Kỹ năng quản lí thời gian cho
học sinh trung học
(HieuHoc):
Chắc rằng đã hơn 1 lần bạn ước rằng: “Ước chi một ngày có hơn 24 h” hay
“Ước chi không phải ngủ”. Bạn đang thiếu thốn thời gian? Bạn vẫn không
thể hoàn thành các bài tập đúng hạn? Đó là vấn đề không chỉ của riêng bạn.
Không ít học sinh trung học cũng gặp vấn đề tương tự.
Oái oăm hơn nữa, có thể bạn đang ở giai đoạn cuối cấp với khối lượng bài
vở chồng chất trên trường, lại phải “chạy sô” đi học ôn thi tốt nghiệp, đại
học và cả bổ túc thêm ngoại ngữ, vi tính nữa chứ. Sắp xếp thời gian làm sao
để vừa có thể học, vừa có thể nghỉ ngơi, thư giãn để không bị “quá tải” thật
là vấn đề nan giải đối với không ít bạn.
Và đây, Hiếu Học lại chia sẻ với các bạn một số bí quyết có thể giúp bạn
quản lí thời gian và sắp xếp việc học tập, sinh hoạt hợp lí hơn.
1. Hãy lập danh sách những việc cần làm trong ngày
Đặt những việc quan trọng lên hàng đầu và làm trước. Để dễ dàng hơn, bạn
có thể sử dụng một danh sách để theo dõi tất cả những việc cần hoàn tất. Và
cũng đừng quên tự thưởng cho chính mình mỗi khi hoàn thành xong một
công việc (có thể là 1 ly café hay sữa chua, 1 bài hát sôi động hay 1 lời tự
khen – cũng xứng đáng lắm chứ!)
2. Không để những khoảng thời gian chết
Chẳng hạn bạn có thể nghe những sách nói, những đoạn ghi âm mà bạn tự
đọc về các bài học chứa trong chú “dế” yêu hay chiếc máy nghe nhạc khi đi
xe buýt đến trường. Thay vì xem những bộ phim nước ngoài có lồng tiếng
Việt thì bạn hãy kiếm những phim chỉ có tiếng gốc hay có phụ đề đi kèm –
như vậy bạn sẽ vừa giải trí vừ luyện được khả năng nghe, đọc và hiểu ngoại
ngữ rồi.
Bạn cũng đừng phí thời gian lo lắng những chuyện không đâu. Bạn đã từng
bỏ phí cả một buổi tối chỉ để lo lắng về một việc mình chưa làm được - như
thế có đáng không? Thay vì trách móc bản thân cũng như chần chừ, do dự;
hãy bắt tay vào làm việc đó ngay đi. Như vậy là bạn đã tiết kiệm được rất
nhiều thời gian rồi đấy.
3. Biết cách nói "không" trước những điều không cần thiết
Những người bạn đang có một kế hoạch đi chơi xa hay những bộ phim hấp
dẫn đang chiếu ngoài rạp rất có thể khiến bạn rời khỏi bàn học. Lúc này, bạn
hãy nghĩ đến những mục tiêu dài hạn mà bạn đã vạch ra. Và cộng thêm nữa
là một khả năng biết nói ‘không” đúng lúc.
4. Định thời điểm học thích hợp với từng môn
Bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu bạn biết khi nào bạn có thể làm tốt nhất.
Ví dụ nếu đầu óc bạn linh hoạt trong tính toán vào buổi sáng thì đừng để bài
tập toán đến tối bạn nhé. Hãy dành những thời điểm đầu óc bạn hưng phấn
nhất để học những môn “xương xẩu” nhất, sẽ đem lại hiệu quả cao lắm đó.
5. Nên “Văn ôn võ luyện” thường xuyên
Đừng quá chủ quan về những gì mình đã hiểu. Nếu bạn không xem lại
những điều đã hiểu đó thường xuyên thì rồi bạn cũng sẽ thành quên hết thôi.
Hãy chủ động ôn tập lại những điều đã học để có thể nắm kiến thức cũ chắc
hơn và cũng sẽ không tốn thời gian để tiếp thu kiến thức mới.
6. Hãy ngủ thật ngon giấc
Đừng cố thức khuya để làm xong việc gì đó. Thiếu ngủ thường xuyên chỉ
khiến bạn thêm mệt mỏi, suy giảm đầu óc và tất nhiên là học hành, làm việc
kém hiệu quả.
7. Gửi thời gian biểu của bạn cho mọi người cùng biết
Nếu những cú điện thoại cứ làm phiền bạn. Hãy nói với bạn bè là bạn chỉ có
thể nhận điện thoại từ 7 đến 8 giờ tối. Điều này nghe có vẻ nhỏ nhặt nhưng
lại rất có ích đấy.
8. Biết đặt mục tiêu vừa sức
Lập nên những mục tiêu không thực tế cỡ như thông thạo tiếng Anh trong
vòng 2 tháng, nâng điểm tổng kết từ 6,5 lên 8,0…chỉ khiến bạn tự chuốc lấy
thất bại mà thôi. Đặt những mục tiêu lớn cho bản thân là rất tốt nhưng không
nên quá xa vời. Bạn nên đặt ra những mục tiêu khó nhưng có khả năng làm
được và có thể chia nhỏ ra làm nhiều bước để thực hiện từng bước một.
Những bí quyết này mang tính chất tham khảo chứ không hề đúng tuyệt đối.
Vì vậy, bạn có thể thay đổi cho phù hợp với thói quen của bạn. Nếu bạn biết
đặt những ưu tiên hợp với bạn, cơ hội để hoàn tất những ưu tiên đó là rất
lớn. Chúc bạn luôn gặt hái những thành công trong tương lai.