang lên giá tốt hơn là đợi
cho đến lúc phải bán hạ giá khi giá của nó đang sụp xuống sau khi đã đạt tới giá đỉnh
điểm. Chính Joseph P. Kennedy đã từng nói “chỉ có một thằng ngốc mới giữ lại cổ phiếu
ở mức giá cao nhất”.
Kết luận
Hãy nhớ rằng những con số ví dụ của chúng tôi là sự suy rộng. Và để đặt một kế hoạch
bạn cần phải có sự nghiên cứu tỉ mỉ, phân tích, tự đánh giá và có cái nhìn thực tế. Còn
việc đặt một giới hạn lợi nhuận ở mức 100% (gấp đôi số vốn của bạn) không có ý nghĩa
gì nếu bạn đầu tư vào các công ty có mức độ rủi ro thấp với tốc độ tăng trưởng đều mỗi
năm là 15%.
Dưới đây là một vài điểm đáng nhớ:
- Một cổ phiếu giảm 50% có nghĩa là bạn sẽ cần gấp đôi số tiền để lấy lại vốn. Kiểm soát
thua lỗ là chìa khóa cho chiến lược đầu tư hiệu quả.
- Mắc phải sai lầm là bản chất của con người. Một khi bạn nhận ra điều này, bạn sẽ thấy
dễ dàng hơn.
- Mua cổ phiếu và giữ nó trong một thời gian dài không có nghĩa là bạn sẽ kiếm được
tiền. Một chiến lược mua và giữ sẽ chỉ hiệu quả khi bạn chọn được những công ty phù
hợp.
Và điểm quan trọng nhất trong việc đặt ra kế hoạch lãi/lỗ là hãy bám sát vào nó!