Doanh nghiệp và những thông tin xã hội học
Trong kinh doanh, nhiều chủ doanh nghiệp thường chưa coi trọng những thông
tin xã hội học. Đây là một suy nghĩ thật sai lầm, bởi chính những thông tin này sẽ
quyết định thị trường mà doanh nghiệp cần mở rộng. Một trong những yếu tố thành
công của kế hoạch phát triển và chiếm lĩnh các thị trường mục tiêu rộng lớn là nắm
thật chắc các thông tin xã hội học để từ đó đề ra được những sách lược kinh doanh phù
hợp.
Khi muốn đặt doanh nghiệp ở một thị trường nhất định, bạn phải xác định được
các thông số cơ bản sau đây về nhân khẩu học, bao gồm: độ tuổi, giới tính, mức thu
nhập, nghề nghiệp, quốc tịch, trình độ học vấn, dân tộc tín ngưỡng và tình trạng hiện
tại về cuộc sống gia đình của người tiêu dùng trên thị trường. Các thông tin này có thể
thu thập được từng phần qua các kênh khác nhau từ tạp chí xã hội học, tạp chí thống
kê đến các số liệu thống kê trong các đề tài nghiên cứu của các trung tâm xã hội ở các
trường đại học và các học viện.
Một số nước trong đó có Mỹ, hàng năm cho xuất bản các cuốn tài liệu dày hàng
nghìn trang chuyên khảo, cung cấp những số liệu nhân khẩu học của Mỹ phục vụ cho
các tập đoàn kinh tế lớn. Chẳng hạn, hãng Ford, GE rất ưa chuộng các tài liệu về xã
hội học như: F.Ditor and Publisher Market Guide hay Metre Insights… Những cuốn
tài liệu này cung cấp các thông tin về lợi nhuận và dự báo kinh tế của 100 khu đô thị
lớn của Mỹ. Thông thường, các doanh nghiệp cần những thông tin xã hội sau:
• Dân số trong vùng
• Tỷ lệ phần trăm dân số sống ở các trung tâm công nghiệp, ở nông thôn hay ở
thành phố.
• Số người có việc làm trong khu vực sản xuất, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ
chuyên môn, trong cơ quan chính phủ và người tự phục vụ.
• Nhu cầu thị hiếu của các nhóm dân cư từng vùng.
• Giá trị tài sản trung bình của mỗi hộ gia đình.
• Tuổi trung bình của mỗi hộ gia đình.
• Tuổi trung bình của người dân trong vùng và tỷ lệ phần trăm dân chúng theo
các độ tuổi.
• Số người đã học hết phổ thông cơ sở.
• Số người đã học hết phổ thông trung học.
• Số người có bằng chuyên nghiệp
• Số người có bằng đại học
• Thu nhập có thể sử dụng để mua sắm trong khu vực đó. Con số này tương
đương với thu nhập sau khi nộp thuế hay mức độ giàu có.
• Chỉ số về sức mua, sự biến đổi thu nhập có thể sử dụng để mua sắm.
• Số liệu về phần thu nhập có thể sử dụng để mua sắm hộ gia đình loại trung
bình.
• Tỷ lệ phần trăm các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình, thu nhập cao.
• Tổng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp khác nhau gồm các cửa
hàng thực phẩm, các nhà hàng ăn uống, các cửa hàng bán lẻ, các hiệu thuốc…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải quan tâm tới các yếu tố địa lý, tâm lý và
các yếu tố lợi ích của khách hàng. Bạn tham gia kinh doanh không phải chỉ để bán các
sản phẩm và dịch vụ, mà còn phải làm cho khách hàng thoả mãn, vì thế bạn phải nắm
bắt được thị hiếu của khách hàng thuộc thị trường mục tiêu của mình. Vẻ đẹp của thị
trường chính là ở tính đa dạng, phong phú của người tiêu dùng. Thay vì một thị trường
đồng nhất, chúng ta sẽ có hàng nghìn khu vực, tồn tại vô số những thị trường khác
nhau bởi sự khác biệt ngày càng tăng của mỗi một khách hàng, bởi nhu cầu của con
người luôn thay đổi dưới sự tác động của những giá trị văn hóa và công nghệ hiện đại.
Chính những sự khác nhau này đã giải thích lý do tại sao cơ hội cho các doanh nghiệp
mới lại xuất hiện ngày càng nhiều.
Một doanh nghiệp mới khởi sự bao giờ cũng phải biết tung sản phẩm của mình
vào một hoặc vài khu vực dân cư, nơi khách hàng đang tìm kiếm một doanh nghiệp,
hay nói cách khác, nơi có một số lượng lớn khách hàng đang muốn mua sản phẩm,
hàng hoá của doanh nghiệp đó. Việc phân tích, lựa chọn thị trường sẽ giúp doanh
nghiệp có khả năng soạn ra được một bản sơ yếu về khách hàng, trong đó miêu tả
những tính chất đặc biệt của thị trường mục tiêu mà họ đang hướng tới. Chính những
thông tin xã hội học chi tiết sẽ giúp doanh nghiệp hoạch định những chiến lược
marketing khôn ngoan, giúp đưa ra những dự báo, phán đoán hay những quyết định
đầu tư sáng suốt.